Tôi là con trai út trong nhà nên được má cưng, lẽo đẽo theo má một hồi thế nào cũng có phần ăn. Tôi khoái nhất là cái đùi gà mập ú mà má luôn dành cho tôi.
Chị Tám tôi hay phân bì, hỏi tại sao má không chặt ra để chia đều? Má tôi véo má chị một cái, nói: "Em còn nhỏ nên phải nhường. Thịt gà xé thì an toàn, chứ chặt ra từng miếng thì rất dễ mắc xương".
Má tôi có chiêu nấu gà xé phay ngon hết ý. Thịt gà sau khi luộc chín, má vớt ra ngoài để nguội, sau đó dùng tay xé thịt gà ra thành những miếng nhỏ theo sớ thịt vừa ăn.
Ngày Tết má không dùng rau răm, mà thay bằng lá vạn thọ để trộn với bắp chuối bóp thịt gà. Má nói Tết ăn rau răm không tốt bằng vạn thọ, vì vạn thọ là sống lâu, còn rau răm thì cay đắng cả năm, rồi má đọc mấy câu ca dao:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.
Lúc đó tôi hiểu chết liền! Nhưng tôi biết má tôi nói rất thành tâm. Riêng lá vạn thọ của má, hãy bỏ qua niềm tin về sự sống lâu, mà xét về mặt ẩm thực thì thiệt là khỏi chê.
Lá có mùi thơm thơm, nồng nồng, cứ quyện trên đầu mũi, ăn vào một miếng, tôi cảm nhận được vị the the, cay cay, ấm ấm ngập tràn từ đầu đến cuối lưỡi, không khác chi một viên kẹo bạc hà được ngậm trong mùa đông lạnh giá.
Húp một muỗng cháo gà, gắp một đũa gỏi thơm mùi vạn thọ, chấm nước mắm chua chua ngọt ngọt, đưa vào miệng nhai từ từ đừng nuốt vội, thì có lẽ không có món cao lương mỹ vị nào sánh bằng. Năm nào cũng vậy, gia đình luôn trông đợi món cháo hành ăn với gà xé phay, bóp lá vạn thọ của má vào ngày ba mươi Tết.
Có một năm gia đình tôi không được ăn thịt gà xé phay bóp lá vạn thọ của má. Tôi nói trước là không phải má tôi bị gì, mà tại má không muốn nấu thôi.
Chuyện là như vầy. Tối hai mươi chín, ba tôi bắt một con gà trống tơ mới trổ mã để sáng hôm sau má làm gà cúng, rước ông bà về ăn Tết như mọi năm.
Mới mấy tháng trước con gà còn gáy te te, gần Tết thì nó phát tướng, trông oai vệ, hai cái đùi chắc nịch, sáng nào cũng dõng dạc gáy "o ó o". Tôi nghĩ bụng, năm nay chắc ông bà về ăn Tết lớn, tôi sẽ được một cái đùi gà to tổ bố.
Sáng ba mươi, má thức sớm lắm luôn. Má bắc ấm nước, pha một bình trà cho ba, rồi nấu thêm một nồi nước to đùng chuẩn bị mần thịt gà. Đâu đó xong xuôi, má ra cái chái chuồng heo, cạnh đống vỏ dừa khô để làm củi, ở đó có một cái lồng nhốt gà, má chuẩn bị bắt con gà ra khỏi lồng.
Mới vừa bước vô cái chái nhà vài bước chân, con gà trống bỗng nhiên vỗ cánh bạch bạch, hất tung cái lồng lật ngang, vụt bay lên đống vỏ dừa kêu oang oác, vẻ hốt hoảng, rồi tự nhiên nó nhào xuống ngay chân má tôi, tưởng sẽ bị con gà đá, má tôi hết hồn lùi lại.
Ngay lúc đó má mới thấy một con rắn màu đen bóng đang cuộn tròn dưới đất, cách má vài gang tay. Cái đầu nó ngóc cao lên, cái mang bành ra nhìn về má tôi thấy ghê lắm.
Con gà trống bất ngờ tung một cú đá mạnh bằng hai chân với cái cựa mới nhú tí xíu của nó vào con rắn. Hình như con rắn dính đòn của con gà, nó bật ra phía sau rồi vội vàng lủi vô đống vỏ dừa trốn mất.
Sau khi lấy lại bình tĩnh, má tôi vào nhà, hốt một nắm lúa ra rải xuống đất, miệng lắp bắp kêu "chút… chút…chút…, tới đây ăn đi con". Nghe ồn ào, tôi giật mình thức dậy đi xuống nhà bếp, lúc đó tôi thấy má đang đổ nồi nước sôi ra đất.
Tôi ngạc nhiên hỏi sao vậy, má nói năm nay mình sẽ ăn món mới, không ăn gà nữa. Tôi cự: "Con muốn ăn gà xé phay". Má ôm tôi vào lòng nói ngoan đi, kỳ này má làm món mới ngon hơn.
Rồi má lấy cái bắp chuối ra, xắt mỏng thành sợi, ngâm nước chanh cho trắng, rồi vớt ra ướp gia vị như thịt gà, cũng trộn với lá vạn thọ, cũng chấm nước mắm chua ngọt.
Mọi người ăn thử, đúng là không khác gỏi gà. Dù không quen món mới, nhưng Tết năm đó là cái Tết vui nhất, vui vì má tôi tai qua nạn khỏi. Còn con gà trống sống với gia đình tôi rất nhiều năm, khi nó chết, má tôi chôn cất nó đàng hoàng.
Anh em tôi lớn lên, ai cũng lập gia đình riêng và luôn giữ tập quán rước ông bà về ăn Tết, trong đó lúc nào cũng có món gỏi gà xé phay bóp lá vạn thọ mà không có thịt gà.
Năm nay được nghỉ dài hạn vì dịch bệnh, tôi có nhiều thời gian hơn nên mua vạn thọ con về nhà trồng.
Khi chậu vạn thọ lên được ba bốn nách lá, tôi bấm đọt để nó ra nhiều nhánh, nhân tiện tôi bồi hồi đưa một lá lên mũi ngửi, mùi thơm nồng, cay cay, xông lên tới mắt, tự nhiên mắt tôi cũng cay cay, nước mắt chợt thấm ra mi.
Tôi hổng biết tại lá vạn thọ cay hay tại tôi đang nhớ má nữa. Tết này tôi sẽ làm món gỏi bắp chuối lá vạn thọ do chính tay tôi trồng, chắc là ngon lắm.
Chuyện làng quê