Những năm 1988, 1989 Sơn La vẫn là vùng đất ít người đặt chân tới. Nơi đây nghèo đến nỗi khách quý đến nhà được chủ nhà thết đãi đầu bữa bằng một quả trứng (hàm ý thay cho con gà) và gói xôi bọc trong tấm lá dong đã là điều trân quý. Anh Bình Thanh khi ấy đã có 3 cô con gái đang tuổi ăn học. Kể mà nếu ở xuôi, vợ và các con anh đã có cuộc sống thuận lợi hơn rất nhiều việc sống tại vùng đất miền núi nghèo khó, giao thông trắc trở này. Sơn La khi ấy chỉ có cái loa phát thanh ở trung tâm thị xã, chiều chiều lại vang lên giọng cô phát thanh viên người Thái nói tiếng Thái và những bản nhạc dân ca Thái quen thuộc. Buổi tối ập đến là toàn thị xã lại vắng lặng, buồn tẻ và hiu hắt.
Nhưng, Sơn La lại là vùng đất đa dân tộc, ngoài dân tộc Thái (chiếm hơn 50%) còn có dân tộc Kinh (khoảng 17%), dân tộc Mông (13%), dân tộc Mường (8%) và các dân tộc khác, đài phát thanh cũng chỉ truyền tải được thông điệp mang ngôn ngữ Thái và nội dung còn quá nghèo nàn, thời lượng phát thanh chỉ kéo dài chừng 1 tiếng đồng hồ. Nếu chỉ lo về dầu, muối, gạo mà không nâng cao dân trí, không có thông tin, Sơn La sẽ chẳng thể nào phát triển về kinh tế - xã hội được, cần phải làm truyền hình, cần phải để người dân nghe trực tiếp thông tin chính thống từ Trung ương, cần phải thay đổi, cần phải xây dựng nền móng cho phát triển – suy nghĩ ấy cứ đau đáu trong đầu vị Bí thư thị xã 41 tuổi. Nhưng Sơn La không có khả năng tài chính, không có nhân lực có trình độ, giao thông từ dưới xuôi lên Sơn La quá ư trắc trở, khó khăn. Tuy đã đặt vấn đề với nhiều đoàn cán bộ từ Bách Khoa, từ trung ương lên mà tất cả đều lắc đầu trước dự định xây dựng truyền hình cho Sơn La.
Quyết tâm làm đến cùng, cơ duyên đã đến khi anh Bình Thanh tìm đến đơn vị B10 – Trung tâm tác chiến điện tử trực thuộc Bộ quốc phòng. Người tiếp chuyện anh Thanh khi đó là tôi trong cương vị một Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học được đào tạo ở Nga về, phụ trách và là Giám đốc Trung tâm. Cuộc gặp lần ấy tôi bị thuyết phục hoàn toàn trước đề nghị thiết tha của vị Bí thư thị xã dám nghĩ, dám làm nên tôi đã nhanh chóng thu xếp lên Sơn La đi “thực chiến” cùng anh Bình Thanh. Khi thì ở nhà khách của Ủy ban thị xã, khi thì ở tạm ngôi nhà cấp 4 ven suối của gia đình anh. Suốt 6 tháng trời sau đó, anh Thanh cùng đoàn cán bộ của Trung tâm tác chiến điện tử đã vật lộn nghiên cứu, thử nghiệm, tìm giải pháp cho việc làm sao thu được sóng mà hình ảnh và âm thanh có thể nghe, nhìn được rồi chọn địa điểm phát sóng ở đâu cho thị xã tiếp sóng. Khó khăn về kỹ thuật, điều kiện địa hình, điều kiện tài chính, nhân lực và sự sẵn sàng cho thử thách này quả là vô cùng gian nan, có thể gọi là không tưởng cũng đúng. Đoàn kỹ thuật chúng tôi thực sự cảm động và được khích lệ từ quyết tâm sắt đá của anh Bình Thanh về việc nâng cao dân trí cho đồng bào. Thêm vào đó, trong suy nghĩ, tình cảm của bản thân chúng tôi, khi lên Sơn la chứng kiến tận mắt sự lạc hậu, sự nghèo của người dân ở vùng đất xa xôi, giao thông cách trở như Sơn La, nên chúng tôi ai cũng một lòng quyết chí đồng hành cùng anh Thanh.
