CÙNG CÁC THẦY THUỐC, VĂN NGHỆ SĨ XUNG TRẬN CHỐNG DỊCH
Sát cánh với các thầy thuốc và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, giới văn nghệ sĩ đã xung trận với vũ khí đặc biệt của mình – vũ khí tinh thần – đem các giá trị văn hóa nghệ thuật phục vụ công cuộc chống dịch như chống giặc.
Bạn tôi, Hồ Thủy Tú, Bác sĩ chống dịch nơi tuyến đầu!
Hồ Thủy Tú là bạn tôi từ hồi cấp 3. Bây giờ, U80 rồi, mà vẫn ngày ngày áo Blue trắng tham gia chống dịch nơi tuyến đầu – Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hỏi: Bạn có tham gia trực tiếp không? Bạn trả lời: Có chứ, mình là Giám đốc bệnh viện mà! Chỉ thế thôi, chứ bạn không kể cụ thể những công việc hàng ngày mà bạn làm để cùng thành phố cứu sinh mạng của người dân, đẩy lùi nạn dịch! Tôi hình dung: Bạn tự nguyện dấn thân vào chỗ hiểm nguy, vất vả và căng thẳng lắm. Thế nhưng, trên trang cá nhân, bạn luôn nở nụ cười tươi tắn và luôn có những dòng trạng thái yêu đời, đôi khi tếu táo, đầy lạc quan.
Học với nhau suốt 2 năm lớp 9, lớp 10/10, nhưng nào ai biết chuyện khổ đau của bạn từ thủa thiếu thời! Mãi gần đây, bạn mới kể về tuổi ấu thơ của mình bị hành hạ như thế nào, cũng "trần ai cuốc chĩa" "lên bờ xuống ruộng" không biết bao lần, với cái giọng tưng tửng, chẳng hề căm giận, oán hờn, mà trái lại, có vẻ hóm hỉnh, hài hước nữa. Tôi nhận ra rằng, bạn đã sống theo cách thức buông bỏ, cho nên bạn thanh thản trước mọi khổ đau, oan khuất mà mình phải gánh chịu, cũng bởi thế bạn nhẹ nhàng, thanh thản sống với đời và cuối cùng vẫn được cuộc đời ban tặng nhiều thứ quý giá.
Sau này, bạn vào học Đại học Y khoa Hà Nội. Tốt nghiệp, bạn gia nhập đoàn quân Nam tiến để cùng đồng đội làm nên chiến thắng 30.4. 1975, rồi bạn vào ban Tiếp quản Sài gòn. Về thành phố, bạn được chỉ định làm Giám đốc Bệnh viện Tâm thần! Bạn cười to lắm, kể rất chân thực: “Tớ hoảng quá, tìm cách thoái thác. May gặp thằng bạn cùng ngành, hỏi nó có muốn làm Giám đốc không. Nó bảo có. Lại đe nó: Bệnh viện Tâm thần chứ chẳng chơi đâu. Nó vẫn bảo cứ làm, sợ gì. Và rồi nó làm Giám đốc thay mình, mình về làm Phó Giám độc một bệnh viện của Sài Gòn”.
Trong suốt quá trình làm việc ở thành phố, bạn rất năng động, sáng tạo, để đến khi hoàn thành nhiệm vụ với nhà nước, nghỉ hưu theo chế độ, bạn thành lập Bệnh viên tư nhân, theo chủ trương xã hội hoá ngành Y tế. Bạn tâm sự, thành lập Bệnh viện như vậy, cái chính là vì tình yêu tha thiết với ngành Y, muốn theo nghề Y đến trọn đời. Cuộc sống phát triển không ngừng, để Bệnh viện theo kịp tiến trình của ngành Y tế, bạn đã mở rộng Bệnh viện bằng cách cổ phần hoá. Và từ đây, bạn trở thành “Giám đốc làm thuê” không còn một mình một ngựa nữa, bớt “độc quyền” nhưng thoải mái hơn mà vẫn đóng góp được sức mình cho sự phát triển chung của thành phố.
Bây giờ, ngày ngày bạn vẫn đến bệnh viện làm việc, tham gia chống dịch. Trên trang cá nhân của bạn, vẫn tươi rói những nụ cười, những đóa hoa.
Và bạn làm thơ, những bài thơ ngắn mà chứa đựng bao nhiêu ý nghĩa, trong đó nổi bật là tình yêu Hà Nội, tình yêu cuộc sống, tình thân bạn bè, niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tốt đẹp...
Cách đây ít lâu, Thủy Tú đăng trên trang cá nhân bài thơ “Cơn mưa rào cuối hạ”, chỉ có một khổ bốn câu, mà sâu nặng tình người, mà đầy tính dự cảm. Bài thơ như sau:
Hình như bạn đã dự cảm có gì đó đe dọa sự bình yên, đẩy sự bình yên về quá khứ, để người ta phải nhớ nao lòng. Nhưng không sao, mưa rào đi qua, cuốn theo rác rưởi, tai ương, sẽ đem lại sự bình yên cho con phố vàng tươi trong sắc nắng!
Tôi đã phổ nhạc cho bài thơ. Bây giờ, ngồi viết về bạn, chợt nghĩ rằng phải thu thanh gấp để tặng bạn. Và tôi gọi điện cho nghệ sĩ Quốc Quốc. Anh mau mắn nhận lời và hẹn phòng thu để chiều nay thu, vô tư và đầy nhiệt huyết.
Chúng tôi, nhạc sĩ và ca sĩ, sẽ tặng bạn, qua đó tặng những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, một món quà tinh thần, thể hiện tình yêu của chúng ta đối với cuộc sống và niềm tin vào ngày mai tươi sáng, bình yên sẽ đến với đất nước ta, nhân dân ta!
Nghệ sĩ Quốc Quốc đem tâm tài thu thanh một ca khúc tặng bác sĩ ở tâm dịch
Tôi nhắn vào Zalo cho nghệ sĩ Quốc Quốc: “Chú có bài hát muốn thu thanh nhanh để tặng bạn chú là bác sĩ đang chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh. Cháu giúp chú được không?”.
Quốc Quốc mau mắn trả lời: “Được ạ!”. Trao qua đổi lại một chút, tôi gửi ca khúc ở dạng văn bản và nhạc đệm cho Quốc Quốc. Chỉ sau đó một lát, anh đã đăng ký được phòng thu. Anh nhắn cho tôi: “Cháu chốt yêu cầu thu và cháu ngồi đợi Mix ngay, sau đó cháu quay Đt gửi chú. Cách duy nhất và cố gắng nhất bây giờ chú ah!”.
Tôi cảm động lắm. Cách đây mấy tháng, anh bị tai nạn giao thông, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Vậy mà với sức sống mãnh liệt của anh và sự tận tình cứu chữa của các thầy thuốc, sự động viên, chăm nom của người thân, bạn bè, anh đã qua khỏi. Trả lời câu hỏi của tôi, anh nói bây giờ sức khỏe đã phục hồi được khoảng 80 phần trăm! Có nghĩa là anh chưa bình phục hẳn, lại giữa đại dịch, mà vẫn hăng hái nhận bài và chuẩn bị thu thanh. Anh còn nghiên cứu kỹ, thấy bài hát ngắn quá, muốn tạo sự trọn vẹn cho nó. Anh đề xuất viết một câu thoại và kéo dài thêm đoạn nhạc dạo để anh đọc, rồi chính anh viết lời thoại đó. Khi thu thanh xong, nghe lại, thấy nó khớp với bài hát như đó là phần có từ đầu chứ không phải mới ghép vào. Suốt từ trưa cho tới tối mịt, anh thu thanh, chờ Mix, dựng video, quên cả cơm nước. Và chỉ sau đó một giờ đồng hồ, tác phẩm đã hoàn thành, chất lượng, trong hoàn cảnh đặc biệt, còn hơn cả mong đợi của tôi! Điều quan trọng, qua giọng hát, qua cách xử lý tác phẩm, qua việc cặm cụi làm ra sản phẩm, tôi thấy cái tâm của anh ấm áp trong đó!
Từ một nghệ sĩ đóng phim, Quốc Quốc trở thành ca sĩ và anh còn sáng tác ca khúc. Anh vận dụng mọi khả năng để đóng góp tiếng nói của mình vào cuộc chiến chống dịch bệnh này. Anh bảo mới thu thanh xong ca khúc Chống dịch như chống giặc, sáng tác mới của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, một bài hát cổ vũ toàn dân chống dịch. Bản hân anh cũng sáng tác rồi ra MV “Đôi mắt Hà Nội” viết về Hà Nội trong những ngày cách ly do dịch Covid-19. Quốc Quốc chia sẻ: “Những ngày Hà Nội như thế này đem đến cho tôi những cảm xúc rất khó tả. Dù ai cũng buồn khi bệnh dịch rình rập, nguy hiểm luôn có thể xảy ra, nhưng lại giúp mỗi người có những khoảng thời gian để dừng lại một chút suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống. Đứng trước một Hà Nội vắng lặng, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, và bất chợt cảm nhận trọn vẹn một vẻ đẹp bình yên, linh thiêng vô cùng của mảnh đất này.
Ca khúc Đôi mắt Hà Nội mà tôi viết đến từ cảm xúc đó, là một sự ca ngợi vẻ đẹp bình yên hiếm có của Hà Nội. Dẫu rằng, ai cũng muốn Hà Nội sớm trở lại sôi động, nhộn nhịp, như vậy mới là thị thành, là Thủ đô, nhưng chắc chắn ai ai cũng sẽ nhớ mãi không quên vẻ đẹp của sự tĩnh lặng Hà Nội như thời gian vừa rồi”.
Với “Đôi mắt Hà Nội”, nghệ sĩ Quốc Quốc ca ngợi vẻ đẹp yên tĩnh của Hà Nội, từ đó đưa ra một thông điệp: sau những khó khăn, vất vả, căng mình chống dịch, mỗi người sẽ cảm thấy yêu Hà Nội hơn, yêu cuộc sống hơn và chắc chắn sẽ yêu thương nhiều hơn nữa những người xung quanh mình. Những xa cách bao giờ cũng giúp cho tình cảm thắm lại, giúp những yêu thương nồng nàn hơn.
Nghệ sĩ Quốc Quốc là một gương mặt quen thuộc với công chúng mê phim qua những vai giang hồ, dữ tợn mà anh vẫn được các đạo diễn “chọn mặt gửi vàng”. Và thật bất ngờ, sau nhiều năm làm nghệ thuật, Quốc Quốc lại lần nữa chiếm trọn cảm tình của khán thính giả bằng một album âm nhạc đầu tay mang tên “Thu của riêng anh”. Album gồm 15 ca khúc lãng mạn hát về tình yêu, về vẻ đẹp của con người, đất trời, được người nghệ sĩ hát với chất giọng ấm áp, truyền cảm, và bằng cả niềm đam mê. |
Văn nghệ sĩ chống dịch bằng vũ khí tinh thần
Ngay từ những ngày đầu chống dịch, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước đã hăng hái xung trận bằng vũ khí tinh thần. Những bài thơ, văn, những ca khúc... do họ viết ra như nguồn năng lượng mới tiếp sức cho những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch và cổ vũ đồng bào tuân thủ những quy định phòng chống dịch, phát huy tinh thần tương thân tương ái, cứu giúp những người gặp hoạn nạn trong đại dịch này. Tác phẩm dày dặn nhất phản ánh tinh chần chống dịch, có thể là cuốn trường ca Sự sống và lòng biết ơn của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo. Tập trường ca đầy tính thời sự, chan chứa cảm xúc được viết trong mùa dịch Covid, ra mắt vào đầu tháng 7/2021. Nhà thơ Phương Thảo gửi tới độc giả một loại Vắc-xin mang tên “Vắc-xin lạc quan”, thứ Vắc-xin mà mỗi người trong chúng ta ai cũng cần phải có, để biết trân trọng hơn giá trị của sự sống và lòng biết ơn. Cũng trong thời gian này, có sự phối hợp kỳ lạ giữa các nhà thơ và nhạc sĩ. Hàng chục bài thơ về chống dịch được phổ nhạc và thu thanh, thu hình, lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, đem lại một không khí sôi nổi, thể hiện khí thế quyết tâm chiến thắng đại dịch, ca ngợi tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau, góp ohaanf ổn định trật tự xã hội.
Từ hoạt động lẻ tẻ, mang tính tự phát, đội ngũ văn nghệ sĩ được các tổ chức của minh, như Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tập hợp lại, định hướng sáng tác và tạo ra sản phẩm. Hội Nhạc sĩ Việt Nam kêu gọi sáng tác âm nhạc chủ đề “đẩy lùi” Covid-19. Theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ, năm 2020, khi dịch Covid- 19 mới xuất hiện, chỉ trong một thời gian ngắn giới âm nhạc đã có những đóng góp hiệu quả bằng tác phẩm của mình cùng cả nước chống dịch qua Tập ca khúc Niềm tin và chương trình Concert online được Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trì thực hiện, được công chúng cả nước đón nhận với những tình cảm quý trọng.
Hội kêu gọi các nhạc sĩ, nghệ sĩ - hội viên, hãy có trách nhiệm với cộng đồng. “Lúc này âm nhạc cất lên từ trái tim của mỗi người, sẽ là món ăn tinh thần giúp nhau vượt qua khó khăn, đẩy lùi đại dịch Covid-19. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ cả nước đang muốn đóng góp tiếng nói âm nhạc của mình chia sẻ với mỗi người dân trong các vùng tâm dịch, cảm thông và động viên các lực lượng trên tuyến đầu cuộc chiến cam go chống đại dịch. Mọi người chung sức chống dịch nêu cao ý chí, có ý thức và trách nhiệm với xã hội, tuân thủ quy định pháp luật, đồng lòng toàn dân cùng Chính phủ chiến thắng đại dịch. Tất cả vì một Việt Nam tươi đẹp, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng dịch! Chắc chắn dịch Covid ở Việt Nam sẽ được dập tắt! Việt Nam sẽ chiến thắng! Các nhạc sĩ hãy nhanh chóng gửi tác phẩm về Hội”- nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, tác phẩm có thể gửi theo đường bưu điện hoặc về địa chỉ email: vanphonghoinhacsivietnam@gmail.com. Các tác phẩm phù hợp, có chất lượng sẽ được lựa chọn để phối hợp dàn dựng, thu thanh và đưa tác phẩm sớm đến với công chúng.
Về phía Hội Nhà văn Việt Nam, thay mặt Ban Chấp hành Hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội, đã kêu gọi ủng hộ các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và nhân dân đang sống tại các vùng giãn cách xã hội.
Phát huy truyền thống tương thân tương ái, hưởng ứng Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và các cá nhân đã tham gia tích cực đóng góp vào quỹ vaccine phòng chống COVID-19 của Chính phủ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, việc động viên và chia sẻ với những người đang sống trong tâm dịch cũng không chỉ một hai lần mà là thường xuyên.
Hiện nay trước thực trạng đời sống của các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng như nhân dân tại các vùng tâm dịch hết sức khó khăn, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam kêu gọi các cơ quan đoàn thể, các cá nhân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam bằng tình cảm, sự sẻ chia sâu sắc của mình. Hãy chung sức đồng lòng đóng góp ủng hộ các nhà văn Việt Nam và nhân dân đang từng ngày trải qua những khó khăn khốc liệt tại những vùng bị giãn cách xã hội.
Mọi khoản tiền ủng hộ sẽ được chuyển về tài khoản của Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam hoặc Trụ sở Hội tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng cam kết công khai minh bạch, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả thiết thực các khoản ủng hộ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 không thể kết thúc trong một hai ngày được. Bởi thế, việc động viên và chia sẻ với những người đang sống trong tâm dịch cũng không chỉ một hai lần mà là thường xuyên. Ban Chấp hành Hội Nhà văn xin chia sẻ với các hội viên đang sống trong tâm dịch và cám ơn sự chia sẻ, ủng hộ của các hội viên và các cơ quan của Hội.
Cùng với mọi tầng lớp nhân dân khác, các nhà văn TP.HCM góp phần vào cuộc chiến chống dịch bằng nhiều hành động thiết thực, đồng thời cống hiến những tác phẩm tinh thần lan tỏa năng lượng tích cực.
Theo Thu Hương (TTXVN), Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc thi sáng tác thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam,” truyền cảm hứng, tinh thần lạc quan đến mọi người trong mùa dịch. Cuộc thi tiếp nhận các sáng tác về con người, cuộc sống mảnh đất phương Nam, đặc biệt chú trọng việc phản ánh những đổi thay, phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, tình người và dấu ấn trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Cùng hướng tới việc lan tỏa tình người trong mùa dịch, TYM Books & Media tổ chức Cuộc thi viết tản văn về đề tài “Thương lắm Sài Gòn.” Với Cuộc thi này, người tham gia có thể ghi lại cảm xúc, câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn hay hành động thiện nguyện, trượng nghĩa về tình người Thành phố Hồ Chí Minh dành cho nhau trong những ngày cả thành phố đang nỗ lực chống dịch.
Nhà văn Nguyễn Duy Quyền, tác giả của các đầu sách “Quên được cứ quên,” “Tiệm ký gửi nỗi buồn,” “Còn quá nhiều thứ để thương,” “Sài Gòn trong Sài Gòn” làm trong một công ty cung ứng dịch vụ y tế cho các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Khi dịch COVID-19 bùng phát, anh cùng cộng sự tham gia quy trình xử lý sau khi xét nghiệm và đưa bệnh nhân về đúng tuyến điều trị, cũng như điều tra dịch tễ và truy vết. Tạm xa cuộc sống yên bình trước đây, anh chuyển đến khách sạn để sống cùng đồng đội trong vùng xanh.
Dù công việc bận rộn nhưng Nhà văn Nguyễn Duy Quyền vẫn tranh thủ ghi lại những cảm nhận về công việc và những chuyện diễn ra quanh mình trong bối cảnh toàn dân chống dịch như chống giặc. Tất cả đều được anh cập nhật liên tục mỗi ngày trên trang cá nhân. Anh có ý định tập hợp những ghi chép này thành một tập tản văn và ký.
Trên hành trình đi tặng gạo và nhu yếu phẩm, Nhà văn Hoàng Hiền, tác giả của nhiều tập truyện ngắn in trên các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Văn Nghệ Quân Đội, Văn Nghệ, Nhân Dân cho biết, chị gặp những thân phận đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt, môi trường đặc biệt. Đó là những chất liệu “quý” để sáng tạo nên tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, những hành trình hàng ngàn cây số của người lao động nhập cư, những hoàn cảnh vô cùng khó khăn đã tác động mạnh mẽ đến tâm thức của những người cầm bút.
Đồng quan điểm, nhà văn Phương Huyền, Trưởng ban Truyền thông, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay, dịch COVID-19 làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân trên toàn thế giới, trong đó có các nhà văn, những người nhạy cảm với đời sống, phải suy ngẫm và đưa những nhận thức này vào những trang viết. COVID-19 chắc chắn sẽ là đề tài lớn để những người viết chiêm nghiệm và cho ra đời nhiều tác phẩm phản ánh chân thực về những ngày dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Không trực tiếp tham gia vào tuyến đầu chống dịch như Nhà văn Nguyễn Duy Quyền, Nhà văn Phương Huyền đã đứng ra kêu gọi, quyên góp tiền và nhu yếu phẩm để gửi đến những người lao động đang gặp khó khăn. Đến nay, Nhà văn Phương Huyền đã nhận được hơn 375 triệu đồng cùng 12 tấn gạo, 820 thùng mì; thêm trứng, sữa, cá khô và rau củ từ các nhà hảo tâm. Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người lao động và công nhân ở Bình Dương biết đến chị Phương Huyền cũng nhắn tin bày tỏ được hỗ trợ.
Tương tự, chỉ trong thời gian ngắn, Ban Nhà văn nữ, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã vận động và quyên góp được 130 triệu đồng từ các hội viên cũng như các tấm lòng hảo tâm ở trong và ngoài nước. Số tiền này đã được quy thành 8 tấn gạo để gửi tặng đến 7 bếp cơm xã hội và các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức trao 100 triệu đồng góp sức cho đội ngũ y, bác sĩ đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Đây là tấm lòng của 40 tác giả, là các nhà văn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố chung tay đóng góp.
Theo Nhà văn Bích Ngân, mỗi nhà thơ, nhà văn dù muốn hay không thì những gì họ viết ra cũng phản ánh hiện thực, quan trọng hơn, phản ánh đời sống tinh thần của con người trong giai đoạn họ chứng kiến, họ sống và viết.
Dĩ nhiên, nhà văn cũng chỉ là một con người cụ thể với nhận thức, cảm xúc, ý hướng cá nhân, bởi vậy rõ ràng hiện thực sẽ được phản ánh dưới góc nhìn riêng. Nhiều cái nhìn, nhiều phong cách sẽ góp phần phản ánh, tái tạo một thời kỳ, xa hơn là một thời đại đầy đủ, phong phú, sâu sắc hơn.
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch: Hiện thực hóa sáng kiến của mình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 2226/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2021.
Kế hoạch được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bám sát với điều kiện tình hình dịch bệnh nhằm tuyên truyền tới nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và giải pháp chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; khẳng định nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, chủ động, tích cực phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tăng cường nhận thức xã hội về lối sống tôn trọng pháp luật, kỷ luật, kỷ cương. Đặc biệt thông qua các hoạt động tuyên truyền cổ động, triển lãm, văn hóa, văn nghệ, điện ảnh… để lan tỏa các thông điệp, hiệu ứng tích cực, tạo sự tin tưởng, đồng lòng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Riêng về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ chỉ đạo:
- Thành lập một nhóm các nghệ sĩ để tổ chức xây dựng các video clip, sáng tác ca khúc, tiểu phẩm sân khấu, các Chương trình giao lưu nghệ thuật nhằm tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, những kết quả đạt được và định hướng công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
- Xây dựng và thực hiện một số chương trình biểu diễn nghệ thuật, các chương trình giao lưu nghệ thuật tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Ngày 01/8/2021, Chương trình đầu tiên trong chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch đã được thực hiện với tên gọi “Cháy lên” tại 05 điểm cầu: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc thuộc các thể loại như nhạc nhẹ, chèo, xiếc... với mục đích tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch COVID-19 cũng như góp thêm “món ăn tinh thần” đến tất cả khán giả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Chương trình nhận được sự chia sẻ, tương tác của đông đảo khán giả trong và ngoài nước với những hiệu ứng lan tỏa và bình luận tích cực). Dự kiến sẽ có 10 chương trình nghệ thuật trong chuỗi các chương trình nghệ thuật trực tuyến. Đồng thời, sẽ có 24 chương trình nghệ thuật hoặc vở diễn là những tác phẩm xuất sắc của các đơn vị nghệ thuật sẽ được phát sóng trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, một số Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương và các kênh thông tin chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.