Trên bờ gọi quá giang, dưới sông gọi là cột nhờ hoặc gọi theo bà con miền Tây là Giong hay là Dong ! Nếu đoạn đường dài, vài chục cây số thì phụ chút ít tiền xăng dầu, còn tiện đường chỉ nhận được hai tiếng cảm ơn và nụ cười xởi lỡi. Một nét đẹp không pha trộn của người dân vùng sông nước miệt vườn…
Tôi vẫn nhớ thời đó mỗi khi ghe chở củi về miền Tây, khi bắt đầu vô đầu sông Cần Giuộc, hình ảnh thường thấy là những chiếc tàu kéo phía sau là một hoặc hai chiếc ghe chài Nam Vang, hoặc những chiếc ghe chài Nam Vang có gắn máy tự hành rẻ nước bon bon để về miền Tây chở lúa gạo, khi đi ngang một đoạn sông nào đó bất chợt nhìn thấy những chiếc ghe tam bản nhỏ, những ghe loại nầy thường mui lợp bằng lá buôn chằm, hay lá dừa nước loại lợp nhà. Những xuồng ghe loại nầy thường là của những bà con buôn bán nhỏ lẽ có thể là xuồng vàm, đu bám theo ghe một đoạn khá dài, để bán hàng hóa cho các ghe, vừa mua, vừa bán,vừa trò chuyện tâm tình thân quen như đâu hồi kiếp trước. Dân miền Nam là vậy đó, xởi lỡi, thiệt thà, trân quý dù chỉ là người dưng nước lã, mới làm quen sơ ngộ, hay là xuồng chở củi ở Rừng Sác, về bán cho những vựa củi ở Sân Tro, Bến Lò Gốm xong, giờ xuôi theo con nước về quê ở miệt Cần Giuộc, Cần Đước, Chợ Kinh để mang chút đỉnh tiền về cho vợ con xoay sở cho qua cơn thắt ngặt, khi mùa nắng kéo dài mà trong nhà không còn một hột lúa, dù là lúa giống dự trữ dành gieo hạt, xạ cấy lúa cho mùa sau. Hoặc xa hơn là bà con miệt vườn nhà ở ven sông, thu mua trái cây của láng giềng, chòm xóm rồi dong theo con nước chở lên miệt cầu Chữ U bến Lê Quang Liêm để sang bán lại cho bạn hàng, nhằm kiếm thêm chút ít lợi nhuận hầu đắp đổi qua ngày, đoạn tháng, để đêm đêm nằm cầu trời khấn phật, mong cho hết cơn bĩ cực đến ngày thới lai...
Cũng có những tàu máy, hay ghe hàng nhỏ, tiện đường đi nên họ cũng vui vẻ cho quá giang mà không câu nệ chuyện tiền bạc, có hay không, nhiều hay ít đó cũng là tính cách hào sãng của người Nam Kỳ lục tỉnh hay Saigon hào hoa tráng lệ.
Thông thường muốn quá giang cột nhờ, thì xuồng ghe đang đi phía trước phải làm ký hiệu xin cột nhờ. Bằng cách quơ, vẫy tay hay hươ qua, hươ lại bằng nón lá. Khi thấy những ký hiệu nói trên, thì họ sẽ giảm tốc độ cho ghe chạy chầm chậm, xuồng quá giang, nếu đi hành trình xa, thì cột gần tàu lai dắt, còn đi gần đoạn ngắn thì cột nối đuôi phía sau cùng. Khi thấy người quá giang ổn định dây cột, ghe bắt đầu tăng tốc hành trình. Đồng thời người cột nhờ có thể ăn vội quơ quào mớ cơm nguội còn sót lại, hay nuốt vội vài củ khoai lang, khoai mì hay gói xôi bắp lót dạ, uống ngụm nước xong ngã mình tìm giấc ngủ, hay nằm nghỉ lưng trong chốc lát trước khi về đến lại quê nhà.
Tuy nhiên ngoài những ghe tàu thuận đường cho ké thu tiền chút đỉnh, hoặc quá giang chùa, thì cũng có những tàu máy, chuyên nghiệp hành nghề kéo mướn cũng giống như tàu đò liên tỉnh. Cũng có giá cả xa gần, phải chăng sòng phẳng. Có khi một tàu, kéo phía sau mấy chục chiếc ghe xuồng quá giang, như đuôi một con rồng trong mấy đám múa lân ba ngày tết. Ngoằn ngoèo uốn lượn khi tàu kéo qua những khúc doi, trên những dòng sông bên lỡ, bên bồi của miền quê đồng bằng Nam bộ. Một nét đặc thù chỉ có ở xứ phù sa mà chắc có lẽ không nơi nào trên dãy đất quê hương mình có được...
VuLe St-Ảnh trên mạng
Theo Chuyện quê