'Cảnh Lan Viên nơi tỏa sáng vẻ đẹp đức hy sinh!'

Nhiều năm qua, ông Trần Công Cảnh cùng vợ là bà Trần Thị Lan ở Bình Phước luôn tích cực làm công tác thiện nguyện, là chỗ dựa vật chất và tinh thần cho bao cảnh đời bất hạnh.

Nơi ở của ông bà tại Bình Phước được tu chỉnh khang trang thành CẢNH LAN VIÊN nơi gặp gỡ sẻ chia của những người con Xứ Quảng xa quê ở phía Nam, nơi giao lưu của những người yêu thiên nhiên và sinh vật cảnh miền Đông. Ông bà luôn tâm niệm phải sống sao cho xứng là người con Xứ Quảng anh hùng.

z4235198640509-1acc7f882f4060d96c3c6f259387c730-1680531561.jpg
Biểu tưởng của Cảnh Lan Viên

Trong chuyến công tác tại Quảng Nam nhân dịp Quốc khánh 2/9, tôi đề nghị được ghé thăm nơi ông bà Trần Công Cảnh và Trần Thị Lan sinh ra để hiểu thêm về mảnh đất anh hùng và những tâm hồn nhân ái nơi đây.

Đến Gò Nổi (Điện Bàn) nơi ông Trần Công Cảnh sinh ra, tôi mới biết rõ đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, thời nào cũng có những danh nhân. Nơi sinh ra những nhân vật lịch sử nổi tiếng như: Tổng đốc Thăng Long Hoàng Diệu, Chí sĩ cách mạng Trần Cao Vân, Anh Hùng Trần Thị Lý, Anh Hùng Nguyễn Văn Trỗi, Mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Thứ, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình...và được biết ông Trần Công Cảnh là cháu cố của nhà chí sĩ cách mạng Trần Cao Vân!

Gò Nổi nói riêng và Điện Bàn nói chung là địa phương có nhiều mẹ Việt Nam Anh Hùng, nhiều người có công, nhiều người liệt sĩ bậc nhất cả nước, một trong những nơi ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc từng được ví "Nhất Củ Chi, Nhì Gò Nổi".

Về Quế Sơn nơi bà Trần Thị Lan sinh ra, tôi thật sự sững sờ và sốc khi biết mình đang đặt chân tại chân đồi Bà Đen, thôn Đông Nam xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn nơi từng xảy ra vụ thảm sát do lính Mỹ và lính Nam Triều Tiên gây ra ngày 27 tháng 12 năm 1968 đã cướp đi sinh mạng của 21 người dân vô tội. Trong đó có 5 người thân trong gia đình bà Trần Thị Lan. Khi đó, bà Lan mới 13 tuổi cùng người chị họ của mình còn sống sót vì lúc xảy ra vụ thảm sát hai bà đang đi làm đồng!

Với bà Lan, kí ức về quê hương chỉ còn là căn miếu nhỏ rộng chừng 3 mét vuông thờ những người thân yêu gắn với tuổi thơ dữ dội của bà! Quê hương với bà chỉ có vậy. Bởi phần lớn người thân của bà đã hi sinh trong cuộc thảm sát dã man mà đế quốc Mỹ đã gây ra tại Phú Thọ ngày ấy!

Không ai muốn nhắc lại quá khứ quá đau thương và tàn khốc ấy. Tháng 7 năm 2013, Đảng bộ và nhân dân cùng các cơ quan đoàn thể xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam mới xây dựng bia chứng tích tưởng niệm 21 người dân vô tội và lên án tội ác chiến tranh.

Sau gần 50 năm, bà Trần Thị Lan và người chị dâu của mình đứng tại nơi xảy ra vụ thảm sát năm xưa vẫn chưa hết bàng hoàng và nỗi buồn còn trĩu nặng trên khoé mắt, ngẹn lòng không thể cất thành lời. Thắp nén nhang thơm cháy nghi ngút bên tấm bia tưởng niệm những người dân vô tội bị giặc giết hại giữa đỉnh đồi hoang vắng lạnh lẽo, bà lan kể lại: "Năm đó, khi tôi và người chị dâu của mình vừa đi làm về đến nhà thì thấy một cảnh tượng kinh hoàng đã xảy ra trước mắt. Toàn bộ người già, phụ nữ, trẻ nhỏ và cả trâu bò cũng bị lĩnh Mỹ và liên quân giết sạch một cách hết sức man dợ bằng lưỡi lê và dao găm đâm từ ngực xuyên qua lưng hoặc bị cắt cổ bêu đầu".

z4235199485087-0bd061a8c92528fc0480b4e39dd073be-1680531561.jpg

Hai chị em bác Trần Thị Lan sống sót trong vụ thảm sát năm xưa

Nói đến đây, bà Lan không thể nói tiếp được nữa vì kí ức kinh hoàng dội về trong tâm khảm bà. Một lúc sau, vịn tay lên tấm bia, bà lắc đầu phân trần: "Lính Mỹ và lính Nam Triều Tiên chúng quá dã man. Chúng hãm hiếp cả người phụ nữ mới sinh con mấy tháng tuổi, rồi dùng lê đâm chết. Gặp ai là chúng giết sạch".

Sau đó, với lòng căm thù giặc Mỹ sâu nặng, bà Lan đã tham gia thanh niêm xung phong để chiến đấu với quân thù. Những năm 1968-1970, đỉnh điểm của cuộc chiến, nơi đây và cả vùng thung lũng Quế Sơn quê bà, quân Mỹ ngụy càn quét, bắn giết. Chúng thực hiện “3 sạch”: đốt sạch - giết sạch - phá sạch. Bà con làng Đông Nam thề với nhau rằng: “Một tấc không đi, một li không rời”, “Nhà tan cửa nát cũng ừ/Đánh thắng giặc Mỹ, cực chừ sướng sau”…Những năm tháng ác ấy, vượt qua muôn vàn "hòn tên mũi đạn" nơi mong manh giữa sự sống và cái chết ngay tại quê hương, người con gái Quảng Nam kiên cường như bà đã may mắn “bình yên” lành lặn trở về! Nhưng sự thật chiến tranh thật phũ phàng. Bà Lan trở về mang trong mình nỗi đau da cam Dioxin mà bà và gia đình không hề biết!

Chỉ khi nỗi đau đẩy lên đến kịch độ, lần lượt lấy đi của bà ba người con thân yêu dù chúng đã trưởng thành mà không vượt qua được số phận để làm người như bao bạn bè cùng trang lứa bởi chất da cam Dioxin. Những năm tháng kinh hoàng đó, đã lấy đi cả thể xác và linh hồn của người một người phụ nữ như bà. Ông Cảnh thì quá thương con, yêu vợ, đau buồn sau giờ dạy học chỉ còn biết tìm đến bia rượu để quên đi nỗi bất hạnh không thể chia sẻ với ai.

Thương thân tủy phận, bà Lan đã nhiều lần muốn tìm đến chốn bình yên nơi xa xăm mà khuyên ông Cảnh nên tìm một một người phụ nữ khỏe mạnh để xây dựng gia đình mới, sinh cho ông những đứa con khỏe mạnh làm chỗ dựa lúc tuổi già. Nhưng ông Cảnh vốn là người mang trong mình chí khí của danh sĩ Trần Cao Vân không bao giờ chấp nhận việc đó. Ngược lại ông lại yêu thương bà và gần gũi chăm lo cho bà nhiều hơn để bù đắp phần nào những vết thương quá sức chịu đựng của con người mà cuộc đời bà từng trải qua.

Nghị lực, tình thương yêu của người chồng bao dung đã bù đắp phần nào những nỗi đau mà họ không bao giờ muốn nhắc tới cũng dần dần phai mờ theo năm tháng. Dù rằng chiến tranh đã lấy đi hạnh phúc quyền được làm tròn đạo hiếu với cha mẹ của bà, lấy đi quyền làm mẹ của bà với ba đứa con yêu quý mà bà đã mang nặng đẻ đau và nuôi dưỡng bao tháng ngày, nhưng bà cùng ông vẫn không ngừng phần đấu vươn lên và luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống phía trước.

Ông bà nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng để giúp mình và cứu người. Ông Cảnh tốt nghiệp cử nhân báo chí Viện Đại học Vạn Hạnh (năm 1974), sau đó lấy bằng cử nhân hóa hữu cơ Trường ĐH Khoa học (thuộc Viện ĐH Sài Gòn), từng giữ một vài vị trí quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, rồi chuyển sang kinh doanh vàng bạc đá quý thuộc công ty SJC TP. Hồ Chí Minh.

Từ hai bàn tay trắng, ông bà về già đã tạo dựng cho mình một vựa cao su hàng trăm héc ta ở Bình Phước đem lại việc làm thu nhập và nguồn sống cho hơn trăm người ở huyện Hơn Quảng, tỉnh Bình Phước. Một gia đình có nhiều thân nhân hi sinh mất mát trong chiến tranh, một gia đình bị nỗi đau da cam giằng xé nhưng ông bà không bao giờ hết niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống và thử thách nghiệt ngã của "ông trời" với gia đình ông bà. Dù còn bộn bề khó khăn nhưng ông bà đã tích cực làm công tác từ thiện. Ông đặt tên cho trang trại cao su của mình tên là Nghĩa Phúc với ước vọng làm giàu phải gắn với những việc nhân nghĩa và phúc đức cho cộng đồng.

Quả thật trời đã không phụ lòng tốt của ông bà! Ông có thêm một người con trai út là Trần Công Nghĩa ngay từ nhỏ đã khỏe mạnh thông minh và có tố chất say mê khoa học hơn người. Cậu bé Nghĩa luôn động viên yêu thương bố mẹ bằng những thành tích học tập vượt trội. Cậu đã giành huy chương vàng quốc tế môn tin học, rồi được nhận vào học tại một trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Ra trường cậu được nhận vào làm việc cho tập đoàn Google tại Mỹ. Cậu đã xây dựng gia đình và có được ba cháu mạnh khoẻ thông minh.

Với ông bà đây là niềm hạnh phúc vô bờ bến, là niềm an ủi lớn lao mà ông bà nguyện dành tất cả tinh thần, vật chất và cả quảng đời còn lại cho công tác từ thiện nhân đạo, đồng cảm và chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh khắp các vùng niềm trên cả nước! Hàng năm, ông bà đã tiết kiệm và dành dụm hơn một tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, công tác thiện nguyện nhân đạo, giúp đỡ cộng đồng. Ông bà đã xây dựng cả một trường tiểu học và làm một con đường cho huyện Hớn Quảng; xây dựng cầu cho bà con vùng khó khăn; cấp học bổng cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cắp sách tới trường; hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh cho Mẹ Việt Nam Anh Hùng, gia đình có công, người nghèo ở nhiều vùng miền…Hiện tại, ông đang dành nhiều tâm huyết cùng cộng động phát tâm xây dựng Khu tưởng niệm và đền thờ chí sĩ cách mạng Trần Cao Vân tại xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ngoài việc năng nổ, nhiệt tình, tích cực làm công tác thiện nguyện, ở tuổi 72, ông Cảnh còn đảm nhiệm các chức danh: Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại tỉnh Bình Phước, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng khu vực phía Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam. Và bà Lan luôn là người ủng hộ, đồng hành cùng ông trong các hoạt động xã hội.

Đến đây, tôi mới hiểu tại sao Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN lại đặt tên cho nơi ở mới của ông bà Trần Công Cảnh và Trần Thị Lan ở quê hương mới Bình Phước là "Cảnh Lan viên nơi tỏa sáng vẻ đẹp đức hi sinh". Và cũng hiểu tại sao cụ muốn tôi về Xứ Quảng để hiểu thêm về những trang sử hào hùng của dân tộc đã thấm đẫm biết bao sự hi sinh thầm lặng của các thế hệ cha anh.

Về tới Hà Nội kết thúc chuyến đi dài 10 ngày viết những dòng tâm sự trên với mong muốn chúng ta nhớ câu nói nổi tiếng của một triết gia: "Lịch sử không tự tạo nên sức mạnh cho bất cứ một dân tộc nào, nếu dân tộc đó không biết đoàn kết đấu tranh để làm nên lịch sử". Từ đó, thêm yêu thương, trân trọng những giá trị của hoà bình và nền tảng cho sự thịnh vượng phôn vinh của dân tộc hôm nay và mãi mãi mai sau!

Với tôi, sau chuyến đi này, là sự gần gũi, cảm thông và hạnh phúc khi đồng hành cùng với ông bà Cảnh Lan trên bước đường thiên lý hôm nay. Đó có lẽ là mệnh lệnh của trái tim!

z4235201618086-6b2c2be0e575928b607e111c9db00b22-1680531562.jpg
z4235201624682-690932ff582917dc562c552716ba3d33-1680531562.jpg
z4235201630967-726f1d2cc79c3b48a1c4a982e2fcf010-1680531562.jpg
z4235201638001-55a648485e5b6eb8975107b20c6ef073-1680531562.jpg

z4235211645426-3a35949e34570511889bbc6325c9d4d4-1680531562.jpg

Tác giả bài viết 20 năm gắn bó ân tình với gia đình doanh nhân Trần Công Cảnh