Một ngày ba bữa cơm đèn
Còn gì má phấn răng đen hỡi chàng?
Đó là một câu ca dao quen thuộc. Đọc lên, ta biết ngay đó là lời của một phụ nữ nào đó, ở một nơi nào đó, trong một khoảng thời gian nào đó. Thời nào thật khó xác định, nhưng chắc là xa rồi. Bởi cái thời các cô gái vẫn còn lấy “răng đen nhưng nhức hạt na” làm tiêu chuẩn đánh giá sắc đẹp đã qua từ lâu lắm. Bây giờ, không ai ăn trầu (thuốc) nữa nên phong tục nhuộm răng đen đã vĩnh viễn bị loại bỏ. Hàm răng trắng bóng, đều tăm tắp như “hạt ngô nếp” đang là nét đẹp mà các nàng hướng tới.
Trong câu ca dao, tiếng kêu than của cô gái (chắc là với ông chồng mình) thật ai oán. Tôi xin không phân tích dài dòng ngữ nghĩa chung của bài. Tuy nhiên, có một chi tiết, khi đọc lên, nhiều người sẽ thắc mắc: từ “cơm đèn” trong câu thơ trên sẽ được hiểu thế nào?
Việt Chương (trong Từ điển Thành ngữ, Tục ngữ, Ca dao Việt Nam, quyển hạ, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2003) lại viết là “Một ngày hai bữa cơm đen” và giải nghĩa là: “Cơm đen ở đây được hiểu là cơm gạo hẩm, cơm của nhà nghèo. Ý nói vợ chồng phải sống trong cảnh nghèo khổ. Sống trong cảnh túng trước hụt sau, nên ăn bữa đói bữa no, bữa rau bữa cháo. Ăn uống như vậy thì da dẻ làm sao hồng hào, thân hình làm sao được mập mạp. Đã thế, nhà nghèo thì vợ nào lại được ngồi yên, mà lúc nào cũng phải dãi nắng dầm sương để kiếm thêm đồng gạo, đồng rau mà sống qua ngày. Cả ngày lo trăm công ngàn việc như vậy, thì thì giờ đâu để dành vào việc chải gỡ, “má phấn răng đen”?”
Đa số các bản chép câu ca dao này đều viết là “ba bữa cơm đèn” chứ không phải “hai”. Nếu là “hai” thì cách giải thích “cơm đen” có cơ sở (chứ làm gì có chuyện ngày ăn ba bữa cơm thắp đèn cả ba? (cơm đèn được hiểu là ăn cơm dưới đèn)). Nhưng từ “cơm đen” để chỉ “cơm gạo hẩm” hoàn toàn không thông dụng trong giao tiếp tiếng Việt. Người ta có thể nói “cơm hẩm” (cơm nấu từ gạo để lâu ngày, mất chất) chứ ít dùng “cơm đen” để chỉ loại cơm nấu từ gạo có chất lượng xấu (nom xám xì). Vả lại, nếu xét theo niêm luật thì “đen” câu lục lại hiệp vần với “đen” câu dưới rõ ràng không thuận. Sai vần luật câu thơ lục bát mất đi hẳn cái hay. Các cụ nhà ta chắc không đến nỗi bí vần đến vậy.
GS Nguyễn Xuân Kính, một nhà nghiên cứu văn học dân gian có tiếng (chủ biên bộ sách Kho tàng Ca dao người Việt) thừa nhận có hai biến thể như đã dẫn. Ông cũng nói “Qua thống kê, số lượng câu ca dao nói “ba bữa” nhiều hơn “hai bữa””. Nhưng ông không đồng tình với cách giải thích “cơm đen”. Theo ông, người dân xưa nghèo khó không mấy ai được ăn tới ba bữa một ngày. Biến thể “hai bữa” là hợp lí. Nhưng cái hợp lí không phải từ “cơm đen”. Qua câu ca dao này, ta thấy cô gái phải lao động rất vất vả. Phải ăn bữa sáng khi “còn đêm tối đất”, tức lúc mặt trời còn chưa mọc (để còn đi chợ hay làm việc nào đó ngoài đồng). Chiều đi làm về sấp ngửa nhóm bếp, thổi cơm muộn và ăn vào lúc tối (có khi rất khuya), bắt buộc phải lên đèn. Cả hai bữa không được ăn ban ngày mà phải trong bóng đêm. Sống cảnh “đầu tắt mặt tối” như vậy thì còn đâu thời giờ để sửa sang cho nhan sắc của mình?
Bây giờ, nhiều gia đình ở trong những căn nhà xây trên diện tích chật hẹp (hay ở các căn hộ tập thể), nhiều phòng không có ánh sáng tự nhiên, phải bật điện suốt đêm ngày. Nhưng ăn cơm dưới ánh đèn neon, đèn halogen hay đèn led chắc không ai gọi là “cơm đèn”. “Cơm đèn” xưa giúp ta hình dung ra khung cảnh sống của nhà nông lam lũ. Họ thậm chí có khi chẳng có đèn để thắp, phải ăn cơm dưới ánh trăng đạm bạc. Còn phụ nữ, luôn luôn là người phải chịu đựng nhiều gian nan, vất vả nhất.
Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.
(Ca dao)
---
Đọc thêm những bài biết cùng chủ đề trên Chuyên trang Hội nhập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/