Ca gác đêm đầu đời lính

Nhìn những gương mặt sáng ngời của những thanh niên nhập ngũ những ngày qua tôi chợt nhớ lại ngày mình nhập ngũ. Từ gia đình - nơi được mẹ và người thân nâng niu chiều chuộng - đến cuộc đời lính quy củ, vất vả là một sự trưởng thành vượt bậc, chỉ những người đã trải qua mới thấu hiểu, nhất là những người ở thế hệ cha anh rời ghế nhà trường hay buông tay cày, cầm súng ra thẳng chiến trường.
265740318-10220775712325031-5648215240732942349-n-1640333454.jpg
Tác giả chụp trước chiếc máy bay Su-27SK tại căn cứ không quân Phù Cát năm 2016

Ngày ấy, đất nước hai đầu thọ địch, bạn bè cùng trang lứa của tôi cũng nhập ngũ, vừa huấn luyện xong, ra thẳng chiến trường K hoặc lên chốt biên giới phía Bắc, nhiều người hy sinh hay bị thương ngay trong những tháng đầu tiên đời lính chứ không lãng mạn, tặng hoa tươi ngày nhập ngũ như các bạn trẻ bây giờ. Tôi được tuyển vào thẳng vào trường sỹ quan nên nhập ngũ ở Hà Nội.

Thằng học trò quê ngu ngơ đủ thứ, gọi là nhập ngũ nhưng được bố đưa đến tận đơn vị, lại được tạm lưu ở Trạm 45 (đối diện tháp nước Trung Tự - đã bị đập bỏ gần đây) cả tháng để gom đủ quân nên tha hồ đi chơi cho biết phố xá Thủ đô, cũng “sáng mắt ra” nhiều điều. Quán cháo quẩy trong cửa hàng Mậu dịch quốc doanh Kim Liên là địa chỉ yêu thích của bọn tôi. Mọi người gọi bọn tôi là “lính cậu” vì sướng quá, là lính mới nhưng lại chịu sự quản lý của Phòng Cán bộ Quân chủng Không quân. Một số người lựa chọn về học Đại học Quân y thì về trường của họ, còn chúng tôi thích không quân nên quyết bám trụ để học Cao đẳng Không quân.

Sau một tháng “ăn chơi nhảy múa” chúng tôi được biên chế thành Đại đội 3, rồi được đi “thực tập chiến sỹ” nghĩa là đi tập làm lính trước khi về làm học viên để học thành sỹ quan. Thực ra, trường Sỹ quan Tham mưu Không quân chưa chuẩn bị xong cơ sở vật chất, chưa gom đủ học viên, nên chúng tôi tạm được bố trí đi kỳ thực tập bất đắc dĩ ấy. Mấy chục thanh niên được đưa bằng xe tải thẳng về e921 lúc ấy gọi là Trung đoàn Không quân Sao Đỏ ở khu E căn cứ sân bay Đa Phúc (Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc, người đã từng 9 lần bắn rơi máy bay Mỹ, được Bác Hồ tặng huy hiệu, là trung đoàn trưởng, sau này ông lên sư đoàn trưởng rồi phó tư lệnh Quân chủng Không quân,…).

Tôi về Phi đội 2, chẳng nhớ ai là Phi đội trưởng nữa, chỉ nhớ anh Đại úy Biển là Chính trị viên. Ngay buổi đầu tiên, thậm chí chưa được học về súng, chưa biết doanh trại nhà cửa thế nào chúng tôi đã được phân gác đêm tăng cường (lúc ấy là tháng 10/1978, khi đó vấn đề người Hoa đang ầm ỹ, chiến sự ở biên giới Tây Nam đã rất căng nhưng sau này chúng tôi mới biết). Cấp trên bảo đúng một câu:

- Các cậu ăn được thì gác được!

Thế là chúng tôi phải tự dò tìm người gác sau ngủ ở giường nào, quay đầu hướng nào, đến giường ấy đi như thế nào (đếm số bước chân và định hướng). Nhưng đến ca gác của mình tôi mới thực sự thấm thía về sự ngô nghê của thằng “lính cậu” ngay sau khi nhận 1 khẩu súng nặng như cái cùm đã lắp đạn + 1 băng đạn thật dự phòng + 1 cái đồng hồ báo thức và một quyển sổ gác vào lúc 2 giờ sáng. Đe doạ đầu tiên là trời tối đến mức giơ tay ra trước cũng không nhìn thấy chính tay mình, vì đơn vị đang ở trạng thái báo động sẵn sàng chiến đấu nên không được bật sáng bất cứ ngọn đèn nào. Hơn nữa, đầu mùa đông, trên núi sương xuống dày đặc quánh. Nỗi đe doạ thứ hai là rét đến kinh hồn vì chúng tôi chưa có áo rét, chỉ có cái áo sợi mang từ nhà chẳng thấm tháp gì với cái rét dưới 10 độ C ở gần núi, tôi cứ run cầm cập trong gió hun hút thổi từ núi xuống, mà cái súng thì lạnh toát. Nỗi hãi hùng thứ ba là muỗi, trời ạ, không biết ở đâu mà muỗi to, nhiều đến thế, cứ chỗ nào hở (mặt, tay, bàn chân) là nó tấn công ác liệt. Ở đây, bộ đội thì gầy, chỉ có muỗi và phi công là béo tròn thôi. Thỉnh thoảng lại có tiếng sột soạt làm tôi giật bắn người, nhưng rồi thằng lính cậu cũng tĩnh tâm lại khi nghe tiếng chít chít, hóa ra là bọn chuột núi đuổi nhau tự tình. Có lẽ gã chuột đực đòi tòn ten, mụ chuột cái đang làm màu, vừa chạy vừa nghĩ mình chạy thế có nhanh quá không? Tôi đã sợ đến mức suýt tè ra quần khi nghe tiếng còi báo động, các anh lính thợ vùng dậy khỏi chăn (đa số vẫn mặc nguyên quần áo công tác cho tiện, ấm và nhanh) lao ra xe tải phóng đi.

Sau này tôi mới biết đó là họ ra Gò Trai đưa máy bay sơ tán, vì khoảng 1 tiếng sau mọi người lại được xe chở về. Trước lúc ấy tôi cũng đã gọi thằng Hùng là đứa gác ca sau rồi, nó cứ xin mình gác cùng nó đến hết ca. Tôi “từng trải” hơn nó mấy chục phút nên có quyền giảng giải, hướng dẫn tận tình rất là... đàn anh, lính cựu. Chẳng hiểu có phải vì căng thẳng quá hay không mà tôi không hề buồn ngủ nữa. Những ngày sau chúng tôi đã đầy kinh nghiệm từ việc chống muỗi đến chống rét, từ việc “giết thời gian” đến việc chọn chỗ đứng, cách giữ súng đạn. Thời gian ấy, ngoài nhiệm vụ gác, đêm nào chúng tôi cũng phải đi cùng xe đưa máy bay từ Gò Trai ra sân bay hoặc ngược lại, nhiều khi vừa kéo máy bay từ sân bay về hầm chứa, lại có lệnh đưa máy bay trở lại sân bay nạp dầu; lắp bom, rốc-két (tên lửa đối đất không điều khiển), tên lửa đối không. Lần đầu được sờ tận tay vào quả bom, quả tên lửa cũng thấy tự hào vì mình là một phần trong công cuộc bảo vệ Đất nước.

Nhớ ngày đó, mấy bác lái xe chỉ chở người, khi không kéo máy bay thì phóng kinh khủng lắm, bọn tôi khoái mỗi khi người dúi dụi vào nhau ở các cua vòng nhưng cũng sợ xanh mặt. Thế mà vừa về lại đến doanh trại thì chỉ vài phút sau đã lại ngon giấc, ngáy khò khò rồi. Nhớ cái thời lính trẻ trung ấy thế.

 

Theo Chuyện Làng quê