Tiêu bản động vật mang tính nghệ thuật và giá trị kinh tế cao được tạo ra từ tình yêu, sự đam mê, sáng tạo, tỉ mỉ đến tinh tế của những người yêu động vật. Bộ môn này đang được nhiều bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng và theo đuổi.
Tiêu bản là lĩnh vực nghiên cứu phát triển trên thế giới từ cách đây hàng trăm năm. Tại Việt Nam, những năm gần đây, nghệ thuật làm tiêu bản động vật đang dần trở nên phổ biến và được nhiều bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng.
Với niềm đam mê nghiên cứu sinh học và tình yêu động vật, Lưu Viết Chung (Hà Đông, Hà Nội) tìm đến với tiêu bản động vật và dành thời gian, tâm huyết cũng như sự tỉ mỉ trong các công đoạn để ra những sản phẩm độc đáo, mang độ chính xác cao. Cơ duyên đưa Chung đến với nghề tiêu bản chính là chú rắn cưng của anh.
“Cách đây 3 năm, thú cưng của mình không may qua đời. Sau đó mình đã tìm cách lưu giữ xác của động vật dưới dạng cấu trúc xương. Bộ môn tiêu bản động vật không chỉ các mẫu động vật được làm theo để nghiên cứu khoa học mà còn mang giá trị nhân văn, giúp cho những người chủ đã có thú cưng bị mất hay qua đời có thể lưu giữ kỷ niệm”, Chung chia sẻ.
Chung cho biết, rắn sau khi chết sẽ lọc bỏ phần thịt, nội tạng. Sau đó sử dụng bọ phát triển từ loài sâu gạo để xử lý phần thịt còn sót lại. Cuối cùng, tẩy xương bằng oxy già rồi cẩn thận ráp lại thành một bộ hoàn chỉnh. Ngoài các bộ tiêu bản nguyên xương con rắn, Chung còn làm trang sức như vòng tay, nhẫn từ xương của loài động vật này.
“Công đoạn cho ra xương giống với làm tiêu bản xương, nhưng thay vì ghép lại thành một bộ hoàn chỉnh thì chỉ dùng xương sống cho vào khuôn silicon, sau đó đổ nhựa resin cứng và chờ khô để chế tác hoàn thiện. Việc dùng nhựa resin để đúc nhẫn, vòng xương rắn không chỉ giữ các đốt xương trong tình trạng nguyên gốc, tránh gãy vỡ mà còn giúp người đeo thoải mái, không bị đau”, Chung chia sẻ.
Để làm ra một chiếc nhẫn hoặc vòng từ xương rắn, Chung phải tốn 2-3 ngày, có khi đến cả tuần. Hiện, những món trang sức từ xương rắn được Chung bán với giá từ 100.000 đồng đến cả triệu đồng, tùy theo loại và khách yêu cầu.
Có cùng một tình yêu đối với động vật như Chung, Nguyễn Hương Loan là sinh viên của năm 4 khoa Thiết kế nội thất của trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội mong muốn ứng dụng tiêu bản động vật trong việc trang trí nội thất nhà cửa cũng như đem lại làn gió mới đối với góc nhìn về tiêu bản.
“Nghệ thuật sử dụng tiêu bản để trang trí không gian sống có nguồn gốc từ châu Âu và có một lịch sử phát triển lâu dài. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bộ môn này còn khá mới mẻ và đặc biệt kén chọn người chơi. Bởi trong văn hóa Việt Nam, xương động vật bị cho là xui xẻo, chứa nhiều âm khí nên mọi người ít ứng dụng như một vật trang trí. Là một người trẻ, tôi mong tiêu bản sẽ được nhiều người biết đến hơn và có một cái nhìn rộng mở hơn”, Hương Loan chia sẻ.
Cũng theo Hương Loan chia sẻ, với nghề này, yếu tố thời gian là điều quan trọng nhất để tạo ra một tiêu bản hoàn hảo.
“Quá trình làm tiêu bản từ xác động vật đã chết không những đòi hỏi sự tỉ mỉ tuyệt đối, mà còn cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ngộ độc, bỏng, ung thư...vì lúc nào cũng phải sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại, không những chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người làm mà còn gây hại khi phát tán vào môi trường xung quanh”, chị Loan nói.
Nghệ thuật tiêu bản không đơn thuần là một nghề mà còn là lĩnh vực có giá trị về mặt lưu giữ, bảo tồn động thực vật, phục vụ quá trình nghiên cứu và trưng bày thế giới tự nhiên sinh động, đặc sắc.
Những người trẻ không chỉ làm nên các sản phẩm tiêu bản như vậy, họ còn đang hàng ngày lan tỏa vẻ đẹp, giá trị của tiêu bản động vật một cách lặng lẽ và bền bỉ với mong muốn rằng nét nghệ thuật mới mẻ này sẽ được công chúng đón nhận với một góc nhìn cởi mở hơn.