Chiều cuối năm nhớ ngày đi tìm mộ ba tôi

LTS: Hơn 50 năm trôi qua, gia đình và đồng đội đã cố gắng tìm kiếm hài cốt của Liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng (tức nhà báo Hai Miền), hy sinh trong chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân, Xuân 1968, nhưng giống như nhiều trường hợp mất tích khác, giữa lúc chiến sự ác liệt của những ngày tổng tấn công và nổi dậy, thông tin về người quá cố quá ít ỏi...

Thời gian cứ tưởng có thể khép tất cả vào dĩ vãng, thế nhưng, giống như một huyền thoại, gia đình và những đồng đội thân thiết năm xưa đã tìm được hài cốt liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng tại một cánh đồng thuộc địa phận ấp 5, xã Tân Thành, TP. Cà Mau.

b1a2qs2d-1673705047.jpg

Giải thưởng Báo chí Nguyễn Mai- một trong những Giải thưởng cao quý đã  được truy tặng cho Nhà báo liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng.

 

 

Tấm sơ đồ hướng dẫn đường đi tìm hài cốt ba tôi được xem là những thông tin đầu tiên mà gia đình chúng tôi nhận được từ một người đàn ông tên Nhã ở TP. HCM. Trước đó, chúng tôi được biết ông Nhã cũng đã tìm được nhiều hài cốt các liệt sĩ hy sinh bị thất lạc trong chiến tranh. Thú thật trong cuộc kiếm tìm này, tôi đi nhằm mục đích để làm vui lòng mẹ hơn là mang trong lòng niềm hy vọng sẽ tìm được hài cốt ba tôi, bởi lẽ suốt gần nửa thế kỷ qua, kể từ ngày Ban Tuyên huấn Cà Mau gửi thư báo tử cho gia đình, đã biết bao lần mẹ tôi cất công đi tìm kiếm. Bà tìm trong vô vọng, vì thông tin duy nhất của cô Sáu Trong - người gặp mặt ba tôi lần cuối cùng chỉ vỏn vẹn có mấy dòng ngắn ngủi: “Sau khi được lệnh sang sông ở đoạn Nhà Thờ phường 6, Cà Mau, tôi bị thương và chỉ kịp nhìn thấy Hai Miền chạy lên một con hẻm ăn thông ra lộ mà ngoài đầu hẻm lúc bấy giờ đã loáng thoáng bóng bọn lính rằn ri”... Rồi chiến sự nổ ra ác liệt, bọn địch sau những tổn thất nặng nề trong tổng công kích đợt một, lần này chúng tập trung phản công dữ dội, nhiều cán bộ chiến sĩ ta hy sinh tương tự như trường hợp ba tôi cho mãi đến hôm nay gia đình, đơn vị vẫn không sao tìm được mộ phần. 

b1aq1s2-1673704837.JPG

Bức ảnh cuối cùng Nhà báo Huỳnh Minh Sũng chụp cùng vợ và các con trước lúc lên đường đi chiến dịch (Ảnh Võ An Khánh).

 

 

Mẹ tôi sau khi tìm đến gặp ông Nhã, được ông cung cấp một tấm sơ đồ chỉ đường tìm đến nơi ba tôi nằm xuống, bà tức tốc đón xe từ TP.HCM về lại Cà Mau, tôi hiểu đó không chỉ là một mảnh giấy chỉ dẫn con đường mà với bà, đây là một báu vật. 

Nhà báo Nguyễn Hải Tùng - một người đồng đội thân thiết của ba tôi trong những năm đánh Mỹ lập tức huy động những đồng đội cũ và chỉ sau hai tiếng đồng hồ chúng tôi lên đường bắt đầu cuộc kiếm tìm theo sơ đồ do ông Nhã hướng dẫn. Tham gia đoàn tìm mộ này, ngoài gia đình chúng tôi còn có Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, các Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp (Hội Nhà báo VN), Nguyễn Hiệp (Báo Cựu chiến binh VN), Trung Thực (Đài Phát thanh Truyền hình Cà Mau, Hồng Điệp (Báo Thanh niên) và một vài đồng chí thân thiết như cô Ba Oanh, cô Thuận Phát, vốn là những người từng gắn bó với cha tôi trong những năm đánh Mĩ. 

b3ab3s1q-1673705265.jpg Tác giả bài viết viếng mộ ba chiều cuối  năm.

 

 

Lấy bến xe khách Cà Mau làm tiêu điểm xuất phát, chúng tôi vượt qua các địa điểm được ghi chú trong sơ đồ, tìm đến đúng nhà chú Ba Cao thuộc địa phận ấp 5, xã Tân Thành, TP. Cà Mau. Sau khi nghe mẹ tôi trình bày mục đích chuyến viếng thăm bất đắc dĩ này, ông nhiệt tình hướng dẫn, nhưng ông cũng cho biết rằng suốt những năm ác liệt nhất ông đã từng làm Bí thư xã này nên mọi chuyện về chiến tranh ở đây gần như ông đều tường tận. Năm Mậu Thân, Sư đoàn 21 ngụy có đưa một tiểu đoàn về đóng trên phần đất của ông, kết hợp với đồn nghĩa quân ấp 5 Tân Thành để án ngữ cửa ngõ này. Một số cán bộ chiến sĩ của ta trên đường rút về căn cứ, lọt vào ổ phục kích bị chúng giết chết nhưng hầu hết các thi hài liệt sĩ này bà con đã đấu tranh với kẻ thù để đưa về vùng giải phóng an táng. Ông khẳng định: không có một trường hợp nào còn chôn lại trên đất ông. 

b4ad4f2-1673705428.jpg

Bà Vương Thị Tuyết Hồng vợ Nhà báo liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng viếng mộ chồng chiều cuối năm.

 

 

Ông an ủi chúng tôi:  

- Nghĩa tử là nghĩa tận, gia đình cố gắng tìm kiếm xem sao, biết đâu đây là trường hợp cá biệt, ráng lên, may ra… 

Các thành viên trong đoàn làm một cuộc “bố ráp” khu vườn nhà ông đến 9 giờ hơn, nghĩa là sau hơn một giờ đồng hồ “quần thảo” vẫn không tìm được “cái cây trụi lá và những dây leo dại có hoa vàng hoa trắng” như trong bảng hướng dẫn. Tôi đã đọc được trong ánh mắt mẹ tôi một khát vọng, một niềm tin quyết liệt vào chuyến đi này và có lẽ cũng từ ánh mắt và cái nỗi niềm đau đáu ấy đã truyền cho tôi thêm ý chí, giúp tôi vượt qua mọi nghi ngờ, gieo thêm vào lòng tôi niềm hy vọng: “Ba mình chỉ nằm quanh quẩn đâu đây”. Chúng tôi lại lấy sơ đồ ra, dùng la bàn để xác định vị trí, đối chiếu giữa bản vẽ và thực tại… Đang lúc bối rối đó thì một thông tin mới lại lóe lên: Chú Ba Cao cho hay ông còn một phần đất nữa cách đây một cây số. Chúng tôi lại lập tức lên đường. Lúc này mặt trời đã lên cao, ánh nắng trở nên gay gắt, máy điện thoại trên tay luật sư Trịnh Vĩnh Phúc réo liên tục. Bác Út Nghệ, anh Kiên Hùng, nhà báo Võ Đắc Danh và các đồng nghiệp của tôi, những bạn hữu của ba tôi liên tục gọi về để hỏi thăm, động viên đoàn cố gắng đừng nản chí. Mọi người quan tâm đến cuộc tìm kiếm này không chỉ đây là một cuộc tìm kiếm khá lạ lùng từ trước đến nay ở Cà Mau (người vẽ sơ đồ cung cấp thông tin ở mãi tận Sài Gòn và chưa một lần đặt chân đến Cà Mau) mà hơn hết vẫn là tình cảm thắm thiết của những người đồng chí, đồng đội của ba tôi, muốn chia sẻ với mẹ con tôi cái nỗi niềm, khát vọng suốt mấy mươi năm trời đằng đẵng. 

b5ha5g7-1673705589.jpg

Bà Vương Thị Tuyết Hồng thắp hương tưởng nhớ chồng là Nhà báo liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng.

 

 

10 giờ 30 phút, chúng tôi đến phần đất thứ hai của ông Ba Cao, chắp nối những thông tin rời rạc có được từ người dân địa phương, tôi được biết nơi lối mòn mà chúng tôi đang đứng ngày xưa là một con đường nhỏ do đồn nghĩa quân ấp 5 bắt dân đào đắp để tạo một lối đi từ trung tâm bót xuyên qua ruộng vào xóm nhà dân ở ven sông Tân Thành. Đây là con đường mà bọn lính tiểu đoàn Trâu Điên của sư đoàn 21 ngụy đã án ngữ trong chiến dịch Mậu Thân. Sau gần 30 phút tìm kiếm, đo đạc, đối chiếu… chúng tôi đã xác định được gần đến 90% những điều đã có trong sơ đồ chỉ dẫn, niềm hy vọng tưởng như lịm tắt giờ bùng lên dữ dội, duy có điều chưa tìm ra được “khúc cây dài 6 tấc” mà theo ghi chú trong sơ đồ thì phía dưới lòng đất khúc cây nằm là nơi có hài cốt của ba tôi. Nếu như cái nút cuối cùng này không có (hoặc không tìm được) thì điều này cũng có nghĩa là tất cả những gì thể hiện trên sơ đồ mà chúng tôi đã đi qua là không có thật, hoặc không đúng sự thật và dĩ nhiên hy vọng tìm kiếm hài cốt của ba tôi là điều không tưởng. Tôi bỗng thấy thương mẹ tôi hơn bao giờ hết. Tình yêu của bà đối với ba tôi to lớn quá, cao cả quá! Niềm khắc khoải tìm được hài cốt ba tôi đã trở thành nỗi khát vọng âm ỉ, triền miên trong lòng bà suốt mấy chục năm qua, nếu như vì bất cứ lí do gì không tìm ra được cái khúc cây định mệnh kia thì… Trời ơi! Nỗi thất vọng, sự đau đớn của bà sẽ biết đến dường nào? 

Gần 30 con người quần thảo suốt một giờ đồng hồ trên đoạn đường dài chưa đầy 200m trong tâm trạng từ tin tưởng sang âu lo nhưng trên hết vẫn là lòng quyết tâm cao nhất của những người đang có mặt tại phần đất mà chúng tôi xác định đã đi đúng theo sự chỉ dẫn của sơ đồ. 11 giờ trưa, trong sự im lặng căng thẳng, bỗng bác Út (vợ nhà báo Nguyễn Hải Tùng - người đã thông báo cho bạn bè của ba tôi việc đi tìm hài cốt lần này và có mặt ngay từ phút đầu tiên) la lên: - Có rồi! 

Tất cả đều sững sờ quay lại. Bác lấy từ trong bụi lức ra một khúc cây dài đã mục mà ai đó đã vứt lại đây một cách vô tình và đã trở thành bia mộ của ba tôi… Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp kéo thước dây đo: dài đúng 6 tấc. Đến lúc này thì dường như đã đến 99% khẳng định, suốt gần 50 năm qua, phần đất cập con lung ngập nước này chính là nơi ba tôi đã yên nghỉ. Tôi xúc động trước những giọt nước mắt của cô Ba Oanh, của bác Út Nghệ, của cô Thuận Phát… những đồng đội thân thiết của ba tôi thời đánh Mĩ, tôi ngậm ngùi khi hình ảnh thím Tám Thậm tay rung rung cắm nén nhang lên phần đất ba tôi nằm, miệng thì thầm khấn nguyện: 

- Hai Miền ơi, nếu đúng thật hài cốt của anh nằm dưới kia thì hãy phù hộ cho vợ con, đồng đội của anh sớm tìm thấy đem về… 

Ngoài kia, chú Nguyễn Hiệp đang đứng lặng yên bên gốc cây tràm trụi lá. Trong đôi mắt của người chiến binh già hai giọt nước lặng lẽ trào ra… Cuộc khai quật bắt đầu. 

Qua sóng điện thoại, ông Nhã cho luật sư Phúc hay rằng đào thêm hai thước nữa sẽ gặp. Những cục đất được hai người chú tôi (em ruột của ba tôi) thận trọng tiếp tục đưa lên. Minh Thủy, đứa em gái út của tôi sinh ra bốn mươi năm trời không biết mặt cha ngồi lặng im, mắt đăm đăm nhìn vào miệng hố. Trong không khí trang nghiêm đó bỗng bàn tay của chú Tám tôi chạm phải những vật cứng trộn lẫn trong đất bùn, ông thận trọng lấy ra từng miếng xương tàn - hài cốt của ba tôi. Mọi người vây quanh lại. Tôi sững sờ chết lặng, đến khi luật sư Trịnh Vĩnh Phúc thảng thốt nói trong điện thoại: “Tìm được chú Hai rồi ba ơi!” thì bao nhiêu dồn nén bấy lâu nay trong tôi bật thành nức nở. Tôi khóc cho suốt bốn mươi năm trời ba tôi nằm nơi hoang lạnh, khóc cho Minh Thủy em tôi đang vật vã kêu gào, khóc cho thân phận côi cút của anh em chúng tôi và có lẽ hình ảnh mẹ tôi quỳ lại bụi lức già nơi ba tôi yên nghỉ sẽ mãi mãi là hình ảnh thiêng liêng in đậm trong tâm trí tôi đến hết cả cuộc đời.

Sáng hôm sau, lễ truy điệu Nhà báo - Liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng được Thành ủy Cà Mau cùng Hội Nhà báo tổ chức với những nghi thức trang trọng nhất. Nhà báo Nguyễn Hải Tùng, một người đồng đội thân thiết, cùng chia ngọt sẻ bùi với ba tôi trong suốt những tháng năm đánh Mĩ cứ sụt sùi với bài điếu văn khóc bạn của mình. Các chú, các bác, những đồng chí thân yêu của ba tôi ở Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam bộ, Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau, Báo Sài Gòn Giải phóng, Thông Tấn Xã VN… về dự đông đủ và không ai cầm được nước mắt, thế mới biết cái tình đồng chí trong chiến tranh nó cao đẹp biết dường nào. 

Ngoại tôi, một ông già 93 tuổi từ Cần Thơ lặn lội về Cà Mau tìm con rể, bước vô nhà ông sững sờ trước hài cốt ba tôi nằm lặng im phủ cờ Tổ quốc. 

Run run cắm nén nhang cho ba tôi, ông thủ thỉ như nói với đứa con trai của mình: 

- Sũng ơi! Thế là cuối cùng rồi con cũng về được với vợ con của con, về với những bạn bè đồng chí của con, ba vô cùng mãn nguyện và rất tự hào về con, về những gì con đã đóng góp cho đất nước này! 

Rồi ông khóc trong lặng lẽ. Người ta nói người già ít khi rơi nước mắt, khi đau đớn đến tột cùng họ chỉ nuốt ngược vào tim, không biết có đúng không? Với riêng tôi, trong tâm trạng “đoàn viên” này, nhìn “tre khóc măng’, nhìn nghĩa cử ân tình của những người đồng đội cũ đối với cha mình tôi càng thấm thía hơn cái tài sản vô giá mà ba tôi đã để lại cho anh em chúng tôi đó là một nhân cách sống làm người, dám xả thân hy sinh vì đất nước, sống có thủy có chung với anh em đồng chí bạn bè. Sau 54 năm trời phiêu bạt, ba tôi - Nhà báo Liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng đã trở về trong vòng tay thương yêu của bạn bè, đồng chí - trở về với mẹ con tôi.

                                     Nghĩa trang liệt sĩ TP Cà Mau chiều cuối năm 2022