Chuyện của người lính kỹ sư

Nguyễn Văn Nọi

07/01/2023 16:46

Theo dõi trên

Chuyện dành cho ngày 3/1/2023, kỷ niệm 50 năm ngày hành quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu của các anh lính kỹ sư, sinh viên

Ngày 23 tháng 9 năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ (23/9/1972 – 23/9/2022), lứa cựu chiến binh sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi nhập ngũ đợt đó đã tổ chức một cuộc gặp mặt tại Đồ Sơn Hải Phòng. Khách mời tham dự cuộc gặp mặt là đại diện lính sinh viên Bách khoa, các anh lính kỹ sư… nhập ngũ cùng đợt và cùng đơn vị huấn luyện (tiểu đoàn 495, trung đoàn 568). Nhờ công tác tổ chức tốt và sự nhiệt tình không thể đong đếm của cựu chiến binh Vũ An Ninh, Lê Tất Vinh nên cuộc gặp gỡ đã thành công hơn mong đợi, để lại những kỷ niệm đẹp cho những cựu chiến binh tham dự.

d1h1q-1673084643.jpg
Anh Bái là người ngồi cao nhất trong bức ảnh thứ hai. Anh Vĩnh là người mặc áo trắng, cầm một đầu cờ trong bức ảnh thứ ba.

 

Đại tá Ngô Đình Vĩnh, là một trong những kỹ sư nông nghiệp cùng nhập ngũ và cùng đại đội huấn luyện với chúng tôi cũng là khách mời trong cuộc gặp mặt cựu chiến binh sinh viên Đại học tổng hợp ngày hôm đó. Sau cuộc gặp gỡ anh “phàn nàn” với anh Đinh Kim Phong, một cựu chiến binh kỹ sư nông nghiệp cũng là khách mời sau khi bị từ chối đóng góp kinh phí:

“Chúng nó không coi bọn mình là lính sinh viên như bọn nó Phong ơi, cùng nhập ngũ, cùng huấn luyện lại còn cùng hành quân vào chiến trường mà chúng nó phân biệt vậy”.

“Thôi kệ chúng nó, mày để ý làm gì”, anh Đinh Kim Phong an ủi bạn thân.

Chúng tôi đã quy định là chỉ thu tiền của các cựu chiến binh sinh viên trường đại học tổng hợp Hà Nội để trang trải chi phí cho cuộc gặp. Tất cả các khách mời đều được mời tham dự miễn phí, anh Vĩnh và anh Phong trong diện khách mời nên muốn đóng góp tiền tự nguyện cũng bị từ chối – bộ đội luôn tuân thủ quy định.

Anh Đinh Kim Phong, anh Ngô Đình Vĩnh, anh Nguyễn Ngọc Bái, anh Trần Lê Vĩnh là bốn kỹ sư nông nghiệp nhập ngũ ngày 23 tháng 9 năm 1972. Các anh hơn lứa chúng tôi 5 – 6 tuổi, anh Phong và anh Bái cùng b4, c2 với tôi và Vũ An Ninh. Anh Ngô Đình Vĩnh ở b2 còn anh Trần Lê Vĩnh làm liên lạc đại đội hồi còn ở đơn vị huấn luyện. Trước khi đơn vị tôi hành quân vào Nam chiến đấu (đi B) thì anh Ngô Đình Vĩnh và anh Nguyễn Ngọc Bái được giữ lại miền Bắc. Anh Phong và anh Trần Lê Vĩnh cùng vào B2 với chúng tôi. Khi đơn vị chúng tôi tập kết ở Tây Ninh thì anh Phong được điều động lên Trung ương Cục còn anh Trần Lê Vĩnh và chúng tôi được bàn giao cho Trung đoàn 271 đang hoạt động ở mặt trận Quảng Đức (Đăk Nông ngày nay). Anh Trần Lê Vĩnh đã hy sinh ngay trước Tết 1974 ở mặt trận Quảng Đức, anh Phong thì Vũ An Ninh đã kết nối lại được sau 30 năm tìm kiếm. Tôi đã viết về anh Phong ở câu chuyện “Đi tìm đồng đội và trò đùa của số phận”.

Anh Ngô Đình Vĩnh và anh Nguyễn Ngọc Bái vì là kỹ sư cơ khí nông nghiệp nên sau khi được giữ lại ở miền Bắc, cả hai anh được điều động về hai nhà máy của quân đội ở Hải Phòng. Anh Vĩnh được phân công về nhận nhiệm vụ ở nhà máy sửa chữa thuộc Quân chủng Hải quân còn anh Bái thì được phân về một nhà máy thuộc Quân khu Tả ngạn. Do hai nhà máy cùng địa bàn Hải Phòng nên hai anh có cơ hội gặp nhau nhiều hơn. Thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, nếu không phải trực là anh Vĩnh đến thăm anh Bái hoặc ngược lại. Anh Vĩnh và anh Bái cùng học với nhau từ thời phổ thông, lên đại học lại học cùng lớp ở khoa cơ khí nông nghiệp trong trường đại học nông nghiệp, tính tình lại hợp nhau nên hai anh rất thân nhau. Anh Bái là con cả trong gia đình, dưới anh có hai em gái và một em trai. Anh Vĩnh cũng hay đến chơi nhà anh Bái từ thời chưa nhập ngũ, mấy đứa em của anh Bái đều quý anh và anh Vĩnh đã phải lòng cô em gái thứ hai của anh Bái – cô Phương, kém anh Vĩnh 4 tuổi. Tình yêu của anh Vĩnh và Phương dù chưa công khai nhưng đã được anh Bái và mọi người hai bên gia đình ủng hộ. Phương lúc này mới học xong phổ thông và đã thi đậu trường sư phạm 10 cộng 3 nên anh Vĩnh cũng xác định là phải sau khi Phương học xong thì mới tính đến chuyện hôn nhân. Tình yêu như mơ của một sỹ quan quân đội và một cô giáo tương lai, mơ ước của thanh niên hồi ấy tưởng sẽ có một kết cục đẹp vậy mà không.

Vào một ngày cuối tuần, như thường lệ, anh Bái đạp xe đạp cùng một số đồng đội sang thăm anh Vĩnh. Sau buổi ăn trưa, anh Vĩnh và anh Bái tranh thủ đạp xe đưa thư của những đồng đội phải trực tại đơn vị đến cho gia đình các anh ở tp Hải Phòng. Qua một ngã tư, anh Vĩnh đạp xe đi trước còn anh Bái đạp xe đi sau, bỗng anh Vĩnh nghe tiếng va chạm mạnh phía sau và tiếng xe đạp đổ xuống nền đường. Anh Vĩnh dừng xe, quay mặt lại và bàng hoàng thấy anh Bái đã ngã nằm xuống bên cạnh chiếc xe tải chở sắt xây dựng đang dừng ở giữa ngã tư đường. Anh Vĩnh vứt xe đạp, chạy lại ôm anh Bái lúc ấy đã bất tỉnh đưa vào bệnh viện Giao thông vận tải ở gần đó cấp cứu và sau đó anh tiếp tục theo xe cấp cứu đưa anh Bái đến bệnh viện Việt Tiệp. Do bị va chạm khá mạnh với đầu xe tải, anh Bái gẫy mấy xương sườn, đa chấn thương nên không qua khỏi. Anh Bái đã ra đi ngay tối hôm đó, trước khi ra đi anh Bái nắm chặt tay anh Vĩnh và trăn trối:

“Vĩnh ơi! Mày phải hứa là lấy cái Phương em tao nhé”, anh Vĩnh gật đầu trong nước mắt:

“Tao hứa với mày Bái ơi”. Anh Bái mất vào 22 tháng 11 năm 1973 (âm lịch), tức là sau khi chúng tôi hành quân đi B gần 12 tháng. Đúng thời gian này cũng là thời gian anh Trần Lê Vĩnh hy sinh ở mặt trận Quảng Đức.

Anh Vĩnh đã về thưa với bố mẹ đẻ về tình yêu của mình và lời hứa của mình với đồng đội, bố mẹ anh đều ủng hộ chuyện anh và Phương sẽ cưới nhau. Tết 1975, mẹ anh Vĩnh ngỏ ý muốn mang quà đến thăm nhà anh Bái để hai bên bố mẹ gia đình thông hiểu nhau hơn. Nhưng cuộc đến thăm định mệnh ấy đã làm cho anh và Phương không thể đến được với nhau nữa.

Bố anh Bái đã từng là ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ, nên ông có bạn bè đang giữ chức thứ trưởng hồi ấy. Các bà vợ của các cụ nhân dịp Tết đến xuân về cũng thường đến thăm nhà và chúc tụng mừng xuân nhau. Đúng hôm mẹ anh Vĩnh cùng con đến thăm nhà anh Bái thì cũng có hai bà vợ của hai ông thứ trưởng từ Hà Nội đến thăm gia đình anh Bái ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Khi hai bà vợ của hai ông thứ trưởng chuẩn bị ra về thì mẹ anh Bái chuẩn bị quà cho hai bà rất chu tất, có giò, bánh chưng và một sự trân trọng khách quý…Mẹ con anh Vĩnh chào ra về thì chỉ nhận được lời chào rất xã giao từ mẹ anh Bái, tất nhiên là không có quà cáp. Lòng tự trọng của một bà mẹ vốn là con gái một thầy giáo bị tổn thương vì “lời chào cao hơn mâm cỗ” và rồi bà dứt khoát không cho anh Vĩnh được kết hôn với người mình yêu. Anh Vĩnh cố gắng thuyết phục mẹ nhiều lần nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của mẹ anh. Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn? Anh Vĩnh đã xin nghỉ phép để lên trường Sư phạm 10 cộng 3 ở Việt Yên, Hà Bắc (Bắc Giang), nơi Phương đang học năm cuối để đề nghị Phương:

“Chúng mình cứ cưới nhau dù mẹ anh không đồng ý nhé?”. Mười lăm ngày anh ở nhà khách của trường sư phạm, cứ sau giờ học là Phương lại đến nhà khách để cùng anh gỡ rối. Ở nhà khách nhưng khi nói chuyện với Phương là các cửa ra vào, cửa sổ phòng khách phải luôn mở, buổi tối thì tất nhiên chỉ mình anh được ngủ ở phòng khách thôi - một thời khổ vậy. Phương là một cô giáo, cô không chấp nhận kết hôn mà bố mẹ chồng không thuận, vậy là phương án của thượng úy quân đội bị đổ bể.

Anh Vĩnh nghĩ mình phải có trách nhiệm với hạnh phúc của Phương nên anh đã tìm đến một người bạn học từ thời phổ thông – Thực, đang là một dược sỹ, cũng từng yêu Phương say đắm.

“Thực ơi, tao biết mày cũng yêu Phương. Tao và Phương không thể đến được với nhau nên tao mong mày hãy lấy Phương. Tao hứa trong 15 năm tới tao sẽ không xuất hiện trước mày và Phương”. Anh Vĩnh cũng đến gặp Phương và năn nỉ Phương hãy lấy Thực vì Thực thật lòng yêu Phương. Thật may là “sáng kiến” của anh Vĩnh đã được cả Phương và Thực đồng ý, hai người đã cưới nhau năm 1978 và sống hạnh phúc cho đến bây giờ. Anh Vĩnh đã giữ lời hứa của mình là không xuất hiện trước mặt Phương Thực và gia đình Phương trong ngày cưới của Phương – Thực cho đến năm 1996, mười tám năm sau đó. Năm 1982 anh Vĩnh mới cưới vợ, khi đã 35 tuổi, hàng năm anh và gia đình đều cúng giỗ cho anh Bái vào ngày anh Bái mất nhưng không đến thắp hương mộ anh Bái vì sợ gặp người nhà gia đình anh Bái, sợ vi phạm lời hứa.

Giỗ anh Bái năm 1996, lúc này anh Vĩnh đã là đại tá – giám đốc một nhà máy lớn của quân chủng Hải quân ở Hải Phòng, anh Vĩnh đã đưa một số sỹ quan, bạn bè anh Bái về thắp hương tại mộ anh Bái và thăm gia đình anh Bái. Khi anh Vĩnh cùng các đồng đội bước qua cổng vào nhà chào phụ thân anh Bái, anh nhìn thấy Thực, Phương đang ngồi ăn cỗ cùng một số họ hàng. Anh chỉ gật đầu chào hai người và vội đến chào bố anh Bái, mẹ anh Bái đã mất trước đó vài năm, và xin cụ cho anh được thắp hương di ảnh của anh Bái trên bàn thờ. Bố anh Bái rất cảm động và đồng ý cho nghĩa cử của anh. Thắp hương xong quay ra thì anh không thấy Phương, Thực cùng các con của họ trên mâm nữa, có lẽ quá bất ngờ trước sự xuất hiện của anh Vĩnh nên họ đã tránh đi. Nghe nói sau này bố anh Bái đã cho gọi cả Phương và Thực lên nói chuyện. Ông nói đại ý “các con ứng xử như vậy là không phải phép. Anh Vĩnh bây giờ cũng như anh cả của các con, anh đã có lòng về đây thắp hương cho anh các con thì các con phải biết đối nhân xử thế cho đúng”.

Những năm tiếp theo, năm nào cũng đến giỗ anh Bái là anh Vĩnh lại về thắp hương cho anh Bái. Đến nay dù thân mẫu của anh Bái đã đi xa nhưng cứ đến giỗ anh Bái là anh Vĩnh thường thu xếp công việc để về. Các em các cháu trong gia đình anh Bái đã thực sự coi anh Vĩnh là anh cả thay anh Bái. Phương và Thực cũng vậy, luôn quý trọng anh Vĩnh vì hai người đã hiểu hạnh phúc của họ là có công anh Vĩnh tác thành.

Anh Bái khi nhập ngũ khoảng 24 tuổi đẹp trai nhưng chưa có người yêu, anh đã có những bức ảnh chụp cung với các đồng đội tôi khi về phép để chuẩn bị vào chiến trường. Những bức ành được chụp ở công viên thống nhất trước cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không khoảng một tháng. Những anh lính sinh viên và những anh lính kỹ sư cười rõ tươi trong những bức ảnh. Có ngờ đâu sau đó khoảng 1 năm anh Bái đã nằm xuống và hai đồng đội của tôi có mặt trong những bức ảnh đó cũng hy sinh mất xác ở chiến trường.

Anh Vĩnh có kế hoạch giỗ lần thứ 50 của anh Bái, 22 tháng 11 năm 2023 (âm lịch), anh và chúng tôi, những đồng đội của anh Bái và gia đình anh Bái sẽ tổ chức một cái giỗ thật ấm cúng cho anh Bái. Anh Vĩnh đã đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam để làm thủ tục nhận bằng tốt nghiệp đại học cho anh Bái. Anh Bái lúc đi bộ đội đã được công nhận tốt nghiệp đại học nhưng chưa có cơ hội trở về trường để nhận bằng. Tấm bằng tốt nghiệp của kỹ sư Nguyễn Ngọc Bái có lẽ là tấm bằng tốt nghiệp được phát muộn nhất cho một kỹ sư nông nghiệp Việt Nam. Cám ơn Học viện nông nghiệp Việt Nam đã bảo quản tốt tấm bằng tốt nghiệp của một người lính kỹ sư suốt 52 năm. Anh Vĩnh gọi điện báo tin cho tôi trong nghẹn ngào "Nọi ơi! Anh nhận được bằng tốt nghiệp của Bái rồi", tôi nghe mà cũng thấy nghẹn ngào.

Đại tá Ngô Đình Vĩnh đã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam tổ quốc. Anh đã đươc tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất, nhưng anh luôn khiêm nhường. Tôi đã gửi anh bài viết này để xin phép anh được đăng trên phây búc nhưng anh từ chối vì anh thấy “chuyện của anh chẳng là gì so với rất nhiều câu chuyện của những cựu chiến binh khác”. Hôm nay là ngày 3 tháng 1 năm 2023, là ngày cách đây 50 năm đơn vị đa phần lính sinh viên, kỹ sư chúng tôi lên đường hành quân vượt Trường Sơn vào B2 chiến đấu. Tôi mạn phép anh Vĩnh đăng câu chuyện của anh lên trang để bạn bè, đồng đội được biết về chất của một anh bộ đội kỹ sư mà tôi và các đồng đội của tôi luôn kính trọng. Rất mong anh tha thứ và đừng trách em đã không tuân lệnh anh, đại tá Ngô Đình Vĩnh nhé.

Hà Nội, 3/1/2023

NVN

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện của người lính kỹ sư" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn