Chiều Xuân Mai

Chiều ấy, tôi và anh đồng đội cũ ngồi trên ngọn đồi thoai thoải, hướng ra công trường xay đá của Cu Ba. Anh đồng đội tôi tên Đức, trước khi vào bộ đội, anh là công nhân Lâm nghiệp, ở đội Đá Chông- Tùng Thiện- Hà Tây. Ngày nhập ngũ, anh là tổ trưởng tổ Tam tam của tôi. Ba anh em, hai sống trở về, còn Cam là Liệt sĩ nằm lại Miền Đông Nam Bộ.

Chiều hôm nay chúng tôi chia tay ở đây. Mai tôi theo anh em về trại Thương binh Ba Vì, anh ở lại ra quân.

Anh xuống chân đồi mua một cây mía, dùng hai tay và đầu gối bẻ đôi mỗi người một nửa, vừa ngồi ăn vừa nói chuyện. Anh em tâm sự cho đến màn đêm buông xuống mới trở về doanh trại.

Khoảng tám giờ hôm sau, hai chiếc xe ba cầu chở gần hai mươi anh em chúng tôi, lên trại Ba Ba vì. Dọc đường xe lên dốc xuống dốc, non xanh nước biếc thật là đẹp. Khi qua con đường, hai rãnh bánh xe ngập bùn đất, xe xóc làm người ngồi trên thùng xe như bị bật lên. Người nào người lấy đều thể hiện sự mệt mỏi. Từ chỗ cười nói đến lặng thinh, cuối cùng cũng về đến Trại Ba.

d1abq1-1672802602.jpg
Tác giả thời sinh viên

 

Trại Ba nằm trên một quả đồi bằng phẳng, cạnh Suối Hai. Phía dưới chân đồi cũng có dãy hàng quán, rất thuận tiện cho sinh hoạt của lính an dưỡng. Một tuần chúng tôi được xem chiếu bóng một lần. Trong các phim được xem, có phim như: Bài Ca Người Lính, phim này tôi đã được xem từ hồi còn bé, khi đi thăm anh Cả ngoài Hà Nội. Quả đồi bên cạnh là cơ quan dân chính. Mấy cậu lính thường trèo qua tường rào, sang tán gẫu mấy em ra giặt bên suối.

Nghe nói tháng sau được chuyển tiếp về trại Điều Dưỡng ở Ba Thá, Ứng Hòa. Tôi lên xin phép cán bộ quản lý về thăm gia đình mấy hôm.

Được anh đồng đội lai đi. Anh mượn xe đạp của cô bạn gái vừa làm quen ở quả đồi bên cạnh, tôi cũng chẳng biết họ ở bộ phận nào, chỉ biết họ là cơ quan dân chính.

Vượt khoảng hai cây số ra đến quốc lộ. Một hướng về Trung Hà, hướng về Hà Nội. Tôi bảo anh bạn về trả xe cô em đi, không em muốn đi đâu đỡ bị sốt ruột. Tiện thể cho mình cám ơn.

Xe về Hà Nội vừa đỗ tôi chen lên xe. Xe đông quá, anh lơ xe kéo tôi lên và bảo lấy vé. Tôi đưa cả hai mươi đồng cho anh lơ xe. Anh bảo: "Chưa có tiền lẻ, đến bến em đưa trả tiền thừa". Tôi cố đứng cho vững, xe về chiều thứ bảy nên rất đông khách.

Xuống Hà Nội, tôi gọi ngay xích lô để về bến Kim Liên. Anh lơ xe gọi lại, trả nguyên hai mươi đồng và bảo: "Nãy chưa biết anh là Thương Binh, giờ thấy anh đi lại mới biết". Tôi cám ơn, xích lô vừa đến, tôi chào lơ xe và ngồi lên xích lô về bến xe Kim Liên. Từ đây tôi ngồi xe khách về Chúc Sơn, nơi có chị Năm tôi là công nhân ở đó.

