Cuộc đời của nhà tình báo, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc: Đơn tuyến (tiếp theo)

Phạm Quang Đẩu - NXB CAND

06/01/2022 12:15

Theo dõi trên

XV- TRẬN MỚI: Viện Đại học Huế ra đời đầu năm 1957 do Tổng thống họ Ngô ký sắc lệnh thành lập, gồm bốn trường: Khoa học, Văn khoa, Luật và Sư phạm.

don-tuyen-1641446081.jpg

 

Khi tôi đến, vừa thay Viện trưởng, một tiến sĩ vật lý thế chỗ ông giáo sư luật, người ta đang bàn tán là đất này động long mạch, mấy đời Viện trưởng không ai trụ quá được một năm. Song người tôi quan tâm nhất lúc này là “Cô Phương Lan” kia.

Người phụ trách văn thư của Viện cao gầy, nước da đen đúa, mái tóc lốm đốm bạc, khó đoán chính xác tuổi, nom ông không khác mấy một ông “hai lúa” Nam Bộ. Khi tôi nhắc tên “Cô Phương Lan”, ông gật đầu bảo tôi đi theo vào căn buồng nhỏ bên trong. Rồi ông lẳng lặng lấy trong người cái đồng hồ đeo tay mác “Omega” thiếu một đoạn dây. Tôi cũng móc túi đưa ra sợi dây đã giữ mười hai năm trước từ tay giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu ở Liên khu 4. Ông văn thư để cái đồng hồ lên bàn và chắp sợi dây của tôi vào, vừa vặn trùng khít. Một cái đồng hồ đeo tay hoàn chỉnh.

- Tôi là Phương Lan.

- Tôi Diệp Sơn.

Ông nhìn tôi và chìa tay bắt. Nắm chặt bàn tay gân guốc của ông, tôi còn chưa hết ngỡ ngàng. Trí tưởng tượng đã đánh lừa tôi, song sự hiện diện của người trực tiếp giao nhiệm vụ có cái tên con gái này đã gây cho tôi một cảm giác tin cậy. Dường như ông không có nhiều thì giờ, giọng Huế nhỏ nhẹ giàu âm sắc, ông vào đề luôn:

- Tổ chức vẫn quan tâm đến việc anh đã làm trên đất Pháp và Tây Âu. Anh tạo được vỏ bọc rất tốt. Giờ là lúc anh luồn sâu, leo cao trong giới trí thức, thượng lưu Sài Gòn. Từ mối quan hệ hiện có, cần mở rộng đến các tướng tá quân đội ngụy, cố vấn Mỹ. Với lợi thế của anh, chắc sẽ thu lượm được nhiều tin tức quan trọng. Trước mắt anh trực thuộc sự chỉ đạo của ngoài này, với mật danh B1. Anh gửi tin và nhận lệnh qua tôi.

Cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 -1966 của Mỹ ngụy, nhìn chung đã thất bại. Hiện chúng đang tiếp tục cuộc phản công thứ hai. Theo những nguồn tin ta thu thập được thì cuộc phản công lần này quy mô còn lớn hơn lần đầu, vẫn nhắm vào tiêu diệt các đơn vị chủ lực và cơ quan đầu não của ta. Trong mùa khô 1966 -1967 sẽ có rất nhiều chiến dịch tìm diệt, bình định hướng chủ yếu vào vùng Tam Giác sắt gồm ba đỉnh là Bầu Bàng, Bến Súc, Củ Chi và vùng Móc Câu, Mỏ Vẹt trên đất Campuchia. Có một bản kế hoạch quân sự của địch mang mật danh AB144, cấp trên cần biết chi tiết của bản kế hoạch đó. Trên cũng giao nhiệm vụ cho anh, có điều kiện thì tìm hiểu về kế hoạch này. Các động thái chuyển quân gần đây cho thấy địch sắp mở một cuộc hành quân lớn nữa, có cả sự tham gia của hải quân ngụy. Song ta chưa biết thời gian, địa điểm, hướng tấn công cụ thể, anh cũng cần quan tâm đến chiến dịch đó, tin về càng sớm càng tốt...

*

* *

Ở Viện Đại học Huế về, tôi nghĩ ngay đến việc phải gặp chú em rể vợ, trung tá hải quân Nghiêm Văn Phú. Hồi mới về nước, tôi đã có lần đến nhà Phú, song chỉ gặp Nguyệt Mỹ, anh ta đang đi chiến dịch. Nguyệt Mỹ than phiền, chưa bao giờ anh ấy lại phải đi trận dồn dập như thế, nghe nói Việt Cộng phản kích rất mãnh liệt, anh có lần hút chết. Một buổi chiều đang ngồi nhà, tôi nghe điện thoại của Nguyệt Mỹ: Ông chồng em đã về rồi đó, cũng muốn gặp anh.

Tôi đến. Phú đứng đón ngay ở cổng. Anh dang tay ôm chặt tôi. Béo đẫy hơn hồi xưa nhiều, Phú có thêm cái oai phong lẫm lẫm của con nhà võ. Chúng tôi vào nhà. Anh rót nước mời, nói:

- Thoắt đấy đã mười năm. Hôm trước anh tới nghe Nguyệt Mỹ nói lại, tôi đang bận với cuộc hành quân Attleboro nhắm vào chiến khu Dương Minh Châu. Đã kết thúc đâu, nhưng có điện của Bộ Tổng tham mưu gọi về, ông phó của tôi chỉ huy thay. Còn uýnh nhau ra trò anh ạ.

- Gớm, - Nguyệt Mỹ ngồi bên chen vào - anh em mười năm mới gặp lại, chưa hỏi chuyện riêng tư, cứ uýnh uýnh hoài à. Thế mẹ con bà chị em giờ sống ra sao?

Tôi kể sơ qua về Nguyệt Tỉnh và cháu Hà bên ấy, cũng mới nhận được thư báo mẹ con bình thường. Nghiêm Văn Phú nhìn tôi cười cười, bảo nom tôi vẫn vậy, bơ sữa Tây cũng không làm mập lên là bao. Tôi nói sức khỏe đã khá hơn hồi ở nhà nhiều, bệnh phổi ổn định. Nguyệt Mỹ bảo, hôm nay anh em phải ngồi nhậu lai rai cho bõ những ngày xa cách. Nói rồi cô đi xuống nhà dưới dặn dò người giúp việc.

Tôi hỏi Phú về chiến sự. Anh nói:

- Attelboro khai diễn đã một tháng rưỡi nay. Cuộc tảo thanh trên sông nước do đơn vị tôi thuộc Hải quân Vùng 3 sông ngòi đảm nhiệm. Mục đích của chiến dịch như tài liệu Việt Cộng ta thu được, tiêu diệt các bộ phận chủ lục gồm sư đoàn 9, trung đoàn 16 của Quân khu 4. Nhưng khi tiến sâu vào căn cứ như đấm không khí. Tìm diệt hoài, không đụng chủ lục, toàn bị du kích địa phương đánh lén. Lần này tôi về sớm để gặp tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh Quân đoàn 3 nhận chỉ thị mới.Công việc của anh ở Viện Đại học đã ổn định rồi chớ?

Tôi nói chuyện về trường đang giảng dạy, cũng kể thêm vài kỷ niệm với Trường hải quân Brest hồi còn ở Pháp, Phú tỏ ra thích thú lắng nghe. Rồi anh than, khó sống với viên Tư lệnh Quân đoàn, hắn bề ngoài nhã nhặn mà bên trong xét nét với cấp dưới đủ điều và có vẻ không thích anh. Hàn huyên một hồi, người giúp việc đã bê mâm vào phòng ăn, Nguyệt Mỹ bảo đến bữa rồi, mời anh em vô nhậu lai rai.

Tửu lượng tôi kém, Phú thì vô tư, anh cứ cạn hết ly này đến ly khác, chẳng mấy chốc mặt đỏ dừ. Hình như anh càng uống càng tình. Anh khoe, từng quật đổ không biết bao nhiêu là cố vấn Mỹ trên bàn nhậu. Nguyệt Mỹ nguýt chồng:

- Anh uống hết phần anh Ngọc rồi kìa.

Phú cười tếu táo:

- Ông anh giáo sư của tôi hiền như con gái, mà thế nào hồi bé được thầy bói đoán mai này sẽ thành tướng quân cơ chứ.

- Mình sức học trò trói gà không chặt, theo đường binh nghiệp sao được. - Tôi cười và giơ cái ly uống dở suốt từ đầu cuộc chưa hết nửa, chạm vào ly của Phú. Anh ta lại “ực” liền một hơi.

- Anh cũng được thầy đoán thể nào cũng sẽ lên tướng cơ mà. - Tôi nói.

- Phải rồi - Phú nói - Nhưng giờ vẫn đì đẹt cái lon này, đại tá chưa thấy đâu, mà theo thầy từ nay còn có bốn năm nữa lên tướng, sao kịp.

- Anh tuổi gì nhỉ?

- Bằng anh, Nhâm Thân.

- Tháng mấy?

- Bà già nói sanh vào mùa mưa ngâu, chắc tháng bảy âm. Anh coi được tử vi sao?

- Cũng võ vẽ.

Tôi nhẩm trong đầu phác ra một lá số cho Phú. Chả là hồi mới về nước, tranh thủ lúc chờ việc tôi đi mua mấy cuốn tử vi cũ bầy bán đầy vỉa hè đọc chơi, nhập tâm cách an sao, tính nhanh được những chính tinh, bàng tinh trong từng cung. Tôi còn có một cách nữa để kết hợp với luận giải lá số, là suy từ chuyện may rủi của mình mà đoán, bởi về cơ bản anh ta cũng trùng năm, tháng sinh với tôi. Ấy là: cung quan lộc có Thiên Phú, Thiên Trù, Hóa Khoa, Hóa Quyền, lại Đào Hoa chiếu kiểu gì năm nay cũng có tin vui. Chút rượu vừa uống đã kích thích làm tôi trở nên hoạt khẩu, tự tin, tôi bảo Phú:

- Anh sắp có tin vui rồi. Chưa biết chừng tư lệnh gọi anh về lần này là để gắn thêm sao đấy.

- Vậy hả - Phú đưa ly lên cạch nhẹ vào ly tôi nói - Nếu đúng phải khao thầy một chầu mệt nghỉ. Tôi đợi hoài à.

- Bây giờ vợ con các ông tướng ông tá - Nguyệt Mỹ nói chen vào - ai chẳng đi coi bói tử vi. Nhà em cũng tin lắm, mùng một, ngày rằm nào chẳng thắp hương lên chùa. Anh cùng tuổi với nhà em, vậy thì năm nay đã có tin vui chưa hử?

- Có rồi - Tôi nói - Chẳng đã được nhận chân giáo sư chính thức của Đại học Khoa học đó thôi. Còn mới nhận thêm chân giáo sư thỉnh giảng ở Viện Đại học Huế. Tôi định sắp tới còn thỉnh giảng ở Đại học cần Thơ, Mỹ Tho nữa.

- Giảng chi mà nhiều thế, ông anh? - Phú hỏi.

- Cái nghiệp nó vậy cố mà tận dụng cho hết khả năng. Cũng như anh đi trận liên miên, đi mới có tiền, có chiến công để gắn thêm mề đay, thêm sao chứ.

- Cũng phải - Phú nói - sống chết có số mà anh.

- Chưa đạt mục tiêu cuộc hành quân này - Tôi hỏi Phú - sao đã bày cuộc khác rồi?

- Ô, cái kế hoạch tìm diệt của Đại tướng Westmoreland, xương máu hai bên còn đổ ra khôn xiết - Giọng Phú đã hơi “khê” - Đúng như ông anh vừa nói, không chiến tích sao có cành tùng đây. Cuộc hành quân vừa rồi là lần đầu tiên quy mô tới cấp quân đoàn, cuộc tới cũng lớn như vậy, được đặt tên Cedar Falls, chắc sẽ khai diễn khoảng một tháng nữa thôi, vẫn uýnh vùng Tam Giác sắt. Hiện ông Khang đang muốn thu dọn Attelboro lại cho êm. Toàn khuếch trương chiến quả, chứ thắng lợi con mẹ gì.

Tôi nhẩm, một tháng nữa, tức Cedar Falls sẽ diễn ra vào đầu năm tới. Và hỏi tiếp:

- Chắc gì giang đoàn anh tham gia?

- Sao thoát được - Phú nói - Còn uýnh ở vùng Tam Giác sắt thì đơn vị mình còn đi đầu, cũng tại sông Sài Gòn có thượng nguồn chảy qua mật khu này, chiến dịch nào chẳng có lính nhẩy dù kết hợp với lính thủy đánh bộ. Ông Westmoreland nuôi tham vọng tìm diệt, phá tan sào huyệt của Việt Cộng, nhưng mình tin khó mà thành vì đối phương ghê gớm lắm. Anh chưa đụng Việt Cộng chưa biết đó thôi, vừa mưu cao vừa dũng mãnh, can trường. Để tôi kể ông anh nghe lần hút chết vừa rồi. Giang đoàn tôi đến một đoạn thủy lộ, con sông Sài Gòn uốn lượn như rắn, hai bên bờ nhà cửa, vườn tược vừa bị khai quang. Cao hứng, tôi mới điện bảo với mấy thằng đàn em thuộc đơn vị nhẩy dù là pháo, xe ủi đã dọn sạch mặt đất, dân đã xúc hết, cho lính sông ngòi bọn anh lên bờ thử coi nghe, chú em. Đấy là khu vực Bến Súc. Tôi muốn cuốc bộ xa hơn, nhưng mấy em nhẩy dù cản lại: Đã thế này mà đêm đêm Việt Cộng vẫn dưới đất truồi lên bắn tỉa tệ hại lắm, trung tá đừng mạo hiểm. Anh em dù bảo hầm địch quân không đào quá sâu, nhưng nhiều ngóc ngách không một chỗ nào thẳng. Cửa ngách, lỗ thông hơi thì nhiều vô kể. Tôi chỉ tay về phía trước mặt: Sao không quẳng trái lựu xuống hầm kia? Cái miệng hầm lộ ra cạnh một khóm dừa lớn đã bật gốc. Anh em bảo, cũng quăng vô vài trái rồi không thấy động tĩnh chi, chắc Việt Cộng trong đó hít khói sặc thở, rách màng nhĩ ngoẻo cả rồi. Họ đưa tôi trái lựu khói mới bóc tem, bảo trung tá liệng thử coi. Tôi liệng. Tiếng nổ ục rung rinh mặt đất. Vừa quay đi, chợt có tiếng la lối phía sau. Thấy trong làn khói trắng mù mịt, hai bóng đen như bóng ma dưới âm phủ vọt lên. Cậu thượng sĩ bảo vệ đè xấp tôi, nằm lên trên đỡ đạn. Tràng AK nổ “cái rẹt”. Chưa ai kịp trở tay, hai bóng ma đã mất tiêu. Anh em nhẩy dù cạnh tôi cũng nằm rạp cả xuống, chỉ khi cái bóng ma biến vào khu rừng dừa trước mặt mới bắn được mấy tràng Garant vuốt đuôi. Tôi hú vía, về tầu cho nhanh. Đấy, ông anh bảo quân địch thoắt ẩn thoắt hiện như ma vậy sao mà diệt hết được

Theo Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc đời của nhà tình báo, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc: Đơn tuyến (tiếp theo)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn