Đại uý, Cựu chiến binh Hà Minh Sơn được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống: cụ Quản Hậu (tên thật là Hà Văn Đoài) ông nội của anh Sơn từng là một chiến tướng của nghĩa quân Yên Thế. Cha và mẹ của anh là ông Hà Văn Phác - bà Nguyễn Thị Chung đều là những nghệ nhân chầu văn có tiếng của vùng Bắc Giang một thời. Ông Phác là một cây đàn điêu luyện còn bà Chung là một cung văn xuất sắc. Họ thuần thục 36 giá đồng, nên liên tục được mời và cùng có mặt trong những đám hầu đồng khắp miền Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Nội… Họ đã thành vợ chồng cũng là vì mến tài sắc của nhau. Hai ông bà sinh được 8 người con (2 gái và 6 trai). Hà Minh Sơn tuổi Quý Tỵ - 1953, là con trai thứ 4 trong gia đình. “Sông Thương nước chảy trong veo / Thuyền xuôi người ngược… / Có tiếng hò reo vang lừng / Nhìn đá núi mấy tầng cao thấp / Ngàn cỏ hoa tăm tắp màu xanh...”. Chắc chắn ca từ của bài hát văn nổi tiếng vùng Kinh Bắc xưa “Cô đôi thượng ngàn” đã ngấm vào tâm hồn của cậu bé Hà Minh Sơn từ thuở ấu thơ và giúp anh có tố chất của một nghệ sĩ, ham đọc sách và yêu thích thơ ca sau này.
1- Tôi nhận lời biên soạn và giới thiệu cuốn tự truyện “Nam chinh Bắc chiến” cho tác giả Hà Minh Sơn, không chỉ với tư cách là một nhà văn chuyên về mảng đề tài tư liệu chiến tranh, mà còn là tình đồng hương thân thuộc. Dù anh Sơn thuộc lớp đàn anh, hơn tôi mấy tuổi, nhưng chúng tôi cùng quê, cùng lớn lên tại xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Xóm Đồng Điều nơi tôi sinh trưởng chỉ cách xóm Đanh của anh Sơn một cánh đồng. Đó là nơi thời niên thiếu, chúng tôi từng chăn trâu, đánh giậm, câu ếch, soi cá, bắt cua…
Xã Tân Trung thuộc vùng đất thuộc Yên Thế hạ ngày xưa. Chỉ qua xóm Bãi Dẻ và xóm Cổng Xây đã đã thuộc về Yên Thế ngày nay. Đó là nơi mỗi khi có việc hiếu hỉ, người ta thường có câu quen thuộc “Kính thưa bà con hai huyện ba xã”! Hơn thế, Tân Trung còn là nơi cụ Đề Nắm (tức Lương Văn Nắm) làm Lễ Tế cờ dấy binh ở Đình Hả, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp gần 30 năm. Sau khi cụ Đề Nắm bị sát hại, cụ Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) mới lên thay và chỉ huy nghĩa quân Yên Thế trong gần 30 năm chống Pháp.
Ở quê chúng tôi, không có làng nào là không có người tham gia nghĩa quân Yên Thế. Nếu như cụ Quản Hậu (Hà Văn Đoài) ông nội của anh Hà Minh Sơn là một chiến tướng của nghĩa quân Yên Thế; thì cụ Trưởng Đoan (Đặng Khánh Đoan) ông nội tôi cũng là một mưu sĩ của Đề Thám. Các cụ đều hi sinh vì quê hương đất nước khi còn rất trẻ. Tiếp nối truyền thống gia đình, ông Hà Văn Phác (1905 – 1988) cha của anh Sơn đã tham gia hoạt động Việt Minh từ đầu thập niên 40, được kết nạp Đảng năm 1946. Còn cha tôi, ông Đặng Văn Chấn từng (1920 – 2003) là một Đội viên Du kích Bắc Sơn, cũng là một trong 4 đảng viên Cộng sản đầu tiên của cả vùng Yên Thế xưa, một lão thành Cách mạng của Bắc Giang.
Xóm Đanh của anh Sơn còn gắn liền với một sự kiện lịch sử nổi tiếng: Ngày 13/7/1945, cha tôi và các đồng đội của ông đã tiến hành trận phục kích Dốc Đanh, bắt sống Tri phủ Tưởng Văn Trang, cùng toán lính hầu, khi chúng đang trên đường đến Bố Hạ, gặp chỉ huy phát xít Nhật để bàn kế hoạch chống phá Việt Minh. Sự kiện này đã mở đầu cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công sớm nhất tại Bắc Giang.
Sau này, thời chúng tôi lớn lên, đều được chứng kiến một hình ảnh quen thuộc: Nhà văn Nguyên Hồng đi chiếc đạp cũ, không phanh, không chuông, đến từng gia đình hỏi chuyện các cụ già, ghi chép lấy tư liệu để viết bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Núi rừng Yên Thế” và những cuốn sách khác liên quan đến vùng đất này.
Tôi có thể khẳng định một điều: Tất cả các địa danh làng xóm, cánh đồng, đồi núi… mà tác giả Hà Minh Sơn nêu trong phần đầu của tự truyện “Nam chinh Bắc chiến” đều có thật ở quê hương chúng tôi! Những kỷ niệm tuổi thơ ở một vùng quê nghèo mà giàu truyền thống Cách mạng. Chúng tôi tự hào vì đều là “Trai Cầu Vồng Yên Thế”!
Cảm ơn tác giả Hà Minh Sơn đã viết hộ, nói hộ tôi và rất nhiều người con của quê hương Yên Thế. Dù anh Sơn không phải là nhà văn, trình độ văn hoá cũng chỉ học dở dang chưa hết lớp 7 đã đi bộ đội. Sau này, với thời gian tròn 20 năm trong quân ngũ, anh cũng có vài lần được đi học đào tạo cán bộ Trung đội tại Trường Lục quân Tổng hợp Miền Đông, rồi Trường Quân chính Quân đoàn, Quân khu... Chức vụ cao nhất của anh là Trưởng Ban Tác chiến Sư đoàn. Nghĩa là công việc hoàn toàn không liên quan gì đến chuyện “viết lách văn chương”. Nhưng bù lại, giời cho Hà Minh Sơn có trí nhớ cực tốt. Anh nhớ từng người thân, bạn bè, sơ yếu lý lịch và cả tính cách của họ. Thói quen quan sát và nhận xét những sự kiện, hiện tượng và nhân vật xung quanh đã giúp Hà Minh Sơn rất nhiều trong việc thể hiện bản thảo cuốn sách này.
2- Tôi tiếp nhận bản thảo tự truyện “Nam chinh Bắc chiến” của Đại uý, Cựu chiến binh Hà Minh Sơn từ giữa năm 2020. Nghĩa là hơn một năm trước khi cuốn sách được ấn hành và đến tay bạn đọc.
Có thể anh Hà Minh Sơn đã tham gia viết một số cuốn sách ký sự lịch sử cho đơn vị, nhưng đứng tên riêng với tư cách tác giả, thì đây là tác phẩm đầu tay. Bởi thế, chúng tôi đều thận trọng, muốn có độ lùi thời gian, lắng lại bổ sung và sửa chữa, để tác phẩm đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất trong điều kiện có thể.
Anh Sơn đã tin tưởng trao cho tôi toàn quyền biên soạn bản thảo “Nam chinh Bắc chiến”. Để bạn đọc dễ theo dõi và tiếp cận nội dung tác phẩm, tôi đã giúp tác giả phân chia thành nhiều phần: Quê hương và gia đình; Nhập ngũ Nam chinh; Những năm Bắc chiến; Chuyện tình của lính; Trở về với cuộc sống đời thường; Những lá thư thời Bắc chiến, Những khoảnh khắc đáng nhớ… Và mỗi phần lại có nhiều tít phụ, đặt tên theo những chủ đề khác nhau.
Tôi đánh giá cao những trang Hà Minh Sơn viết về cuộc sống và chiến đấu của người lính ngoài mặt trận. Nếu không phải là người trong cuộc, không cầm súng đối mặt với kẻ thù, không trực tiếp băng bó cho thương binh và nhiều lần mai táng cho đồng đội, thì không thể có những trang viết sống động và thuyết phục như thế. Bởi vậy, rất nhiều dòng chữ của Hà Minh Sơn không chỉ có mồ hôi mà còn cả máu và nước mắt!
Dù thể loại của tác phẩm là Tự truyện, nghĩa là hồi tưởng và nhớ lại những chuyện cũ. Nhưng với trí nhớ tuyệt vời, tác giả Hà Minh Sơn đã cung cấp cho người đọc từng chi tiết nhỏ như viết Nhật ký trực tiếp vậy. Những trang viết chân thực và sinh động về đời sống của bộ đội hành quân vượt Trường Sơn. Những trang viết về tình đồng đội. Những khó khăn và thiếu thốn, gian khổ và ác liệt, nhưng cũng đầy lạc quan và tin tưởng tạo nên sức mạnh tinh thần để những anh Bộ đội Cụ Hồ chiến thắng kẻ thù.
Đó là phần “Nam chinh”, còn phần “Bắc chiến” cũng có nhiều trang viết được xem như “của hiếm” thời nay. Bởi nhiều lý do, cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc năm 1979 và Cuộc chiến tranh tại mặt trận Vị Xuyên những năm thập niên 80 sau đó, còn rất ít được nói đến trong những trang sách của một “người trong cuộc” như thế này. Nếu ai muốn hình dung cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên – Hà Giang ác liệt đã diễn ra như thế nào, xin hãy đọc phần “Bắc chiến” của Hà Minh Sơn và chắc chắn sẽ tìm được rất nhiều chi tiết cùng những mẩu chuyện chưa kể với ai của Lính Vị Xuyên và thầm biết ơn tác giả đã từ gan ruột viết ra!
Tôi tin là thế hệ những người lính đã từng cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ những năm đầu thập niên 70, chiến trường biên giới Tây Nam và Campuchia, hoặc những người lính Vị Xuyên trong thập niên 80, đều thấy bóng dáng thân thuộc đồng đội của mình và cả của chính mình trong cuốn sách nhỏ này.
3- Một hạn chế đáng yêu của tác phẩm là tác giả đã sử dụng lối văn kể chuyện, nghĩa văn nói chứ không phải văn viết. Vì mê thơ ca, nên anh đã đưa nhiều bài thơ dài theo cảm xúc buồn vui tự nhiên mỗi khi gặp một sự kiện, nhân vật nào đó; đôi khi ngẫu hứng, anh còn chép lại đầy đủ nhiều ca từ bài hát nổi tiếng một thời. Thêm nữa, ở một số trang, gần như anh bê nguyên văn phần kỷ yếu lịch sử của đơn vị mình đặt vào. Dù chỉ mang quân hàm Đại uý, nhưng một số đoạn mở đầu trong các phần của tự truyện, Hà Minh Sơn lại có tư duy "lấn sân" sang cấp... Tướng, với những những nhận xét, đánh giá mang tầm chiến lược, chiến thuật của chỉ huy Quân đoàn, Quân khu và cao hơn nữa… Nhiều trang còn có sự so sánh, đánh giá tương quan lực lượng địch – ta. Nói vui, đó là “bệnh nghề nghiệp” của một cựu sĩ quan Tham mưu - Tác chiến, từng nhiều năm “điều binh khiển tướng” thực binh và thực chiến, chứ không phải chỉ quen lý thuyết giấy tờ.
Nếu như những trang viết hồi tưởng về chiến trường đầy máu lửa thiêng liêng bao nhiêu, thì những trang viết vợ con, gia đình, sau khi đã trở về với cuộc sống đời thường cũng cảm động bấy nhiêu. Không ai thật thà đáng yêu như Hà Minh Sơn. Anh đã không hề giấu diếm, "không khảo mà xưng" khai hết chuyện tình yêu, lấy vợ, sinh con, nuôi lợn, chăn gà, làm nhà, “vác tù và hàng tổng”, chăm sóc vợ ốm đau… cho mọi người cùng biết. Nhưng đó cũng chính là thế mạnh, là ưu điểm của thể loại ký. “Nam chinh Bắc chiến” đã thuyết phục người đọc bằng sự chân thật và hấp dẫn vì phi hư cấu.
Với 452 trang sách, “Nam chinh Bắc chiến” là sản phẩm tinh thần của thời gian giãn cách xã hội phòng chống Covid-19, nhưng rất xứng đáng là một món quà đầy ý nghĩa, nhân kỷ niệm tròn 50 năm nhập ngũ của Đại uý, Cựu chiến binh Hà Minh Sơn và đồng đội của anh (1971 – 2021); đồng thời, làm quà tặng trong Lễ ra mắt Ban vận động thành lập Câu lạc bộ “Trái tim người lính Vị Xuyên” tới đây.
50 năm với lịch sử không phải là dài, nhưng nửa thế kỷ đã là cả một đời người! Tác phẩm càng có ý nghĩa hơn, khi nhằm mục đích tri ân Đồng đội – Những người không trở về và cả những người đã hi sinh tuổi xuân của mình cho đất nước hoà bình hôm nay.
(Bạn muốn đọc tác phẩm nêu trên, mời xin liên hệ với tác giả - Đại uý, CCB Hà Minh Sơn để biết thêm thông tin chi tiết, ĐT: 0986 122 693).
ĐVH (Người sáng lập TTNL)