Nhớ lại những năm tháng ấy, đúng là vô cùng gian nan. Bình thường ở các tỉnh miền xuôi thì chỉ cần cùng lắm là 2 tháng thì lắp đặt xong rồi, chi phí thì rẻ chắc chỉ bằng ¼ do địa hình thuận lợi, dễ dàng nhận sóng, tiếp sóng, truyền sóng. Nhưng, với Sơn La là một câu chuyện khác biệt, lúc ấy chưa có tỉnh miền núi nào dám nghĩ tới việc như này. Sau bao tính toán về kỹ thuật, Sơn La không thể bắt chuyển tiếp sóng truyền hình từ Hà Nội lên, nên mấy anh em đã nghiên cứu thu sóng từ Tam Đảo với khoảng cách ước chừng là 126km đường chim bay, thu bằng ăng ten 2 xương cá lúc ấy thì chỉ thấy hình người méo mó khó nhìn. Do vậy, phải mất thêm một khâu cải tiến kỹ thuật, cải biến ăng ten từ 2 lên thành 4 xương để tăng khả năng tiếp sóng. Nói thì đơn giản thế, nhưng nhóm nghiên cứu còn cần phải thí điểm trong phóng thí nghiệm tại Hà Nội, thấy được, mới lắp ghép và đưa lên Sơn La. Nhưng việc tìm ra vị trí tiếp sóng tốt nhất lại là cả một câu chuyện dài và mất bao đêm không ngủ. Chỉ có điều, đấy mới chỉ là khâu kỹ thuật.
Anh Bình Thanh đã phải vất vả vô cùng bởi dẫu là nhờ đơn vị kỹ thuật của Bộ Quốc phòng, đơn vị số 1 về kỹ thuật thông tin vô tuyến, truyền hình nhưng việc lắp đặt được truyền hình cho Sơn La có quá nhiều khó khăn, mọi việc chỉ là thử nghiệm nên kinh phí gần như là không có, việc ăn ở cho đoàn chủ yếu là tự túc, việc vận chuyển, nghiên cứu trang thiết bị phù hợp với đặc điểm của tỉnh quả là vô cùng nan giải.
Anh Thanh đã hỏi tôi rằng, thị xã Sơn La sẽ đổi bằng trâu, bằng thóc, liệu có được không? Câu hỏi của vị lãnh đạo thị xã khi ấy chạm vào trái tim tôi. Phải có tầm nhìn, phải có tâm, phải khao khát mạnh mẽ thế nào, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, anh Thanh mới quyết tâm đến thế, và chắc chắn là cả liều nữa, thực sự là tôi nghĩ vậy bởi việc đầu tư cho truyền hình thời điểm ấy sẽ rất ít người ủng hộ đồng chí! Tôi thực sự cảm kích con người ấy và thêm quyết tâm giúp đồng chí Thanh thực hiện mong ước ấy, giúp người dân nơi đây được tiếp cận với tri thức, với thông tin – điều không thể thiếu nếu muốn thoát nghèo, muốn phát triển kinh tế và xã hội.
Đến nửa cuối năm 1989, việc lựa chọn địa điểm lắp tháp truyền hình, phát tín hiệu truyền hình chính thức hoàn thành. Đơn vị B10 chúng tôi khi ấy quyết định đầu tư hơn 10 chiếc Tivi samsung đen trắng 17 inch, phân bổ cho hơn chục cán bộ chủ chốt trong tỉnh dùng thử để đánh giá chất lượng, những chiếc TV này sau đó được thanh lý lại để hoàn trả một phần kinh phí đầu tư về đơn vị.
Thú thật là tôi như phải lòng vị lãnh đạo thị xã Bình Thanh vì tấm lòng tử tế đáng trân trọng của anh ấy. Đối với tôi, đó là một vị lãnh đạo hiếm có, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vô cùng thông minh, có tầm nhìn – chính xác là một Người cộng sản chân chính. Vì lẽ ấy, khi may mắn có được chiếc angten do đoàn Đại sứ quán Nga về nước để lại , tôi ngay lập tức cùng nhóm anh em làm trạm truyền hình Sơn La nghiên cứu, chế tạo ra thiết bị kích sóng, bắt được trực tiếp sóng từ nước Nga để kịp xem Giải bóng đá World Cup Italia 1990. Tỉnh Sơn La khi ấy là tỉnh miền núi đầu tiên được theo dõi Giải bóng đá quốc tế ngay tại quê nhà. Khi ấy chúng tôi còn trở thành những người phiên dịch bất đắc dĩ cho giải bóng đá cho người dân xem nữa. Việc này, đối với tôi, đó là món quà mà tôi dành tặng cho trái tim tâm huyết với đồng bào của đồng chí Bình Thanh nói riêng và người dân Sơn La lúc ấy.
Câu chuyện về tầm nhìn, về ý tưởng, về công sức và lòng quyết tâm của đồng chí Bình Thanh với truyền hình Sơn La trong tôi và những anh em B10 trong đoàn khảo sát, thi công truyền hình Sơn La năm ấy là thế đó! Sau này, mỗi lần nhắc tới câu chuyện làm truyền hình Sơn La, chúng tôi cũng luôn thầm cảm ơn anh Thanh, cũng nhờ sự quyết tâm của anh mà nhóm anh em kỹ thuật chúng tôi cũng được cọ sát, thách thức để trau dồi những gì mình được học, và sau này, chúng tôi có được đội ngũ cán bộ kỹ thuật thiện chiến đáng tự hào.
Theo hồi ức của Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Hồng Vũ - Nguyên Cục trưởng Cục tác chiến điện tử, Bộ Tổng Tham mưu