“Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
Có con người sống mà như qua đời”
Đây là đề thi cho những học sinh muốn lấy học bổng của nhà trường. Ai viết được bài văn hay nhất-phân tích ý nghĩa đoạn thơ trên thì sẽ giành được học bổng toàn phần. Như và Lan-hai đứa học giỏi văn nhất lớp, cũng là hai đứa đang thi nhau để có được phần học bổng ấy, có lẽ đang phải trong một cuộc đua vô cùng căng thẳng. Như là tiểu thư nhà giàu, vốn học giỏi lại xinh đẹp, đã nhiều năm nổi tiếng “ăn trọn” hết những học bổng của trường. Lan thì khác, năm nay gia đình Lan dọn lên thành phố để tiện chăm lo cho anh trai vừa lên đại học. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên khi biết nhà trường tạo điều kiện học cho những gia đình nghèo, Lan như “vớ được vàng”. Cô bé nỗ lực hết sức để vượt qua vô vàn bài kiểm tra, cuối cùng mới đến được bài thi cuối này. Đề bài trên quả thật vô cùng khó, chẳng đứa nào nghĩ nổi làm thế nào để bài văn được phân tích đúng chứ chưa nói đến hay và cuốn hút người nghe.
Trên đường đi học về, Lan líu lo cùng Thu-con bé lí lắc đầu tiên và cũng là duy nhất Lan chơi cùng từ lúc mới vào học tới giờ:
- Chắc tao không lấy được học bổng lần này quá
Thu cười lớn, gãi sồn sột mái tóc rồi bù, tay mon men chiếc vòng cổ-vật tri kỷ không rời của nó:
- Haha chắc gì, mày học giỏi thế cơ mà, nhưng con Như cũng học giỏi lắm, có khi mày lại thua thật!
- Ơ kìa! Mày phải an ủi tao chứ!
- Hì hì, nhưng cái Như học giỏi thật mà, nhà lại giàu nữa, tha hồ mà tìm mua được những cuốn sách hay, mày mà không cẩn thận thì không làm lại được đâu!
Thu lanh chanh là thế, những lời nó nói vô cùng hồn nhiên và vô tư-vô tư đến nỗi như một nhát dao sắc bén cứa vào lồng ngực Lan
- Hay tao giúp mày làm nhé!
Lan cười thầm trong đầu. Thu đã dở học, lại hay nói những lời “ngây ngô thái quá”, giờ nó mà giúp, chẳng khác gì dâng phần học bổng ấy cho Như.
- Thôi, tao tự làm được mà…
Hôm sau đến lớp, Lan vừa vào chỗ ngồi đã thấy ngay một cuốn sách dày cộp trên mặt bàn-“Phân tích và dẫn chứng hay cho bài làm nghị luận xã hội”. Đây chẳng phải là quyển sách hiếm chỉ xuất bản vài cuốn trên Hà Nội đây sao? Chỉ có Như mới sở hữu được nó. Thế rồi Lan tức tốc đến bên chỗ ngồi của Như, đặt quyển sách lên trên mặt bàn:
- Mày để quên ở chỗ tao này. Lần sau đừng vất sách bừa bãi nữa nhé!
- Đây đâu phải sách của tao? Mày nhầm rồi.
Giằng co một hồi, Lan đành đem quyển sách về, trong đầu nó ngập tràn những suy nghĩ rối bời. Liệu những lời Như nói có phải là sự thật? Ai lại có thể vô tình đánh mất cuốn sách quý báu hơn cả vàng này? Và chắc hẳn, người làm mất đang sốt sắng tìm kiếm lắm. Nghĩ đến đó, Lan vội chạy một mạch ra khỏi lớp, lên phòng giám hiệu, Thu quan sát từ xa liền đuổi theo:
- Mày chạy đi đâu vậy? Sắp đến giờ vào lớp rồi!
- Có người đánh mất quyển sách này. Nó quý lắm, tao phải đem trả lại.
Thu ngạc nhiên, chững lại một hồi rồi gặng giọng nói:
- Thôi, đã để trên chỗ mày rồi thì mày cầm luôn đi, có ai dại gì mà lại làm mất quyển sách quý như thế?
- Không được, người làm mất nó chắc hẳn đang lo lắng lắm.
Thu gằn giọng, to tiếng:
- Đã bảo là ở chỗ mày thì cứ lấy đi, sao phải trả lại làm gì, có ai mà để quyển sách ngay bàn mày rồi bỏ đi được?
Lan giật mình, cô không ngờ Thu sẽ nổi giận. Hai đứa dừng lại nhìn nhau, Lan thở dài, chầm chậm quay về lớp. Cất những bước chân nặng nề, giọng Lan lạc hẳn đi:
- Mày lấy cuốn sách này ở đâu?
- Hả? Sao tự dưng hỏi tao? Sao tao biết được
- Mày nói dối dở lắm. Tao có nói là cần những thứ này à?
- Gì vậy, tao cũng chỉ vừa đến lớp rồi…
Lan chẳng nói gì, từ từ tiến nhanh hơn rồi chạy một mạch về lớp, tay ném cuốn sách xuống đất. Nó biết Thu đã ngỏ lời xin Như mượn cuốn sách đó. Cái Như tính tình vốn đã kênh kiệu, nay biết Lan mượn sách mình thì chẳng khác gì coi Lan như đang dựa hơi nó. Lan trách Thu tại sao luôn tự quyết mọi việc, luôn nói những lời hồn nhiên vô đối làm đau nhói tim nó, luôn làm những việc khiến nó bẽ bàng khôn xiết.
Suốt mấy ngày sau, Lan chẳng thèm nhìn mặt Thu, nó cứ đến lớp học rồi lại lủi thủi ra về như bóng ma. Chẳng hăng hái giơ tay, cũng chẳng gặng hỏi cô giáo những chi tiết cụ thể về học bổng. Có lẽ… Lan đã từ bỏ nó.
Tối đến khi mở cặp sách ra, Lan thấy một mẩu giấy nhỏ, ghi những dòng chữ nguệch ngoạch với nét mực nhòe lem luốc:
“Tao xin lỗi, Lan. Tao đã xin con Như cuốn sách đó để mày có thể tham khảo nhiều cái hay hơn. Tao đọc qua không hiểu gì nhưng cái Như bảo đó là cuốn sách đắt nhất nên tao chọn đại. Nhà mày nghèo khó, dành được tấm học bổng đó thì chắc mày mừng lắm. Cố lên, cuốn sách tao gửi lại cho mẹ mày rồi. Nhà tao cũng sẽ chuyển đi nơi khác vào cuối tuần. Tao định nói mà mấy tuần nay mày cứ tránh mặt tao hoài. Mai không đi học nên không gặp được, tao hẹn mày ở gốc phượng cũ lúc 5 giờ hen!”
Lan đọc xong lá thư, lòng nguôi đi phần nào tức giận. Nhưng việc Thu làm mà không xin phép ý kiến của nó là hoàn toàn sai. Lòng tự trọng của Lan bị tổn thương sâu sắc khiến cơn giận của nó chẳng nguôi đi hoàn toàn.
Chiều hôm sau, Lan cố tình không đến, nó muốn Thu thấy việc làm đó là sai và nó chưa tha thứ được. Chuyển nhà chắc chỉ là cái cớ để Thu dụ nó ra gặp mặt-con bé ấy thì trò gì chả bày ra được.
Thứ hai đến lớp, như mọi khi, Lan lại ngồi vào bàn làm bài. Nhưng hôm nay, đợi mãi mà chẳng thấy Thu đến, nó có chút sốt ruột. Tùng…tùng…tùng, cái Thu chưa bao giờ đi muộn, nay đã có trống lại chưa thấy mặt mũi đâu, sắc mặt Lan tái hẳn lại, gò má ửng hồng nhẹ. Mấy phút sau, cô giáo vào lớp, nhắc nhở:
- Chỉ còn ngày mai là đến hạn nộp bài văn để dành học bổng. Các em lưu ý thời gian và hạn nộp để gửi bài đúng giờ nhé. Nhân tiện, bạn Thu lớp chúng ta do vấn đề gia đình nên đã thôi học ở trường. Lan lên sửa lại sĩ số giúp cô nhé!
Từng giọt mồ hôi lăn dài trên trán. Lan chẳng thể nghe lọt tai chuyện gì khác. Nó ngồi ngay bàn đầu mà giờ đây, đường đến cái bảng còn xa hơn đường để nhà nó thoát nghèo. Run run cầm viên phấn, nó đau đớn xóa từng con số cũng như xóa chính Thu ra khỏi cuộc đời mình. Nó trách bản thân tại sao quá tự trọng để rồi chẳng thể gặp Thu lần cuối. Mai về sau, trên trái đất bao la rộng lớn này, bao giờ nó mới gặp lại được nhỏ Thu đây? Lan ngậm ngùi nhìn về phía Như, nhìn xuống chiếc vòng cổ mà nó đang đeo. Cô ngầm hiểu ra mọi việc-Thu đã đem chiếc vòng cổ yêu thích của nó để đổi lấy cuốn sách quý cho cô.
Giờ thì Lan đã hiểu câu thơ trên mà chẳng cần một cuốn sách tham khảo nào khác. Cánh rừng chết nhưng vẫn xanh thì khác gì tình bạn của nó và Thu? Tuy đã kết thúc trong sự tiếc nuối, day dứt của cả hai nhưng sâu trong tâm can nó, tình bạn ấy vẫn như một khu rừng xanh lộng gió-luôn trường tồn và mãi mãi đâm chồi. Còn con người vẫn sống mà như qua đời ấy thì có lẽ chính là một góc trong trái tim nó. Trông thì nguyên vẹn nhưng thực ra lại thiếu một mảnh ghép quan trọng-Thu. Vậy là lần nữa, con bé lôi thôi lì lợm ấy lại giúp Lan trưởng thành thêm một bậc trong cuộc sống.
Trời thu hôm ấy thật đẹp. Vài cơn gió heo may thôi hiu hắt trên bầu trời ngập nắng, lá úa rụng xuống khắp sân trường, chẳng khác gì cõi thần tiên. Lan chầm chậm tiến lên sân khấu nhận học bổng, xa xa bỗng lấp ló bóng dáng loắt choắt cùng tiếng gọi ríu rít lanh chanh: “Lan ơi, mày đẹp lắm!”.
Dưới đây là bài thơ “Bước qua tổn thương” của tác giả:
BƯỚC QUA TỔN THƯƠNG
Trời gợn cơn mưa bên phố nhỏ
Bóng dáng ai mang trước cửa thềm?
Thềm xưa đón nắng ban mai xuống
Nay sao đón nỗi buồn không tên?
Giai điệu trong tim như ngừng hát
Kỷ niệm như đã bạc thời gian
Cớ sao nỗi buồn vẫn man mác
Sao hy vọng cũ mãi không tàn?
Sương sớm ban mai rồi gieo xuống
Mặt trời lại hừng ló rạng đông
Tạm biệt nỗi buồn tôi đi nhé
Cuộc đời còn lắm những tơ hồng
Cơn mưa qua đi nắng sẽ hạ
Mặt đất sẽ rạng những đóa hoa
Tâm hồn ta sẽ nhuộm màu mới
Điệu hát trong tim đâu mãi tàn?
Tôi chọn bước qua những đau khổ
Tôi chọn ngân nga bài hát vang
Cuộc đời ta là một khúc hát
Cớ sao chọn hát giai điệu nhạt?
Đứng trước trời cao hiên ngang gió
Nhìn đời bằng một cặp mắt yêu
Yêu tâm hồn rồi làng quê, đất nước
Yêu cả chính những nỗi buồn thuở xưa…