Cánh chim non vượt bão (Tiểu thuyết trinh thám - Tiếp 5)

Nhà văn Phạm Xuân Đào đã có gần 20 đầu sách, gồm: các tập Truyện vụ án; truyện ngắn; thơ và Tiểu thuyết. “Cánh chim non vượt bão” là một trong những tác phẩm của ông. Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
pham-xuan-dao-1620459656.jpg
 

7

Vào một buổi sáng, Gia Linh nhận được thông báo chuẩn bị đi tòa. Tự nhiên cô thấy hồi hộp, lo lắng. Gia Linh mặc nhanh bộ quần áo tù mới nhất rồi theo cán bộ quản giáo rời phòng gian. Trước khi Gia Linh ra khỏi phòng, ba mụ Chanh, Mùa và Loan xúm vào căn dặn:

- Bình tĩnh nhá! Cứ đủng đỉnh mà khai. Nhớ lại tất cả những lời các chị dặn trước đây chưa?

Gia Linh gật đầu, mặc dù tâm trạng có vẻ bất an, cô chẳng nhớ những “Liền chị” đã căn dặn mình những gì nữa.

Cô được đẩy lên một chiếc xe thùng bịt kín. Chưa ngồi yên chỗ, chiếc xe đã rùng rùng chuyển bánh. Gia Linh chẳng biết xe đi đường nào, hướng nào và chẳng biết tâm sự cùng ai. Hình ảnh của bố, của mẹ bỗng ùa về… Qua cửa kính rất nhỏ phía sau xe, Gia Linh thấy đường phố hiện ra với biết bao xe cộ và người người qua lại. Cô chợt thấy thèm được trở lại cuộc sống đời thường ấy. Và cho đến lúc này, cô cũng không hiểu tại sao tự nhiên cô lại bị trượt rồi cuốn vào con đường lao lý. Cô nghĩ, mình đã quá nóng vội, quá bức xúc nên đã hành động dại dột, thiếu suy nghĩ. Nếu được làm lại, cô sẽ không làm như  thế nữa. Nhưng đã quá muộn rồi. Đợi đến kiếp sau. Nếu cuộc đời có kiếp sau thì hay biết nhường nào.

Phiên tòa xét xử Gia Linh bắt đầu. Phía trước nơi dành cho bị cáo là một vòng cung sắt được người đời gọi là “Vành móng ngựa”. Gia Linh đưa mắt nhìn lên những người ngồi đối diện ở trên cao. Rặt những người có khuôn mặt lạnh băng. Hình như đời sinh ra họ chỉ để hạch sách, thẩm vấn, xét hỏi người khác mà không hề có bất cứ biểu hiện gì của một chút tình người. Cô thấy sờ sợ, da gà nổi lên khắp cơ thể.

Sau khi làm các thủ tục cần thiết, chủ tọa phiên tòa yêu cầu một cảnh sát dẫn cô đến đứng trước vành móng ngựa và nghe chính bà Kiểm sát viên hôm trước cô đã gặp trong trại tạm giam công bố bản Cáo trạng mà cô đã được đọc ở hôm ấy. Rồi ông chủ tọa và hai người nữa được gọi là “Hội thẩm nhân dân” thay nhau thẩm vấn cô. Lạ thay, Gia Linh rất bình tĩnh, không hề sợ sệt và đã khai rất thật như cô đã từng khai.

Những người ngồi trên bắt đầu hỏi Trần Hoạt.  

Gia Linh đánh mắt nhìn người đàn ông mà cô biết rằng, một thời ông ta đã gian díu, có tình cảm mặn nồng và đầu gối tay ấp với mẹ mình. Cô hi vọng, với quan hệ ấy, ông ta sẽ thay đổi lời khai. Rằng, cô không hề lấy trộm tiền mà chỉ đến hỏi về việc của mẹ mình như cô vừa khai… Nhưng không, Trần Hoạt đã bắt đầu. Gã không thèm đếm xỉa gì tới "Kẻ phạm tội" đang đứng trước vành móng ngựa kia.

- Thưa tòa. – gã khai -  Tôi có thói quen ăn cơm tối xong thì nghỉ ngơi một lát rồi đi bộ. Hôm ấy, khoảng hơn tám giờ tối, tôi trở về tới nhà. Vừa bước vào phòng, tôi phát hiện cô này – gã chỉ sang Gia Linh -  đang lúi húi lôi tập tiền từ trong tủ của tôi ra. Tôi kêu lên “Dừng lại. Đồ ăn trộm!”. Bất thần, cô ta quay ra, không nói không rằng, lao vào tấn công tôi. Tôi bị cô này đá một phát vào mặt và ngã xuống. Ngã như thế nào, tôi cũng không hiểu nổi. Khi tỉnh lại, tôi thấy đầu mình rất đau, cạnh cầu thang là một vũng máu. Tôi cố gắng gượng dậy, gọi điện thoại cho người nhà đến đưa đi bệnh viện. Tôi cho rằng, cô ấy nghĩ chắc tôi đã chết nên vẫn lấy ba mươi ngàn đô la của tôi rồi tẩu thoát. Tôi đề nghị pháp luật nghiêm trị hành vi ngang ngược của cô ta!

- Đồ đểu cáng! Quân khốn nạn! Kẻ giết người! Tao sẽ giết mày! - Không chịu đựng được sự trâng tráo, trắng trợn của kẻ mất hết nhân tính, Gia Linh quay phắt lại, vừa chỉ tay, vừa lao tới, tung tới tấp những cú đấm và những cú đá quét, làm cho Trần Hoạt ngã xuống sàn.

Mấy cảnh sát bảo vệ phiên tòa kịp lao tới khống chế, lôi Gia Linh ra, bắt cô ngồi lại vị trí bị cáo. Họ cũng dìu Trần Hoạt đứng dậy, đưa hắn ra một chiếc ghế xa hơn. Hắn lấm lét, sợ toát mồ hôi, miệng lắp bắp:

- Đấy đấy. Thưa quý tòa, quý tòa thấy đấy? Nơi công đường đông người mà cô ta còn ghê gớm, ngang ngược như thế…

Sau mấy chục phút gián đoạn, phiên tòa được vãn hồi và tiếp tục. Tuy vậy, Gia Linh vẫn không đưa ra được một chứng cứ nào để chứng minh mình vô tội. Vị chủ tọa phiên tòa nhìn cô, nói rành mạch:

- Ngay từ khi ông Trần Hoạt nằm cấp cứu trong bệnh viện, cơ quan điều tra đã tới lấy lời khai. Ông Hoạt đã khẳng định, bị cáo Gia Linh đột nhập vào nhà ông ta và đang trộm cắp tiền thì bị ông phát hiện. Thay vì bỏ chạy hoặc xin lỗi rồi rút lui, bị cáo đã đột ngột tấn công, làm ông bị ngã, bất tỉnh và bị cáo đã lấy đi ba mươi ngàn đôla Mỹ. Trước phiên tòa hôm nay, ông Hoạt vẫn giữ nguyên lời khai. Xét lời khai của ông Hoạt là có cơ sở, bởi cơ quan điều tra đã thu được dấu vân tay của bị cáo Nguyễn Gia Linh trên hai tay nắm inox của chiếc tủ tại gia đình người bị hại… Cô có ý kiến gì nói nữa không?

- Thưa tòa. Tôi được biết, trước đây ông ta đã cặp bồ với mẹ tôi. Nhưng không hiểu tại sao hai người lại thôi nhau. Sau đấy, ông ta đã quăng herroin vào nhà để hại mẹ tôi. Từ nước ngoài về, tôi đến nhà ông ta để hỏi cho ra nhẽ và ông ta đã sàm sỡ tôi. Vì vậy, tôi đã...

- Thôi, chị dừng lại! Anh Hoạt, anh có nghe thấy lời khai của bị cáo không? Anh lý giải sao về việc này? - chủ tọa quay sang hỏi Hoạt.

Người đàn ông bình thản:

- Thưa tòa. Tôi thừa nhận, cách nay mấy năm, tôi với cô Nga, mẹ bị cáo có tình cảm với nhau. Nhưng sau khi cô ấy xúc phạm tôi thì chúng tôi đã chấm dứt quan hệ. Còn chuyện cô ấy mua bán, tàng trữ heroin như thế nào, tôi không hề biết. Rất có thể vì bí tiền để lo một việc gì đó và biết tôi có tiền nên mẹ bị cáo đã phái con gái đến nhà tôi trộm cắp.

               Thật là trơ trẽn! - Gia Linh nghĩ. Và quá uất ức, ê chề nhưng không sao lý giải được, Gia Linh gục mặt xuống vành móng ngựa, khóc không thành tiếng. Rồi bất thần cô ngửng mặt lên, hất mớ tóc ngược về phía sau, thét lớn :

- Không phải thế! Quân dối trá! Kẻ giết người!

               Cuối cùng, Gia Linh bị tòa tuyên phạt sáu năm tù về tội "cướp tài sản" sau khi đã xem xét tới các tình tiết giảm nhẹ như: bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, là người có công lao đóng góp cho nền thể thao nước nhà. Tòa còn buộc Gia Linh phải hoàn trả cho Trần Hoạt số tiền ba mươi ngàn đô la Mỹ giời ơi nào đó. Tòa tuyên bố, bị cáo có quyền chống án trong vòng mười lăm ngày theo luật định.

