Có một thời như thế

Sau khi tôi đăng bài “RÂU ĐẤY”, viết về câu chuyện của cựu binh Nguyễn Trọng Hùng đến “Cửa quan” thì được nhiều bạn đọc bấm like, bình luận tích cực.

Tuy nhiên tôi không thấy anh Hùng nhấn like hoặc bình luận mặc dù tôi đã gắn nick name của anh ở cuối bài viết nên cũng thấy lo lo, vì sợ mình đã viết điều gì thất thố với anh. Tôi chủ động gọi điện cho anh để hỏi thì được anh trả lời:

“cám ơn tác giả đã viết đúng với câu chuyện anh đã kể! Anh không bấm like và bình luận vì sợ mọi người hiểu sai là mình thích được tung hô. Chị Hiền (vợ anh Hùng) có đề nghị anh chia sẻ bài viết nhưng anh cũng không đồng ý” – tôi thở phào, anh Hùng là vậy.

b3nvn3-1680058838.jpg

Ảnh do tác giả cungt cấp.

 

Hai anh em chúng tôi nói chuyện với nhau hơn 3 giờ đồng hồ trên zalo, thực ra là anh Hùng kể chuyện “có một thời như thế” của anh cho tôi nghe thì đúng hơn. Câu chuyện chỉ chấm dứt khi cuộc thoại tự nhiên bị mất kết nối, chắc điện thoại của anh Hùng hết pin. Tôi là cựu chiến binh, “Đường về không dễ dàng” của tôi đã được nhiều bạn đọc cảm thông, vậy mà tôi thấy con đường trở về sau chiến tranh của anh Nguyễn Trọng Hùng còn gian nan hơn thế. Tôi ngồi ấn bàn phím để kể cho bạn đọc được biết “Có một thời như thế” của anh Hùng với hy vọng để những người cùng thế hệ với anh Hùng “ôn cố tri tân”, và những thế hệ sau biết được “Có một thời như thế” để thêm trân trọng cuộc đời này.

Anh Nguyễn Trọng Hùng cùng lứa sinh viên chiến sỹ chúng tôi, nhập ngũ tháng 9 năm 1972. Trước khi nhập ngũ anh Hùng là sinh viên năm thứ 2 khoa Toán, Đại học tổng hợp Hà Nội. Sau ba tháng huấn luyện ở Mai Sưu (Hà Bắc – Bắc Giang), ngày 3 tháng 1 năm 1973, tiểu đoàn 495 của chúng tôi bắt đầu hành quân đi B (vào miền Nam chiến đấu). Khi đơn vị hành quân đến Chí Linh (Hải Dương) thì có một số sinh viên chiến sỹ được giữ lại ngoài Bắc và được chuyển về trường Đại học quân sự, anh Hùng nằm trong số đó. Những sinh viên chiến sỹ được may mắn giữ lại ngoài miền Bắc trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ và được về học ở Đại học quân sự phần lớn thuộc gia đình có công với cách mạng. Sau khi học xong đại học chắc chắn được phong hàm thiếu úy hoặc trung úy và cứ thế thẳng tiến, vậy mà anh Hùng lại không lựa chọn con đường đó.

Cảm thấy làm bộ đội thời bình thật không phù hợp với hoàn cảnh và tính nghệ sỹ của mình nên sau khi học xong ba năm đại học quân sự, anh Hùng vẫn có nguyện vọng ra quân để về học tiếp trường đại học tổng hợp Hà Nội. Tôi hỏi anh:

- Nếu anh học tiếp đại học quân sự thì chắc chắn giờ đây anh đã nghỉ hưu với quân hàm đại tá?

- Đại tá để làm gì? Lương có đủ để mua nhà cửa và lo cho vợ con không? Anh Hùng trả lời tôi.

- Em thấy nhiều ông đại tá sung túc lắm, giàu là đằng khác

- Đừng nói đến những ông đại tá giàu vì cơ hội ấy, tính mình không thể làm giàu kiểu ấy – có lẽ anh Hùng nói đúng! Hôm trước tôi thấy trên VTV đưa tin Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy ở tp. Hồ Chí Minh đã khóc khi nhận căn nhà tình nghĩa và còn hứa sẽ trả lại nhà khi tự mua được căn nhà của riêng mình – biết đến bao giờ nếu chỉ trông cậy vào lương?

Sau khi được chuyển về quân khu Ba chờ đợi một năm thì anh Hùng được ra quân trở về học tiếp ở trường đại học tổng hợp Hà Nội, anh đã chọn khoa Vật lý thay cho học tiếp khoa Toán và tất nhiên phải học từ năm thứ nhất K22. Trong thời gian chờ đợi ra quân ở quân khu Ba, anh Hùng đã lấy vợ. Vợ anh là chị Vương Thị Hiền, cùng khóa cấp 3 với anh Hùng, chị đã tốt nghiệp trường Sư phạm Hà Nội 1 và đang làm giáo viên văn hóa cho học sinh trường Lào ở Sơn Tây.

Mẹ đẻ anh Hùng bị bom Mỹ giết hại năm 1967 tại Hà Nội, trước đó bà đã cho nhà nước mượn cả khu đất ở rộng 400m2 ở phố Châu Long để về ở ngôi nhà tạm chưa đến 20m2 ở bên hông chợ Mơ. Anh Hùng có một chị gái, bố anh do được cử đi làm niệm vụ cách mạng nơi xa rồi do hoàn cảnh nên không thể trở về nhà. Khi anh Hùng cưới vợ thì anh đã là một anh bộ đội mồ côi (tôi nghe chị Hiền nói vậy). Mảnh đất ở Châu Long không thể trở về chủ cũ, căn nhà nhỏ ở chợ Mơ thì chị gái anh và gia đình nhỏ của chị đang ở.

Anh Hùng ra quân về học tiếp, vì không có nhà riêng nên anh phải về ở cùng với gia đình chị gái. Căn nhà nhỏ có bốn người vốn đã chật chội nay thêm anh nên càng chật chội hơn. Buổi tối khi đến giờ ngủ, anh Hùng thường phải mang tấm chiếu ra trải lên những tấm phản của mấy bà bán thịt lợn ở chợ Mơ để ngủ. Sáng ra, trước khi chạy bộ đến trường ở khu Thượng Đình, cách nơi ở của anh 6km, anh sang cửa hàng bánh mỳ đối diện với chợ Mơ ở đường Bạch Mai mua hai ổ bánh mỳ không nhân. Anh xin người bán bánh rưới chút nước “xì dầu” được chế từ đường đun cháy pha thêm chút nước, vậy là xong bữa sáng.

Vì đã có gia đình, nên anh Hùng vừa đi học nhưng vẫn tìm việc làm thêm để tích lũy tiền đỡ vợ. Anh đã xin vào làm ở một xưởng làm yên xe đạp ở ngõ Mai Hương, anh sớm nhận được sự tin tưởng của bà chủ xưởng vì sự tìm tòi, sáng kiến và tay nghề của anh đã cho ra đời những sản phẩm được khách hàng hài lòng và hạn chế tối đa sản phẩm hỏng. Bà chủ xưởng đã mua một chiếc xe đạp Phượng Hoàng để anh có phương tiện đi học và cho anh trả góp, sau sáu tháng thì anh đã trả xong tiền mua chiếc xe đạp đó.

Làm thợ sản xuất yên xe đạp khá vất vả mà thu nhập cũng có hạn nên anh Hùng đã tìm công việc mới, đó là thợ làm bánh mỳ, bánh ngọt. Anh đã làm cho một xưởng bánh ở phố Thuốc Bắc, lúc này các nhà làm bánh người Hoa đã rời Hà Nội gần hết nên việc sản xuất và kinh doanh bánh mỳ, bánh ngọt hái ra tiền. Tất nhiên người Hoa ra đi cũng mang luôn bí kíp làm bánh đi nên các thợ làm bánh ở Hà Nội phải mày mò về kỹ thuật. Kiến thức vật lý cộng với sự thông minh, năng động của mình, anh Hùng đã sớm làm chủ các kỹ thuật nướng bánh. Anh đã biết dùng nhiệt kế của Ba Lan (của hiếm thời đó) để khống chế nhiệt độ lò nướng, cách rạch bề mặt bánh để tạo rạn vỏ bánh làm ra những chiếc bánh mà khách hàng ưa thích. Thấy lò nướng bánh vẫn phải ủ than sau khi hết nướng bánh trong ngày, anh Hùng còn đề xuất với chủ xưởng cho dùng nhiệt của lò nướng để rang lạc. Anh Hùng đã đưa nồi cát vào lò nướng đến nhiệt độ thích hợp thì anh cho lạc vào ủ trong một thời gian thích hợp, tất nhiên lạc trước khi cho vào ủ trong cát cũng được phân loại to nhỏ khác nhau. Lạc của xưởng anh Hùng ra lò bao giờ cũng dòn tan, thơm lừng, vàng đều chằn chặn, được các cửa hàng ở phố Hàng Buồm tiếp nhận thay cho lạc người Tàu làm trước đây. Anh Hùng được trả lương cao nhất xưởng bánh và được chủ xưởng đặc biệt tin tưởng. Buổi tối anh làm ở xưởng bánh, buổi sáng khi đến giảng đường anh luôn chở một thùng bánh ngọt trên xe đạp. Sau giờ học, anh Hùng chở bánh đi về phía Hà Đông, giao cho các quán nước ven đường. Anh phát hiện ở cửa hàng bách hóa Hà Đông khi đó có bán đường hoa mai, nhưng mỗi người chỉ được mua 1 kg đổ lại. Anh đã khéo ngoại giao nên gửi tiền cho nhân viên cửa hàng mua lại giúp mỗi lần cả yến đường và vài kg bột nở. Đường và bột nở anh mang về xưởng bánh bán lại cho chủ xưởng bằng giá nhập nên anh lại có thêm nguồn thu nhập “đi bò vàng, về bò xanh”, chủ xưởng thì ngạc nhiên không hiểu tại sao anh lại tìm được những nguồn hàng ấy.

Vừa làm, vừa học, bốn năm đại học rồi cũng xong. Anh Hùng tốt nghiệp cử nhân Vật lý quang phổ vào thời kỳ “Chất xám rẻ như bèo, 1981 – 1982” nên anh phải tự đi tìm việc. Rất may anh có người quen làm ở Bộ Xây dựng nên được giới thiệu đến làm ở Viện Vật liệu xây dựng. Ông Viện trưởng nhận lời và chuyển anh đến phòng tổ chức của Viện để làm thủ tục. Tay Trưởng phòng Tổ chức bắt tay anh một cách lỏng lẻo, ngắm nhìn anh từ trên xuống dưới rồi buông lời:

“Cán bộ Viện này không thiếu nhưng anh đã được cấp trên giới thiệu thì chúng tôi phải nhận thôi. Tuy nhiên, tôi yêu cầu anh ngày mai đến nhận giấy tiếp nhận thì nên cạo bộ ria mép đi, vì anh để ria mép vậy trông không giống cán bộ nhà nước lắm”. Khuôn mặt anh Hùng mà thiếu bộ ria mép thì trông sao sao ấy, là tôi nghĩ vậy. Anh Hùng trả lời tay trưởng phòng Tổ chức ngay tắp lự:

“Tôi không đổi bộ ria của tôi để làm cán bộ nhà nước, tạm biệt anh”, tay trưởng phòng tròn mắt nhìn anh quay lưng bước đi.

Thật ra anh Hùng đã đắn đo việc làm cán bộ nhà nước và ra kinh doanh tự do ngay sau khi tốt nghiệp đại học, chuyện “Ria mép” chỉ là để anh buông bỏ dứt khoát cái phao “cán bộ nhà nước” thôi.

“Kinh doan tự thân mới có thể giúp mình làm giàu một cách chính đáng, có chút tiếc nuối ngành nghề mình đã học nhưng kiến thức đại học sẽ giúp mình nhiều trong kinh doanh”, anh Hùng kết luận và tôi tin lời anh.

Anh Hùng đã lao vào nghiên cứu thị trường đồ chơi trẻ em ở Hà Nội, khi đó đang bị thao túng bởi dân kinh doanh người Hoa ở Chợ Lớn, tp. Hồ Chí Minh. Anh từng bước đã nắm bắt được công nghệ sản xuất, tìm được những thợ làm khuôn bậc cao ở 36 phố phường. Các sản phẩm do anh nghiên cứu chế tạo dần được các chủ cửa hàng ở chợ Đồng xuân chấp nhận thay thế hàng nhập từ Chợ Lớn của Ba Tàu vì chất lượng tốt, giá rẻ. Sau này anh và vợ anh đã nhận sản xuất nhiều mặt hàng cho Công ty thiết bị trường học lúc đó đang nhận tài trợ của Đức, chuyển giao cho các trường học theo cơ chế xin cho rất lãng phí và không thật phù hợp – đó cũng là một câu chuyện dài.

Tôi xin kết bài viết của tôi bằng bài thơ vui của anh Lương Trí Dũng, một đồng đội của anh Nguyễn Trọng Hùng viết về “Râu” như là viết về râu của anh Hùng. Cám ơn bài thơ hay của anh LTD.

CÀ...PHÊ

Để râu đi uống cà phê

Em ơi! Đừng có vội chê tôi già

Muốn phê thì cứ phải cà

Mà cà phê nhất lại là bằng râu

Từ đen cho tới màu nâu

Lấy râu mà cọ lâu lâu cũng hồng

Mai sau em sẽ lấy chồng

Không râu họ bảo đàn ông bất nghì

Làm ăn nào có được gì

Muốn phê không biết lấy chi mà cà

Mai sau em cũng phải già

Có khi phải lấy chổi chà thay râu.

Hà Nội, 28/3/2023

NVN

Trái tim người lính