Mẹ tôi vẫn ở trông cháu cho chị đi làm. Mẹ tâm sự: "Mai kia chị cho cháu đi trẻ, mẹ phải về quê xem nhà cửa thế nào. Vắng nhà lâu ngày, nhà không có hơi người, các đòn tay trong nhà dễ mốc mau hỏng. Cây cối vườn tược không ai chăm sóc, sẽ bị cằn cỗi khô héo".

Tôi thương mẹ, năm bố tôi bị Tây bắt đi và hy sinh, năm đó mẹ mới hai nhăm tuổi. Mẹ ở vậy nuôi ba chị em tôi vẫn khôn lớn trưởng thành. Mặc dầu có nhiều người đến, tìm hiểu gặng hỏi, để muốn mẹ tôi về làm vợ. Nhưng vì thương con, mẹ quyết tâm không đi bước nữa. Ba chị em tôi, thừa hưởng vẻ duyên dáng xinh đẹp của mẹ. Hai chị tôi đến tuổi trưởng thành là đắt chồng ngay. Còn tôi xông pha đời lính nên chưa về bến đỗ.

Sang tháng ba năm 1976, chúng tôi lại tiếp tục hành quân bằng xe cơ giới về trại Ba Thá- Ứng Hòa. Dọc đường đi, hoa gạo đã nở đỏ hai hàng cây bên đường.

Xe chúng tôi đi qua làng bản, trẻ con người lớn, đứng bên đường chào chúng tôi đi qua. Có mấy túi kẹo liên hoan còn thừa. Mấy anh bạn tung xuống đường cho các em nhỏ. Có anh còn đùa, vứt mấy vỏ bao thuốc lá xuống người mấy em gái, rồi ngồi thụp xuống thùng xe, cười thích thú.

Xe chạy theo đường 22 rồi rẽ sang đường 73 Đã thấy những dãy núi đá vôi sừng sững trước mặt. Đây lại là một vùng nửa trung du, nửa đồng bằng bên dòng sông Đáy thơ mộng. Hai bên bờ là những ruộng mía, bãi lạc, đỗ tương, bãi dâu. Chúng tôi vào trại ở bên dòng sông Đáy, cách chợ Ba Thá khoảng hai trăm mét.

Đã là buổi chiều, chúng tôi vào doanh trại ổn định chỗ ở, theo cán bộ quản lý hướng dẫn. Xong cả Đoàn kéo nhau xuống sông Đáy tắm giặt. Con sông nước trong vắt, gần bờ nhìn rõ cả sỏi đá dưới nước. Đúng là sông Đáy, thấy cả đáy nước. Phía xa cuối nguồn, vẫn có mấy chiếc thuyền đang vớt cát.

Ở trạm đã tạm chỗ ăn chỗ ở được ba hôm. Mấy anh em rủ nhau đi chợ Ba Thá chơi. Chỉ cần đi qua một bãi dâu là đến chợ. Chợ này không to bằng chợ Bằng Vồi quê tôi

, nhưng lại gồm cả người Kinh lẫn người Dân Tộc họp mặt. Mấy bạn tôi tản đi khắp nơi, tôi vào hiệu sách. Nhìn thấy cuốn Bước Đầu Học Vẽ- Tác giả Nguyễn Văn Ty là tôi mê liền. Mua ngay vì tôi thích môn hội họa.

Xem các hàng quán chán chê, rồi anh em tụ tập nhau về, lúc đó đã gần mười giờ. Đi đường mỗi anh kể một phách: Anh ra chỗ mấy bác Dân Tộc, bán sản vật, xem hàng vùng cao. Anh xem bán gia súc, anh vào Bách hóa mua thuốc lá sữa Ông Thọ. Anh ra khu lò gạch xem bói.

Theo anh này kể: "Phải đủ các lứa tuổi thày bói". Họ thường ăn mặc kiểu nông dân, đội nón lá cũ, để hòa váo cảnh quan, tránh sự rình mò của các nhà chức trách. Xem bói để giải trí thôi, chứ đã có câu :"Xem bói ra ma, quét nhà ra rác".

Chợ này vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, đã cứu đói cả một vùng dân cư rộng lớn, của ba huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Tôi vẫn nhớ, từ quê tôi, các mẹ các chị, rủ nhau đi chợ mua sắn, đi sớm từ gà gáy thứ nhất, đi bộ đến chợ, mua sắm xong trọ lại một đêm, hôm sau trở về. Khu vực nhà tôi về chợ Ba Thá khoảng mười sáu cây số.

Khu điều dưỡng chúng tôi ở là của Bộ Thương Binh Xã Hội. Gồm cả anh em thương tổn về cơ thể, lẫn anh em thương tổn về tinh thần (tâm thần).

Một lần tôi đi dạo ra phía bờ đê, cạnh lộ 73. Đằng sau tôi lúc đó, một đồng đội xồng xộc, rảo bước theo sau.

Tiếng cô y tá vọng sau lưng: "Anh Sáu giữ hộ em anh Hữu", tôi quay lại ôm Hữu, bị Hữu hất văng ra, tôi lảo đảo, nhưng cũng ngăn được Hữu ra Quốc lộ, mà rẽ về phía cánh đồng bên tay phải.

Cô y tá nói "Anh ấy đang mộng du. Vết thương tái phát, em đi theo đề phòng anh ấy bị ngã (té) hoặc vào chỗ nguy hiểm".

Em dặn tôi: "Anh chặn ở đây giúp em, đề phòng anh ấy đi ra lộ". Tôi gật đầu. Đi sau Hữu thỉnh thoảng em gọi: "Anh Hữu"! Hữu lại hô: "Địch đang ở gần, bí mật".

Gần nửa giờ sau, Hữu quay lại, em y tá đi sau. Qua tôi Hữu bảo: "Đồng đội về rồi hả"?

Tôi đáp lời: "Về rồi, về nghỉ thôi".

Tôi đi theo Hữu về phòng, bảo Hữu nằm xuống. Em y tá cởi dép cho Hữu. Tôi đặt tay lên trán Hữu thấy nóng ran, liền bảo em y tá lấy khăn rấp nước mát, đặt lên trán Hữu, một lúc Hữu thiu thiu ngủ. Vậy là an toàn rồi.

Nhìn mắt em y tá ngấn lệ, em nói: "Khổ lắm anh ạ! Chăm sóc các anh này vất vả lắm"!

Em kể: "Hôm trước còn anh Huấn, được gia đình xin cho về trại gần nhà điều trị rồi. Hôm ở đây, anh ấy còn lao xuống hồ truy kích giặc, miệng nhả ra hàng tràng băng đạn, và tiếng xung trận. Chúng em đứng trên bờ chỉ biết khóc, chờ cho anh ấy tỉnh để đưa về, nếu cần thì gọi người đến giúp".

Một đồng đội khác lại có vết thương đặc biệt. Cũng không kém phần nghiêm trọng, anh chẳng dám đi đâu chơi xa. Khi vết thương tái phát, tự nhiên một luồng mạch lạnh toát, dội xuống dọc cột sống và tứ chi. Sau mươi giây là toàn thân co giật, không thể kìm chế nổi, cho dù, hai người giữ hai chân, hai người giữ hai tay. Sau hơn mười phút mới trở lại bình thường, song người rất mệt, hầu như kiệt sức. Y tá phải đến tiêm thuốc trợ lực, và chăm sóc tiếp theo.

Những trường hợp như thế, thân nhân dù có nâng niu bao bọc cho các anh thế nào đi nữa, cũng không đưa về nhà chăm sóc được, mà phải để các anh ở lại trại chăm sóc, và chỉ đến thăm nom được thôi.

Những Bác sĩ, Y sĩ, Y tá bình thường nhìn bề ngoài, ai cũng thấy, các em là những cô gái xinh tươi trẻ đẹp-(Gái thời bình). Nhưng các em cũng thực sự là các chiến sĩ, trên mặt trận khắc phục hậu quả chiến tranh, cho ngày Thống nhất đất nước.

Hết

30/11/2022

N.Đ.D

Trái tim người lính