Gia Linh chết lặng. Ngay sau đó, cô bị đưa lên xe thùng trở lại trại giam, trong lòng trào lên bao uất hận. Tại sao Tòa lại tin lời khai của Hoạt, một kẻ mất hết nhân tính mà lại không tin lời khai của cô, một người mới lớn còn rất trong sáng và có chút ít công lao đối với đất nước!? Thật vô lý. Cô làm sao biết được trong tủ nhà hắn có tiền? Còn vân tay của cô ư? Đúng là có đấy, nhưng đó là dấu vân khi cô đưa tay nắm vào nắm cánh tủ để giữ thế thủ trong khi bị Trần Hoạt tấn công tình dục. Cô đã khai đi khai lại như vậy nhiều lần nhưng cả Công an, Luật sư , Viện kiểm sát và Tòa án đều không tin, đều cho rằng "không có cơ sở". Vậy cơ sở trong lời khai của Trần Hoạt là gì? Phải chăng hắn đã có tiền đút lót, bôi trơn?

Cửa phòng giam mở, Gia Linh mệt mỏi, uể oải bước vào. Các mụ Chanh, Mùa và Loan xô đến. Họ hỏi Gia Linh tình hình xét xử ra sao. Nghe Gia Linh kể lại diễn biến phiên tòa và mức án bị tuyên, họ đều khuyên cô không nên chống án. Bởi có chống cũng vô ích, không giải quyết được gì. Cơ quan pháp luật đã xây dựng hồ sơ “chặt” như thế và họ xét xử theo triết lý “án tại hồ sơ” nên không thay đổi được gì đâu. Gia Linh nghĩ, chả lẽ mình chịu oan ức thế này sao? Nhưng mấy mụ sồn sồn động viên, còn nhiều người oan ức đến chết cũng không thể minh oan được nữa là. Cô còn may chán vì án chỉ có sáu năm thôi. Tốt nhất là chấp nhận mức án này và im lặng cải tạo để sớm được trở về với cộng đồng. Các mụ còn cho biết, hằng năm tại các trại giam đều tổ chức xét giảm án cho các bị án nếu họ có thành tích cải tạo tốt. Như vậy, Gia Linh chỉ cần ở trong trại hơn ba năm là có thể được trở lại với cuộc sống đời thường. Gia Linh thở dài đánh thượt rồi nằm còng queo vào một xó phòng giam. Miệng đắng chát và cổ như nghẹn lại. Mấy mụ này thật quá đơn giản. Án phạt sáu năm mà các mụ nói "may mắn". Sao họ không nghĩ "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" ? Quá thất vọng, quá ê chề và mệt mỏi, cô nằm yên suy nghĩ mông lung và thiếp đi lúc nào không biết.

*

Mấy tháng sau, Gia Linh được chuyển đến trại giam Quyết Thắng, cách thành phố khoảng hơn bảy mươi kilomet về phía Tây nam. Tại đây, cô cùng các tù nhân được sinh hoạt, đi lại thoải mái hơn, được hít thở không khí trong lành hơn bởi tất cả được ở trong một ngôi nhà rộng rãi, xung quanh là sân, vườn và xa hơn nữa là những bức tường thành xây cao, trên có giây thép gai và cảnh sát canh giữ suốt đêm ngày. Hằng ngày, tất cả tù nhân vác cuốc lên  nương để trồng sắn, trồng khoai và trồng ngô cùng các loại rau xanh khác. Mọi người còn chăn lợn, chăn dê, vừa là để cải tạo lao động, vừa là để tăng thêm khẩu phần ăn cho chính họ. Tuy nhiên, đi đâu, làm gì họ đều chịu sự giám sát chặt chẽ, chặt chẽ tới mức khắc nghiệt của các cán bộ quản giáo lúc nào cũng lầm lì và súng khoác trên vai.

Cảnh sắc ở vùng rừng núi này thật đẹp, thật nên thơ. Tuy nhiên Gia Linh không còn tâm trí đâu để thả hồn vào những phong cảnh đẹp đẽ với tâm hồn lãng mạn như hồi đang được tự do. Bởi cô đang là một phạm nhân, một người bị tước đi một số quyền con người.

Gia Linh được phân vào đội sản xuất do một nữ phạm nhân tên Hướng, một người độ hơn bốn mươi, làm tổ trưởng. Hướng là một người đàn bà có thân hình đẫy đà, nét mặt như đàn ông nhưng tính tình cởi mở và sống rất chân thành. Gia Linh gọi Hướng là cô, xưng cháu nhưng Hướng bảo “Vẽ! Cứ gọi đội trưởng, xưng tôi là được”.

Đội sản xuất của Gia Linh có cả thảy  hai mươi lăm người. Tất cả đều ở độ tuổi lao động. Họ vào đây từ nhiều miền quê khác nhau. Mỗi người mỗi hoàn cảnh và phạm các tội cũng khác nhau. Nhưng bây giờ họ có chung một nhiệm vụ là trồng sắn, trồng khoai, trồng ngô và rau xanh. Những phạm nhân cải tạo tốt, sắp được ra tù được theo cán bộ quản giáo vào rừng lấy củi.

Dù được thay đổi không khí, nhưng Gia Linh vẫn buồn lắm. Cô nghĩ, nếu sống sáu năm ở miền sơn cước này, suốt ngày lên đồi, lên rừng làm lụng, tối về lại nằm chết gí trên giường thì còn gì tuổi xuân. Mọi dự định cống hiến cho nền thể thao nước nhà của cô coi như tan thành mây khói. Chạnh nhớ tới những năm tháng trước đây ở trung tâm thể thao, sáng sáng cô dậy sớm cùng mọi người tập thể dục, vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng và bước vào tập luyện. Cuộc sống thật vui tươi và lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Mọi người được trò chuyện, hẹn hò, yêu đương và biết bao niềm vui khác. Bây giờ cô phải mặc những bộ quần áo tù, đi đâu cũng có người theo dõi, canh chừng, sai một tý là bị nhắc nhở, phê bình. Thậm chí có trường hợp còn bị cán bộ quản giáo tát ngay vào mặt không thương tiếc… Nhưng khi quan sát thấy những người đến trước đang sống vô tư, lao động cần mẫn, dần dà Gia Linh cũng quen quen và thấy thích nghi với cuộc sống ở đây hơn. Hình như khi được hít thở không khí trong lành và được lao động, chân tay Gia Linh đỡ ngứa ngáy và người khỏe khoắn hơn lên. Dù vậy, trong đội có mấy mụ hơn tuổi luôn nhìn cô với ánh mắt gườm gườm ra vẻ đe dọa. Đúng là ma cũ bắt nạt ma mới. Thây kệ, Gia Linh vẫn ngoan ngoãn vâng lời nữ cán bộ quản giáo có cái tên rất đẹp - Thiên Lý và lao động không biết mệt mỏi. Nhưng mọi sự cố gắng, chăm chỉ như thế của cô lại khiến mấy mụ ở đây lâu hơn ghen ghét.

Một lần, khi cán bộ Thiên Lý không có mặt ở hiện trường, mụ Lượt người đàn bà có tướng đàn ông, giọng nói ồm ồm và rè rè như chĩnh vỡ, vằn mắt nhìn Gia Linh, rít qua kẽ răng:

- Con ranh chuyên bám đít cán bộ kia. Đừng có ra vẻ ta đây. Đừng làm cho các mẹ mày mất mặt. Mới vào hăng hái đấy, sau ỉa ra quần cũng không muốn giặt, đến cái mặt cũng không thiết rửa nữa đâu. Đồ đĩ thõa. – chẳng hiểu sao mụ lại chửi cô như vậy.

Gia Linh bỏ qua những lời xúc phạm đó. Cô nghĩ, cũng dễ hiểu thôi, bởi ở đâu và trong con người nào mà chả có thói ghen ăn tức ở, nhất là khi họ không được học hành tử tế, lại  phải sống trong môi trường đặc biệt này. Cô vẫn chăm chỉ lao động. Hình như chỉ có lao động mới giúp Gia Linh đỡ bức xúc, đỡ lo nghĩ về những chuyện của mẹ, của mình hơn và chân tay mới không bị thừa thãi, ngứa ngáy.

Lần khác, cán bộ Thiên Lý đang có việc với toán phạm nhân ở đội khác, mụ Lượt đi đến trước mặt, găm cái nhìn vào Gia Linh như muốn ăn tươi nuốt sống cô rồi xổ ra một tràng, nghe rợn tóc gáy:

- Con cave này! Sao hôm lâu tao nói, mày không bắt lời? Đừng có vênh mặt lên như thế! Mày tưởng mày là ai chứ? Đừng có hôn đít cán bộ rồi hóng hớt, làm hại các mẹ đây. Sẽ có lúc mẹ mày xé xác mày ra đấy!

Giá như hồi ở trại tạm giam, Gia Linh đã cãi lại và sẵn sàng ra tay với bọn người này ngay, nhưng bây giờ thì không. Cô quay đi, nở một nụ cười khinh bỉ. Cô thấy thương cho những kẻ thất học, thiếu hiểu biết rồi phạm tội và phải vào đây. Suốt ngày, chúng chỉ xoi mói, tìm cách hại người khác mà không biết cảm thông, chia sẻ và sống thân thiện với những người cùng cảnh ngộ. Không thấy Gia Linh trả lời mà lại quay đi, cười nửa miệng, mụ Lượt như điên lên, sấn tới:

- Mày cười đểu mẹ mày hả? – mụ trợn mắt, đưa bàn tay như một gọng kìm bóp chặt hai má Gia Linh, răng nghiến ken két. – đừng có bướng nghe không?!

Nghĩ, mình không trêu chọc, sao mụ ta cứ vô cớ gây sự rồi bắt nạt và xử tệ với mình như thế, Gia Linh định tháo lui, nhưng trong đầu chợt vang lên câu nói "sống với lang sói thì phải biết thét gào như lang sói". Ngay tức khắc, Gia Linh lùa hai tay vào giữa hai cánh tay mụ đang bóp má mình, đánh bung ra. Một phát lên gối cực mạnh vào bụng mụ. Tiếp đó là một quả đấm trời giáng vào giữa khuôn mặt cuồn cuộn thịt như mặt đàn ông. Mụ Lượt “ối” lên một tiếng rồi ngã vật trên mặt đất như một cây chuối bị phạt gốc. Mấy người đứng quanh đó trước nay vẫn bị mụ Lượt bắt nạt, không ưa gì cái tính trịch thượng, ăn hiếp người khác của mụ ta, thấy thế đắc chí cười nghiêng ngả. Có người còn trợn mắt thán phục vì cú ra tay, ra chân quá nhanh của cô gái trẻ. Mụ Lượt lồm cồm bò dậy định lao vào Gia Linh, nhưng mụ đã kịp dừng lại vì thấy sắc mặt Gia Linh đanh lại, đôi mắt như có lửa. Và cũng đúng lúc đó, cán bộ Thiên Lý xuất hiện. Mụ đành bất lực, hằn học nhìn cô gái, miệng lẩm bẩm:

- Con giời đánh. Rồi mẹ mày sẽ tính sổ với mày!

*

Gia Linh lao vào làm việc, làm việc quên mình với ý thức phải cải tạo thật tốt để chóng thoát khỏi cuộc sống tù đày.

Được những bạn tù yêu mến, trừ mụ Lượt, Gia Linh buộc phải quen với cuộc sống nơi tù tội. Biết Gia Linh là một võ sĩ Vovinam vừa đoạt huy chương vàng Sea games và biết hoàn cảnh phạm tội của cô, mọi người  càng quý và trân trọng cô hơn.

Nữ cán bộ quản giáo Thiên Lý thường gần gũi, động viên Gia Linh trong những lúc nghỉ giữa giờ. Còn Gia Linh coi các cán bộ như những người anh người chị của mình. Thực tình, ban đầu Gia Linh rất ngại tâm sự với cán bộ, vì nghĩ rằng, tất cả họ đều một giuộc cả thôi. Thì đó, từ ngày cô bị bắt, cô đã gặp từ Công an, Kiểm sát, Luật sư đến Tòa án, nhưng tất thảy họ đều có một cái chung là lạnh lùng, vô cảm và chỉ muốn nói chứ không muốn nghe người khác. Nhưng càng gần cán bộ Thiên Lý, Gia Linh càng ngộ ra một điều rằng, ở đâu cũng có người tốt, người xấu, ở đâu cũng có người tử tế và người đểu cáng. Thế mới là xã hội. Thiên Lý giúp Gia Linh rất nhiều, nhưng trước hết là sự động viên kịp thời và tạo mọi điều kiện để Gia Linh thể hiện mình trước mọi người. Có lần, cán bộ còn nói, "Ở đời, ai cũng có những lúc sai lầm, khuyết điểm. Bởi như cổ nhân đã dạy thì "Nhân vô thập toàn". Sai thì sửa, chửa thì đẻ. Vấn đề là ở chỗ, người mắc sai lầm có nhận thấy khuyết điểm của mình để đứng dậy, làm lại cuộc đời hay không".

Một lần khác, khi đã gần gũi, hiểu những người làm công tác quản giáo hơn, Gia Linh đã lý sự với cán bộ Lý về hành động của mình đối với Trần Hoạt:

- Nhưng thưa cán bộ, tôi không sai. Hắn hại mẹ, lại dở trò sàm sỡ với tôi nên tôi mới ra tay…

Thiên Lý mỉm cười, lắc đầu:

- Em có sai đấy. Lẽ ra, em phải gặp cán bộ pháp luật nói rõ sự nghi ngờ của em đối với hắn ta trong việc hắn đã hại mẹ em và mẹ em bị "oan", để cơ quan pháp luật điều tra. Đằng này em lại đơn phương, đường đột đến nhà hắn. Rồi em lại ra tay đánh hắn, cho dù như em nói, hắn định cưỡng hiếp em. Nhưng không có ai làm chứng cả. Chị tin em đã khai đúng sự thật. Nhưng tình ngay lý gian. Sau này trong cuộc sống, trước những trường hợp tương tự như thế, em phải rút kinh nghiệm, đừng tái phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào nữa, nghe chưa?

Càng gần Thiên Lý, Gia Linh càng ngộ ra rằng, ở đời không phải cứ sống ngay thẳng, sống tử tế, sống thật thà là được mọi người ghi nhận và tin tưởng, yêu mến. Cô cũng nhận ra một điều là, đừng sống quá tỉnh táo. Trong cuộc đời, đôi khi con người cũng phải biết sống uyển chuyển, gian manh một chút, láu cá và mơ hồ một chút… thì mới sống được trong cuộc đời vốn quá phức tạp và nhiễu nhương này. Phải biết "Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy".

Nhiều đêm, sau một ngày lao động mệt nhọc, Gia Linh lại thèm được sống cuộc sống như hồi ở trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Cô lại nhớ Quốc Tuấn, một nỗi nhớ day dứt và quay quắt. Không hiểu từ ngày cô bị bắt, bị giam cầm, cuộc sống của Quốc Tuấn ra sao? Anh có cảm thông, chờ cô hay đã đi yêu người con gái khác. Những thầy giáo, những bạn bè đồng nghiệp có ai hiểu được sự oan khuất của cô không? Và hơn tất cả là cô mong mau tới ngày được trở lại cuộc sống đời thường. Nhất định Gia Linh sẽ sống khôn hơn, chín chắn hơn, cẩn thận hơn, trách nhiệm hơn với cuộc đời mình.

*

Một hôm, vừa từ trên nương về, đang tắm táp chuẩn bị ăn chiều, Gia Linh được tin có người nhà đến thăm. Cô hồi hộp, tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Gia Linh đoán già đoán non, là Quốc Tuấn chăng? Cô thay bộ quần áo tù tươm nhất, chải nhanh mái đầu và tất tả ra nhà tự giác. Trời ơi - trên đường đi, cô nghĩ - nếu là Quốc Tuấn thì cô hạnh phúc biết nhường nào. Vậy là anh ấy vẫn hiểu mình, vẫn yêu mình và trong tương lai cô sẽ được sống hạnh phúc bên anh… Vừa tới nơi, cô chững lại. Cô đã đoán lầm. Người thăm nuôi không ai khác mà chính là ông Nguyễn Hiếu, bố cô.

Ông già đi nhiều, dáng đi hơi gù, nhưng cả con người, phong cách và ánh mắt ông vẫn trẻ, vẫn mang đậm nét của một nhà trí thức. Gia Linh hụt hẫng đôi chút nhưng cô vẫn cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc vì trong lúc hoạn nạn, điêu đứng nhất cuộc đời, bố vẫn không bỏ rơi đứa con gái duy nhất của ông. Cô đi nhanh đến bên chiếc bàn, nơi bố cô đang đứng, nước mắt lưng tròng, miệng lý nhí:

- Bố! bố có khỏe không ạ? Sao bố biết con ở đây? Lần trước…

- Con. Con ngồi xuống đi! Con ăn gì không, bố mua cho con mấy thứ đây này... – ông già lật đật nhặt mấy túi xách dưới sàn nhà để lên bàn.

- Dạ, con không thấy đói bố ạ. Lần trước…

Ông già xua tay:

- Ừ, lần trước khi con bị tạm giam, bố đến thăm con được một lần. Nhưng lần ấy người ta không cho bố gặp con vì con chưa được hoàn cung. Sau đấy, bố phải đi công tác nước ngoài dài dài nên không đến thăm con được nữa. Đi công tác về, bố lại đến trại tạm giam lần trước, hỏi thăm mãi, họ mới cho bố biết là con đã được đưa ra xét xử và chuyển lên đây…

- Bố! con cảm ơn bố. Nhưng lần sau, bố đừng lên nữa. Bố đã già và yếu quá rồi mà đường đi thì xa xôi, khó khăn…

- Con đừng lo. Bố vẫn còn khỏe chán. Bố chỉ mong con chóng mãn hạn tù để về làm lại… à, thế con có biết tin tức gì của mẹ không?

- Không bố ạ. Từ ngày vào đây, con không biết tin gì của mẹ cả. Bố đã biết chuyện của mẹ con rồi chứ ạ? Mẹ con bị oan bố ạ…

Ông già nhìn ra xa, vẻ mặt tư lự:

- Bố không tin là mẹ con lại dính đến ma túy, dính đến cái chất chết người ấy. Nhưng… có lẽ… đó là hậu quả của cách sống buông thả của bà ấy…

- Bố. Con buồn lắm. Mẹ thì đã thế, con thì đang ở đây. Giờ chỉ còn có bố. Bố tha lỗi cho con về tất cả những gì con đã nghĩ và xử sự với bố trước đây…bố nhá!

Ông già gạt đi:

- Con đừng nghĩ gì cả. Đó là trước đây khi con còn nhỏ. Còn bây giờ con đã lớn rồi. Bố vẫn rất thương và mong con trưởng thành. Cho dù thế nào thì bố cũng chỉ có mình con… Mà thôi, bố con mình không nói tới chuyện ấy nữa nhá. Hôm nay bố đem cho con ít thức ăn và một ít tiền.

- Bố! – Gia Linh nhìn bố, nghẹn ngào. – thức ăn thì con xin. Còn tiền thì bố cầm về. Ở đây chúng con có được đi đâu đâu mà dùng đến tiền ạ.

- Bố biết. Nhưng bố hỏi kỹ rồi. Bố sẽ gửi tiền để cán bộ quản giáo giữ giúp con. Khi nào con cần gì, cán bộ sẽ nhờ người mua về cho con. Con đang là một thiếu nữ vừa mới trưởng thành. Rất nhiều điều con sẽ phải trải qua, phải học hỏi đấy.

Nghe bố nói, nhìn ánh mắt đầm ấm của bố, Gia Linh thấy bố gần gũi, máu thịt, là người hiểu và thương cô hơn ai hết. Cô muốn lao sang ôm chầm lấy bố, gục đầu vào  tấm thân gầy còm, bộ ngực lép kẹp và khắc khổ của ông mà khóc, mà sám hối bởi đã có một thời, cô đã hiểu lầm dẫn tới căm thù người bố thân yêu này. Cô thấy mình thật ấu trĩ và đáng trách. Nhưng suy cho cùng, tất cả là do mẹ đã nhồi sọ cô từ lúc hai người chia tay chứ thực tình, cô có hiểu gì về bố đâu. Cô muốn thốt lên: Bố! Bố thật vĩ đại! Con yêu bố!

Đã hết giờ thăm thân. Cán bộ quản giáo đã giục giã. Cô nắm tay bố, nhận những đồ tiếp tế rồi theo cán bộ quản giáo trở về trại. Chân bước đi nhưng Gia Linh vẫn ngoái đầu nhìn lại. Cô bật khóc vì nhìn thấy dáng gầy gò, tiều tụy của Bố. Nhưng Gia Linh thấy ấm lòng vì thấy bố vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn và rất thương yêu mình. Cô thầm hứa, khi ra tù, cô sẽ sống tử tế hơn, tôn trọng và yêu thương bố hơn…

Đêm ấy, Gia Linh ngủ một giấc thật ngon lành. Đã lâu lắm, cô mới có một đêm như thế. Trong giấc mơ, Gia Linh thấy mình đang được bố cầm tay dắt đi bên cạnh; được ngồi trong các phòng ốc với vô vàn sách vở đủ loại mà hằng ngày ông vẫn cần mẫn đọc, cần mẫn nghiên cứu, cần mẫn viết để cống hiến cho đất nước, để giúp ích cho đời; Cô còn được dụi mặt vào bộ ngực lép kẹp của ông để hà hít mùi mồ hôi là lạ, quen quen mà một thời cô đã được tận hưởng, nhưng lâu lắm rồi cô không được gần gũi nên đã lãng quên.

*

Tiếng còi rúc lên lanh lảnh. Đã đến giờ giải lao.

Các trại viên đang làm cỏ trên các nương sắn vội vã bỏ cuốc xẻng, nhanh chóng lao vào các bóng râm để nghỉ ngơi, uống nước. Họ bỏ nón trên đầu, cầm tay quạt phành phạch. Mấy tờ báo mới được các cán bộ quản giáo chuyển cho các phạm nhân đọc cho nhau nghe.

Là người trẻ tuổi, có giọng đọc lưu loát, truyền cảm, Gia Linh thường là người nhận báo và đọc cho mọi người nghe. Theo một thói quen, khi dở báo ra, bao giờ Gia Linh cũng đọc nhanh các tít qua từng trang. Lần này cũng thế… Đang hăm hở dở báo ra xem, bỗng cô bặm môi và chỉ trong giây lát, mặt Gia Linh tái mét. Cô thở rốc lên rồi lăn đùng ra cạnh gốc cây, bất tỉnh. Các trại viên xúm lại, người dùng nón quạt, người ôm lấy cô lắc mạnh, lay gọi. Có người nào đó hét lên:

- Tránh ra! Làm hô hấp nhân tạo cho cô ấy đi!

Mụ Lượt chân đứng tréo ngoe, dựa người vào một thân cây to gần đó chửi đổng, giọng đàn ông rè rè như chĩnh vỡ:

- Cha tổ cái đồ bám đít cán bộ. Lại dở cái trò làm bộ làm tịch ra đây.

Mấy phạm nhân nghe thế quay lại nhìn mụ với con mắt không mấy thiện cảm. Cũng có người không hề quay lại, họ thừa hiểu tính cách quái đản của con mụ hồ tinh này rồi.

Thấy ồn ào, cán bộ Thiên Lý chạy tới:

- Có chuyện gì thế?

Tiếng phạm nhân nhao nhao:

- Thưa cán bộ, tự nhiên cô ấy bị ngất ạ.

- Thưa, đang đọc báo thì Gia Linh bị...

- Đứng lui hết ra xem nào! – cùng với mệnh lệnh ấy, người cán bộ quản giáo quỳ một chân xuống. Cô nâng đầu Gia Linh đặt lên đùi mình, lay gọi liên tục:

- Gia Linh, Gia Linh. Tỉnh lại đi! Sao lại thế này!?

Lát sau, Gia Linh từ từ mở mắt. Cô nhìn người cán bộ quản giáo với ánh mắt biết ơn. Từ hai khóe mắt thiếu nữ, hai hàng nước mắt tứa ra. Cô cố gắng ngồi dậy, dựa vào một thân cây và đưa hai tay lên ôm đầu, gục mặt xuống hai đầu gối. Trông cô lúc này như một cái xác không hồn.

Thiên Lý cử hai nữ phạm nhân dìu Gia Linh về lán.

Nằm trong lán, Gia Linh vẫn chưa hết bàng hoàng. Cô bật khóc thành tiếng. Những tiếng nấc "mẹ ơi!" cất lên thảm thiết như thể mẹ cô đã chết. Cái tin kinh hoàng trên tờ báo như một tia sét đánh trúng đầu Gia Linh. Mẹ cô và Tommy bị tuyên án tử hình. Mẩu tin quái ác ấy như một viên đạn xuyên trúng tim cô và đã làm cô gái bản lĩnh gục ngã. Cái điều hãi hùng nhất xưa nay cô không giám nghĩ tới, giờ đã thành sự thật. Cô bỗng thấy thương mẹ vô cùng. Gia Linh muốn được gặp mẹ ngay bây giờ để động viên an ủi bà. Nhưng đó là điều không tưởng, một điều thật xa xỉ đối với một người đang bị sự quản thúc ngặt nghèo của pháp luật. Cô lại căm thù Trần Hoạt, kẻ đã đem cái chết giáng xuống đầu người mẹ thân yêu của mình. Rồi cô trách mẹ, và trách chính bản thân mình. Cứ như thế, Gia Linh miên man trong đau khổ. Có lúc cô ước mình có một phép màu kỳ lạ, một phép phân thân. Cùng lúc cô vẫn có mặt trong trại giam, nhưng cô lại có thể có mặt ở nhà Hoạt để giết hắn. Rồi cô sẽ tiếp tục có mặt ở nhà thứ trưởng Lê Khuất để hỏi tội kẻ đã nhận 100 ngàn đô của cô nhưng vẫn để mẹ cô phải chết. Sau đó, cô sẽ đến chỗ mẹ và dùng phép màu biến hai mẹ thành hai con chim, bay khỏi buồng giam, đến một nơi nào đó thật xa, có thể là một hòn đảo giữa biển khơi để không còn ai biết gì về hai mẹ con mình. Và hai mẹ con sẽ đón bố ra đây và họ sẽ sống một cuộc sống tươi đẹp như hơn chục năm về trước... Nhưng thực tế đã kéo cô lại. Cô, người con gái có cái tên Gia Linh này đang bị thụ hình. Và án phạt của cô còn vài năm nữa.

"Dù thế nào cũng phải ăn uống, tập tành, lao động và cải tạo tốt để sớm trở lại cuộc sống đời thường" - cán bộ Thiên Lý thường động viên Gia Linh như thế. Biết vậy nhưng trong suốt những ngày sau đó, cô không thể thoát ra khỏi những suy nghĩ nung nấu phải trả thù cho mẹ. Cô dấu lẹm ý định điên rồ và ngông cuồng đó. Cô nghĩ, muốn tiêu diệt Trần Hoạt một cách mau lẹ, nhất định phải có vũ khí. Và Gia Linh nghĩ tới cán bộ quản giáo Thiên Lý. Cô nuôi ý định sẽ tìm cách gần gũi người cán bộ này. Và cô sẽ hành động. Gia Linh sẽ buộc lòng phải ra tay với Thiên Lý để cướp súng và xe máy để làm phương tiện trả thù. Cô sẽ giết Trần Hoạt, sau đó tới nhà thứ trưởng Lê Khuất để kết thúc cuộc sống chó chết của hắn, một kẻ mặt người dạ thú. Việc sử dụng súng ngắn dối với cô không hề lạ lẫm. Bởi, khi còn gần gũi, yêu thương Quốc Tuấn trong trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, nhiều lần Tuấn đã dạy cô nạp đạn, lấy đường ngắm và bóp cò như thế nào.

Một lần lên nương, đang lúi húi trồng rau, Gia Linh phát hiện thấy cán bộ Thiên Lý đeo khẩu súng ngắn bên hông. Nữ quản giáo đang kiểm tra những luống rau trên vạt đồi cao. Cô đảo mắt nhìn ra xung quanh. Ở đó không một bóng người. Gia Linh bật dậy, rời chỗ làm, đi nhanh tới chỗ cán bộ quản giáo. Cô đến mỗi lúc mỗi gần hơn nhưng Thiên Lý không hề hay biết. Gia Linh nghĩ, mình sẽ hành động thật mau, ra tay thật nhanh sao cho cán bộ quản giáo bất tỉnh rồi kéo Thiên Lý vào một lùm cây ở gần, lột quần áo cảnh sát mặc vào rồi lấy súng và xe máy phóng về thành phố. Khi Gia Linh chỉ còn mấy bước chân nữa là tới được chỗ Thiên Lý, cô định bụng sẽ tung chưởng thật mạnh thì mới làm cho cán bộ ngất lâu, lúc đó cô mới có đủ thời gian thực hiện những thao tác tiếp theo. Ý nghĩ ấy mỗi lúc mỗi lớn trong đầu cô gái trẻ. Nhưng khi vừa tới nơi, Thiên Lý bỗng đứng thẳng, xoay người, hỏi như thể cán bộ đã biết rõ ý định của kẻ chuẩn bị phạm tội:

- Có việc gì sao không chờ đến lúc về mà lại đến vào lúc này?

Gia Linh giật mình, chân tay bủn rủn. Cô ngước mắt nhìn người cán bộ quản giáo, nói lảng sang chuyện khác:

- Cán bộ ơi. Sao Su hào ở đây trồng mãi vẫn không thấy có củ thế ạ?

Thiên Lý cười:

- Cái gì cũng phải có thời gian. Cây cối cũng như con người ấy, phải bắt đầu từ trẻ con, trở thành thiếu nữ, rồi mới làm vợ, làm mẹ, làm bà được chứ.

Gia Linh hoảng sợ. Không, không thể hành động như thế được. Nếu mình dại dột như vậy, chắc chắn sẽ phải nhận thêm tội mới và thời gian ở tù rất có thể là vô tận hoặc sẽ phải chết. Và nữa, nếu làm như thế, người đời sẽ không tin mình nữa. Họ sẽ cho rằng, việc mình đến trộm cắp tiền rồi đánh Trần Hoạt và bị bắt, bị xử tội cướp với 6 năm tù ngày trước là có thật… Tuy vậy, cứ nghĩ tới cái tên Trần Hoạt và tưởng tượng ra hình hài tởm lợm của tay thứ trưởng Lê Khuất, thì việc trả thù lại được nung nấu trong cô. Nhưng phải tìm cách khác để có súng trong tay. Nhất định phải là như thế.

Thấy Gia Linh vui trở lại, Thiên Lý cũng vui lây. Một hôm, người cán bộ quản giao hỏi Gia Linh:

- Hôm rồi, điều gì đã làm em khóc và bị ngất thế?

 Gia Linh chỉ nói:

- Vì đêm trước em mất ngủ, người không được khỏe cán bộ ạ.

                Cô giấu lẹm chuyện đọc được thông tin mẹ cô bị tuyên án tử hình. Cán bộ Lý tỏ ra cảm thông và luôn gần gũi động viên, chia sẻ với người nữ phạm nhân trẻ tuổi của mình. Cô coi Gia Linh như đứa em gái trong nhà nên tận tình chỉ bảo, mong sao nữ phạm nhân cố quên đi nỗi buồn đau và tập trung cải tạo cho thật tốt.

Thấy Gia Linh tiến bộ rõ rệt, Thiên Lý đề nghị và được Ban giám thị trại nhất trí cho phạm nhân này được giúp việc cho cô. Cô đưa Gia Linh về ở phòng kế bên phòng mình. Hai gian nhà này nằm ngoài khu trại giam. Hằng ngày, Gia Linh giúp cán bộ việc chợ búa, giặt giũ, cơm nước và những việc vặt vãnh khác. Nữ tù nhân làm việc rất miệt mài, siêng năng và trách nhiệm. Những bữa cơm ngon nghẻ được cô nấu làm cho cán bộ ngon miệng. Những bộ quần áo được Gia Linh giặt, là tươm tất, làm cho cán bộ rất đỗi hài lòng. Tuy nhiên, tự đáy lòng, Gia Linh vẫn không nguôi nung nấu, sẽ tìm cơ hội để thực hiện ý định của mình. Và thời cơ đã đến.

Chiều của một ngày giữa đông.

Cán bộ Thiên Lý đem quần áo bước vào phòng tắm. Tiếng nước vòi sen chảy ào ào. Cho rằng, đây là thời cơ có một không hai, nên Gia Linh đứng ở sân nói vọng vào:

- Báo cáo cán bộ, em ra chợ mua chút thức ăn rồi về ạ.

- Ừ, nhanh lên nhé! – Thiên Lý nói vọng ra.

- Dạ.

Sau tiếng "dạ" rất ngoan ngoãn ấy, Gia Linh lẻn nhanh vào phòng riêng của Thiên Lý. Cô lấy bộ quần áo cảnh sát đang treo trên mắc mặc vào người, đội mũ kepi và không quên "mượn" khẩu súng ngắn đang treo trên vách. Xong, cô ra nổ máy, phóng xe về phía chợ hôm. Và cứ thế, cô cho xe chạy về phía thành phố. Nhẩm tính, từ trại giam tới trung tâm thành phố hơn bảy chục kilomet, phải đi hơn một tiếng. Trong khoảng thời gian này, việc cô trốn khỏi trại giam sẽ được cán bộ Lý phát giác và như vậy, cô có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào. Mặc, có bộ quần áo cảnh sát trên người, Gia Linh cho xe phóng khá nhanh hướng về thành phố.

Chiếc xe đang chạy ngoan ngoãn bỗng khực khực mấy cái rồi chết máy. Chết tiệt, chuyện gì nữa không biết. Gia Linh xuống xe, mở cốp kiểm tra bình xăng. Sạch, không còn một giọt. Thế này thì gay to rồi. Không có một đồng trong người, mà quãng đường còn những hơn một phần hai. Đang loay hoay chưa biết tìm cách nào thì từ đằng xa có ánh đèn pha ô tô đi tới. Gia Linh vội dắt chiếc xe máy vào một quán bên đường. Vừa thấy bóng một người đàn ông, đoán là chủ quán, cô nói nhanh:

- Ông chủ ơi. Tôi có việc găp, cho tôi gửi tạm chiếc xe máy này vào đây, tôi sẽ xin lại ông sau.

Và không cần ông chủ trả lời, Gia Linh nhìn nhanh tên quán, số nhà rồi ào ra lề đường. Vừa lúc, chiếc ô tô con đang lao đến gần. Gia Linh lấn ra đường, giơ tay vẫy xin đi nhờ.

Thấy một nữ công an đang vẫy, chiếc xe giảm tốc rồi dừng ngay lại. Gia Linh mở cửa xe, vừa ngồi vào trong xe, vừa nói với người tài xế:

- Anh làm ơn cho tôi quá giang về thành phố.

Người tài xế nhìn qua gương, thấy nữ công an khuôn mặt xinh xắn nhưng có vẻ bất an, anh ta bắt chuyện:

- Chắc chị có việc gì gấp lắm?

- Vâng, đúng vậy. Tôi có chuyện phải giái quyết gấp.

Trả lời chung chung, qua quýt như thế rồi Gia Linh giục người tài xế tăng tốc. Cô hoang mang bởi nếu không nhanh thì việc bất thành và cô sẽ bị bắt ngay trở lại. Chiếc xe đột ngột tăng tốc, xé gió lao về phía thành phố.

*

Thành phố đã lên đèn. Gia Linh không về nhà mình mà nhờ lái xe phóng thẳng tới trước cửa nhà Trần Hoạt. Cô cảm ơn người lái xe tốt bụng rồi mở cửa xe, đi xuống.

Nhà Trần Hoạt, cổng khóa. Ngó nghiêng ra xung quanh rồi Gia Linh nhanh chóng vượt bức tường rào sắt, nhảy vào bên trong. Cô đi thẳng tới cửa chính, đẩy mạnh cửa bước vào.

Nghe tiếng động, Trần Hoạt với bộ quần áo ngủ từ phòng khách đi ra, cất tiếng:

- Chị là… sao chị vào được đây? Tôi nhớ không nhầm thì cổng nhà tôi đang khóa...

- Ông nói đúng. Cổng nhà đang khóa. Nhưng tôi vẫn vào được. Ông hỏi tôi là ai ư? Ông nhìn lại xem! – vừa nói, Gia Linh vừa lột bỏ chiếc mũ kepi đặt xuống bàn.

Sau phút ngỡ ngàng, Trần Hoạt bỗng bàng hoàng khi nhận ra người đứng trước mặt mình là cô gái mà mấy năm trước đã tới đây. Hắn lắp bắp:

- Cô… cô… là Gia Linh, con mẹ Nga? Tôi tưởng…

- Ông tưởng tôi đang ở trong trại giam, đúng không?

- Tôi…tôi biết cô… đang bị tù, sao lại…

- Trần Hoạt. Ông nghe đây. Trí nhớ của ông không tồi. Đúng, tôi đang thụ án sáu năm tù do chính kẻ khốn nạn là ông gây nên. Nhưng ông đã buộc tôi phải về đây. Về để trả thù cho mẹ tôi và trả thù cho chính tôi. Ông là một thằng khốn, một con vật đội lốt người. Hôm nay ông phải chết.

Vừa nói, Gia Linh vừa nhìn như đốt cháy kẻ súc sinh đang sừng sững đứng trước mặt mình. Tay rút súng ngắn từ bao đang đeo bên hông, Gia Linh lên đạn. Tiếng lách cách của kim khí nghe dợn tóc gáy. Gia Linh nâng súng bằng hai tay, hướng vào kẻ đang đứng trước mặt mình. Trần Hoạt mặt cắt không còn hạt máu. Hắn lùi lại, người co rúm, đưa hai tay ra che mặt, miệng lắp bắp:

- Cô… xin hãy bình tĩnh. Không phải thế. Tôi không hại…

- Câm mồm. Thằng chó. Mày phải chết!

- Dừng lại! bỏ súng xuống! Giơ tay lên! - Một tiếng quát đanh gọn vang lên ngay phía sau lưng. Gia Linh giật mình quay lại và hoảng hốt khi bắt gặp bốn sỹ quan cảnh sát với những nòng súng ngắn đen ngòm đang lăm lăm hướng vào mình. Chân tay cô bủn rủn. Gia Linh thõng tay làm rơi khẩu súng xuống nền nhà kêu đánh "cạch". Và cô ngồi thụp xuống, hai đầu gối kẹp lấy hai bên má, nấc lên:

- Trời ơi! Sao lại thế này !?

Chiếc còng số tám được một sỹ quan cảnh sát bập xuống hai cổ tay trắng ngần của người nữ tù nhân xinh đẹp. Rồi họ dìu Gia Linh ngồi xuống ghế sopha trước bàn nước. Trần Hoạt vẫn chưa hết bàng hoàng. Hắn đưa tay áo lên lau mồ hôi đang rịn ra từng hạt trên trán, lấm lét nhìn mọi người.

- Cảm ơn các… các… anh. Nếu các anh…muộn một chút... thì hôm nay… tôi chắc chết chắc…rô...ô...rồi.

Biên bản phạm pháp quả tang được một cán bộ lập ngay tại chỗ. Trần Hoạt và Gia Linh cùng ký vào đó. Khẩu súng ngắn được thu giữ. Gia Linh được đưa lên chiếc xe đặc chủng đợi sẵn ở cổng nhà Hoạt, trở về trại giam.

Chín giờ đêm.

Gia Linh đang ngồi trong phòng biệt giam, bụng đói meo, tâm trạng ê chề thì cánh cửa kẹt mở. Nữ cán bộ quản giáo Thiên Lý bước vào. Biết có người vào nhưng Gia Linh không hề ngước lên.

Người cán bộ quản giao nhẹ nhàng đặt tay xuống đôi vai tròn trịa của Gia Linh, cùng đó là một giọng nói ấm áp quen thuộc, vừa như trách cứ vừa như vỗ về:

             - Em dại quá Gia Linh? Những lời khuyên giải bấy lâu nay của tôi, em không nhận thức được là sao?

Gia Linh ngửng lên và bắt gặp ánh mắt cảm thông nhưng nghiêm khắc của nữ quản giáo. Tự nhiên, cô thấy mình thật nhỏ nhoi, thật ấu trĩ, thật tội lỗi và cô òa khóc:

- Cán bộ ơi, em sai rồi! Em có tội với cán bộ. Cán bộ hãy tha thứ cho em…

- Tôi có thể tha thứ cho em, nhưng pháp luật thì không.

Nói rồi, Thiên Lý gọi người đem thức ăn vào cho nữ tù nhân của mình. Trước khi bước ra khỏi phòng biệt giam, Thiên Lý bảo:

- Chịu khó mà ăn rồi ngủ đi một giấc và hãy suy nghĩ nghiêm túc về hành vi của mình nhé.

Còn lại một mình Gia Linh trong phòng. Cô xúc cơm ăn ngấu nghiến. Những tưởng có thể sẽ ăn hết mấy suất cơm như thế, nhưng khi miếng cơm vừa được đưa lên miệng, cô thấy nó đắng chát, cổ họng khô lại. Và cô biết rằng, những điều cay đắng, nghiệt ngã nhất đang chờ cô ở phía trước. Trong tâm trạng rối bời, Gia Linh tự hỏi, chưa giết được Trần Hoạt là điều may mắn hay đang là tai họa đối với cuộc đời mình.

Sau này, theo lời khai của nữ phạm nhân, cán bộ Thiên Lý đã đến một quán bên đường xin lại chiếc xe máy Gia Linh đã gửi lại hôm đó.

8

Người điều khiển chiếc xe ôm chở Trần Hoạt từ quốc lộ rẽ vào con đường quen thuộc đầy sỏi đá đi về phía biển. Chưa tới điểm dừng mọi khi, Trần Hoạt đưa tay vỗ vào vai rồi rướn người lên nói vào tai người lái xe:

- Ông đừng đi, cho tôi xuống đây!

Người lái xe ôm giảm ga, dừng xe. Trần Hoạt móc túi lấy tiền trả cho anh ta rồi tay xách chiếc túi du lịch nhỏ đi nhanh về phía biển.

Đến mỏm đá mọi khi, Hoạt bỏ chiếc túi xuống bên, ngồi đốt thuốc lá, nhìn ra biển xa. Ánh nắng cuối chiều hắt bóng những tảng núi đá và bóng anh ta thành một vệt đen dài trên mặt biển. Ngoài kia, thuyền dăng câu đã bắt đầu chộn rộn, nhiều chiếc đã thắp đèn.

Đang nhìn ngắm biển chiều và thả hồn vào những con sóng, Trần Hoạt bỗng giật mình khi phát hiện từ phía trái có ba người đàn ông đang lầm lũi đi tới. Đưa mắt quan sát, phát hiện phía bên phải cũng có hai người đàn ông đang đi lại phía mình, nghi có thể đó là lực lượng chống buôn bán ma túy của thành phố đã theo dõi và có thể bắt mình, Trần Hoạt chờn chợn. Tóc gáy dựng đứng, người Hoạt nổi da gà. Kinh nghiệm từng trải của một kẻ trong nghề mách bảo nguy hiểm đang tới gần, Trần Hoạt xách chiếc túi du lịch đứng bật dậy như một chiếc lò so rồi đi ra phía mỏm đá gần mép nước. Từ đó xuống mặt biển ước chừng hai chục mét. Những người kia càng đi nhanh hơn và mỗi lúc mỗi gần. Không nghi ngờ gì nữa, đúng là bọn cớm. Ba mươi sáu chước, chuồn là hơn cả. Nghĩ là làm. Trần Hoạt ôm chiếc túi về ngực rồi nhắm mắt lao xuống biển. Trên đường bay từ mỏm đá xuống nước, Hoạt còn kịp nghe tiếng của mấy người:

- Nó nhảy xuống biển rồi!

- Bắn bị thương, đừng bắn chết.

- Phải bắt sống nó!

Trong tiếng gió rít qua mang tai, Trần Hoạt nghe rõ những tiếng nổ và tiếng đạn xé trong không khí. Trong nháy mắt, hắn đã nằm sâu trong làn nước biển ấm áp. Tự nhiên Hoạt thấy chân trái đau nhói và khi đã nằm sâu trong làn nước biển, Hoạt đưa tay sờ chân. Biết mình đã bị dính đạn, hắn lặn xuống sâu hơn, rồi như một con Rái cá, một tay ôm chiếc túi du lịch, tay kia vời nước, quẫy chân chuyển hướng, nhằm cửa hang quen thuộc lao vào. Sợ hết vía và khó nhọc nhưng cuối cùng Hoạt cũng tới được tảng đá quen thuộc trong hang. Choài lên tảng đá lấy sức, Hoạt vội vàng kiểm tra vết thương. Hắn giật mình vì thấy cẳng chân tê dại, máu từ đó đang rịn ra. Xé vạt áo buộc chặt vết thương, Hoạt nhanh chóng lôi bộ đồ lặn được đặt trong khe đá mặc nhanh vào người. Phải rời khỏi đây ngay để tới chiếc thuyền ngoài biển càng nhanh càng tốt. Lấn bấn, sớm muộn gì bọn cớm cũng tóm được. Nếu bị bắt, dựa cột là cái chắc. Nghĩ vậy, Trần Hoạt trườn xuống nước lặn sâu và bơi ra khỏi hang hướng về phía biển, hắn nhắm tới con thuyền quen thuộc như một chiếc máy định vị.

Mấy chục phút sau, Hoạt đã tới được nơi cần đến. Gõ vào mạn thuyền theo ám hiệu và ngay tức khắc, hắn được hai bóng đen từ mũi thuyền đi đến. Đồng bọn nhanh tay kéo hắn lên thuyền, ấn xuống khoang. Trút bỏ nhanh bộ quần áo lặn, Hoạt mặc bộ quần áo dân chài. Một trong hai bóng đen đứng chống nạnh trên thuyền, hỏi:

- Bị lộ à?  Bọn tao nghe có tiếng súng nổ.

- Ừ! Dính mẹ nó đạn rồi.

Vừa nói, Hoạt vừa đưa tay sờ xuống vết thương ở chân. Qua ánh đèn câu, hắn phát hiện máu đang chảy. Cái chân phải của hắn tê buốt. Trần Hoạt bảo tên đứng bên:

- Có lẽ đạn vào chỗ hiểm hay sao ấy, chân tê dại không còn cảm giác nữa.

- Mẹ kiếp. Thế mà giờ mới nói. – sau câu làu bàu ấy, người đàn ông đi về phía mũi thuyền. Lát sau, hắn quay lại, nhảy xuống khoang. Anh ta bảo Trần Hoạt vén ống quần lên rồi nhét một loại thuốc gì đó vào vết thương và cuốn băng lại. Trần Hoạt lấy tay lau nước trên mặt. Hai tên đồng bọn kéo hắn đứng dậy. Mặc dù vậy, hắn không quên chiếc túi du lịch. Đoạn hắn bảo một trong hai người:

- Vào bẩm đại ca cho tôi gặp gấp.

Người đàn ông lẳng lặng đi về phía mũi thuyền. Rồi hắn quay lại, khoát tay ra hiệu cho Hoạt đi theo.

Trần Hoạt khó nhọc bám vào vai người đàn ông còn lại, lết từng bước tới mũi thuyền. Tới nơi, hắn đã thấy người đàn ông quen thuộc, ngồi trầm tư trên tấm phản gỗ trong mui thuyền. Người đưa Hoạt tới, khúm núm:

- Dạ thưa anh, khách đã tới.

- Vào đi! – người đàn ông trong khoang lên tiếng.

Hoạt khom người lết vào, ngồi đối diện người đàn ông đầy quyền uy kia. Chưa yên chỗ, hắn đã nghe người đàn ông hỏi:

- Đủ hàng chứ?

- Dạ thưa… đủ ạ. – Hoạt lôi hàng từ trong túi du lịch ra đặt trước mặt người đàn ông.

Ông ta nhổm đít, bỏ miếng gỗ ghép đang ngồi sang bên, đưa tay lấy một bọc nilon đen quăng về phía Hoạt:

- Tiền đây. Biến nhanh đi!

- Dạ thưa… - Hoạt định nói về vết thương nhưng bị ngăn lại.

- Vào đi! Muốn bọn cớm tóm cả lũ hả?!

Trần Hoạt không nói gì. Anh ta đứng dậy, khó nhọc lết ra ngoài. Người đàn ông dẫn hắn tới vẫn chờ. Chẳng nói chẳng rằng, anh ta kéo tay Hoạt, dìu về phía cuối thuyền. Hoạt nghiến răng đi tập tễnh. Hình như bây giờ anh ta mới thấy đau. Ngay tức khắc, anh ta được đẩy xuống chiếc mủng. Người đàn ông nhảy xuống theo. Hắn lấy bơi chèo, hối hả đưa Hoạt vào bờ.

Khi đã vào tới mép nước, người chèo mủng định quay ra ngay, Trần Hoạt khẩn khoản:

- Huynh đừng để đệ một mình. Chân đệ đau lắm. Đi một mình không được đâu. Mà bò và lết thì đến bao giờ mới tới được đường cái. Đệ mà bị bắt là cả lũ bị tóm ngay đấy…

Người chèo mủng lưỡng lự rồi chửi đổng:

- Mẹ kiếp. Không cẩn thận là chết cả lũ thật đấy.

Nói vậy nhưng qua ánh đèn, hắn nhìn thấy Hoạt đang nhăn nhó nên đứng dậy, nhảy đại xuống nước. Rồi hắn vươn tay đón Hoạt từ trên mủng xuống. Và cứ thế, hai người dìu nhau rời biển đi lên bãi cát. Vừa đi, người đàn ông vừa nói:

- Đau cũng gắng đi bình thường. Tập tễnh thế này thì khác nào "Lạy ông con ở bụi này". Bọn cớm vẫn còn lởn vởn quanh đây, chưa đi xa đâu.

Hai người bá vai nhau đi như hai thằng say rượu, hướng lên con đường giáp biển. Tới đường, gã đàn ông bảo:

- Bây giờ thì tự bắt xe mà đi!

Nói xong, hắn quay gót đi thật nhanh ra biển. Trần Hoạt nghĩ, đúng là bọn vắt chanh bỏ vỏ. Phải tự cứu mình thôi. Phải bắt xe tắc xi về Hà Nội ngay trong đêm. Nếu vào nhà nghỉ ở thành phố biển thì sớm muộn gì cũng bị bắt.

Một chiếc tắc xi với hai pha đèn sáng trưng chà tới. Hoạt đưa tay vẫy vẫy. Xe dừng, hắn mở cửa bước lên. Vừa yên vị, Hoạt đã bảo người lái xe:

- Anh cho tôi về Hà Nội được chứ?!

- Dạ, được ạ.

Chiếc xe chuyển bánh, hướng về phía Hà Nội. Khi đã đi được một đoạn khá xa, Hoạt kêu tài xế dừng lại. Hắn rút đưa cho tài xế 500 ngàn đồng, nhờ anh ta tạt vào một quán phở ven đường mua mấy cái bánh mỳ và nửa con gà luộc. Người tài nhận tiền, bước xuống và đi vào mua thức ăn cho Hoạt. Lát sau, anh ta quay ra đưa cho Hoạt thức ăn và tiền thừa. Hoạt nói lời cảm ơn. Chiếc xe lại lăn bánh, bon bon trong đêm. Vừa ăn, Hoạt vừa thúc giục người lái xe tăng tốc vì "tôi có một cuộc hẹn ở Hà Nội!".

Gần hai giờ đêm thì chiếc tắc xi tấp vào lề đường gần nhà Hoạt. Hắn trả tiền cho lái xe rồi xuống xe. Chờ cho chiếc tắc xi mất dạng ở cuối đường, hắn mới tập tễnh đến cổng. Bấm chuông, và lúc sau mới thấy người giúp việc đi ra. Bà ta ngái ngủ, nhấm nhẳn:

- Ai đấy? Ai lại gọi cửa vào giờ này?

- Tôi. Mở cửa mau!

Phát hiện ông chủ đã về, người giúp việc lật đật quay vào trong nhà lấy chìa khóa rồi chạy ra mở cổng. Chờ cho ông chủ sai bảo và cà nhắc đi vào trong nhà, bà ta mới khóa cổng và đi vào phòng ngủ của mình.

Tắm táp qua loa, thay bộ quần áo rồi lên giường nằm. Cho đến lúc này, hắn mới thấy thực sự sợ hãy và ớn lạnh cả sống lưng. Nói dại, nếu viên đạn của mấy tay Công an găm vào đầu lúc ấy thì bây giờ xác hắn đang lập lờ dưới biển. Và chỉ mấy tiếng sau, xác hắn sẽ nổi lên mặt nước và thế là hết đời... Cái chân lại dở chứng, nó đau tê dại tới tận đỉnh đầu. Hoạt bấm máy gọi cho một tên đàn em:

- Alo! Mày đang ở đâu? ờ… mới về. Mày kiếm ngay một tay bác sỹ giỏi đến nhà tao ngay!... Cứ biết thế. Nhớ bảo anh ta mang theo bông băng và thuốc giảm đau... Ừ, làm lẹ lên!

 Hoạt nằm trên giường ngóng tên tay chân của mình đưa bác sỹ tới. Hắn tự thấy mình thật thông minh. Nếu không phát hiện và không thoát nhanh xuống biển thì có lẽ giờ này hắn đang ngồi trong phòng giam bởi năm mươi bánh Heerroin mang theo. Và biết đâu, hắn chẳng bị bọn công an tẩn cho một trận bê xê lết. Thật hú vía. Đùa với pháp luật thật nguy hiểm. Sống đấy và chết ngay tức khắc, một cái chết khốn nạn đã được báo trước. Có lẽ… mà không phải có lẽ nữa, sau khi chữa trị lành vết thương, hắn quyết  rửa tay gác kiếm. Bởi đời người chỉ sống có một lần. Dại gì phải dấn thân vào cái trò phiêu lưu, nguy hiểm ấy và nhận lấy cái chết bằng những viên đạn, nếu không phải trên đường trốn chạy thì cũng là những viên đạn bị găm vào đầu, vào ngực khi bị bịt mắt, dựa cột. Nghĩ tới đây, Hoạt mỉm cười. Có thể đây là một quyết định thông minh. Hắn hít một hơi thật căng lồng ngực, nghiến răng nhìn ra cửa chờ đợi tên đàn em và một gã bác sỹ nào đó.

Lát sau, có tiếng xe máy dừng ở cổng rồi tiếng chuông vang lên. Người giúp việc lại tất bật trở ra mở cổng đón hai người khách vào nhà.

Hoạt ngồi dậy, dựa lưng vào thành giường. Tiện tay, với bật công tắc điện. Đèn trong phòng ngủ của hắn sáng bừng lên.

Tay đàn em quãng độ ba mươi tuổi, dáng người thấp lùn đi vào. Sau hắn là một nam bác sỹ đã trung tuổi, vai đeo túi thuốc. Cả hai vào phòng Hoạt và cài cửa cẩn thận.

Hoạt cười méo mó:

- Trọng hả?

- Đại ca. Đại ca làm sao thế?

- Vào đi! Bị rồi. Đây này! – Hoạt chỉ vào vết thương ở chân phải.

Trọng hất hàm bảo tay bác sỹ:

- Kiểm tra và xử lý nhanh lên!

Bác sỹ yêu cầu Hoạt duỗi chân và làm mấy độngh tác cử động rồi quay sang hỏi Hoạt:

- Anh thấy đau không?

Hoạt lắc đầu. Tay bác sỹ nhăn mặt:

- Gay đấy. Vết thương không nặng nhưng làm đứt dây thần kinh vận động. Vì vậy rất có thể cái chân này sẽ rất khó cử động lại được.

Trọng hằm hằm, sốt sắng:

- Vậy thì ông phải nghĩ cách đi chứ! Bao nhiêu cũng được. Đừng ngồi đó mà nói nữa.

- Vì nó như thế nên tôi phải nói để các anh hiểu chứ. Tôi sẽ cố gắng.

Bác sỹ mở cặp, lấy thuốc sát trùng rửa vết thương rồi lúi húi mổ, tách, khâu khâu, nối nối gì đó. Mồ hôi của anh ta đổ ra như tắm. Khoảng hai tiếng sau thì bác sỹ dừng tay. Anh ta quay ra:

- Tôi đã xử lý cong. Nhưng phải tiêm khoảng hơn một tuần. Nếu tự tiêm được thì thuốc đây. Một ngày ba lần với hai loại thuốc này. Khi nào vết thương ăn da non, anh phải chịu khó tập co duỗi và tập đi lại. Không tập, cẳng chân sẽ teo tóp dần và coi như hỏng đấy.

- Đừng có nói gở. Tiêm tiếc gì thì ông phải đến kiểm tra thường xuyên. – Trọng cằn nhằn.

 - Tôi sẽ đến... Nhưng các anh biết đấy, tôi còn phải làm ở bệnh viện, ngoài giờ tôi mới đến được. –  bác sỹ phân trần.

- Ông nghỉ mẹ nó đi đến đây phục vụ cho đại ca tôi. Hết bao nhiêu tôi chịu. – Trọng làu bàu.

- Nhưng…

- Nhưng nhiếc gì. Cứ báo ốm rồi đến đây.

Hoạt tỏ ra nhẹ nhàng hơn:

- Đừng thế Trọng. – rồi quay sang bác sỹ, nhỏ nhẹ  - Anh cứ đến ngoài giờ cũng được. Nhưng phải thường xuyên nhé, nhất là những ngày này.

Nói đoạn, Hoạt rút một xấp tiền loại 500 ngàn đồng, đặt trước mặt bác sỹ:

- Tôi tin bác sỹ. Đây là tiền công hôm nay.

- Dạ, tôi sẽ cố gắng.

Vị bác sỹ cầm tập tiền đưa lên định đếm. Trần Hoạt ngăn lại:

- Cứ cầm lấy, không cần phải thối lại đâu. Đó là tấm lòng của tôi. Xin bác sỹ nhận và cố gắng qua lại giúp đỡ.

Vừa run run cho tập tiền vào cặp, vị bác sỹ vừa ngước lên vẻ biết ơn:

- Cảm ơn anh. Tôi sẽ cố gắng.

Nói xong, anh ta xin phép Trần Hoạt ra về.

               Thấy viên bác sỹ từ phòng Hoạt đi ra, người phục vụ nhanh chóng cầm chùm chìa khóa te tái chạy ra mở cổng.

 Ra khỏi cổng nhà Trần Hoạt, vị bác sỹ vẫy một chiếc tắc xi, trở về nhà mình. Ngồi trên xe, anh ta vẫn chưa hết hồi hộp và xúc động về tất cả những gì vừa xảy ra.

Khi đó đã gần năm giờ sáng.

*

Gia Linh bị đưa ra xét xử sau một thời gian điều tra. Lần này, việc phạm tội của nữ phạm nhân quá rõ ràng. Các cơ quan tố tụng không cần phải tốn nhiều thời gian để thu thập thêm chứng cứ. Vì vậy Tòa án làm việc cũng rất nhanh chóng. Phạm nhân – bị can Nguyễn Gia Linh cũng không hề chối tội. Cô thừa nhận, lợi dụng sự tin tưởng của cán bộ quản giáo, cô đã chớp cơ hội để "mượn xe", "mượn súng ngắn", "mượn trang phục Công an" và trốn khỏi nơi giam, quyết tâm thực hiện hành vi giết Trần Hoạt, kẻ mà theo cô, đã đưa mẹ cô đến bản án tử hình và đã khiến cô phải vào trại sáu năm. Nhưng rất may, việc giết người của cô chưa đạt. Tuy nhiên, tòa cho rằng, điều đó nằm ngoài ý chí của Gia Linh. Tất cả các chứng cứ đã đủ để chứng minh phạm nhân Gia Linh phạm ba tội danh "Trốn trại", "sử dụng vũ khí quân dụng trái phép" và "giết người".

Khi được nói lời cuối cùng trước phiên tòa, Gia Linh chỉ xin Tòa hiểu được suy nghĩ và hành động của mình trước việc mẹ cô bị oan ức do Trần Hoạt gây ra mà xem xét cho mình được hưởng một mức án nhẹ nhất khi lượng hình.

Cuối cùng thì Tòa cũng tuyên phạt Gia Linh 5 năm tù về ba tội danh trên. Tổng hợp với bản án trước đó, cô phải chịu mức hình phạt chung cho cả hai bản án là 12 năm tù. Trừ đi thời gian đã chấp hành hình phạt tù được hơn 2 năm, cô còn phải ở tù hơn 9 tù năm nữa.

Với mức án ấy, Gia Linh không được ở lại trại giam Quyết Thắng, mà phải chuyển đến một trại giam khác, cách trại giam trước khoảng gần hai trăm kilomet. Đây là trại chuyên giam giữ những bị án có mức án phạt trên 10 năm tù, án chung thân và án tử hình.

*

Việc chuyển trại được thực hiện trong một ngày trời mưa. Cả trại giam Quyết Thắng được phủ kín một màn mưa trắng đục. Chiếc xe đặc chủng đỗ trước cổng trại. Gia Linh run run, bịn rịn nhận tờ lệnh từ tay cán bộ quản giáo. Đọc lướt một lần, cô rùng mình và hai hàng nước mắt cứ thế trào ra. Cô quay vào phòng giam xách túi quần áo, tư trang, lủi thủi đi ra xe sau khi đã ngoái nhìn nó một lần nữa. Đi sau cô vẫn là Thiên Lý, người cán bộ quản giáo, người thầy, người chị và là người bạn thân thiết của cô. Gia Linh đang rất ân hận vì đã có những hành động ngông cuồng và rồ dại để rồi phải rời bỏ nơi này tới một vùng xa lạ khác. Có cái gì đó như là nuối tiếc đang dâng lên trong cô. Cô phải ra đi sau khi đã để tuột mất cơ hội được ở một nơi gần thành phố, nơi có người nữ cán bộ quản giáo đã rất thấu hiểu và cảm thông. Đi xa hơn, nếu bố có đến thăm thì ông sẽ vất vả hơn bởi tuổi ông mỗi ngày một cao, sức khỏe mỗi ngày mỗi yếu. Là nghĩ vậy, chứ bây giờ thì tất cả đã muộn mất rồi.

Thiên Lý nhìn nữ phạm nhân với ánh mắt vừa cảm thông, vừa trách cứ:

- Hãy tỉnh táo và khôn lên nhé Gia Linh!

Cô không nói gì, chỉ cúi xuống như thể tạ tội trước ân nhân.

Ai đó đẩy vào lưng, buộc cô lên xe.

Cửa xe đóng sầm phía sau. Tiếng khóa loảng xoảng bên ngoài. Rồi chiếc xe rùng mình chuyển bánh.

Gia Linh bỗng thấy đơn độc, lạc lõng, buồn tủi và cô bật khóc. Cô nhớ tất cả những gì đã diễn ra với cô kể từ hơn hai năm nay. Từ một võ sĩ Vovinam kiêu hãnh trên bục vinh quang ở đấu trường Sea games, đã trở thành bị cáo trước vành móng ngựa, trở thành bị án trong trại giam rồi bây giờ lại phạm thêm tội mới, phải ở tù hơn chín năm nữa. Chín năm đối với cuộc đời một con người đâu phải là ngắn ngủi. Chín năm nằm trong trại giam sẽ dài dằng dặc. Tệ hại hơn nữa là mười năm tù đày lại rơi đúng vào cái độ đang phơi phới tuổi thanh xuân. Ở độ tuổi sung sức này, con người ai cũng ra sức phấn đấu, rèn luyện và cống hiến. Vậy mà cô lại phải dừng lại tất cả. Điều khắc nghiệt này không những cản trở sự nghiệp và mà còn cướp đi cả hạnh phúc của cô nữa… Đột nhiên, Gia Linh nghĩ đến mẹ. Không biết mẹ thế nào? Có chống án không hay người ta đã đem ra pháp trường bắn mẹ rồi? Không biết người đời, có ai tin mẹ không phạm tội để xử cho mẹ được sống hay không? Cả bố nữa. Cuộc sống  của bố hồi này ra sao? Sức khỏe, sự nghiệp và hạnh phúc của ông? Liệu ông còn nhớ và thương một đứa con gái lạc loài, đã một thời tin, nghe mẹ mà xử tệ, thậm chí là căm thù ông không? Bao nhiêu câu hỏi cứ ùa về… Mệt quá, Gia Linh không thể nghĩ tiếp được nữa. Cô gieo mình, nằm còng queo trên ghế, mặc cho chiếc xe lắc lư, quăng quật nghiêng ngả cái thân xác ngà ngọc của mình hàng trăm cây số trên mọi địa hình.

Nằm một lúc, Gia Linh lại tiếp tục suy nghĩ. Lẽ ra mình phải bình tĩnh để tìm gặp bạn bè, tìm gặp người thân và trước hết phải gặp cơ quan pháp luật để báo cáo, để đề nghị được giúp đỡ… Nhưng cô đã không làm được như vậy nên phải chịu cảnh bị bắt đi bắt lại và tù đày triền miên. Nếu như… Cô nhếch mép cười khi nhớ tới câu ngạn ngữ rất hay của người Pháp rằng, "Với những chữ NẾU, ta có thể bỏ Paris vào trong một cái lọ". Cô cay đắng nuốt khan một cái rồi đưa tay bám chặt vào thành ghế, mặc cho chiếc xe nhảy lên như  xóc ốc, mặc cho nó quăng quật và cô thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn.