Chuyện của lính sinh viên

Viết theo lời kể của hai cựu chiến binh Quý Lăng và Lê Bình

Chuyện xin tre: Có lẽ các anh bộ đội nhập ngũ những năm 1969 ÷ 1972, trong giai đoạn huấn luyện đều thấm cái vất vả của nắng gió thao trường. Mỗi ngày khi chiều xuống phải đeo sọt đá tập hành quân bộ 15 ÷ 20 ki lô mét; phải luôn giật mình vì tiếng còi báo động bất chợt vang lên lúc nửa đêm. Chủ nhật hàng tuần cũng đâu được nghỉ trọn vẹn bởi những nhiệm vụ đột xuất chẳng hạn như chuyện phải đi đến nhà dân để xin tre về làm lán trại, đan sọt đựng đá thay ba lô. Cứ khoảng ba tháng một lần cho một đợt huấn luyện tân binh. Huấn luyện xong, bộ đội lại lên đường đi B hoặc bổ xung cho các đơn vị khác ở miền Bắc. Một đơn vị tân binh khác lại được thay thế và nhiệm vụ xin tre lại được lặp lại. Các bụi tre của nhà dân gần khu vực bộ đội đóng quân luôn xơ xác vì măng không kịp mọc. Nhân dân mặc dù rất thương bộ đội nhưng cũng sợ vì nguồn thu nhập của họ từ những bụi tre luôn bị đe dọa khi bộ đội đến xin tre. Các thầy bu luôn tìm cách từ chối hoặc đẩy "nghĩa vụ cho tre" sang những nhà khác. Vậy mà các anh lính sinh viên không mấy khi phải về không (không xin được tre mang về là bị tiểu đội trưởng, trung đội trưởng kiểm điểm phê bình, ngượng lắm). Các kinh nghiệm xin tre đã được cánh lính sinh viên truyền tai nhau và đã trở thành kỹ năng.

dh1aq1-1667268756.jpg
Ảnh minh họa do bạn đọc cung cấp.

 

Trước hết là phải tìm đến những gia đình có trẻ em đang học cấp I, cấp II. Lính sinh viên chỉ cần phụ đạo các em giải vài bài toán, làm hộ bài văn là có tre mang về. Bố mẹ nào chả thích con mình học giỏi? Thậm chí các em còn chặt trộm tre để tặng các anh bộ đội nếu thấy bố mẹ còn chần chừ. Tiếp theo là phải tiếp cận những gia đình có con gái lớn trong nhà. Kinh nghiệm phát hiện gia đình có con gái lớn là do lính sinh viên học được từ cán bộ khung. Cứ quan sát dây phơi quần áo của các nhà, nếu thấy có áo lót phụ nữ là nhà đó có con gái lớn (lính sinh viên gọi đó là cờ báo tin). Việc tiếp cận và tán tỉnh các em để xin tre thì đơn giản với lính sinh viên rồi. Những gia đình không có con gái lớn hoặc trẻ con trong độ tuổi đi học thì lính sinh viên còn nghĩ ra một kế sách khá hữu hiệu. Các anh làm một danh sách ghi tên chủ hộ, hai cột bên cạnh được ghi là "đồng ý cho" và "không đồng ý cho". Nếu gia đình nào cho hoặc không cho thì các anh đề nghị bố hoặc mẹ ký cho con một chữ ký vào đúng cột đó để chúng con về báo cáo với chỉ huy. Có bố mẹ nào dám ký vào cột "không đồng ý cho", vậy là các anh luôn có tre mang về.

Chưa hết, khi xin được tre rồi, các anh lính sinh viên không bao giờ vác tre về ngay mà phải dấu tre ở đâu đó để đi chơi đến chiều tối mới vác tre về. Anh nào xin được một cây tre thì phải về sớm hơn một chút. Những anh xin được hai hoặc ba cây tre thì được quyền đi chơi về muộn hơn vì lý do rất chính đáng. Tất nhiên anh xin được hai cây tre phải về trước, anh xin được ba cây tre được quyền đi chơi lâu hơn. Sau này, khi đã trở thành "chuyên nghiệp" xin tre, nhiều anh lính sinh viên có thể xin được nhiều cây trong một lần. Các anh liền gửi bớt tre xin được vào nhà dân gần nơi đóng quân. Những tuần tiếp theo, nếu có nhiệm vụ đi xin tre là các anh có cơ hội đi vào thị trấn, thị xã để chơi. Kết thúc buổi đi chơi, các anh vác tre từ "kho dự trữ" về nộp cho đơn vị. Tùy thuộc vào thời gian trở về đơn vị sớm hay muộn, số tre lính sinh viên mang về nộp cũng được thay đổi cho phù hợp.

Nghệ thuật ngồi quán nước: Quán nước chè là nét văn hóa đặc trưng xung quanh các trường đại học giai đoạn 1970 ÷ 1990. Ở đâu có trường học là ở đó có quán nước và các quyển sổ ghi nợ. Nước chè, kẹo lạc là hai món ưa chuộng và cũng là những loại ẩm thực vừa túi tiền của sinh viên. Quán nước là nơi tụ tập "chém gió" của sinh viên trước và sau giờ học, đôi khi sinh viên còn trốn giờ học để ra quán nước làm đôi ba cái kẹo, một hai chén trà cho ấm bụng. Không có chuyện "trốn học đuổi bướm cạnh bờ ao" của sinh viên thời đó - nó xa xỉ quá.

Quán nước chè còn theo các anh sinh viên nhập ngũ đến tận nơi đóng quân, ở đâu có doanh trại thì ở quanh đó có quán nước do các U ngồi bán. Những đồng phụ cấp ít ỏi của những tân binh chưa kịp vào túi mà đã đến trú ngụ trong các hộp, các lọ đựng tiền của các U bán quán. Nhiều khi các anh lính sinh viên cũng tự hỏi "tại sao áo bộ đội lại có hai túi áo ngực có khuy cài cẩn thận?", chúng có mấy khi được nhét tiền vào đâu. Thi thoảng mới có anh lính sinh viên cởi khuy áo túi ngực bên trái, cho vào đó một bức thư tình gấp cẩn thận để tránh nhàu. Thi thoảng thôi vì có mấy lính sinh viên nhận được thư tình. Lính sinh viên khi vào quán nước của các U bao giờ cũng từ ba đến năm anh, rất hiếm khi đi một mình. Đi đông vừa vui vừa dễ "tác chiến" với các U bán quán đầy "kinh nghiệm". Các U luôn quan sát nhất cử nhất động của cánh lính trẻ vì chúng "khoắng" nhanh lắm, tất nhiên cuối buổi U vẫn lời trong kinh doanh. Các bao thuốc rẻ tiền được bán ở quán nước của các U không bao giờ được bóc hẳn ra mà chỉ trổ một lỗ ở đầu bao cho lọt một điếu thuốc, giống các lọ tăm ở các quán ăn thời nay. Khách muốn mua thuốc hút phải lắc mạnh mấy lần mới lấy được một điếu thuốc. Lính sinh viên thì khác, khi vào quán bao giờ cũng gọi nước chè đầu tiên. Trong khi U đang mải rót mấy chén nước chè thì một anh trong bọn cầm bao thuốc lắc mạnh, điệu nghệ. Hai điếu thuốc trong bao lần lượt rơi xuồng đất, điếu thứ ba vừa nhô ra khỏi bao anh bộ đội lấy tay bên kia giữ lấy và cao giọng "U ơi! Con lấy một điếu thuốc đây U nhé". U dừng tay rót nước, ngước mắt nhìn lên xác nhận "ừ! Con lấy đi". Anh lính sinh viên mượn bật lửa châm thuốc hút, hai điếu thuốc rơi xuống đất đã được đồng đội bên cạnh kín đáo nhặt lên, cất đi. Kỹ năng mua bánh mỳ "cặp díp" thì chỉ các cao thủ mới qua mặt được các U. Hai cái bánh mỳ được anh bộ đội lấy từ trong bao giơ ra trước mặt U theo kiểu xếp hàng một "U ơi! Con lấy một cái bánh mỳ nhé". U đang bị phân tâm vì bận rót nước và quan sát "hành vi" mấy anh khác nên chỉ kịp ngước nhìn nhanh "ừ! Con lấy đi", vậy là mua một được hai.

Thật ra tất cả các trò " ma mãnh" của lính sinh viên rồi các U bán quán cũng biết hết nhưng vì thương các anh lính sắp phải ra mặt trận nên các U cũng bỏ qua. Các cựu chiến binh sinh viên còn sống trở về sau chiến tranh thường hay về thăm chốn cũ, thời huấn luyện tân binh. Các anh vẫn thích la cà các quán nước để nhớ về kỷ niệm xưa. Quán nước bây giờ đã khác xưa, khang trang hơn, nhiều đồ ăn thức uống hơn. Các U bán hàng xưa cũng đã đi xa. Các cựu chiến binh sinh viên khi ngồi quán vẫn chỉ gọi vài chén nước chè, đôi điếu thuốc Thăng Long. Khi trả tiền bao giờ các anh cũng trả dư hai ba chục nghìn như để tạ lỗi xưa. Cô bán quán thời nay cứ tưởng các chú các bác nhầm tiền nên thường gọi khách lại để trả.

"Tiền của U đấy, cô cầm về để trả cho U", các anh trả lời như đùa làm cho cô ngơ ngác. Các chú các bác "hào phóng" quá, cô chủ quán tần ngần cầm tiền cất đi và nhủ thầm "chiều về mua thêm nải chuối thắp hương cho U".

Trái tim người lính