Tôi để ý đến chậu cây cảnh vì màu xanh bóng của những chiếc lá. Tôi đã phải sờ tay vào những chiếc lá để kiểm tra sự thật giả của chúng vì cái màu xanh ngắt đồng đều, không vương một hạt bụi nào của mỗi chiếc lá. Cuối cùng tôi cũng nhận ra đó là cây hoa Dâm Bụt (Thái) vốn được trồng rất nhiều ở các vườn hoa, hàng cây ven đường của Hà Nội.
Tôi bê cây Dâm Bụt ớm nắng, thiếu dinh dưỡng lên sân thượng. Bà chủ nhà chuyển cây sang một chiếc chậu to hơn, bổ sung đất trồng và phân bón vào chậu cây. Cây Dâm Bụt không phụ công người chăm, đã đâm cành, trổ lá và những nụ hoa bắt đầu xuất hiện. Một buổi sáng, bông hoa Dâm Bụt đầu tiên hé nở trên sân thượng nhà tôi. Năm cánh hoa mỏng tang màu đỏ cờ xòe ra, ở giữa là nhụy hoa cũng màu đỏ cờ. Có lẽ vì chứng kiến những khoảnh khắc sự hồi sinh của cây hoa Dâm Bụt nhà tôi nên bông hoa màu đỏ đầu tiên của cây Dâm Bụt cũng được tôi quan tâm nhiều hơn. Sau một ngày rực rỡ dưới nắng hè, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc năm cánh hoa Dâm Bụt khép lại, cuộn tròn vào nhau mỗi lúc một khăng khít hơn. Tôi nghĩ là hoa ngủ qua đêm để sáng mai lại nở ra để chào đón ngày mới như nhiều loài hoa khác. Nhưng không, sáng hôm sau, khi tôi ra ngắm hoa thì bông hoa Dâm Bụt không còn trên cây nữa. Bông hoa đã buông mình xuống sân gạch, các cánh hoa màu đỏ vẫn ôm sát nhau như đang ngủ. Bông hoa đã rụng mà sao vẫn giống như một thiếu nữ, hồn lìa khỏi xác mà má vẫn hồng, môi vẫn đỏ, da vẫn trắng mịn màng. Tôi chợt nhận ra phẩm cách cao quý của một loài hoa, không để tàn rồi mới rụng. Hoa rụng rồi mà vẫn đẹp làm sao. Tôi đã hiểu vì sao các nước phương tây rất yêu hoa Dâm Bụt, nó tượng trưng cho tình yêu, lòng cao thượng. Hàn Quốc và Malaysia là hai dân tộc yêu quý hoa Dâm Bụt nhất, Malaysia coi hoa Dâm Bụt là quốc hoa. Hình như chỉ có ở nước Việt Nam ta mới coi loài hoa Dâm Bụt là loài hoa không được thờ cúng, không được trưng trong nhà, là loài hoa của sự lẳng lơ nên chỉ được trồng bên đường đi. Phải chăng vì từ dâm của hoa Dâm Bụt trong tiếng Việt đã làm tổn hại thanh danh của một loài hoa đẹp.
Truyền thuyết kể rằng có hai chị em nhà nọ, cô em mắc bệnh hiểm nghèo nên hai chân bị liệt. Cô chị vì thương em nên đã thực hiện một hành trình vất vả để tìm thuốc cứu chữa cho em gái. Một ngày nọ cô chị gặp một ông lão râu tóc bạc phơ, mặc một chiếc áo màu đỏ. Sau khi nghe cô chị kể bệnh tình của em gái mình và mong ước chữa được bệnh cho em. Ông lão đã nhận lời chữa bệnh cho cô em gái với điều kiện là cô chị phải chịu liệt chân thay em gái mình. Không một chút do dự, cô chị đồng ý điều kiện ông lão đặt ra. Cảm kích tình thương yêu của cô gái dành cho em mình, ông lão đã chữa khỏi bệnh cho cô em và không bắt cô chị phải liệt chân như điều kiện đặt ra nữa. Nơi ông lão đứng sau này đã mọc ra một cây có những bông hoa năm cánh màu đỏ mịn màng và được mang tên là cây hoa Dâm Bụt - vẫn chẳng hiểu vì sao mà cây hoa đẹp lại mang tên Việt là Dâm Bụt.
Hoa Dâm bụt đỏ tượng trưng cho tình yêu, sự gắn kết của các cặp đôi yêu nhau.
Hoa Dâm Bụt hồng tượng trưng cho niềm hạnh phúc, vui vẻ, ấm áp trong cuộc sống.
Hoa Dâm Bụt vàng tượng trưng cho nhiệt huyết, sự đam mê bất tận, niềm vui và may mắn trong cuộc sống.
Hoa Dâm Bụt tím tượng trưng cho sự quyền quý, sang trọng, bí ẩn và quyến rũ.
Hoa Dâm Bụt trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, ngây thơ và mơ mộng.
Chừng ấy đã đủ cho một sự tôn trọng hơn cho một loài hoa có tên là Dâm Bụt?
Chuyện Làng quê