Có một dòng Thương chảy mãi đến vô cùng

Có phải mang tên Thương mà sông lặng thầm vẻ đẹp cõi mơ! Nhớ chăng thuở sông mang tên “Đào Hoa”, mỗi độ xuân về, những cánh rừng đào phai e ấp ngút ngàn bừng nở rực hồng hai bờ và dăm ba thôn nữ môi thắm má hồng tươi, mặt tròn đẹp tựa trăng rằm đang khúc khích cười…
dong-thuong-1626906346.jpg
Sông Thương đoạn qua TP Bắc Giang. Ảnh: Giang Sơn Đông

Nhớ chăng thuở sông mang tên “Nhật Đức” - “Đức” lớn như mặt trời trùm khắp mà ở đó sông hiền hòa trôi giữa hai bờ mướt xanh. Đôi khi trong tĩnh lặng không cùng như đức lớn trời đất muôn nơi, hổ xám lặng đứng soi mình xuống dòng nước trong văn vắt và mặt trời cứ tỏa sáng lấp lánh muôn sắc màu một dải sông mênh mang.

Có phải mang tên Thương mà sông vang vọng khúc ca bi hùng!

Kia bến Chi Ly bờ Nam sông, giữa lòng TP Bắc Giang đất vẫn vẹt mòn đổ thẳng xuống mặt sông. Phải chăng, đây là chứng tích những vết chân bịn rịn không rời của những người thân tiễn chồng con, những người lính lên biên ải. Những cuộc chia ly buồn thương, lệ rơi như trời đổ mưa cứ diễn ra theo năm tháng, dài cùng lịch sử suốt nghìn năm. Người đi mà không có ngày trở về!

Còn kia, doi đất Hàm Rồng, nơi hợp lưu giữa ngòi Đa Mai - sông Sim với sông Thương, tôn nghiêm và tĩnh lặng đền thờ hai công chúa thời vua Trần Thái Tông (1232-1250)- Bảo Nương và Ngọc Nương đem tấm thân ra dụ giặc, rồi chịu chết chìm. Ôi, đời người quý nhất là mạng sống, quý nhất mạng sống là tuổi thanh xuân, thế mà hai công chúa đã không tiếc! Hai nàng nguyện đem cái tuổi mười tám đôi mươi ngọc ngà, cái tuổi mởn mơ tươi xanh đó hiến dâng cho quê hương được thanh bình, non sông được sạch bóng quân thù.

Đây, cây cầu sắt vẫn sừng sững hiên ngang từ thuở máy bay Mỹ oanh tạc miền Bắc (1964- 1966). Khi đó cầu sắt qua sông Thương giữa lòng thị xã Bắc Giang được mệnh danh “Cầu Hàm Rồng thứ hai”. Lửa bom giặc bao trùm suốt ngày đêm. Cùng đó ngày đêm đạn pháo ta chống trả cũng đỏ kín trời. Bộ đội ta người trước thương vong, người sau liền thế chỗ trong bệ pháo. Khói bom tan, cây cầu vẫn hiên ngang sừng sững tiếp nối hai bờ và dòng Thương vẫn êm đềm chảy...

Có phải mang tên Thương mà sông dịu hiền, tươi mát!

Tôi sinh ra nơi con phố nhỏ đổ ra bờ sông Thương. Hồi đó thị xã Phủ Lạng Thương - nay là TP Bắc Giang không có nhà máy nước, gần người ta dùng nước sông, xa thì đào giếng. Con phố tôi sống nhờ vào sông Thương. Những ngày hè, sông náo nhiệt như hội. Giữa dòng nước mát trong lành, trẻ con rạng rỡ nô đùa; người già trẻ lại, nét nhăn rầu rĩ vơi đi; còn các cô gái da thịt nõn nà, tóc đen dài xòa mướt cả một vùng sông…

Có phải mang tên Thương mà sông chứa chan một tình yêu người, yêu quê hương vô bờ bến...

Khi bước vào năm đầu cấp 3, lớp 8 thời đó, Quang - một người bạn học cùng lớp nhà ở phố Khách, nay là Lý Thái Tổ, một phố nhỏ chạy dọc sông Thương, khoe với chúng tôi cậu ta “có bạn gái!”. Một chiều đẹp trời, dưới sự hướng dẫn của Quang, chúng tôi bí mật đến “xem mặt” cô gái ấy. Nàng quẩy nước từ sông lên. Từ xa, ẩn sau những đám cây gai lúp xúp chúng tôi thấy: Từ mặt sông óng ánh vàng, một cái nón trắng nhô lên lộ cái cằm thanh tú, hai làn môi tinh khôi như cánh hoa e ấp... Tim chúng tôi thổn thức, đập rộn rã như sắp bật tung khỏi lồng ngực! Sông Thương đã cho tôi lần đầu nhận biết vẻ đẹp của tuổi thanh xuân của người con gái!

Nơi sông Thương tôi đã gặp và yêu nàng. Nhà nàng làm nghề chài lưới, lênh đênh trên thuyền. Tháng Ba, tôi và nàng đi bên nhau giữa thảm hoa dại vàng rực. Ánh mắt dịu dàng của nàng khiến tim tôi thổn thức. Phía xa kia, núi Nham Biền xanh màu tinh khôi, phả vào làn nước trong mát, long lanh sáng bạc. Tất cả như hòa làm một, tha thiết, nồng say một thứ tình yêu vô bờ bến không thể gọi tên! Thế mà rồi xa nhau, mãi mãi xa. Tôi đến. Sông vắng lặng, con thuyền đơn côi nằm im lìm. Vạt hoa dại vẫn vàng rực thờ ơ. Gốc gạo già, đền Cô càng thêm trống trải…

Vục mặt vào nước như muốn đón nhận những gì quý báu từ sông… Một dòng Thương mai ngày vẫn chảy mãi đến vô cùng...