Cha và con cùng được đặt tên đường tại quê nhà

Với những con đường mang tên Nguyễn Khắc Viện thì không còn xa lạ, nhưng vừa qua, tại thị xã Kỳ Anh, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (cha), đã được tỉnh Hà Tĩnh đặt tên đường và lại song song với đường Nguyễn Khắc Viện (con) thì không phải ai cũng biết. Đằng sau những danh nhân đường phố mang tên ấy, là những cuộc đời đầy tài năng, cống hiến, cùng với những thăng trầm và đạo lý luôn giữ vững...
dh-235234563666-1726034124.jpg

Nguyễn Khắc Niêm, Nho sinh trẻ tuổi nhất (18 tuổi) đậu học vị cao nhất

"Tỉnh Hà Tĩnh chọn cả Nguyễn Khắc Niêm (cha) và Nguyễn Khắc Viện (con) để đặt tên đường, vì đây đều là những danh nhân nổi tiếng, họ là hai cha con, có đức, có tài, nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học... được mọi người suy tôn, kính trọng. Họ mãi là những tấm gương sáng để các thế hệ sau kế thừa, học tập". TS Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Sở VHTT&DL Hà Tĩnh, nêu lý do.

TS Lĩnh cũng nhấn mạnh: “Quá trình xây dựng nghị quyết đặt tên đường phố đều được HĐND tỉnh Hà Tĩnh bám sát những quy định của pháp luật”. 

Còn GS Nguyễn Đình Chú, giảng viên và nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, rất mừng, khi biết, cuối năm 2023 tỉnh Hà Tĩnh đã đặt tên đường Nguyễn Khắc Niêm, Nguyễn Khắc Viện song song với nhau ở xã Kỳ Anh. Ông cho rằng, việc này Hà Tĩnh rất đáng được hoan nghênh, họ rất có văn hóa, có cái nhìn khoa học. Cụ Phạm Khắc Hòe là Đổng lý của Bảo Đại, trước đó, cũng được Hà Tĩnh đặt tên đường, nay một danh thần nhà Nguyễn là Nguyễn Khắc Niêm lại được đặt tên đường ở đây.

“Đây là niềm vui của các con cháu cụ Niêm và cũng vừa là niềm vui mừng của nhân dân, vì đó là sự tiến bộ của xã hội ta. Việc hai anh em, hay hai cha con đều được đặt tên đường thực tế đã có nhiều, và cũng bình thường, Tuy nhiên, một đại thần triều Nguyễn, được đặt tên đường là trường hợp đặc biệt, vì nhận thức của lịch sử đối với cụ, lúc đầu có thể nói không thỏa đáng, có nhiều vấn đề bị sai, nhưng thời gian đã ủng hộ chân lý, ủng hộ chân giá trị, nên cụ Niêm được đặt tên đường là việc cần thiết và xứng đáng. Cụ là một danh nhân sáng giá của Hà Tĩnh và của đất nước", GS Chú nói.

ah-356346367347344-1726034295.jpg
Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Ảnh: Tư liệu

Bà Nguyễn Thị Hoa, nguyên là giáo viên dạy Văn, Trường Nguyễn Gia Thiều, con gái út của cụ Nguyễn Khắc Niêm: Anh em chúng tôi rất bất ngờ và vô cùng vui sướng khi biết tên của thầy (các con cụ Niêm thường gọi cụ là thầy) của chúng tôi, đã được đặt tên cho con đường trên chính quê hương mình và một niềm vui khôn xiết nữa là, khi tên đường của anh trai Nguyễn Khắc Viện lại được đặt song song gần kề với tên đường của thầy tại xã Kỳ Anh.

"Sau những biến động xã hội dữ dội năm 1954 - 1955 tại vùng quê Hà Tĩnh, mà anh em chúng tôi đã trải qua, chúng tôi đều mong ước đến bao giờ cuộc đời mới sáng lại… Và  “cái gì đáng đến rồi sẽ đến”. Đặc biệt, từ sau năm 2012, khi “Nhà Tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm” được khôi phục lại, tại chính khu vườn ngày xưa thầy đã sống những năm cuối đời. Đây cũng là một hạng mục trong Di tích Lịch sử - Văn hóa đã được tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng và hiện nay là địa chỉ văn hóa của xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn.

Khu vườn này cũng đã chứng kiến gia đình tôi đã cứu đói bà con thế nào... trong những ngày, tháng của nạn đói năm Ất Dậu (1944 - 1945). Trong thời gian đó, thầy còn cứu người, chữa bệnh từ thiện... và thầy cùng gia đình cũng tham gia nhiều hoạt động kháng chiến tại địa phương.

Thầy tôi, một vị quan thanh liêm, một tư tưởng minh triết... và những công lao, những cống hiến... của thầy giờ đây đã được ghi nhận, đã được nhiều báo, đài phản ánh, đặc biệt là tỉnh Hà Tĩnh. Sự việc hiếm hoi này, không chỉ làm cho anh em chúng tôi xúc động, mà nó luôn nhắc nhở chúng tôi, phải sống sao cho khỏi hổ danh là con cháu của người", bà Nguyễn Thị Hoa, nguyên là giáo viên dạy Văn, Trường Nguyễn Gia Thiều, con gái út của cụ Nguyễn Khắc Niêm nói.

Được biết, cụ Nguyễn Khắc Niêm sinh năm 1889 tại Hà Tĩnh, mất 1954. Vào đời vua Thành Thái năm 1907 cụ là Nho sinh trẻ nhất, có học vị cao nhất. Mới 18 tuổi cụ đã đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp, học vị cao nhất thời đó).

Trong suốt cuộc đời làm quan, cụ đã đóng góp nhiều cho giáo dục, thi cử thời bấy giờ. Điều đáng nói trong triều Nguyễn cũng là cơ hội để cụ kín đáo giúp đỡ cách mạng, tìm cách để các tù nhân chính trị nhẹ tội, và cụ là vị quan luôn giữ vững đạo lý. Cũng vì vậy, cụ đã không được thực dân Pháp và Nam triều tin dùng trong việc đối phó với Xô viết Nghệ Tĩnh.

Đầu năm 1942, chán cảnh làm quan bù nhìn của Nam triều, cụ đã xin về hưu trước tuổi. Trở về nhà, cụ bốc thuốc, khám bệnh giúp người dân khắp vùng.

Sau tháng 8/1945 cụ đã tham gia nhiều hoạt động cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết sâu sắc về cụ, là đại thần triều Nguyễn, nhưng là một quan liêm khiết, có tư tưởng đổi mới... Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Minh đã 2 lần viết thư mời cụ ra Việt Bắc công tác, nhưng do sức khỏe cụ không đi được.

Đáng tiếc là, đến năm 1954, trong chương trình cải cách ruộng đất, thì cụ lại bị vào trường hợp oan sai, bị đấu tố... Cũng trong năm này cụ đã mất trong tù vì trọng bệnh (tháng 9/1954).

Cụ luôn là một người yêu nước chân chính, tấm gương giáo dục còn nguyên giá trị đến tận bây giờ, như Kế sách phục hưng quốc gia “Tứ tôn châm” dâng vua của cụ: Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy....

Một nhà trí thức tên tuổi đã nói: “Danh xưng “hiền nhân” mới xứng đáng để tôn vinh phẩm chất của cụ Nguyễn Khắc Niêm”.

Nguyễn Khắc Niêm (cha) và Nguyễn Khắc Viện (con) có nhiều cống hiến cho đất nước

Đó là đánh giá của TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Hải là người chuyên nghiên cứu về lịch sử, là người nằm trong Hội đồng Tư vấn đặt tên đường phố. Nhìn nhận về việc, tên đường Nguyễn Khắc Niêm đã có ở Hà Tĩnh, theo ông Hải là chuyện bình thường, vì cụ là một nhân vật lớn, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm đã có tên trên Bia Tiến sĩ Văn miếu Huế, và trong khuôn viên của UBND  tỉnh Thừa Thiên Huế, có một tấm bia đá khắc tên các Phủ doãn. Cụ Niêm có tên trên đó, như vậy định danh cụ (Danh thần) trên bia đá Bạc, Vàng đã có từ thời Nguyễn.

“Tuy nhiên, trước  đây chúng ta đánh giá về vua quan triều Nguyễn chưa khách quan, còn  nặng nề, bây giờ nghiên cứu sâu hơn, có nhiều nguồn tư liệu làm sáng tỏ hơn... nên đánh giá khách quan hơn, thật hơn. Và cũng đã đủ điều kiện trả lại đúng vị trí lịch sự mà họ đã từng có”, ông Hải nói.

Không riêng gì ở Hà Tĩnh, dần dần sẽ nhiều địa phương khác, cụ Niêm đã từng gắn bó, từng làm quan, từng cống hiến, người ta cũng sẽ nghĩ ra, thì Huế là sẽ là một trong những địa phương như vậy, vì cụ đã từng hai lần làm Phủ doãn ở đây. “Sắp tới chắc chắn tên cụ Nguyễn Khắc Niêm sẽ đưa vào ngân hàng tên đường, gia đình cụ có bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã có tên rồi, sau đó sẽ phân bổ, vì quy hoạch của cả tỉnh Thừa Thiên Huế là thành phố...”, ông Hải thông tin.

a-2353463467788-1726034389.jpg
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và phu nhân. Ảnh: TLTT

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sinh năm 1913, mất 1997. Ông được thừa hiều nhiều phẩm chất của cha (Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm), có những đóng góp lớn đối với ngành Tâm lý, với nền văn hóa và giáo dục Việt Nam.

Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có những đường phố mang tên Nguyễn Khắc Viện, như TP Hà Nôi, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng...

Năm 1939, ông là bác sĩ nội trú tại một bệnh viện lớn tại Pháp, nơi tham gia phong trào Việt kiều yêu nước...

Đến năm 1963, ông bị trục xuất ông khỏi nước Pháp.

Về nước, ông viết báo, xuất bản sách, dịch sách. Ông là tác giả của nhiều bộ sách nổi tiếng...

Cho đến những tháng cuối đời, ông vẫn muốn đóng góp vào một đề tài khoa học còn nhiều bí ẩn, đó là những giấc mơ của con người.

Và 78 giấc mơ cuối đời của Nguyễn Khắc Viện đã được chép lại trong một cuốn lịch - sổ tay “Nhân dân”.

Năm 1992, ông được nhận Giải thưởng Grand Prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp.

Năm 1997, ông được Nhà nước trao tặng cho Huân chương Độc lập Hạng Nhất.

Năm 2000, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho cuốn "Việt Nam, một thiên lịch sử"(Việt Nam, a long history).

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từng giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Việt kiều, kiêm Bí thư Đảng uỷ Việt Kiều tại Pháp.

Tại quê nhà ở Hà Tĩnh, trường THCS của xã An Hòa Thịnh cũng được mang tên Nguyễn Khắc Viện, có phòng trưng bày bức tượng của ông và những di sản ông để lại…

Trạm xá xã cũng được xây dựng từ tiền tài trợ của Nguyễn Khắc Viện./.