Chẳng còn tiếng chó cắn ma

Ngày nhỏ, không chỉ chơi ban ngày, bọn trẻ chúng tôi còn rủ nhau chơi cả ban đêm. Ngày đó cũng phải làm bài tập, nhưng có lẽ không nhiều bài tập như ngày nay nên thời gian dành cho chơi rất nhiều.

chang-con-tieng-cho-can-ma-1632454915.jpg

Tôi nhớ ngày ấy hay tranh thủ học buổi chiều, buổi chiều lúc ấy không phải học thêm, ban đêm dành đi chơi. Chỉ cần ăn tối xong, chúng tôi đã vội vàng chạy đến nhà có ti vi giành chỗ để xem chương trình Những bông hoa nhỏ. Tiếng chó các nhà sủa ầm từ trong sân, có con hỗn xông ra từ cổng, làm chúng tôi chạy bán sống bán chết.

Đi từ nhà tôi xuống nhà chú Hoà Cừ, bác Ca Cầm hay nhà cô Hoa phải qua cổng mấy nhà liền. Chúng tôi đi thường xuyên qua cổng mà mấy con chó rách vẫn cứ không quen, chạy ra sủa ầm ĩ. Xưa cổng lại thường không đóng, lũ chó "khốn nạn" còn chạy hẳn ra đòi tợp vào chân chúng tôi. Lúc đó tôi sợ lắm. Bị chó cắn không những đau, mà nghe nói dễ bị mắc bệnh dại nữa. Mấy anh chị lớn hay doạ, chó cắn vào chân bị dại luôn, miệng soài bọt mép...nói chung là rất khiếp. Nhưng cái ti vi với trẻ con chúng tôi ngày đó như liều ma túy, hút hồn chúng tôi dứt khoát phải đi. Chó cắn mặc kệ, chân cứ phải đưa người đến tận nhà có ti vi.

Những hôm không trăng, chúng tôi hay tụ nhau ở nhà bác Xuân Bầm chơi trò chiến đấu. Một lũ núp trong sân giếng, lũ kia đứng sau đống gạch xếp cao đầu cổng. Mỗi khi "bắn chết" đứa nào, cả lũ còn phải cãi nhau. Nhất là "đứa chết" thường to mồm cãi. Mấy con chó nhà bác ấy cũng không chịu được, chạy ra "đứng xếp hàng cãi" còn lớn hơn. Ghét nhất là mấy con chó này, chúng sủa không biết mỏi mồm. Khi chúng tôi quay lại chơi, chúng còn chạy đến chỗ chúng tôi núp để sủa. Như thế chẳng khác gì chỉ chỗ cho "quân địch" phát hiện mà "bắn chết" chúng tôi.

Tối thứ bảy nào trùng với trăng tròn, trẻ em xóm tôi còn tụ nhau đi khắp làng khắp xóm. Bọn trẻ ngày xưa nay dạt tứ phía. Không hiểu sao ngày bé thích lang thang khắp các ngõ đường như vậy. Tôi nhớ ngày đó chẳng có làm gì ngoài nói những chuyện trời ơi đất hỡi. Qua nhà nào có quả trĩu ra đường là lập tức chúng bị "phong teo", dù cho đó là xoài hay ổi. Chỉ là bọn chúng tôi non gan không dám nhảy vào vườn ăn trộm quả. Em họ, nhưng lớn hơn tôi, từ thành phố về bảo, ở nông thôn mà không ăn trộm hoa quả thì chán lắm.

Trăng tròn treo ở trên cao, chúng tôi còn có thú vui chơi trò suỵt chó. Qua cổng nhà ai chó dữ thì bán sống bán chết chạy, còn những nhà có chó nhỏ nhưng ương ngạnh, chạy ra lùa kêu lách nhách, mấy đứa nghịch trong nhóm còn "huầy" cho chúng bực tức mà sủa thêm. Đến nỗi mấy bà, mấy mẹ phải quát to nhắc nhở, chúng tôi mới chịu thôi mà thẳng hướng ra đường đồng chơi trò lùa nhau.

Đến khuya đang ngủ, nghe tiếng chó trong làng thỉnh thoảng còn sủa. Chị tôi khéo tưởng tượng, chị bảo chúng đang nói chuyện với nhau. Có thế mà chị em tôi cũng bày ra trò "vietsub", tưởng tượng ra câu chuyện của bọn chó. Mẹ tôi muốn chúng tôi yên lặng ngủ, mẹ bảo đó là tiếng chó cắn ma. Khuya ngoài đường chỉ còn ma lởn vởn, chỉ có chó tinh tường mới phát hiện ra ma mà sủa đuổi chúng đi. Ngày ấy, thực ra cả bây giờ nữa, cứ nói đến ma là sợ, chui vào chăn nằm im mà ngủ cho bớt kinh.

Ngày nay làng tôi ít nhà nuôi chó. Một phần hay bị bọn câu chó hay phóng xe máy qua bắt. Nhiều thằng táo tợn, giật xích ngay trên tay người chủ chó mà kéo phóng đi. Chó xưa nuôi để giữ nhà, nay thì "vui lòng" ngày đêm nằm ở trong lồng. Chó không còn ham sủa, chỉ khi vào tận nhà, chúng mới chịu sủa ra một vài tiếng. Đôi khi nhớ lại ngày xưa, chó được lang thang khắp xóm mà thương cho "thân phận" con chó bây giờ!

Làng đã thành thị trấn, quỹ đất cũng nghèo dần, nhà cao tầng mọc dày san sát. Người thị trấn không mấy ai nuôi chó, vì sợ bẩn nhà. Chân chó chạy ra vào rất bẩn, lông chó rụng khắp nơi. Những con chó ghẻ, bét bò đầy tường. Đó là vài nguyên nhân chó vắng dần ở các nhà. Ban đêm ngoài tiếng xe máy của bọn choai choai rồ ga nhức óc, tiếng karaoke thảm thiết ở các nhà, chẳng còn thấy lũ trẻ con chơi như ngày chúng tôi còn nhỏ, chẳng nghe tiếng chó kêu lách nhách như xưa. Trăng vẫn tròn ngó nghiêng tọc mạch xuống nhân gian, nhưng mà bây giờ cũng chẳng còn tiếng chó sủa ma...

Theo Chuyện làng quê