Cảm xúc bóng đá

Trần Minh

25/05/2022 10:23

Theo dõi trên
bong-da-viet-phi-3-1652029070.jpg
 

 

Yêu quý, tôn vinh họ, người ta có thể gán những mĩ từ đẹp nhất: Những "Chiến binh sao vàng"; những "Cô gái kim cương". Họ đúng là vàng, là kim cương, là thứ quý giá nhất trong lòng người hâm mộ lúc này.

Từ một trò chơi nghịch ngợm của tuổi thơ, đến một niềm yêu thích, một sự đam mê với trái bóng; rồi trở thành một nghề nghiệp. Có lẽ, trong số những nghề nghiệp trong xã hội này, không có một nghề nghiệp nào, mà tình yêu lại gắn chặt và song hành đến vậy. Nếu không có tình yêu, các em không thể vượt qua những vất vả, kiên trì trong tập luyện; nếu không có tình yêu các em không dám đặt cược tương lai của mình ở phía trước, bởi sự đào thải khắc nghiệt của nghề nghiệp đòi hỏi phải có tài năng, tố chất thực sự; nếu không có tình yêu các em sẽ không dám đối mặt với chấn thương sẽ đến bất cứ lúc nào; nếu không có tình yêu, các em không thể máu lửa, xả thân trong từng trận đấu... Đối với các cô gái đá bóng, thì sự hy sinh còn lớn hơn nhiều lần, trong đó có những định kiến xã hội đối với nghề nghiệp mà các em lựa chọn. Rồi những năm tháng sống xa nhà, tự lập. Tuổi dậy thì mộng mơ tươi đẹp, sự rung cảm đầu đời, tất cả phải nhường chỗ cho trái bóng tròn!

Có người nói, lương của cầu thủ cao quá, tiền thưởng, tiền lót tay nhiều quá. Không phải lương cầu thủ nào cũng cao như nhau, chỉ có những ngôi sao mới được nhận mức đãi ngộ như vậy. Nhưng nếu so sánh tuổi đời đá bóng với nghề nghiệp khác thì cũng thấy xứng đáng. Một vận động viên được đào tạo từ lúc mươi mười lăm tuổi, đến khi chính thức được lên đội một mới sống được bằng bóng đá, khi ấy đã mười tám đôi mươi. Họ chỉ có khoảng chục năm chơi bóng đỉnh cao, sau đó sẽ bị đào thải dần theo qui luật, đó là chưa kể tình huống không may bị chấn thương có thể chấm dứt sự nghiệp sớm hơn. Tuổi nghề ngắn ngủi như vậy, liệu có thể nói lương họ là cao?

Khi bóng đá nữ có thành tích, nhiều ý kiến cho rằng sự quan tâm của xã hội, nhất là tiền lương đối với cầu thủ nữ là không công bằng với các bạn nam. Điều đó là đúng, nhận thức rồi sẽ thay đổi khi bóng đá nữ tự khẳng định mình bằng thành quả họ đạt được. Chúng ta yêu và lo lắng cho họ, nhưng có lẽ, khi chọn nghiệp cầu thủ, họ không đặt nặng tiền bạc nhiều đến thế, với họ, được chơi bóng và được ghi nhận đã là một phần thưởng quá lớn, bởi tình yêu đâu có chỗ cho sự toan tính thiệt hơn nhiều đến vậy.

Bóng đá có sự lan tỏa và cộng hưởng. Cầu thủ thăng hoa nhờ cổ động viên và cổ động viên cũng thăng hoa, "lên đồng" bởi thành tích thi đấu của cầu thủ.

Có rất nhiều Hội cổ động viên mà thành phần đều "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Họ bỏ tiền, công sức, thời gian để đi theo đội bóng, cổ vũ đội bóng vô điều kiện. Nếu khi đội tuyển Việt Nam của chúng ta chiến thắng, đương nhiên, chúng ta đều có một cảm giác hạnh phúc, nâng nâng, niềm tự hào trào dâng. Đó là niềm tự hào về màu cờ sắc áo của Tổ quốc, nhưng khi đội tuyển thua, nếu bạn yêu bóng đá, hãy đừng quay lưng lại. Bóng đá có thắng, có thua, là người yêu bóng đá, trân trọng công sức của cầu thù, thì lúc thua, họ rất cần  được bạn an ủi, động viên, tiếp thêm sức mạnh.

Xin cảm ơn món quà chiến thắng của các cầu thủ, cảm ơn tình yêu của họ với bóng đá, cảm ơn các cổ động viên nhiệt thành đã làm nên một bữa tiệc bóng đá tràn đầy cảm xúc và khơi dậy được niềm tự hào, tình yêu Tổ quốc của người Việt Nam.

 

Chuyện làng quê

 

Bạn đang đọc bài viết "Cảm xúc bóng đá" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn