Chữ học trò mỗi ngày mỗi xấu

Đọc thông, viết thạo là yêu cầu đầu tiên với bất cứ một học sinh nào khi bước chân vào ghế nhà trường. Viết thạo tức là phải viết đúng quy cách: chuẩn chính tả, chuẩn dạng chữ, rõ ràng, dễ đọc... Nhưng hình như gần đây kĩ năng này hoặc bị xem nhẹ, hoặc bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Kết quả là, chúng ta phải chứng kiến những trang vở học trò “chữ không ra chữ”.
chu-viet-1630764117.jpg
Hiện tại người ta có tới “ngàn lẻ một” lí do biện hộ cho chuyện chữ xấu. Người thì bảo tại do cái chữ cải cách ngày xưa để lại. Ảnh internet

VĂN HAY: NHƯNG CHỮ... KHÔNG TỐT

Bài vở chả ra làm sao/ Chữ như gà bới gà cào luống khoai. Đó là câu vè mà mấy giáo viên ở một quận nội thành Hà Nội truyền nhau trong một đợt chấm thi. Chị N. T. N., một cô giáo dạy tiểu học có thâm niên chừng ba chục năm ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), ngán ngẩm nói: “Trời đã nóng, lại mất điện, phải phì phạch cái quạt giấy cho đỡ ngột ngạt. Vậy mà, giở chồng bài thi ra, mới nom thấy đã hãi. Chữ nghĩa gì mà như trận đồ bát quái. Có bài giáo viên phải đeo “đúp” cả hai mục kỉnh vào mà luận mãi cũng chẳng ra”. Không ít bài thi của các cô cậu học sinh phải xơi điểm liệt vì một lỗi vô duyên như thế này. Kể ra, nếu đọc kĩ thì có nhiều bài các em viết không đến nỗi tồi. Nhưng cái công hì hục ngồi luận rồi suy đoán cho ra những dòng chữ “đánh đố” kia đủ làm cho mọi giáo viên (dù kiên nhẫn đến mấy) cũng phải nản lòng.

“Viết ẩu, viết tắt và viết ngoáy tít mù”. Đó là một nhận định của một giáo viên dạy phổ thông trung học. Trong một buổi trả bài thi môn Sinh tại lớp, cô giáo đã lôi ra “vô thiên lủng” những lỗi không chấp nhận được trong các bài làm của các sĩ tử: nào là quên không kẻ khung lời phê và điểm (vẽ vội bằng tay), nào là xuống dòng lộn xộn, gạch xoá lung tung. Viết tắt thì tuỳ hứng hết chỗ nói: (người), m (mi người); ng (nguyên nhân); ko, kg, o (không); and, & (và); of (ca); v. v. Còn kiu ch dáng ch thì đúng là trăm hoa đua nở”. Ch nghiêng, ch ng, ch đứng, chữ ngồi... Nom cứ như một đoàn quân ô hợp vậy. Có chỗ học sinh cao hứng viết hoa vô tội vạ. Ấy vậy mà chữ đầu câu, đầu dòng thì kệ, không thèm hoa chữ nào. Có nhà giáo dục bất bình đã phải lên tiếng khi cho rằng, đấy không phải là những lỗi “nằm ngoài kiến thức”. Cần phải coi đó là một lỗi thuộc kĩ năng tối thiểu của học sinh cần tuân thủ khi làm bài. Vậy thì, có thể bài văn hay, bài toán có đáp số đúng, nhưng giáo viên vẫn phải xem xét, hạ điểm những bài “ẩu” như vậy. Thậm chí, nếu quá mức, giáo viên có thể từ chối không nhận chấm.

CHỮ XẤU: LỖI DO ĐÂU?

Hiện tại người ta có tới “ngàn lẻ một” lí do biện hộ cho chuyện chữ xấu. Người thì bảo tại do cái chữ cải cách ngày xưa để lại. Bản thân mẫu chữ đã cứng quèo, kém thẩm mĩ thì học sinh viết sao cho đẹp được. Đến khi Bộ Giáo dục cho đổi lại mẫu chữ truyền thống thì người ta lại bảo chữ đó khá cầu kì, mà chương trình lại dành quá ít thời gian cho việc luyện chữ. Văn ôn võ luyện, không tập viết cho nhuần nhuyễn thì chữ khó mà đẹp được. Khung thời gian chương trình phải cân đối cho hợp lí đã...

Có người lại tặc lưỡi: “Ôi dào, thời đại công nghệ thông tin. Cốt sao đọc được viết được. Cần là đọc để học tri thức trong sách thôi. Chữ nghĩa kia đã có máy vi tính làm hộ. Chữ thường, chữ hoa, chữ in, chữ phăng-te-di (fantaisie) để trang trí, viết giấy khen... máy đều làm được tuốt. Bây giờ mà còn mất công ngồi cặm cụi luyện chữ cho đẹp để làm gì cơ chứ? Hơi bị... “tẩm” đấy!”. Cho nên, có nơi, nhà trường không hề chú trọng tới việc luyện chữ. Hễ đến kì kiểm tra “vở sạch chữ đẹp” là các cô vội vã phát cho lớp mỗi em một cuốn vở mới, yêu cầu viết nắn nót mấy bài thật đẹp. Hễ đoàn cấp trên dự giờ thì chìa ra. Quả là một cách làm ăn đối phó, cốt chạy theo thành tích “ảo”.

Đúng là thời đại A còng thì phong cách phải “xì-tin” chứ nhỉ? Khắp nơi nhan nhản có facebook, zalo, email tiện dụng, cần gì phải “còng lưng” viết thư bằng bút nữa. Quê quá! Chỉ cần vài đường múa tay trên bàn phím rồi bấm cái “roạt” là xong. Thế là người ngồi tận bên Mỹ sẽ nhận được ngay tắp lự. Điện thoại và mọi tiện ích qua internet cái gì cũng có, cái gì cũng tiện...

NẾT CHỮ: NẾT NGƯỜI

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói một câu rất chí lí “Nét chữ, nết người”. Ngụ ý của châm ngôn này là, nét chữ là một dấu hiệu thể hiện và làm nên tính cách mỗi con người. Đó là thái độ của chúng ta trước việc tiếp thu, trang bị cho mình một trong những yêu cầu tối thiểu trên con đường lĩnh hội tri thức. Học thuộc và viết đúng bảng chữ cái, bảng cửu chương chính là bài học “nhập môn” của trẻ lần đầu cắp sách tới trường. Viết chuẩn, viết đúng là yêu cầu cần thiết của bất cứ ai trong việc sử dụng công cụ giao tiếp văn bản.

Dĩ nhiên, việc viết chữ đẹp còn phụ thuộc vào “hoa tay” của mỗi người. Có người khổ công rèn luyện mà chữ vẫn “cứng”. Chúng ta cũng không thể đòi hỏi tất cả học sinh đều có khả năng viết đẹp như chữ “giấy khen”. Chữ thường dùng viết trong giấy khen là một dạng chữ nghiêng mềm mại, đều đặn, nét thanh nét đậm. Nhưng cũng còn nhiều kiểu chữ đẹp bởi sự rắn rỏi, thoáng đạt, rõ ràng. Chỉ nhìn thoáng qua văn bản, thấy các hàng chữ viết đều ngay ngắn, có hàng có lối là người đọc đã có ý thiện cảm rồi. Vì chỉ những ai cẩn thận, chỉn chu, có kĩ năng trình bày mới có thể diễn đạt văn bản của mình đúng cách như thế. Đó là thái độ tôn trọng người khác trong quan hệ ứng xử và biết tôn trọng chính mình.

Ngày xưa học trò đi học phải tập viết bằng mực tím, bút sắt. Bây giờ các em được phép viết bằng bút bi nước hay bút bi như người lớn. Đó cũng là lẽ thường tình (vì tiện lợi) và nó cũng phù hợp với yêu cầu cơ bản trong kĩ năng luyện chữ. Nhưng phương tiện dù sao cũng chỉ là... phương tiện. Điều quan trọng đầu tiên là thái độ ứng xử đúng mực của chúng ta đối với chữ viết. Bởi chữ viết là chìa khoá để chúng ta mở vào kho tàng tri thức nhân loại và chữ viết cũng là chứng chỉ rõ ràng nhất thể hiện tính cách con người. Sách bút thân yêu ơi, hãy cùng ta thể hiện tốt nhất những năng lực của mình đang có nhé!