Hết mình với nghề
Cô Mai Thị Hồng Quế là giáo viên dạy môn ngữ văn cấp 3 của tôi. Với dáng người nhỏ nhắn nhưng lại mang nhiều năng lượng tích cực đến cho đồng nghiệp và học sinh. Cô tham gia sự nghiệp trồng người đến nay đã hơn 20 năm, có nhiều thành tích tiêu biểu trong giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh. Tuy vậy, cô phải đối mặt với không ít khó khăn về điều kiện vật chất ở địa phương, thay đổi xu hướng giảng dạy. Nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến sự yêu nghề, truyền đạt những kiến thức của cô đến học sinh.
Nếu mỗi tác phẩm văn học chỉ dạy trên lý thuyết, sách vở thì học sinh sẽ không thể nào cảm nhận và hiểu được ý nghĩa trong tác phẩm mà tác giả muốn gửi gắm. Cũng vì thế mà mỗi giờ lên lớp, cô Quế đều có những hình thức và phương pháp khác nhau nhưng mục đích chính của cô là đưa văn học gắn liền với cuộc sống.
Bạn Thu Hà, học sinh lớp 12, Trường THPT Yên Mô A tâm sự: “Năm lớp 11, lớp em may mắn được cô dạy văn. Em vô cùng thích học văn vì cô dạy chúng em ghi nhớ bằng sơ đồ tư duy, vốn là lớp khối A thiên về tư duy nên phương pháp học mà cô mang lại giúp chúng em tiếp thu bài rất hiệu quả, không tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, cô còn lồng ghép những bài tập thực hành như làm việc nhóm để phỏng vấn, quay phóng sự. Học văn cô không chỉ kiến thức trong sách mà cô còn dạy kỹ năng sống”.
Để bước chân văn học tiến gần hơn với nghệ thuật
Với niềm đam mê viết lách từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, kế thừa sự sáng tạo của đội ngũ đi trước, những năm gần đây, cô Hồng Quế đã sáng tác và xuất bản tập truyện ngắn “Gió thổi trước hiên nhà” vào năm 2020. Truyện ngắn đầu tay của cô thường xuất hiện trên tạp chí Ninh Bình và các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần làm mới mẻ, phong phú cho văn học Ninh Bình.
“Điều hay nhất, thú vị nhất của cuộc sống là những điều xảy ra xung quanh mình. Chính từ những điều nhỏ bé, mộc mạc ấy là cảm hứng sáng tác, lựa chọn đề tài hàng đầu của tôi. Đó có thể là cuộc sống nông thôn, câu chuyện của người dân sống xung quanh mình”, cô Quế cho biết.
Đi sâu vào mỗi câu chuyện trong cuốn “Gió thổi trước hiên nhà”, nhân vật đều là những hình ảnh gần gũi quen thuộc như những người phụ nữ, họ có vẻ đẹp tâm hồn trong sáng và vẻ bề ngoài mộc mạc giản dị. Phải chăng tác giả muốn thể hiện sự đồng cảm với số phận của những người phụ nữ. Những tác phẩm xưa, phụ nữ luôn là đề tài được nhiều người quan tâm, đón nhận và được mọi người đồng cảm và bảo vệ.
Mỗi nhân vẫn trong tác phẩm có hoàn cảnh sống và thân phận khác nhau, nhưng họ đều vượt lên bằng lý trí, kinh nghiệm và tỉnh táo trước những số phận và hoàn cảnh. Có lẽ họ đã ý thức, với sự thức tỉnh của bản năng, bản năng làm mẹ, làm vợ.
Đặt mình vào nhân vật của mỗi câu chuyện cùng nét bút tả thực, sinh động mà truyện ngắn “Gió thổi trước hiên nhà” của cô đạt được những thành tích như giải khuyến khích Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2021, giải B Trương Hán Siêu của tỉnh Ninh Bình năm 2022. Trong tập truyện này có truyện ngắn “Đi qua những giấc mơ” là đạt giải ba cây bút vàng năm 2018 của Bộ Công an.
Là một giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, nhiều cơ hội tiếp xúc, nghiên cứu các tác phẩm văn chương. Cô không chỉ yêu nghề, yêu trò, mà còn mong muốn truyền đạt những kiến thức mình có cho học sinh để học sinh áp dụng được trong đời sống như viết một bản tường trình, một biên bản hay phân tích được các bài nghị luận xã hội.
Cô từng tâm sự: “Viết truyện, làm thơ giống như một con đường để giải tỏa, giãi bày những tình cảm, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân tôi. Thứ nhất, nó cũng là một phần của năng khiếu, thứ hai, là những tình cảm của mình muốn viết ra để bày tỏ cảm xúc. Tôi rất thích ảnh đẹp, lúc nào rảnh cũng tập chụp và không học qua trường lớp, tôi chụp để thỏa mãn niềm yêu thích, ghi lại những khoảnh khắc đẹp, điều thú vị của cuộc sống”.
Giúp học sinh yêu “văn học, nghệ thuật” bước ra khỏi vùng an toàn
Bạn đã từng nghĩ học văn khó lắm, dài nữa, phải học thuộc nhiều nên chọn học toán, lý, hóa cho ngắn gọn, logic chưa? Tôi cũng từng nghĩ như thế, nhưng dần dần nhờ có văn học mà tôi cởi mở hơn, có những suy nghĩ và cảm xúc đi sâu vào những nhân vật, phong cảnh xung quanh mình.
Cô Quế bày tỏ “Tôi cho học sinh thực hành rất nhiều, thực hành từ trong bài tập cho đến thực hành sáng tác. Có thể tham gia gợi ý, điều chỉnh nội dung cho các bạn dễ thực hiện hơn. Hoặc đối với các bạn học sinh không theo hướng văn chương thì làm những sản phẩm phóng sự, quang cảnh di tích lịch sử ở địa phương. Và quan điểm của tôi là học sinh phải thực hành thì mới có kỹ năng, hiểu và áp dụng thực tế”.
Không chỉ tâm huyết với nghề, ở trường cô Quế cùng với các thầy cô trong trường mở CLB để cho học sinh giao lưu, phát triển, thể hiện được những năng khiếu của bản thân, thoát ra khỏi vùng an toàn và tự tin hơn.
Bạn Bùi Yến, từng tham gia CLB văn học nghệ thuật của trường chia sẻ: “Việc tham gia CLB là cách giúp tôi giảm căng thẳng và khiến bản thân bản lĩnh hơn. Sau khi tham gia CLB tôi có thêm nhiều bạn bè, đặc biệt là những bạn chung sở thích, cùng tính cách. Bản thân hướng ngoại hơn, bạo dạn hơn và luôn có những năng lượng tích cực”.
Cô Mai Quế một nhà giáo, nhà văn, bậc tiền bối đi trước cho tôi học hỏi. Cái tuổi đánh bay sự nhiệt huyết nhưng ở cô lại là sự nhiệt huyết đánh bay cái tuổi. Ở cô có nhiều sự tích cực, hằng ngày cô luôn đặt ra những quy tắc cho bản thân, tìm tòi những cái mới để học hỏi. Một nhà giáo hết mình với nghề, truyền lửa, định hướng cho học sinh bộc lộ năng khiếu của bản thân. Cô đam mê và yêu những thứ thật giản dị và đời thường nhất để viết lên cuộc sống đa màu sắc.