Cách hiểu bài thơ “Bảo kính cảnh giới” số 43 của Nguyễn Trãi

Nguyễn Duy Dương -THPT Ngô Quyền – Nam Định

20/09/2023 22:37

Theo dõi trên

Bài thơ “Bảo kính cảnh giới” số 43 nằm trong chùm Bảo kính cảnh giới gồm 61 bài ở tập thơ “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi đã được chọn đưa vào sách giáo khoa văn học lớp 10 THPT (tập I) từ nhiều năm nay; Sách Giáo khoa miền Bắc (bộ 1) lấy đúng tên gọi của bài thơ theo chùm mà Nguyễn Trãi đã đặt, còn sách giáo khoa miền Nam (bộ 2) thì người biên soạn đặt tên là: “Cảnh tình ngày hè”. Tuy cách đặt tên có khác nhau, song cả hai bộ sách đều hướng học sinh đến cách hiểu: Trước cảnh mùa hè đẹp đẽ, âm thanh cuộc sống rộn rã, Nguyễn Trãi muốn ca lên khúc ca thái bình thịnh trị.v.v. 

bao-kinh-canh-gioi-1695224183.jfif
 

Đến khi thay đổi SGK mới (Ngữ văn 10 – NXB GD. H2006) vẫn lựa chọn bài thơ đầy cảm xúc này của Nguyễn Trãi; nhưng tên bài thơ được đặt theo cách hiểu hình tượng:“Cảnh ngày hè”. Những người biên soạn đã hướng dẫn cho giáo viên giúp học sinh học bài này (xin trích) như sau: “Thiên nhiên qua cảm nhận của nhà thơ trở thành một bức tranh ngày hè thật sống động có sự hài hoà giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, con người và cảnh vật  (!?). Thật hiếm hoi khi thấy Nguyễn Trãi có được những phút giây thanh thản. đây c Trai đã tự dành cho mình quyền “Rồi hóng mát thủa ngày trường” bởi niềm ước mơ, bởi mục đích lớn nhất của đời ông đã được thực hiện: dân ấm no hạnh phúc. Nguyễn Trãi ước có được chiếc đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong ca ngợi cảnh “dân giàu đủ khắp đòi phương”. (Sách giáo viên Ngữ văn 10 – NXB GD. H.2006). Năm 2018, bộ sách Cánh Diều – do NXB Đại học Huế lựa chọn vào chương trình Ngữ văn 10, tập 2 trang 18 và đặt tên là “Gương báu khuyên răn” . (Xin chưa đưa ra lời bình về cách khai thác của nhóm giả bộ sách này)

Vậy cần hiểu bài thơ "Bảo kính cảnh giới số 43" như thế nào cho đúng, cho phù hợp với tâm tư của tác giả"? Qua bức tranh mùa hè, Nguyễn Trãi đã bày tỏ tâm sự của mình như thế nào; chúng ta nên xem xét hoàn cảnh sáng tác bài thơ này để có một cái nhìn toàn diện về một con người suốt đời vì dân, vì nước.

Trước hết, cũng nên có chung nhận định: bài thơ này được viết khi Nguyễn Trãi đã cáo quan về Côn Sơn, vui với thú “cày nhàn câu vắng” làm bạn với chim muông, cỏ cây hoa lá; coi hài cỏ, áo bô là trang phục của mình, lánh xa chốn quan trường đầy rẫy hiểm nguy. Là bậc công thần số 1 trong kháng chiến chống Minh, từng dâng Lên Lợi cuốn Bình Ngô sách (kế sách giết giặc Ngô), từng được ngồi ngay tầng 2 dưới dinh Bồ Đề của Lê Lợi để sẵn sàng soạn thảo các văn bản trao đổi với tướng giặc theo yêu cầu của Lê Lợi; nhưng sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Nguyễn Trãi không được trọng dụng đúng với tài năng và công lao mà ông đã làm được trong kháng chiến. Đầu năm 1428 ông được phong tước Quan Phục hầu, nhưng đến cuối năm 1428 ông và Thái bảo Phạm Văn Xảo, Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn còn bị nghi ngờ có liên hệ với cuộc nổi loạn của Đèo Cát Hãn và Bế Khắc Thiệu. Hai người kia (Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn) sau đó bị giết; Nguyễn Trãi bị bắt giam một thời gian sau mới được tha (Theo Trúc Khê Ngô Văn Triện – Nguyễn Trãi người anh hùng dân tộc – Hà Nội 1953 – trang 96-118). Về điều này (việc Nguyễn Trãi bị bắt giam) sau khi được Lê Thái Tông cử giữ chức Giám nghị đại phu kiêm Tri tam quán sự, Nguyễn Trãi từng viết trong biểu tạ ơn: “Nếu không được tiên đế xét soi tinh vi, chắc tiểu thần đã ngậm oan dưới đất” (c Trai tập, tập thượng trang 414. Sài Gòn 1972). Mặc dù bị giáng chức nhưng ông vẫn hăm hở dốc hết tài năng sức lực của mình để xây dựng một nhà nước phong kiến bền vững thịnh trị. Tuy nhiên Nguyễn Trãi lại bị quyền thần ganh ghét dèm pha, đành đau đớn thốt lên: “Đã biết cửa quyền chăng hiểm hóc/ cho hay đường lợi cực quanh co”. (Ngôn chí 19). Thêm nữa chính sự những năm dưới triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông còn nhiều những rối ren, nhiều quan lại tham nhũng; tìm cách hại lẫn nhau để tìm đường tiến thân. Không thể thi thố tài năng giữa chốn quan trường Nguyễn Trãi đành bất đắc chí trở về Côn Sơn mà trong lòng mang bao niềm trắc ẩn. Từ nỗi niềm riêng ấy bài thơ “Bảo kính cảnh giới” ra đời, mang bao tâm sự của thi nhân. Câu thơ mở đầu vang lên mang bao chát đắng :“Rồi hóng mát thủa ngày trường”. Đây là câu thơ trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng lại chỉ có 6 chữ là sự phá lệ. Sự phá lệ này dường như đã chất chứa bao nỗi niềm cay đắng. Lúc rỗi rãi ngồi hóng mát là lẽ thường, song cụm từ “thủa ngày trường” – thủa ngày dài mới ẩn chứa trạng thái tâm lý của thi nhân, người ta chỉ cảm thấy thời gian trôi đi chậm chạp khi trong lòng mang nỗi sầu muộn mênh mang. Thời gian vật chất ở đây đã trở thành thời gian tâm trạng: Thời gian của nỗi buồn, của sự thừa thãi không đáng có. Một người ưa hành động như ông mà phải sóng trong cảnh ẩn giật: cày nhàn, câu vắng là điều khó có thể chấp nhận. Vì thế câu thơ mở đầu tưởng chừng như đơn giản mà chất chứa một nỗi buồn day dứt. Với tâm trạng buồn chán ấy, Nguyễn Trãi tìm đến với thiên nhiên; lấy thiên nhiên làm cứu cánh để vơi bớt nỗi buồn, để nương tựa và tìm cho mình một “gương báu”. và gương báu ấy đã hiện ra trước mắt ông:

“Hoè lục đùn đùn tán rợp giương”

Trước mắt thi nhân, những tán hoè như đang sống động, đang cựa quậy, đang vươn tới qua từ láy “đùn đùn”. Hình ảnh cây hoè vươn cành rộng lớn, toả bóng mát xuống sân nhà trong một mùa hè nắng nôi oi ả, thật đẹp đẽ biết bao. Chính hình ảnh này đã giúp cho Nguyễn Trãi tìm thấy một gương báu cho mình: loài cây bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên của nắng hè để vươn lên, khẳng định sức sống mãnh liệt của nó – còn bản thân ông đã làm điều đó hay chưa!? Nhìn hoè, hoè nhắc; thi nhân tìm về phía hiên nhà - nơi khóm thạch lựu đang trổ hoa:

“Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Mùa hè sắp qua, vậy mà những bông lựu bẫn còn thách thức với thời gian vẫn “phun” ra sắc đỏ – vẫn vươn tới thách thức bước chuyển của thời gian. Đó cũng là một “phẩm chất” của loài cây để c Trai tự răn mình, soi mình trong tấm gương báu đó.

Xa hơn là ao sen:

“Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”

Mùi thơm của loài sen đã gợi nhắc cho ông phẩm chất cao quý của nó Từ bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Ba hình ảnh của thiên nhiên đều là ba tấm gương báu để Nguyễn Trãi soi mình trong đó. Các loài cây, dù vô tri vô giác vẫn sẵn sàng vượt lên trên hoàn cảnh để tự khẳng định sức sống mãnh liệt của mình, điều đó đáng để ông học tập và rèn luyện ý chí.

Nguyễn Trãi buồn, chán ghét cảnh quan trường; ông từng coi cuộc đời là giấc mộng “Cuộc đời như một giấc mơ/ Tỉnh ra muôn sự thành hư ảo rồi”; ông đành “Lánh đục về trong”, mượn “Cò nằm hạc lẩn nên bầu bạn”, lấy thú vui bên “Tùng, Cúc, Trúc, Mai”, tìm Lâm Bô làm bạn; vậy mà âm thanh cuộc sống đời thường cứ tha thiết trong thẳm sâu tâm hồn “Náu về quê cũ bấy nhiêu xuân/ Lẳng thẳng chưa lìa lưới trần” (Bài 33 – QATT). Chính bản chất ưa hành động đã thôi thúc Nguyễn Trãi, khiến cho thính giác ông vẫn còn nghe thấy: 

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Vắng vẻ cầm ve lầu tịch dương

Nguyễn Trãi buồn, lui về ở ẩn lánh đời thoát tục; nhưng ở ngoài kia, cuộc sống vẫn hối hả trôi đi, người dân quê vẫn vui với hoàn cảnh dù thiếu thốn khó khăn. Đó chẳng phải là tấm gương báu cho ông biết chấp nhận hoàn cảnh hay sao?

Hai câu cuối của bài thơ, Nguyễn Trãi tìm về với một thời xa xưa:

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương”

Tại sao Nguyễn Trãi lại mơ ước như vây? Tại sao ông lại hướng về một xã hội chỉ còn tồn tại trong truyền thuyết Trung Hoa? Phải chăng “Thời đại hoàng kim là thời đại đã qua” ?.(Gurêvich).

Lật giở những trang “Đại Việt sử ký toàn thư” (Tập II – NXB VHTT. H.2000) ta mới thấy điều c Trai mơ ước là hợp lý. Ta hãy xem sử chép về việc đại thần gièm pha giết hại lẫn nhau “Bấy giờ Lê Sát đã giết Lê Nhân Chú (Lê Nhân Chú là Tư không - đại thần triều Thái Tổ Lê Lợi – Tg), ngờ Khắc Phục oán mình, tâu xin đoạt lại quyền hành của Phục, cho coi việc hình ngục. Khắc Phục là em cùng mẹ với Nhân Chú” (485 – sdd). Hạn hán xảy ra liên miên vì vậy ngày 16/5/1434 trong một dịp tranh luận về từ ngữ trong tờ biểu mà Nguyễn Trãi soạn, ông từng mắng bọn Nguyễn Thúc Huệ, Lê Cảnh Xước rằng “Bọn các người là hạng bề tôi vơ vét, nạn hạn hán này là do các người gây nên cả” (491 – sdd). Nạn trộm cướp trong nước hoành hành đến mức ngày 18/5/1434 phải có lệnh chỉ của nhà vua “Phải tuần tra canh giữ nghiêm ngặt lùng bắt trộm cướp” (trang 492 – sdd). Chính Nguyễn Trãi đã phải xin tha chết cho 7 thiếu niên can tội ăn trộm. Cũng trong sách này, tác giả đã ghi chép về vua Lê Thái Tông: “Vua hàng ngày vui đùa với bọn hầu cận ở trong cung, các đại thần muốn khuyên vua học, cùng nhau tâu lên (...)Vua sai Đinh Phúc trả lại tờ tâu không nhận” (trang 515 – sdd). Vua tôi như thế, cuộc sống nhân dân cực khổ vì hạn hán niên miên còn nói gì đến ngợi ca? Vì vậy hai câu thơ cuối có thể hiểu là Nguyễn Trãi đang khát khao có một triều đại như triều Nghiêu Thuấn trong truyền thuyết Trung Hoa để dân được hạnh phúc ấm no. Điều lạ là câu thơ cuối chỉ có 6 chữ - ngắn gọn mà vang lên như một lời nhắn nhủ: Hãy làm cho muôn dân đựơc ấm no, thịnh vượng!

Như vậy với “Bảo kính cảnh giới” số 43 Nguyễn Trãi đã tìm thấy cho mình và cho đời những “gương báu” từ thiên nhiên, từ cuộc đời để vững niềm tin; lấy lại ý chí cống hiến cho dân cho nước. Bài thơ khép lại mà người đọc vừa bùi ngùi, vừa phấn chấn. Bùi ngùi cho cảnh ngộ của một con người tài đức vẹn toàn “sáng tựa sao Khuê, như rong biển”. Phấn chấn vì trong cảnh ngộ đớn đau buồn tủi mà Nguyễn Trãi vẫn vượt lên trên tất cả, tìm cho mình lẽ sống lớn, niềm vui lớn: vì nước, vì dân. 

Qua những điều chúng tôi đã trình bày ở trên, không có lý do gì để đặt tên cho bài thơ là: “Cảnh mùa hè” theo cách hiểu đầy hình tượng mà không xét đến hoàn cảnh sáng tác. Hãy trả lại tên gọi “Bảo kính cảnh giới” mà Nguyễn Trãi đã đặt cho nó!

 

  Tháng Quý Hạ năm Bính Tuất

                                              Viết tại Lục Dã Đường Văn Miếu – Nam Định



 

Bạn đang đọc bài viết " Cách hiểu bài thơ “Bảo kính cảnh giới” số 43 của Nguyễn Trãi" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn