Chủ động ứng phó xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào cao điểm sản xuất và thu hoạch lúa Đông Xuân, cây ăn trái và thủy sản; đây cũng là thời điểm mà thời tiết diễn biến bất lợi khi hạn hán và xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền. Vì vậy, bảo vệ sản xuất, chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đang được các ngành chức năng thực hiện quyết liệt.
z5250681941298-4aadcb4137c2329e50e1c2b63959aa4d-1710471786.jpg
 

Những ngày qua, các tỉnh Nam Bộ đã xảy ra nắng nóng kéo dài, tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân, nhiều hộ dân đã gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thuộc địa bàn huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) giáp với Vương quốc Campuchia và tỉnh Đắk Nông, có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Bình Phước với gần 26.000 ha; trong đó có 17.700ha cây lồ ô thuần loài và xen gỗ - loài cây rất dễ cháy vào mùa khô. Vì vậy, hơn 3 tháng qua, lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bù Gia Mập và cộng đồng giao khoán rừng luôn trong tư thế “căng mình” tuần tra, canh gác tại các tiểu khu có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Ông Hoàng Anh An, kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết: Vườn đã đôn đốc cộng đồng nhận khoán rừng cùng tuần tra, kiểm tra khu vực phòng, chống cháy. Để đảm bảo công tác phòng, chống cháy rừng, Vườn phân công từng tổ, nhóm trực tại các điểm dễ cháy, các điểm nguy cơ “lâm tặc” qua để ngăn chặn, đề phòng từ xa. Lực lượng kiểm lâm của Vườn còn thay phiên nhau tuần tra những điểm nóng dễ xảy ra cháy rừng. Trong mùa khô, Ban Quản lý Vườn liên tục tuyên truyền người dân cẩn thận khi dùng lửa dọn rẫy; tổ chức cho người dân ký cam kết đốt dọn cần phải báo cáo trước cho kiểm lâm, cộng đồng giữ rừng để giám sát.

Trong thời gian cao điểm mùa khô, cộng đồng giữ rừng chốt, cùng ăn, cùng ở với lực lượng Kiểm lâm của Vườn nhằm tạo thuận lợi cho việc tuần tra 24/24 giờ. Hai năm nay, Vườn áp dụng máy bay không người lái để giảm sức lao động của kiểm lâm viên. Trước nguy cơ cháy rừng tăng cao, đơn vị đã yêu cầu tăng cường bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng nhằm bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng cháy, chữa cháy rừng đặc biệt quan trọng.

Là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, mấy năm qua, gia đình ông Lưu Văn Kết, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang luôn chủ động các giải pháp để phòng tránh. Với diện tích 6 công tầm lớn, thay vì trồng lúa ông Kết đã chuyển đổi sang trồng khóm để tránh hạn mặn.

Ông Kết cho biết: “Năm nào cũng có tình trạng mặn xâm nhập nên mình chủ động phòng, chống trước để đỡ bị thiệt hại. Nước mặn gây nhiều thiệt hại cho cây khóm vì làm quéo lá, thậm chí chết cây, vì vậy tôi và bà con trong vùng thường trữ nước ngọt lại để tưới tiêu cho cây trồng, tránh trường hợp thiếu nước hoặc phải dùng nước mặn trong đợt hạn này”.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre nhận định, trong tháng 3/2024 xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn từ ngày 5 đến 13/3 và từ ngày 23 đến 31/3. Tháng 4/2024 tiếp tục xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn từ ngày 5 đến 12/4 và từ ngày 25/4 đến 1/5. Dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 3 là khoảng 50km ở sông Cửa Đại với độ mặn 4% tại xã Tân Thạch (huyện Châu Thành); mặn 4% vào sâu 62km trên sông Cổ Chiên ở xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách)…

Đề phòng nắng nóng, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị, các huyện, thành phố trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật, khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, không đủ nước; bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, từng địa phương; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn; thông tin dự báo về nguồn nước để người dân biết, chủ động sản xuất, sinh hoạt trước tình hình hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn.

z5250681941185-5ee08033430e98c92a6325448ef95398-1710471965.jpg
 

Tại Cà Mau khô hạn diễn ra gay gắt đã khiến hơn 3.000 hộ dân địa phương thiếu nước sạch sinh hoạt, nhiều vùng thiếu nước nghiêm trọng. Điển hình xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) có trên 1.800 hộ dân, trong đó có tới 450 hộ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Biển Bạch) cho biết, để tiết kiệm tiền nước, gia đình ông phải kết hợp giữa sử dụng nước ngọt với nước mặn cho các hoạt động không thiết yếu. Dù sử dụng tiết kiệm nhưng từ đầu mùa khô đến nay, gia đình ông đã phải trả đến hơn 2,5 triệu đồng tiền mua nước ngọt. Đường ống nước cấp vào đến tận nhà ông nhưng đã 5 tháng nay không có giọt nước nào.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nâng cấp hệ thống cấp nước sạch nông thôn; sửa chữa, khoan mới các giếng khoan quy mô gia đình và các điểm cấp nước tập trung; hỗ trợ bồn chứa nước cho người dân…, hạn chế thấp nhất tình trạng người dân bị thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô năm nay.

Hiện nay hạn mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng của hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây (Long An), độ mặn là 1gr/lít và đã tới cầu Tân An, thuộc thành phố Tân An. Đảm bảo cho sản xuất mùa vụ của nông dân, ngành Nông nghiệp kiểm tra và đã đóng các cống ở khu vực ở phía Nam như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ,… Riêng tuyến Quốc lộ 62 thuộc phía Bắc của tỉnh, các cống sẵn sàng đóng lại khi độ mặn lên cao.

Các ngành chức năng Long An tổ chức theo dõi, đo đạc tình hình chất lượng nước, xâm nhập mặn trên các tuyến sông trục chính và các tuyến kênh, rạch trong nội đồng; thường xuyên liên hệ, phối hợp, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo về tình trạng xâm nhập mặn, diễn biến nguồn nước nhằm kịp thời thông báo chính quyền địa phương và người dân nắm biết để chủ động chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.

Nhằm tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND các địa phương khu vực ĐBSCL khẩn trương tiếp tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn; chỉ tổ chức xuống giống khi có mưa, hoặc khi nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định và theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Tăng cường theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước để làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp.

Việc vận hành hợp lý các công trình thủy lợi cần được tăng cường để các địa phương lấy và tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh. Các vùng cây ăn quả tiếp tục thực hiện trữ nước trong các ao, hồ phân tán, bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Các địa phương phải khẩn trương xác định cụ thể khu vực người dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, có phương án bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ người dân tổ chức lấy nước, dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt, tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng. Chủ động sử dụng các nguồn kinh phí do địa phương quản lý để thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm, đào ao, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục... Trường hợp cần thiết, đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí.