Công bố kết luận thanh tra về chuyển đổi nhà đất tại Hà Nội

PV
Ngày 26/7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết: Tại trụ sở TTCP (Hà Nội), Phó Tổng  TTCP Trần Ngọc Liêm chủ trì việc công bố công khai Kết luận số 1468/KL-TTCP ngày 4/9/2018 về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội. 

nha-dat-ha-noi-1627392463.jpg

 

Tại đây, TTCP đã công bố kết luận thanh tra, nêu rõ những khuyết điểm, bất cập, vi phạm trong các lĩnh vực nêu trên của các cơ quan chức năng TP Hà Nội và công bố ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Văn bản số 689/VPCP-V.I ngày 31/3/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận thanh tra số 1468/KL-TTCP. 

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành bày tỏ sự đồng thuận với nội dung kết luận của  TTCP và cho biết, những nội dung  TTCP kiến nghị sẽ được UBND thành phố chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc, đúng quy định và hiệu quả.

TTCP cho biết, trong giai đoạn 2003 - 2016, UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị của thành phố đã tích cực di dời các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp quy hoạch phát triển đô thị hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khu vực ngoại thành và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án. Việc chuyển mục đích sử dụng đất này là nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xảy ra không ít thiếu sót, vi phạm.

TTCP chỉ ra, theo quy định tại Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án trên phần đất thực hiện di dời. Tuy nhiên, TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể nên các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường. 

Một số doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ), thu được rất thấp số tiền đưa về cho Nhà nước như: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên, Dự án tại 365A Minh Khai, Dự án 167 Thụy Khuê, Dự án 69 Vũ Trọng Phụng, Dự án 47 Nguyễn Tuân, Dự án 108 Nguyễn Trãi, Dự án 44 Yên Phụ, Dự án tại 430 Cầu Am... 

TTCP khẳng định, việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa. TTCP cũng nêu rõ nhiều khuyết điểm, bất cập, vi phạm trong việc thực hiện nhiều dự án khác nhau trên địa bàn Thủ đô.

Qua thanh tra, TTCP phát hiện tổng số tiền sai phạm về tài chính ở các dự án chuyển mục đích sử dụng đất là 3.974 tỷ đồng, gồm 403 tỷ đồng (tạm tính) do chủ đầu tư tự ý chuyển mục đích sử dụng đất của Dự án 302 Cầu Giấy; số tiền 89,9 tỷ đồng tiền sử dụng đất bổ sung đối với tầng kỹ thuật do chủ đầu tư một số dự án sử dụng vào mục đích kinh doanh; số tiền 1.462 tỷ đồng tiền sử dụng đất, thuê đất do chủ đầu tư một số dự án còn nợ đọng; số tiền gần 489 tỷ đồng tiền chậm nộp tiền sử dụng đất của một số dự án mà chủ đầu tư còn nợ đọng…

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo  UBND thành phố Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ; chỉ đạo các sở, ngành kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ vì thiếu kiểm tra, đôn đốc, chậm phát hiện xử lý các sai phạm, để xảy ra một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất…