Gia Linh bắt đầu bước vào một cuộc sống mới ở trại giam Trang Bình.
Đó là một trại giam nằm trong một thung lũng khá rộng của một tỉnh giáp biên giới phía Bắc. Xung quanh trại giam, người ta dựng lên những hàng rào bằng những cây nứa. Bức tường nứa này rộng tới một mét, dày đặc. Bên trên có những hàng rào dây thép gai nhọn hoắt. Bốn góc "trại" là những vọng gác có cảnh sát canh giữ suốt hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ. Đã tới đây, tất thảy phạm nhân đều ý thức rằng, chỉ có cải tạo, cải tạo thật tốt mới mong sớm trở lại đời thường chứ đừng mong trốn trại. Chế độ nhà tù ở đây cũng khắc nghiệt, nhưng vẫn chịu đựng được. Phạm nhân không sợ thiếu thốn, vất vả mà họ sợ nhất là vấn đề thời tiết. Nơi đây có bốn mùa rõ rệt. Nhưng có lẽ hai mùa Hạ và Đông là rõ rệt nhất.
Mùa đông, cái rét như những mũi dùi chích vào da thịt. Cái lạnh thấu xương bởi nhiệt độ có lúc xuống tới 00c. Thậm chí có lúc hàn thử biểu chỉ dưới không độ. Ngược lại, mùa hạ nhiệt độ có lúc lên tới 400 – 410 C. Con người nhược lên, nóng hầm hập. Mùa đông, mặc bao nhiêu quần áo cũng không đủ ấm. Mùa hạ, trên người chỉ mặc độc một chiếc áo cũng nóng muốn nổ mỡ.
Tại đây, trại giam mở một khu sản xuất gạch xây dựng và một hệ thống lò nung vôi. Tất cả nam nữ tù nhân ở đây đều phải tham gia làm công việc đó. Trừ những ngày trời mưa, còn những ngày nắng dù nóng đến đổ mỡ thì tất cả đều phải đến khu lò gạch và lò vôi ở ven con sông cái để sản xuất. Công việc nặng nhọc nhưng được cái nó động chạm đến chân tay, đến hoạt động thân thể nên Gia Linh không cảm thấy vất vả, khó chịu. Cô hăng hái lao vào làm việc. Nơi nào khó khăn, cần sự giúp đỡ là Gia Linh có mặt. Sự vô tư của cô không những không được mọi người đón nhận mà còn làm cho một số phạm nhân căm ghét, nhất là những nữ tù nhân cùng cô. Họ không hiểu mà cho rằng, Gia Linh muốn thể hiện mình, muốn được các cán bộ quản giáo ở đây sủng ái. Không ít nữ tù nhân tỏ rõ lòng đố kỵ, sự ghen ghét. Nhưng không phải không có người thông cảm.
Một lần, nhóm tù nhân gồm những người tuổi độ trên dưới ba mươi nhân lúc giải lao đã quây lấy Gia Linh. Nữ phạm nhân có nước da ngăm đen, tên Lĩnh mức án 16 năm tù với hai tội "môi giới mại dâm" và "buôn bán phụ nữ qua biên giới" đến trước mặt Gia Linh. Không cần ý tứ gì hết, mụ chửi thề rất tục tĩu rồi dằn mặt:
- Này con đĩ! Đừng cậy trẻ, đừng cậy có chút nhan sắc mà chơi trội, mà lấy lòng cán bộ? Ở đây không cán bộ nào muốn "chơi" mày đâu. Coi chừng, tao đánh cho mày tiệt đường sinh nở đấy.
- Tôi làm gì chị mà …
- Câm mồm!
Nữ tù nhân tên Vinh khoảng gần ba mươi tuổi thấy chối tai, lên tiếng:
- Này chị. Người ta có làm gì chị đâu mà tự dưng…
- Việc của mày à? Con khốn? – Mụ Lĩnh lườm, nhổ một bãi nước bọt xuống trước mặt Vinh.
- Không phải việc của tôi, nhưng chị nói không nghe được... – Vinh cự lại.
- Không nghe được thì lấy tay bịt mẹ nó tai lại. Muốn gây sự, tao đập cả mày luôn.
Nghe thế, Vinh im bặt, đưa mắt nhìn mụ Lĩnh rồi lủi ra chỗ khác.
Rút kinh nghiệm từ những nơi giam giữ trước đây, Linh nghĩ, không dằn mặt không được, cô nhìn như thôi miên mụ Lĩnh, rít qua kẽ răng:
- Cứ động vào! Tao sẽ cho mày biết tao là ai. Con quỷ cái nhớ mặt tao nhá!
Vừa lúc, trung sỹ quản giáo Huy Tầm đi tới. Thấy mấy phạm nhân hục hặc với nhau, anh hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Gia Linh không nói gì. Còn mụ Lĩnh thì mồm năm miệng mười tơn hớt:
- Thưa cán bộ, con này mới đến nhưng coi thường mọi người. Chúng tôi mệt, làm chậm một tý là nó lên mặt.
Chẳng lạ gì mấy mụ tù nhân, trung sỹ Huy Tầm bảo:
- Thôi, dẹp chuyện ấy lại, ai vào việc nấy đi!
Mụ Lĩnh quay đi nhưng không quên quăng cho Gia Linh một cái nhìn mang tính răn đe. Gia Linh cũng không vừa, cô nhổ nước bọt đánh toẹt xuống trước mặt mụ kia, đôi mắt vằn lên sự căm thù.
Một chiều hạ oi nồng.
Công việc tại bãi làm gạch đang diễn ra khẩn trương. Mọi người đang thu gạch cho lên những chiếc xe cút kít để đưa vào lò, bỗng có tiếng kêu thất thanh từ bên kia sông:
- Cứu, cứu tôi với!
Các phạm nhân đang làm dừng cả lại. Nhìn sang bên kia sông, Gia Linh thấy ba thanh niên đang vừa kéo, vừa dun đẩy một cô gái về phía ngôi nhà bỏ hoang. Cô gái vừa vùng vẫy, vừa gào thét. Nhận định đây là sự việc không bình thường, Gia Linh cho rằng, dứt khoát đây là một vụ phạm tội. Không do dự, cô quay ngoắt người chạy ra phía bờ sông rồi lao xuống dòng nước và như một con rái cá hướng sang bờ bên kia.
Mụ Lĩnh nhìn thấy thế mừng lắm. Cho rằng, đây là thời cơ tốt nhất để mượn tay cán bộ trị cho con ranh một trận, nghĩ vậy, mụ cắm đầu chạy một mạch đến chỗ cán bộ quản giáo Huy Tầm, khi đó anh đang kiểm tra tốp phạm nhân đang xếp gạch mộc vào lò. Vừa thở, mụ vừa chỉ tay về phía sông:
- Báo cáo cán bộ, con phạm nhân mới đến vượt sông trốn rồi ạ.
- Cái gì? Đứa nào trốn?
- Dạ, cái con phạm nhân trẻ mới được chuyển tới đây đấy ạ.
Trung sỹ Huy Tầm giật bắn mình, anh ta tuột súng khỏi vai cầm ở tay, chạy ra phía bờ sông, lên đạn. Tiếng quy nát lách cách nghe rợn người. Những phạm nhân thấy vậy đứng nghển cổ dõi theo. Mấy người đánh liều chạy theo. Khi tới bờ sông, nhìn thấy Gia Linh đã bơi gần tới bờ bên kia, tức thì, anh quát lớn:
- Con kia! Quay lại! Quay lại không tao bắn!
Chẳng biết Gia Linh có nghe thấy tiếng quát đó không, nhưng cô vẫn mải miết bơi những mét cuối cùng. Ngay lúc đó, trung sỹ Huy Tầm dương súng lên trời, bóp cò. Một tiếng nổ khô khốc vang lên. Nhưng Gia Linh đã lên được bờ. Huy Tầm luống cuống ngồi xuống, dương súng về phía Gia Linh, bóp cò. Một tiếng nổ nữa vang lên. Thật may, viên đạn không găm trúng người nữ phạm nhân. Cô gái cứ vậy nhằm ngôi nhà hoang phía trước chạy tới.
Bờ bên này, một nữ phạm nhân đã có tuổi chạy tới giữ chặt nòng súng AK của trung sỹ Huy Tầm, miệng lắp bắp:
- Đừng bắn! cán bộ ơi, đừng bắn! – Huy Tầm nổi cáu
- A, con này. Cả mày nữa. Mày muốn gì?
- Thưa cán bộ. Tôi chỉ là một phạm nhân. Nhưng cán bộ đừng bắn. Cô ấy thấy bọn đàn ông bắt nạt cô gái nên sang đó giúp... thôi ạ...
Chẳng biết vì câu nói của nữ phạm nhân hay là cái gì, trung sỹ Huy Tầm khóa chốt an toàn lại, đi đi lại lại trên bờ sông vẻ bực bội xen chút lo lắng.
Quần áo ướt sũng, Gia Linh chạy thẳng tới ngôi nhà hoang. Tới cửa, nữ phạm nhân phát hiện một cô gái trần truồng, đang bị mấy thanh niên đè xuống nền nhà. Áo to, áo con của cô gái văng vãi. Cô gái giãy dụa, la hét, vùng vẫy nhưng bất lực bởi đang bị một tên giữ hai tay, một tên giữ và kéo dạng hai chân. Tên thứ ba đang hùng hục nằm trên bụng, cố thực hiện trò bỉ ổi.
Gia Linh sững người, không tin vào mắt mình. Nhưng sau giây phút bàng hoàng ấy, một tay chống nạnh, tay kia chỉ về phía lũ mặt người dạ thú, Gia Linh quát:
- Dừng lại! Mấy tên khốn!
Ba gã yêu râu xanh giật mình quay lại. Tên đang cầm chân cô gái buông tay, đứng dậy và nhảy bổ đến trước mặt Gia Linh, hất hàm:
- Con tù nhân. Mày định phá đám các bố mày hả? Cút ngay, nếu không…
- Nếu không thì sao? – Gia Linh hất hàm hỏi và tiến lại phía hắn.
- Thì bố mày sẽ giật tung quần áo của mày ra và mày sẽ cùng chung số phận với con này. – hắn chỉ vào cô gái nằm trần truồng dưới nền nhà - Hức, trông mày cũng thơm thịt đấy. Mày biết câu "…tù, cu hãm" không? Chắc mày cũng mót lắm rồi đấy. Yên tâm, tao sẽ chơi mày trước!
Nói xong, gã lao vào Gia Linh như một con hổ vồ mồi. Gia Linh né người, lùi lại lấy đà rồi nhảy lên cao. Như một tia chớp, hai chân Gia Linh đã quặp chặt vào cổ gã, quật mạnh xuống đất. Gã thanh niên ngã tự do như một cây chuối bị chặt gốc, đầu đập xuống nền nhà. Máu từ mang tai, từ miệng hắn tứa ra. Thằng đang nằm trên bụng cô gái vội buông con mồi, hùng hổ lao tới. Bất thần, Gia Linh chùng người, đá quét một đường. Hắn ngã sấp mặt xuống. Gia Linh nhảy lên dáng một cú nện gót cực mạnh lên lưng. Hắn "hự" lên một tiếng và quằn quại trên nền nhà. Tên còn lại thấy thế hoảng hốt bỏ chạy. Quyết không tha. Gia Linh đuổi theo. Và từ phía sau, Gia Linh tung một cú song phi cực mạnh vào mang tai, làm hắn ngã nhào xuống mép sông. Cô lao tới túm cổ áo tên khốn lên bồi thêm một cú đấm trời giáng vào mặt hắn. Bỏ mặc ba kẻ đồi trụy nhăn nhó ôm mặt, ôm bụng lăn lóc, Gia Linh quay vào ngôi nhà hoang. Lúc này, cô gái đã ngồi dậy. Cô vừa mặc lại quần áo vừa run rẩy khóc. Thấy ân nhân của mình tới, cô ôm chầm lấy chân Gia Linh. Gia Linh nhẹ nhàng:
- Em ở đâu? Sao lại tới đây với bọn chúng? Và bọn chúng là ai?
- Chị ơi, em là Hà. Em quen anh tên Lương qua "chát" hơn một tháng nay. Em thấy quý hắn. Hôm nay, hắn rủ em đi chơi. Sau khi đưa em vào một quán ăn uống xong, hắn bảo lên xe máy đi dạo. Em nghe theo. Đi được một đoạn thì em phát hiện có hai thằng nữa cũng đi xe máy bám theo. Tới đoạn đường rẽ xuống bờ sông, cả bọn dừng lại rủ em đi xuống đó ngồi hóng mát. Em lưỡng lự không muốn thì bị cả ba đẩy em vào đây rồi dở trò…
- Thôi được rồi. Đi ra đây với chị!
Gia Linh dắt cô gái rời ngôi nhà hoang đi ra bờ sông. Hai tên dâm đãng bị thương nhẹ đang chạy ra đầu quốc lộ và lên một chiếc xe máy định tẩu thoát. Tên bị đánh chảy máu đầu đang ngật ngưỡng chạy sau. Như một con báo săn mồi, Gia Linh ấn Hà ngồi xuống bờ sông rồi chạy vượt lên, đứng chắn trước mặt gã. Quá bất ngờ, gã chạy tạt xuống bờ đồng. Nhưng đã quá muộn, Gia Linh đã nhanh tay bẻ quặt hai tay gã về phía sau, dong ra bờ sông. Vừa lúc, mấy dân quân súng ống trong tay từ trên đường chạy xuống. Ngước mắt, cô thấy cả hai tên đi xe máy ban nãy đã bị trói. Cô chạy lại kéo Hà đi về phía mấy người, báo cáo nhanh toàn bộ sự việc rồi xin phép trở về bên kia sông. Vừa đi được mấy bước, Gia Linh nghe tiếng gọi:
- Ơ này! Cô gì ơi. Mời cô về trụ sở công an để làm việc đã.
Gia Linh thành thật:
- Báo cáo các anh, tôi là phạm nhân. Tôi không thể về trụ sở của các anh được. Tôi phải trở lại trại giam.
Đến lúc này, mấy người mới để ý bộ quần áo Gia Linh đang mặc trên người. Họ chửng hửng bước đi, có người nhìn cô bằng ánh mắt khinh miệt, lại có người tỏ ra kính trọng và có vẻ nể phục. Khi Gia Linh đi gần ra tới mép nước, thì một người trong toán dân quân chạy lại, hớt hải:
- Này cô gì ơi. Khi cần, chúng tôi gặp cô như thế nào đây?
- Các anh cứ tới xin Ban giám thị trại – Gia Linh chỉ tay về phía trại giam - thì sẽ gặp được tôi. Tên tôi là Gia Linh.
- Ok!
Mấy dân quân đưa ba kẻ phạm tội lên đường nhựa rồi cùng cô gái tên Hà về trụ sở. Cô gái tên Hà vẫn chưa hết bàng hoàng, vừa đi vừa quay lại đưa ánh mắt hướng về phía con sông, nơi người nữ phạm nhân đã đang xa dần với vẻ biết ơn. Trong khi đó, Gia Linh đang sải những bước dài trên sông về bờ bên kia.
Trên sân khu lao động, phạm nhân đã hàng ngũ chỉnh tề đang chuẩn bị trở về trại giam. Trung sỹ Huy Tầm đang đứng chờ sẵn cô ở mô đất khá cao trên bờ sông, nét mặt hầm hầm. Người sũng nước, Gia Linh bước lên bờ. Cô chưa kịp nói gì thì đã bị trung sỹ Tầm đi đến tung một cú bạt tay khá mạnh vào mặt. Gia Linh mất đà, lảo đảo, trượt chân ngã dúi về phía trước. Cô gượng đứng dậy, không nói một lời. Kể như ở những trường hợp khác, cô đã đưa tay gạt cú tát ấy ra và tung một chưởng hạ gục đối phương, nhưng hôm nay cô đành lặng im chịu trận. Huy Tầm chưa hả giận, anh thét vào mặt nữ phạm nhân:
- Mày có nghe tao ra lệnh không? Có nghe tiếng súng cảnh cáo không, hả?
Đã định báo cáo lại mọi việc cho viên trung sỹ nghe, nhưng cô im lặng. Cô nghĩ, có nói bây giờ cũng bằng thừa. Nhưng cô tin rằng, việc mình làm là chính đáng và có nhiều người biết. Cô lý nhí:
- Thưa cán bộ. Tôi đã vi phạm quy chế của trại. Tôi xin chịu mọi hình thức kỷ luật ạ.
- Kỷ luật cái con mẹ mày! – trung sỹ cục cằn.
Gia Linh cúi đầu, đi đến đứng vào hàng ngũ. Trung sỹ Huy Tầm quay lại nhìn toán phạm nhân, cộc lốc:
- Về trại!
Những phạm nhân lầm lũi hướng về trại giam.
Ngay tối hôm ấy, Gia Linh bị đưa vào phòng biệt giam vì đã có hành vi "trốn trại, nhưng đã tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội".
Gia Linh chạnh nghĩ, mụ Lĩnh ngu si dốt nát, đố kỵ với mình đã đành, đằng này cán bộ quản giáo có học hành, có giáo dục hẳn hoi cũng chẳng khác gì. Cái đầu của họ không khác mấy so với cái đầu của lũ phạm nhân. Nhưng bây giờ biết kêu ai. Gia Linh lại dành thời gian rảnh rỗi nghĩ về mẹ, về bố và về Quốc Tuấn của mình. Nhưng càng nghĩ, cô càng cảm thấy bất lực. Có những lúc, Gia Linh mất phương hướng, mất niềm tin. Cô không hiểu mình phải làm gì để mọi người hiểu và ghi nhận mình là người tốt, một người đang cố gắng sửa chữa sai lầm để nhanh chóng trở lại đời thường. Đêm nào, cô nằm rưng rức khóc.
Một hôm, đang nằm như một con chó ốm trong kiên thì có tiếng cửa sắt mở loảng xoảng. Một cán bộ quản giáo nói vọng vào:
- Gia Linh ra đi. Có việc đấy!
Cô uể oải đứng dậy, vuốt lại mấy sợi tóc đang lòa xòa trên mặt, chỉnh lại quần áo rồi chậm chạp đi ra. Cô được cán bộ dẫn tới phòng trực ban. Vừa bước vào, cô đã thấy hai cán bộ công an đang chờ ở đó.
Một trong hai người chỉ chiếc ghế trước mặt, mời Gia Linh ngồi:
- Giới thiệu với chị, tôi là Phạm Quyết, đội trưởng đội điều tra hình sự công an huyện. Còn đây là đại úy Lê Văn Ca, cán bộ điều tra. Chúng tôi đang thụ lý vụ án hiếp dâm tập thể xảy ra cách đây hơn nửa tháng tại căn nhà hoang bên bờ sông. Được biết, chị là người đã giải cứu cô Hà và giúp lực lượng chức năng bắt giữ những kẻ phạm tội. Chị có thể khai tất cả những điều được chị mắt thấy tai nghe và ra tay trị bọn người xấu kia không?
Gia Linh thở phào nhẹ nhõm.
Rồi rất tự nhiên, cô khai báo tất cả những gì cô được chứng kiến và đã ra tay với ba tên yêu râu xanh hôm trước. Hai cán bộ điều tra chăm chú lắng nghe và ghi chép tỷ mỷ.
Sau gần hai giờ làm việc, Gia Linh ký vào biển bản ghi lời khai. Xong xuôi, cô xin phép các cán bộ điều tra được trở lại phòng biệt giam, nhưng đội trưởng đội điều tra ngăn lại:
- Chị ngồi lại một chút!
- Dạ, thưa...
- Chị có thể cho chúng tôi biết, trước đây chị từng làm gì? ở đâu?
- Dạ thưa… trước đây, tôi ở trong đội tuyển… quốc gia…
- Đội tuyển gì thế?
- Dạ… tôi ở đội tuyển Vovinam ạ.
- Ồ hèn chi. – cán bộ Lê Văn Ca tấm tắc, thán phục.
Đội trưởng Phạm Quyết nhìn Gia Linh với ánh mắt rất thiện cảm:
- Hèn gì mà một mình chị lại hạ được ba tên to con, hung hãn như thế.
Đội trưởng tiếp:
- Chị đã có công rất lớn trong vụ trọng án này. Chúng tôi sẽ có báo cáo bằng văn bản gửi Ban giám thị trại để xét giảm án cho chị trong năm nay. Chị thấy thế nào?
- Dạ thưa... điều đó tùy các cán bộ thôi ạ. - bỗng dưng Gia Linh thấy tủi thân và muốn khóc. Hai hàng nước mắt rịn ra trên má.
Đội trưởng Phạm Quyết cười:
- Chúng tôi được biết, do hiểu lầm nên sau sự kiện này, cô đã bị đưa vào phòng biệt giam... Ngay bây giờ, chị sẽ được Ban giám thị trại cho trở lại đội sản xuất
- Dạ, xin cảm ơn các cán bộ. – Gia Linh lý nhí, vẻ biết ơn.
*
Trại giam ký kết với một công ty sản xuất giày da xuất khẩu và tuyển những phạm nhân khỏe mạnh, trẻ trung, nhanh nhẹn thành lập các phân xưởng. Sau đó trại mời chuyên gia tới dạy kỹ thuật đóng giày cho các học viên. Gia Linh là một trong những người trở thành công nhân đóng giày trong các "phân xưởng" ấy.
Là người tuổi trẻ, sáng dạ và có năng khiếu, sau hơn nửa tháng làm việc, Gia Linh được "bổ nhiệm" là phân xưởng trưởng. Các phạm nhân do Gia Linh phụ trách đều hăng say làm việc. Tuy nhiên, cũng có một số mụ sồn sồn lại tỏ ra bướng bỉnh, ghen ghét khi được phân xưởng trưởng phân công. Trong số này, nổi bật là mụ Lĩnh. Mụ vốn là một Tú bà, tổ chức và dẫn dắt một đường giây bán dâm xuyên quốc gia. Một thời, mụ sống sung sướng trong nhung lụa, lên xe xuống ngựa. Mụ bị bắt khi Công an ập vào một nhà nghỉ "bắt sống" ba cô gái chân dài đang phục vụ khách. Cả ba gái bán dâm được tách ra để lấy cung. Và họ đều khai, họ được mụ Lĩnh chăn dắt. Vậy là mụ Lĩnh bị bắt. Mụ vẫn tỉnh bơ rồi điện cho quận trưởng Công an để dằn mặt các trinh sát trẻ. Nhưng mụ đã nhầm. Đó là đội đặc nhiệm của Bộ chứ không phải của quận hay của thành phố. Sự ngang bướng, kiêu ngạo của mụ càng làm khổ mụ hơn. Mụ bị xử tới mười hai năm tù…
Cứ thấy bóng dáng Gia Linh đâu là mụ Lĩnh lại dở chứng. Khi thì đau bụng, lúc thì bụi vào mắt rồi tiếp theo là chửi đổng. Có lần Gia Linh vừa đi tới, mụ giả vờ khạc rồi làm như vô tình nhổ một bãi nước bọt trúng mặt cô. Sau đấy, mụ giả lả "xin lỗi". Gia Linh thừa biết con người này và cô đã hết sức kiềm chế. Nhưng lần đó thì không. Vừa lau mặt, Gia Linh vừa chỉ tay vào mặt mụ:
- Chị là một kẻ vô giáo dục!
- Cái gì? Mày nói cái gì hả con đĩ? Con cave chân dài kia?
- Chị im miệng lại – Gia Linh rít lên.
- Mày tưởng mày là ai mà giáo huấn tao, hả? Đã vào đây thì bằng nhau tất, đừng có lên mặt dạy đời. Hức! trông cái ngữ mày thì cũng chỉ là con đàn bà nằm ngửa để cho bọn đàn ông nó phét chứ làm vương làm tướng gì!
- Câm miệng ngay! Mày còn nói nữa, tao rút lưỡi mày ra, con khốn. – Gia Linh vằn tia máu ở mắt nhìn mụ Lĩnh.
Mụ đàn bà sồn sồn ấy cũng không vừa. Mụ đứng dậy, nhảy tới, tung một quả đấm vào giữa mặt Gia Linh cùng với một tiếng thét:
- Đồ con đĩ, chết này!
Nhanh như cắt, Gia Linh né người, cầm cánh tay mụ giật mạnh về phía mình, tay kia ấn vai mụ Lĩnh xuống. Khi mụ đang ngã, Gia Linh lên gối một phát cực mạnh vào ngực, tiếp đó là một cú cùi chỏ trời giáng xuống lưng, làm mụ Lĩnh "hự" một tiếng, ngã sấp mặt xuống đất. Máu miệng, máu mũi mụ thi nhau đổ ra.
Gia Linh chẹn một bàn chân lên cổ mụ, rít qua kẽ răng:
- Mày lớn tuổi nhưng là kẻ vô giáo dục. Bố mẹ mày không dạy được mày thì hôm nay tao dạy. Lần này tao tha. Lần sau, tao sẽ giết, nghe rõ chưa con nặc nô?!
Toàn thân mụ Nghinh run lên. Mụ bắt đầu sợ. Trong tư thế nằm nghiêng, mụ vẫn cố gắng chắp hai tay vào nhau vái Gia Linh như tế sao xin cô tha thứ.
Gia Linh nhấc chân, phủi tay rồi nhổ toẹt một bãi nước bọt trước mặt mụ Lĩnh.
Kể từ hôm ấy, mụ Lĩnh và những mụ sồn sồn khác đều dè chừng, không dám ho he với cô gái trẻ ấy nữa. Và cũng từ đấy, phân xưởng của Gia Linh hoạt động trong khuôn khổ với kỷ luật nghiêm khắc và luôn vượt mức kế hoạch. Trong các buổi sinh hoạt, Ban giám thị trại thường xuyên tuyên dương toàn phân xưởng và động viên tất cả các phân xưởng khác học tập phân xưởng của Gia Linh. Uy tín của cô từ đó được nâng cao.
*
Căn nhà rộng chừng hai trăm mét vuông với hai mặt tiền nằm ngay ngã tư của hai con đường chính trong thành phố. Căn nhà trước đây của một tay tư sản thời Mỹ ngụy. Sau giải phóng năm 1975, hắn bỏ của chạy di tản. Nghe đâu hắn cùng vợ con đang sinh sống bên Mỹ.
Chủ căn nhà và cũng là chủ tiệm buôn bán vàng bạc đá quý Phương Bắc hiện nay là một thiếu gia. Người trong thành phố quen gọi như thế mà không biết tên thật của ông ta. Đó là một người tầm thước, có khuôn mặt đầy bí ẩn, đôi mắt hau háu, chân đi thậm thọt bước thấp bước cao nhưng rất nhanh nhẹn. Ông ta có một cô vợ tên Phương Trinh khá trẻ, xinh xắn và rất ăn diện. Nghe đâu thời trước cô ta là một người mẫu thời trang đã từng dọc nam ngược bắc và công du biểu diễn ở nhiều nước. Họ gặp nhau tình cờ trong một lần thiếu gia hứng chí đi đến sàn diễn và tiếng sét ái tình đã kết dính họ lại. Có người bảo, chẳng phải tiếng sét nào đâu, chỉ là vì gái ham tài, trai háo sắc đó thôi. Thiếu gia thích Phương Trinh bởi cô có dáng người cao ráo, chân dài, biết cách ăn mặc, biết cách chiều đàn ông. Còn Phương Trinh cũng là người đã ghi nhiều chiến tích trên tình trường, nhưng cô vẫn lênh đênh như con thuyền đi tìm bến đỗ. Đến khi gặp Thiếu gia, cô xác định đây là người cần tìm. Chẳng gì thì Thiếu gia cũng là đại gia có số má ở mảnh đất Quảng Đà này. Khối tài sản của ông ta được cho là kếch xù. Nhưng hầu hết đều nằm trong số vàng bạc, đá quý đang được trưng bay trong tiệm. Người trong thành phố đồn rằng, vốn liếng của thiếu gia có khoảng hai mươi triệu đô la.
Hai vợ chồng họ mới có với nhau một đứa con trai gần năm tuổi, đang học mẫu giáo. Hằng ngày, Phương Trinh trực tiếp đưa con đi học trên chiếc xe BMW sang trọng. Sau đó, cô tạt vào siêu thị mua những thức ăn mà cả nhà yêu thích rồi lại phóng xe về để dưới tầng trệt. Người giúp việc cứ thế làm những món ăn theo thực đơn bà chủ đã yêu cầu.
Vợ chồng Thiếu gia thuê tới hai gã trai bảo vệ tiệm vàng. Cả hai mặt mũi bặm trợn, mắt lúc nào cũng gườm gườm. Ngày ngày cả hai tên quanh quẩn ngoài cửa hàng. Bất cứ một động tĩnh nào hoặc giả có vị khách nào đó có biểu hiện bất thường hay ngang tàng là họ "xáp zdo". Họ nhìn thẳng vào mặt khách, hất hàm "cần gì?". Cần thiết là họ tung ra những cú đấm trời giáng làm tê liệt ý chí và sức mạnh của đối phương rồi muốn đến đâu thì đến.
Còn thiếu gia, người dân ở khu phố này hầu như không biết nhiều về tung tích ông ta. Họ chỉ truyền miệng nhau rằng, đó là một người đàn ông rất ga lăng, chịu chơi và biết làm ăn. Nghe đâu, ông là một thương binh hồi đánh nhau ở biên giới Tây – Nam với giặc Polpot. Không may bị thương, ông ta được chuyển về tuyến sau. Do nhà có điều kiện, thiếu gia đi học Đại học thương mại. Tốt nghiệp đại học, ông ta không làm cho cơ quan nhà nước mà trở về gom góp vốn liếng mở một tiệm kim hoàn. Sau mấy năm ăn ra làm nên, ông mở một hiệu buôn bán vàng bạc, đá quý. Nghe đâu thiếu gia ở một tỉnh miền Bắc. Do làm ăn khó khăn nên ông ta dạt vào thành phố biển này và mở cửa hàng để kinh doanh buôn bán. Rồi thiếu gia lấy vợ và sống một cuộc sống điền viên như bây giờ.
Thiếu gia tỏ ra là một người sống khá biết điều. Ông ta quan hệ khá rộng với những người xung quanh, nhất là những nhà chức trách địa phương. Những quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, về nộp thuế, thậm chí là "làm luật" với một số cán bộ của chính quyền sở tại, với những nhà chức trách của địa phương, ông ta làm rất chu toàn. Vì thế, đây đó trên toàn quốc, một số tiệm vàng dù rất nhỏ cũng bị những tên cướp liều lĩnh tấn công. Điển hình là vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang. Một mình hung thủ đã đột nhập vào tiệm vàng trong đêm, giết ba người, chém bị thương một người khác rồi vơ vét vàng bạc, đô la rồi tẩu thoát, làm rúng động toàn quốc. Nhưng với cửa hàng của thiếu gia thì không hề hấn gì. Thi thoảng người ta còn thấy những người có máu mặt ở địa phương lui tới thăm vị doanh nhân này. Sau khi hàn huyên vui vẻ, cả chủ và khách kéo nhau lên những chiếc xe mới cóong chà tới những quán nhậu có tiếng trong thành phố vui thâu đêm suốt sáng. Rồi họ kéo đến những khách sạn sang trọng vui vẻ với mấy cô ca sỹ, người mẫu, hoa hậu chân dài để sả bớt những "bức xúc" rồi mới quay về. Và trước lúc chi tay, những vị chức sắc này bao giờ cũng nhận được những món quà có giá trị từ tay thiếu gia. Cũng chính vì thế mà cửa hàng của thiếu gia được bằng an hai bốn trên hai bốn giờ. Vợ chồng thiếu gia an tâm kinh doanh và đàng hoàng hốt bạc. Khối tài sản của họ ngày càng dày thêm. Hàng năm, vào dịp hè, người ta vẫn thấy cửa hàng của thiếu gia mở cửa kinh doanh. Trong khi đó, vợ chồng ông ta đang ngao du ở tận chân trời góc biển. Năm thì họ tới Newzilan, lúc lại đến Pháp, khi đến Anh hoặc sang Italia hay Nhật bản, Hàn quốc hoặc tới một đất nước nào đó rất xa ở Châu Mỹ la tinh.
*
Một lần, một phái đoàn cán bộ tư pháp quốc tế gồm khoảng hai chục người từ các quốc gia Mỹ, Italia, Austraylia, Pháp, Thụy Điển tới thăm trại. Tin này được Ban giám thị thông báo trước vài ngày cho tất cả phạm nhân. Và phân xưởng của Gia Linh được "vinh dự" tiếp đoàn.
Sáng ấy, sau khi làm việc với Ban giám thị trại, đoàn tới phân xưởng của Gia Linh. Giám thị trại giam trực tiếp giới thiệu cuộc sống lao động và sinh hoạt và cải tạo của các phạm nhân cho đoàn nghe. Phiên dịch viên là một thanh niên còn khá trẻ, mới ra trường. Vậy nên anh ta dịch một cách khó khăn. Các thành viên trong đoàn tỏ ra rất bức xúc và khó chịu, nhất là Giám thị của trại. Tình thế có vẻ căng thẳng, Gia Linh nhìn người phiên dịch viên trẻ tuổi vẻ thông cảm rồi mạnh dạn đứng ra khỏi hàng:
- Báo cáo… Xin giám thị cho phép tôi dịch, được không ạ?
- Cô dịch được sao? – giám thị nhìn cô từ đầu tới chân, nghi ngờ.
- Thưa vâng! – Gia Linh quyết đoán.
- Được. Cô dịch đi!
Cái vốn tiếng Anh từ hồi cô học ở trường chuyên ngữ thành phố giờ mới được phát huy tác dụng. Gia Linh dịch trơn tru, cụ thể và sát nghĩa làm cho các thành viên trong đoàn và cả Giám thị trại hết sức hài lòng.
Thấy phạm nhân vừa đẹp người vừa tài giỏi một cách kỳ lạ, các thành viên trong đoàn xúm lại hỏi chuyện. Gia Linh nhìn cán bộ giám thị trại và khi được ông đồng ý, cô đã trực tiếp nói chuyện và đối thoại với các thành viên trong đoàn. Gia Linh phản bác tất cả những ý kiến có xu hướng bóp méo sự thật, bóp méo thực tế của tình hình giam giữ tại Việt Nam. Cô cho rằng, đó là những ý kiến chủ quan, thiếu quan sát thực tế và hình như gắn với tư tưởng bôi xấu của những thế lực thù địch. Gia Linh khẳng định, việc bắt giữ, truy tố và xét xử ở Việt Nam nhìn chung là đúng. Tuy nhiên cũng có những trường hợp do trình độ non kém, và có cả những trường hợp cố ý, cán bộ tiến hành tố tụng Việt Nam đã làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm, gây bất bình trong xã hội. Thấy Gia Linh bày tỏ quan điểm một cách quyết đoán, một nữ cán bộ tư pháp trong đoàn hỏi:
- Đó là nói chung. Còn riêng trường hợp của bạn thì sao?
Gia Linh nhìn bà ta, cười:
- Riêng tôi, ban đầu tôi cũng nhận thức rằng mình không có tội. Nhưng sau khi được tiếp xúc với pháp luật, nhất là khi tiếp xúc với những cán bộ làm công tác tiến hành tố tụng, tôi mới ngộ ra rằng, mình đã quá ấu trĩ khi thực hiện việc trả thù mà không tìm hiểu kỹ pháp luật. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của tôi bắt nguồn từ một hành vi phạm tội của một kẻ khác.
Mọi người ghi âm lại cuộc trao đổi với người tù kỳ lạ này. Có người nhoay nhoáy ghi những điều họ được tai nghe mắt thấy. Họ tỏ ra cảm phục một cô gái xinh xắn, thông minh nhưng tay đã trót nhúng chàm. Và sau khi được nghe về tội trạng của Gia Linh, họ đều lấy làm tiếc cho một tài năng đang lỡ nhịp và có khả năng bị lãng quên. Thật là phí phạm.
Vài tháng sau, Gia Linh được lên gặp Trưởng giám thị trại giam. Nhận tin báo, cô đoán già đoán non. Không biết Ban gọi lên có chuyện gì? Chẳng biết đây là tin lành hay tin dữ. Dù gì thì cũng phải lên thôi.
Cô bước vào phòng, Trưởng giám thị đã đợi sẵn. Ông tươi cười chỉ Gia Linh ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Tự tay ông rót nước, mời. Gia Linh do dự, ngượng ngùng, tay chân như thừa thãi. Trưởng giám thị nhìn cô, cười rất tươi:
- Cô uống nước đi. Hôm nay tôi cho gọi cô lên có việc muốn trao đổi. Trước hết, tôi thông báo cho cô biết, xét thành tích trong lao động, cải tạo và những việc đã thể hiện trong thời gian qua, tập thể phạm nhân trong trại đã bình xét, đề nghị Ban giám thị trại xét giảm án với mức sáu tháng trong năm nay cho cô. Nếu cứ đà này, thì cô chỉ còn phải ở trại khoảng ba năm rưỡi nữa thôi.
- Tôi xin cảm ơn cán bộ ạ.
- Không phải cảm ơn. Đó là phần thưởng do chính cô phấn đấu và được hưởng thôi. Cô uống nước đi!
- Dạ.
- Còn việc thứ hai, tôi muốn đề nghị với cô là thế này. Qua cuộc thăm viếng của đoàn cán bộ tư pháp quốc tế tới trại ta, mọi người đều ghi nhận cô có vốn kiến thức về xã hội rất phong phú, nhất là vốn tiếng Anh. Cô đã làm cho các quan chức của đoàn khách quốc tế rất nể phục. Ban giám thị trại cũng đỡ mất mặt khi cậu phiên dịch còn rất trẻ và hạn chế về năng lực. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cô không làm ở phân xưởng sản xuất giầy da xuất khẩu nữa. Việc này sẽ được bàn giao cho người khác. Cô sẽ được nhận một nhiệm vụ khác.
- Nhiệm vụ khác ạ? Không biết tôi có gánh vác được không ạ?
- Tôi tin là cô làm được. Việc này có thể nặng nề với người khác, nhưng với cô thì chắc không. Tôi tin là nó phù hợp với năng lực của cô.
Uống một hớp nước, Trưởng giám thị tiếp:
- Tôi nói luôn để cô khỏi phải chờ đợi. Chúng tôi đề nghị cô kèm cặp, dạy một lớp tiếng Anh cho khoảng ba, bốn cháu là con em của cán bộ quản giáo. Các cháu đang học năm cuối và chuẩn bị thị khố D để vào đại học. Cô thấy sao?
- Thưa cán bộ... Việc này không biết tôi có làm cho các cán bộ và các anh chị ấy có toại nguyện hay không, nhưng tôi hứa sẽ cố gắng.
- Thế thì tốt rồi. Tôi sẽ cho người cùng cô tới phân xưởng ngay bây giờ để thông báo quyết định này. Ngay từ sáng mai, cô sẽ được ra ở và sinh hoạt tại một phòng kế bên khu tập thể cán bộ trại. Thế nhá! Bây giờ cô có thể trở về trại để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.
- Dạ, tôi cảm ơn Ban ạ.
Trưởng giám thị trại cho gọi cán bộ quản giáo tới đưa Gia Linh trở lại trại giam.
Trên đường từ phòng làm việc của Trưởng giám thị trở về nơi ở cũ, Gia Linh thấy hồi hộp, vui vui. Không phải vui vì được rời khu sản xuất vất vả mà là vì cô có điều kiện trở lại với bộ môn yêu thích của mình. Và hơn tất cả, đó còn là sự tin tưởng của Ban giám thị đối với bản thân mình.
Đêm ấy, hầu như Gia Linh không ngủ. Cô mường tượng ra cảnh mấy chị em cùng chụm đầu vào quanh cuốn sách tiếng Anh trong một căn nhà rộng rãi, thoáng mát với không khí trong lành. Từ đấy tới khi cô mãn hạn tù là quãng thời gian không ngắn nhưng cũng không phải là quá dài. Lòng nhủ lòng và Gia Linh tin rằng, mình sẽ cố gắng giúp đỡ các em để chúng có đủ kiến thức bước vào kỳ thi đại học sắp tới. Nếu các cô các cậu con cán bộ trại trúng đại học, chắc chắn cô sẽ có phần thưởng. Đó là chuyện giảm án. Và cuộc sống hừng hực ngoài kia sẽ không còn là mơ ước viển vông của cô nữa. Cô sẽ được về sống lại trong ngôi nhà quen thuộc của mình. Cô sẽ tìm cách liên lạc với Quốc Tuấn. Không biết gần chục năm cô đi tù, Quốc Tuấn có gì thay đổi. Gia Linh chạnh nhớ tới mẹ. Không có bất kỳ thông tin nào về người mẹ tội lỗi của mình. Gia Linh rất muốn biết được sự thật về mẹ. Cô mong bố ở bên ngoài có tin của mẹ và đến thăm rồi cho cô biết. Nhưng càng mong càng mất. Có thể ông đã quá yếu, quá già nua vì kiệt sức do những cú sốc do mẹ và cô gây nên. Cũng có thể ông bận bịu về những dự án khoa học mà ông đã ấp ủ cả đời. Tự nhiên hai hàng nước mắt của Gia Linh cứ trào ra. Và Gia Linh chập chờn đi vào giấc ngủ.
*
Lớp học tiếng Anh do Gia Linh làm "gia sư" được mở ngay tại gian phòng khá rộng, bên cạnh khu "gia binh". Phía trước là một chiếc hồ rất rộng, trông như một hồ bơi. Theo danh sách, cả lớp có cả thảy ba học sinh, trong đó có hai nữ, một nam. Hai cô gái là Quỳnh Trang và Tuyết Châu. Cậu học sinh duy nhất của lớp tên là Phi Hùng, con trai của Trưởng giám thị trại giam.
Ngay từ hôm mới "khai giảng", trong khi hai học sinh nữ ngoan ngoãn nghe "cô giáo" làm "thủ tục nhập môn" và tâm sự thì Phi Hùng tỏ ra bất cần. Không những không nghe mà cậu còn lôi điện thoại di động ra chơi điện tử. Đã vậy, tiếng máy cứ phát ra choe chóe, làm cho mọi người cảm thấy rất khó chịu. Thấy vậy, Gia Linh nhắc:
- Phi Hùng, cậu cất điện thoại đi rồi ngồi học nghiêm túc xem nào!
- Hức! Học nghiêm túc xem nào! Cứ làm như bố tướng ấy. Tôi học gì ở chị đây? Chị là phạm nhân. Phạm nhân tức là người bị tước đi một số quyền công dân. Vậy mà chị lại định lên lớp cho tôi?
Quỳnh Trang và Tuyết Châu nghe thế quay lại nhìn Phi Hùng với ánh mắt bực bội. Còn Gia Linh thì như chết đứng. Nước mắt cứ định trào ra. Nhưng chỉ trong giây lát, cô định thần lại, bình tĩnh nhìn Phi Hùng, nói thật rành rọt, đanh sắc:
- Cậu nói đúng. Tôi đang là kẻ thụ án. Nhưng nói cho cậu biết, không phải bất cứ người tù nào cũng xấu cả đâu. Có khối người ở ngoài xã hội tưởng chừng như oai phong, lẫm liệt và thường đứng trên bục rao giảng đạo đức cho người khác, nhưng tội trạng thì ngập đầu. Chẳng qua họ chưa bị phát hiện hoặc có một thế lực nào đó o bế, bảo kê đó thôi... Nhưng thôi, việc đó có Nhà nước, có các cơ quan pháp luật phán quyết. Còn ở đây, tôi được đích danh Trưởng giám thị trại giao cho nhiệm vụ giảng dạy cho các cô các cậu môn tiếng Anh để mọi người chuẩn bị thi vào Đại học. Nếu muốn thì cậu quay lại học cho nghiêm túc. Nếu không thì đứng dậy, ra khỏi lớp ngay. Ở đâu cũng phải có nội quy của nó. Tôi sẽ trực tiếp báo cáo với Trưởng giám thị trại về thái độ học tập của cậu. Cậu đứng lên trả lời tôi xem, cậu có học hay không?
Quỳnh Trang bức xúc:
- Sao lại thế, Phi Hùng?
- Phi Hùng, cậu phải vì chúng tớ nữa chứ - Tuyết Châu góp lời.
Phi Hùng nhìn trừng trừng vào Gia Linh, nói như quát:
- Đi mà tâu. Đây không thèm học, được chưa?!
Vừa nói, cậu ta vừa vơ cuốn vở để trên bàn, bước ra khỏi phòng trước sự ngỡ ngàng của cả ba người. Quỳnh Trang và Tuyết Châu cùng quay sang nhìn Gia Linh. Hai cô bé bắt gặp sự bất lực của "cô giáo". Họ thấy từ đuôi mắt cô, hình như có hai giọt nước đang định lăn ra. Tuyết Châu đi lại cầm tay Gia Linh:
- Chị ơi, đừng chấp với nó. Nó là một thằng tốt tính. Không hiểu sao hôm nay nó lại...
- Đừng buồn chị ạ. Nó không học thì thôi, chị dạy chúng em đi chị. – Quỳnh Trang động viên.
Thấy hai cô gái dễ thương, Gia Linh đưa tay áo lên lau nhanh hai giọt nước mắt đang tứa ra ở đuôi mắt, rồi quay ra nhìn hai cô bé, chua chát:
- Tôi là một phạm nhân... các bạn à... các bạn có học tôi không?
- Chị đừng nghĩ thế. Nếu chị có tội thì có tội với Nhà nước, chứ với chúng em, chị vẫn là người chị, người cô... – Tuyết Châu thành thật.
- Đúng thế chị ạ. Bố em bảo, chị có vốn tiếng Anh tuyệt lắm. Hôm đoàn nước ngoài vào thăm trại, chị đã làm cho mọi người ngạc nhiên. Chị giúp chúng em với. – Quỳnh Trang thật thà.
Nghe những lời chân tình của hai cô bé, Gia Linh như quên đi sự bực bội với Phi Hùng, cô bắt đầu vào bài học.
Nghe Gia Linh nói tiếng Anh, cả Tuyết Châu và Quỳnh Trang đều trố mắt. Họ ngạc nhiên và cảm phục một nữ tù nhân trẻ tuổi và đã ở trong tù 8 năm rồi mà vẫn nói tiếng Anh thành thạo và chuẩn xác. Vừa nghe cô nói, hai cô bé vừa chăm chú ghi chép một cách say sưa.
Cuối giờ học, Gia Linh bảo:
- Muốn học được ngoại ngữ, trước hết phải yêu nó và phải biết "học để làm gi?". Sau đó, phải tập nói, nói càng nhiều càng tốt. Và sau nữa là điều gì không biết thì phải hỏi. Hỏi xong phải ghi chép…
Chiều hôm sau, trời nắng gay gắt. Tiếng ve sầu trên mấy cây sấu ở ven hồ kêu đinh tai nhức óc, làm cho ai cũng khó chịu. Khi ba cô trò đang ngồi nói chuyện trước lúc vào học thì Phi Hùng từ ngoài đi vào. Vừa nhìn thấy Gia Linh, cậu ta chỉ tay vào mặt cô:
- Bà là cái quái gì. Bà đã nói gì với ông khốt để tôi bị đòn hả? – cậu ta đưa tay chỉ vào gò má mình, nói tiếp - Hôm nay, tôi phải trả món nợ này!
Mọi người nhìn vào mặt Phi Hùng thì quả có vết thâm tím thật. Và khi cả ba người chưa biết phản ứng gì thì cậu ấm con Trưởng giám thị trại đã cúi xuống, rút hai chiếc dép phi thẳng vào mặt Gia Linh. Cô né người tránh liên tiếp được hai chiếc dép ấy. Thấy dép không trúng mục tiêu, Phi Hùng nhảy lên bàn nhằm mặt Gia Linh, tung ra một cú đá quét. Nhưng Gia Linh đã kịp cúi xuống tránh cú đá ác hiểm ấy rồi nhảy ra giữa phòng. Như một kẻ điên, Phi Hùng lao tới tung tới tấp những cú đấm về phía cô. Tuyết Châu và Quỳnh Trang hốt hoảng:
- Đừng thế Phi Hùng!
- Cậu dừng lại đi Phi Hùng! Đừng có làm bừa!
Bỏ ngoài tai những lời kêu gọi, khẩn cầu ấy, gã thanh niên vẫn tay đấm, chân đá vào người đối diện. Nhưng Gia Linh vẫn trụ vững. Vừa tránh những cú đòn, Gia Linh vừa nói với Phi Hùng:
- Dừng lại! Cậu không bao giờ thắng được tôi đâu.
- Không được này! Không được này! – cứ mỗi câu như thế là một cú đá hoặc một cú đấm tung về phía Gia Linh.
Chợt nghĩ "phải dạy cho gã choai choai này một bài học mới được", Gia Linh nhìn sang hai cô gái, nói lớn:
- Các em chứng kiến rồi đấy. Cậu ta đã đánh tôi gần ba mươi phút rồi. Bây giờ, xem tôi đánh cậu ấy nhé!
Nói xong, Gia Linh lùi lại một bước. Và thình lình, cô chạy ngược lên bức tường phía sau rồi bật nhảy khá cao. Trong nháy mắt, hai chân Gia Linh đã cặp cổ Phi Hùng, quật gã xuống nền nhà. Cùng với đó là một phát cùi chỏ vào thượng vị kẻ đang nằm còng queo dưới đất. Rồi cũng như lúc ra đòn, cô gái đứng lên, thu chân, hai tay chống nạnh, mắt nhìn vào kẻ thua cuộc đang nằm như con chó ốm dưới sàn nhà.
- Sao? Cậu thích đánh nữa chứ?
Phi Hùng lồm cồm bò dậy. Nhưng lạ thay, cậu ta không những không tỏ ra giận dữ, thù hận hoặc căm ghét gì người vừa đánh thắng mình, gã chắp hai tay lại vái Gia Linh ba vái một cách thành kính, miệng lắp bắp:
- Xin bái phục sư phụ. Đây mới chính là môn tôi cần nhận được sự giúp đỡ của chị.
Cả ba cô trò đứng ngây, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đột nhiên, Phi Hùng đứng thẳng dậy, hai tay vẫn chắp vào nhau, đầu cúi xuống, dõng dạc:
- Thưa sư phụ. Biết sư phụ là nhà vô địch Vovinam tại Sea games, nhưng vì thất cơ lỡ vận nên phải vào đây. Em bán tín bán nghi. Nay được mục sở thị, em tin rồi. Xin bái phục sư phụ. Em muốn học Vovinam, em đã thất lễ... xin chị thứ lỗi và thực lòng chỉ giáo!
- Cậu nghĩ thế thật sao? – Gia Linh nhìn Phi Hùng với ánh mắt đỡ dữ dằn hơn.
- Dạ thật, thưa chị!
Gia Linh nhỏ nhẹ:
- Rất tiếc, tôi không được giao nhiệm vụ dạy môn võ cho cậu mà chỉ được giao dạy môn tiếng Anh thôi.
- Thưa chị, em biết. Từ nay ba chúng em sẽ học tiếng Anh. Còn buổi tối, chị dành thời gian nhất định dạy cho em môn võ cổ truyền này, chị nhá! Em xin chị đấy!
- Cậu học võ để làm gì? – Gia Linh ngồi xuống chiếc ghế, hỏi.
- Dạ. Là để...
- Học võ là để rèn luyện thân thể, để tự vệ chứ không phải học để đi đánh nhau đâu. – Gia Linh nhẹ nhàng.
- Vâng! Em hiểu điều đó ạ. – Phi Hùng chỉ vào Quỳnh Trang và Tuyết Châu. Gia Linh nhìn sang hai cô gái và nhận được những cái gật đầu xác nhận. Một chút lúng túng, Gia Linh quay sang Phi Hùng:
- Cậu biết tôi đang là một phạm nhân. Nhất cử nhất động, tôi phải báo cáo và xin ý kiến Ban giám thị trại. Tôi sẽ quan tâm tới đề nghị của cậu. Và nếu được phép, tôi không quản ngại...
- Vâng. Em cảm ơn chị trước. Được chị nhận lời giúp là em hạnh phúc rồi.
- Cứ biết thế đã. Bây giờ chúng ta vào bài học tiếng Anh được chứ?!
Nói rồi, Gia Linh dở sách. Ba cô cậu con quan cũng ngồi vào vị trí. Hôm ấy, tiết học được diễn ra trong niềm hứng khởi của cả "thầy" và trò. Gia Linh bắt đầu chiến dịch truyền đạt những kinh nghiệm cô biết về ngữ pháp tiếng Anh từ khi cô còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Ba cô cậu nhập tâm rất nhanh.
Cuối buổi chiều.
Mặt trời đã xuống rất thấp, bóng những ngôi nhà đổ dài làm cho khoảng sân phía trước trại râm mát lạ thường. Tiếng kẻng vang lên báo cho các phạm nhân biết đã hết giờ chiều. Họ chuẩn bị tắm táp, bị ăn bữa chiều và chuẩn bị sinh hoạt buổi tối.
Đứng ở hiên nhà nhìn ba cô cậu học sinh ra về, Gia Linh vươn vai, hít một hơi căng đầy lồng ngực. Tự nhiên cô cảm thấy lâng lâng. Một cảm giác thật khó tả. Vậy là từ nay, cô được đem vốn tiếng Anh ra giúp mấy cô cậu. Nếu chúng đỗ và rất có thể chúng sẽ đỗ đại học, cô sẽ được đánh giá để xét giảm án. Nghĩ vậy, Gia Linh nở nụ cười rất tươi. Cô bước xuống sân, làm mấy động tác thể dục, sau đó về phòng chuẩn bị đi tắm và ăn tối.
*
Tiết trời vào cuối thu. Nắng vàng như mật ong phủ lên thành phố, làng mạc. Nhà cửa, cây cối, đường sá và tất cả mọi thứ đều nhuốm một màu vàng.
Kết thúc đợt ôn thi cho cánh thanh niên con giám thị trại giam và ba cô cậu đã đi thi, Gia Linh trở lại trại giam tham gia lao động cùng các phạm nhân.
Một buổi chiều, cô được một cán bộ quản giáo đến báo:
- Trưởng giám thị cần gặp cô.
Gia Linh hồi hộp, không hiểu có chuyện gì đang xảy ra với mình. Đoán già đoán non mãi nhưng cô vẫn không hiểu Trưởng giám thị cần gặp về việc gì. Đến khi vào phòng, cô thấy ông cười rất tươi:
- Tôi vui mừng thông báo cho cô biết một tin, đó là cả ba đứa nhỏ đều đã đỗ đại học.
Đến lúc ấy, Gia Linh mới thực sự vui vẻ và hết lo lắng. Trưởng giám thị trại cho biết thêm:
- Thằng Phi Hùng nhà tôi thừa điểm vào Học viện ngoại giao. Trong đó môn tiếng Anh được điểm 9. Hai bé Quỳnh Trang và Tuyết Châu đều đỗ vào trường Ngoại thương với số điểm rất cao. Quỳnh Trang được 9,5 còn Tuyết Châu cũng được tới 9 điểm môn Anh. Thay mặt ba gia đình, tôi cảm ơn cô Gia Linh. Các cháu nó cũng biết ơn cô nhiều lắm đó.
Gia Linh bẽn lẽn:
- Thưa cán bộ, có gì đâu ạ. Tôi cũng chỉ giúp các em phương pháp thôi. Còn công sức và kết quả điểm thi là do các em tự cố gắng đấy ạ.
Trưởng giám thị trại nhìn người nữ phạm nhân với con mắt biết ơn. Ông mời Gia Linh uống nước rồi thông báo với cô một tin mà tin đó suýt làm cô ngất xỉu. Đó là Gia Linh có tên trong danh sách được đặc xá, tha tù trước thời hạn nhân dịp mùng 2 tháng 9 này. Nghe tin ấy, Gia Linh mừng đến phát khóc. Cô đưa tay giữ ngực cho khỏi bật ra tiếng khóc mà nước mắt cứ trào ra. Cuối cùng, khi đã bình tĩnh lại, Gia Linh nói những lời chân thành:
- Tôi vô cùng cảm ơn Ban, cảm ơn tất cả các cán bộ quản giáo đã giúp tôi cải tạo tốt và được trả tự do đợt này…
Trưởng giám thị nhìn cô, cười:
- Cô không phải cảm ơn tôi, cũng không cần cảm ơn các cán bộ quản giáo ở đây. Cô được tha tù trước thời hạn là do cô có rất nhiều thành tích trong quá trình cải tạo. Cô luôn có số ngày công cao, các sản phẩm đạt chất lượng. Cô đã giúp những người nước ngoài hiểu rõ hơn, cụ thể hơn về chế độ cải tạo, giam giữ ở trại ta nói riêng và ở Việt nam nói chung. Cô đã giúp cơ quan điều tra phá một vụ án nghiêm trọng. Tất cả những điều đó không những ban giám thị trại ghi nhận mà còn được tập thể phạm nhân của trại cảm phục. Và các phạm nhân ở đây đã có số phiếu bình chọn, ủng hộ cô rất cao để cô được ra tù trước thời hạn đợt này.
Gia Linh rân rấn nước mắt:
- Tôi vô cùng cảm ơn tất cả.
Bước ra khỏi phòng Trưởng giám thị, Gia Linh như thấy trời cao xanh hơn. Những làn gió hình như mát hơn và tất cả cảnh sắc mới đẹp làm sao. Nhưng cô không biết khi nào thì cô mới được rời cái nơi bất đắc dĩ này để trở lại cuộc sống đời thường. Rồi cô tự nhủ “hãy bình tĩnh. Điều gì đến rồi khắc sẽ đến”. Gia Linh trở về trại giam mà trong lòng xốn xang. Đêm ấy, cô không tài nào chợp mắt được. Bao dự định cho tương lai, bao nét mặt thân thương và đáng ghét lần lượt hiện về. Cô cứ nằm trong kiên cho tới khi tiếng kẻng báo thức của trại giam vang lên mới vùng dậy cùng chị em phạm nhân ra sân tập thể dục. Và cô bước vào một ngày lao động tự giác, bình thản, không mảy may phiền muộn.
*
Đó là một ngày đáng nhớ của nữ phạm nhân Gia Linh. Từ sáng sớm, cô và những người được đặc xá dậy rất sớm. Họ rửa mặt mũi, làm vệ sinh cá nhân xong thì nhận suất ăn sáng. Nhưng hình như chẳng ai ăn nổi. Không phải đó là cơm tù mà là vì niềm vui quá lớn đang đến với họ. Họ đã đoạn tuyệt với những năm tháng cùng cực nhất cuộc đời. Họ đang chuẩn bị được trở về với cộng đồng, với gia đình, bố mẹ, vợ con, làng xóm và bạn bè.
Rồi tất cả được tập trung trước sân chính trong trại. Tại đây, những băng rôn, khẩu hiệu đã được chăng kín. Một sân khấu hoành tráng được dựng lên từ chiều hôm trước. Và cái giây phút thiêng liêng nhất đã đến. Gia Linh cùng hơn hai trăm phạm nhân lắng nghe vị đại diện cho Hội đồng đặc xá đọc đến tên mình. Họ ôm nhau khóc cười. Họ nói với nhau bao điều và cho nhau địa chỉ, hẹn đến nhà nhau chơi trong một dịp gần nhất. Sau đó những phạm nhân được vào phòng thay đồ. Tại đây họ được trút bỏ bộ quần áo tù, bộ quần áo nặng nề nhất trong đời, bộ quần áo đã lấy đi của họ biết bao danh dự, nhân phẩm và cả sức khỏe lẫn tuổi xuân và mặc vào những bộ quần áo đã được người nhà chuẩn bị từ trước. Và họ sắp được tự do. Gia Linh cũng được trút bỏ bộ quần áo đó và thay bằng một bộ quần áo mới, rất hợp về màu sắc và phom người của cô. Gia Linh không hề biết đó là mấy bộ quần áo mà ba bà mẹ của ba học sinh Phi Hùng, Tuyết Châu và Quỳnh Trang đã ra tận siêu thị mua về tặng cô…
Khi đi theo những phạm nhân đang bước đi những bước đi tự do ra cổng, Gia Linh không khỏi chạnh lòng. Cô thấy tủi thân và nước mắt cứ trào ra. Mọi người đều có người thân đến đón về, riêng cô chỉ có một mình. Mẹ cô không biết giờ này còn sống hay chết. Bố cô đã quá già yếu, không biết có biết tin để lên đây đón đứa con gái duy nhất trở về. Nhưng những nỗi niềm ấy nhanh chóng bị tan biến khi trước mặt cô là ba cặp vợ chồng của những cán bộ trại giam cùng với ba cô cậu học sinh đã được Gia Linh giúp họ đỗ vào đại học. Họ đang tươi cười đứng trước cổng và đón cô với những nụ cười tươi rói. Quỳnh Trang và Tuyết Châu còn ôm một bó hoa thật đẹp chạy lại tặng cho “cô giáo” của mình. Gia Linh bẽn lẽn:
- Chào các cán bộ ạ. Chào các em!
Các cán bộ giám thị trại cùng các đồng nghiêp và những người thân nhìn Gia Linh với những ánh mắt trìu mến. Trưởng giám thị trại tươi cười bắt tay Gia Linh và nói vui:
- Từ hôm nay, cô không phải gọi chúng tôi là “cán bộ” nữa mà chỉ gọi là các anh, các chị thôi.
Gia Linh thẹn thùng đáp lý nhí:
- Dạ.
Rồi đột nhiên cô ngửng lên nhìn mọi người:
- Dạ, bây giờ tôi xin phép các cán bộ, xin phép mọi người ra bắt xe về nhà kẻo…
Trưởng giám thị trại đi đến đặt một bàn tay lên vai cô gái, thân mật:
- Cô không phải bắt xe đâu. Cháu Phi Hùng sẽ lái xe, cùng hai cháu Tuyết Châu và Quỳnh Trang sẽ đưa cô giáo của chúng về tận nhà.
Gia Linh bàng hoàng một cách sung sướng. Cô đang lúng túng không biết phải phản ứng thế nào thì Tuyết Châu và Quỳnh Trang đã ào đến:
- Chị ơi, chị yên tâm đi. Hùng sẽ đưa chị em mình về tận nhà chị ạ.
Gia Linh xúc động nhìn mọi người, nghẹn lời:
- Em cảm ơn mọi người. Cảm ơn các em!
Vừa lúc, chiếc ô tô con do Phi Hùng lái đã đỗ xịch trước cổng trại. Gia Linh bịn rịn bắt tay ba cặp vợ chồng cán bộ quản giáo rồi cùng với Tuyết Châu và Quỳnh Trang lên xe.
Xe từ từ chuyển bánh. Gia Linh thò đầu ra cửa xe đưa tay vẫy chào tạm biệt mọi người. Rồi cô đưa mắt nhìn lại lần cuối ngôi trại giam với những bức tường nứa cao ngất và những hàng rào dây thép gai tua tủa chọc lên trời. Cô thầm nghĩ “vĩnh biệt nhé! Vĩnh biệt nơi mà bất kỳ người nào trên thế giới này cũng không muốn sống ở đây”.
Xe rời cổng trại giam đi ra đường quốc lộ rồi hướng về thành phố. Trên xe, ba sinh viên tương lai cười nói râm ran. Gia Linh chỉ trả lời những câu hỏi của chúng lấy lệ. Cô đưa mắt ngắm nhìn những cảnh sắc hai bên đường mà đã lâu lắm rồi, nay cô mới được ngắm lại. Trong lòng cô đang bộn bề, xen lẫn vui buồn.