Cuộc đời của nhà tình báo, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc: Đơn tuyến (kỳ 2)

Phạm Quang Đẩu - NXBCAND  

02/01/2022 08:26

Theo dõi trên

Cuộc sống của gia đình tôi sau đó vẫn diễn ra một cách bằng lặng như vốn có. Khó có thể thay đổi được ý nghĩ của nhau, cũng như nếp sống, nếp nghĩ được hình thành từ bao năm sao một sớm một chiều có thể thay đổi được.

Nếu có thật nỗi cô đơn khi sống cạnh nhau, cùng dưới một mái nhà thì quả bất hạnh, bi kịch. Tôi là kẻ vô tâm, kẻ có trái tim gỗ đá. Có thể Alexander đã đúng trên phương diện tình cảm khi so sánh tôi với nhà vật lý thiên tài kia, tôi cũng như ông đã đối xử tệ bạc, nhạt nhẽo với người bạn đời rất mực yêu thưong của mình...

Tôi hỏi Alexander:

- Nguyệt Tỉnh đã nói gì với anh?

giao-su-1640747449.jpg
 

Anh nhìn tôi với ánh mắt thật khó tả, như muốn bảo:

- Cậu cần gì phải biết điều ấy nữa; cô ấy chẳng nói gì cả nhưng mình thì cảm thấy điều ấy rất rõ ràng.

Và chúng tôi còn ngồi bên nhau thêm lúc nữa, mỗi người đều theo đuổi một ý nghĩ riêng tư nào đó.

Thế rồi một lần đi dạy về, tôi không thấy Nguyệt Tỉnh và con trai ở nhà, nàng cũng không gọi điện báo trước là đi đâu. Gặp vợ Alexander, chị bảo bị mệt ở nhà, còn bố con anh ấy đã cùng mẹ con Nguyệt Tỉnh đi tham quan thành phố Nimes rồi. Tôi thực sự bất ngờ. Tôi biết Nimes qua sách vở: là thành phố cổ cách Paris hơn 700 km về phía Đông Nam; quê hương của nho, của nhà văn nổi tiếng Alphonse Daudet... Song tôi ở Pháp đã lâu mà cũng chưa từng đến đó. Hành trình quá xa. Vợ Alexander còn nói rằng có lẽ anh ấy chọn Nimes để kết hợp về thăm lại Đại học Montpellier, nơi anh từng học nhiều năm về trước. Nhìn ánh mắt chị lúc đó cũng không được vui vẻ như mọi lần, tôi không muốn hỏi thêm gì nữa. Có lần Alexander đã hồn nhiên bảo với tôi:

- Nguyệt Tỉnh là người phụ nữ Á Đông tuyệt vời nhất mà mình có may mắn được quen biết đấy.

Tất nhiên tôi cũng có thể ca ngợi vợ anh với lời lẽ kiểu như vậy, gọi là đối đáp cho vui, nhưng tôi lại không nói gì.

Nguyễn Đình Ngọc năm bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học tại Pháp (1965)

Tình cờ lúc về nhà, tôi tìm thấy một lá thư ngắn với những dòng viết rất tháu của Alexander kẹp trong một cuốn sổ của Nguyệt Tỉnh:

- Bỗng dưng anh thấy lòng trống trải và đôi khi hình ảnh người phụ nữ Á Đông nhỏ nhắn, nụ cười hiền nhưng vẫn phảng phất một nỗi buồn nào đó bỗng hiện ra. Trái tim có những lý lẽ riêng, cho dù bộ óc tỉnh táo lúc nào cũng muốn phủ nhận nó. Anh muốn mời em đi du lịch vài ngày ở miền Nam, nơi anh có nhiều kỷ niệm cay cực thời niên thiếu. Xin đừng từ chối!

Vài ngày sau, hai mẹ con trở về. Hà tỏ ra rất vui, nó hoa chân múa tay kể những điều tai nghe mắt thấy khi được đến vùng trồng nho và dự lễ hội nho náo hoạt, vui vẻ; về những trò nghịch cát, cưỡi sóng trên biển Địa Trung Hải với anh con nhà bác Alexander; về táo và bơ ngon tuyệt.

Cậu con còn khoe, biết cả một trại tù binh nữa. Thế giới xung quanh nó đầy rẫy những mới lạ, hứng thú. Nó đã lên muời, gia đình tôi cũng đã ở Paris được 10 năm rồi.

Nguyệt Tỉnh vẫn tỏ ra bình thản như sau các cuộc đi du hí giữa hai nhà trước đây, cho dù lần này không có tôi và vợ Alexander. Tôi cũng cố giữ vẻ mặt bình thản và tự an ủi: không nên phức tạp hóa mọi chuyện làm gì!

- Em cũng bất ngờ, ở đấy còn có một trại tập trung thời Đức Quốc xã, giờ thành bảo tàng chiến tranh cho khách tham quan - Nguyệt Tỉnh chậm rãi kể với tôi - Đó là trại Rieucros gần Mende. Chỉ một dãy nhà gạch tường tróc lở, trên mái lợp tôn sóng phủ đầy dây kẽm gai, Alexander bảo, ngày này hai mưoi nhăm năm về trước mẹ và anh bị phát xít Đức bắt trong một cuộc truy đuổi người Do Thái, giam tại đây. Anh đứa trẻ lớn nhất trại và là đứa duy nhất đi học lycée. Trong gió tuyết vẫn đến trường cách đấy năm cây số bằng đôi giày rách sũng nước, bao giờ cũng trở về với đôi bàn chân tê cứng không còn cảm giác gì. Đến năm cuối cuộc chiến tranh mẹ vẫn bị giam, còn anh bị tập trung vào một khu riêng dành cho trẻ tị nạn, luôn phải ẩn náu vì sợ bọn Gestapo truy sát. Vùng Cévennes đầy những người Do Thái ẩn náu và nhiều người sống sót nhờ được dân địa phưong che chở. Alexander bảo, kỷ niệm thời niên thiếu luôn hiện về và gương mặt tiều tụy, hốc hác, tàn tạ của mẹ những ngày cuối đời luôn ám ảnh. Anh căm thù bọn phát xít và hễ nói đến chiến tranh là anh bị dị ứng...

Chưa bao giờ Alexander kể với tôi những điều đó. Thì ra tuổi thơ của anh cũng giống tuổi thơ tôi từng sống trong sợ hãi dưới mũi súng của những kẻ xâm lược tàn bạo. Chiến tranh đã cướp đi người thân yêu nhất của anh và tôi. Giờ tôi mới hiểu vì sao anh dị ứng với NATO. Sau này, vào năm 1970 khi tôi đã về nước rồi, nhận được thư của Bùi Trọng Liễu mới biết thêm một sự kiện mới diễn ra liên quan đến Alexander, làm bất ngờ giới toán học trong nước và quốc tế. Anh tuyên bố kết thúc sự nghiệp toán học của mình ở tuổi bốn mươi hai đang giai đoạn đỉnh cao tài năng, chỉ vì phản đối người đứng đầu Viện IHES nhận tiền tài trợ của Bộ Quốc phòng Pháp. Nếu không phải Bộ Quốc phòng mà một bộ “dân sự” nào đó tài trợ thì hẳn anh đã không rời IHES và đi ở ẩn. Trước sau anh vẫn là con người nhất quán yêu hòa bình và căm ghét tận xương tủy những gì liên quan đến chiến tranh, chết chóc. Cách hành xử ấy có phần cực đoan gây sốc với nhiều người, nhưng tôi có thể hiểu được, thông cảm được. Tự lúc nào, chính anh cũng đã vượt ngưỡng sống của mình. Có thể rút ra một hệ quả từ “định lý” của anh: bản ngã mỗi người không phải là bất biến theo thời gian, nó cũng có thể bị vi phạm.

Sau lần ấy, mối quan hệ giữa hai nhà vẫn không có gì sứt mẻ. Đôi lần bắt gặp ánh mắt buồn buồn của Nguyệt Tỉnh khi tôi về nhà bất chợt thấy nàng ngồi một mình bên cửa sổ nhìn ra xa. Thời kỳ này tên tuổi Alexander nổi như sóng cồn, tất nhiên anh là thần tượng của rất nhiều người và từ lâu tôi biết Nguyệt Tỉnh có trong số đó. Sao mà không ngưỡng mộ một tài năng trác tuyệt, trong đời thường lại giản dị dễ mến đến vậy! Chính tôi cũng ngưỡng mộ anh. Nhưng, sự biểu lộ tình cảm của Nguyệt Tỉnh và anh thì đã làm lâu nay tôi không có được cảm giác yên ổn trong lòng. Alexander chẳng bao giờ biết cách che giấu lòng mình; còn tôi phải chăng là con người nhỏ nhen, hay ghen bóng ghen gió?

Lần ấy nàng còn tỏ ra sốt sắng, vui mừng hỏi tôi:

- Em nghe người ta đang đồn ầm lên, Alexander “nhà mình” sắp rinh Giải Nobel về cho nước Pháp?

Tôi giải thích với nàng rằng không có Giải Nobel trong toán học, song có một giải tương đương mang tên nhà toán học người Canada.

John Charles Fields, ai được Huy chương Fields cũng danh giá như được Giải Nobel. Với những cống hiến to lớn cho toán học thời gian qua, anh ấy hoàn toàn xứng đáng nhận vòng nguyệt quế vinh quang.

Và giữa năm 1966, lúc tôi vừa từ Paris về Sài Gòn thì được tin: tại Đại hội Toán học thế giới tại Moscow, Alexander Grothendieck cùng ba nhà toán học khác quốc tịch Anh và Hoa Kỳ đều một lần nhận Huy chương Fields.

*

* *

Một hôm với tư cách người liên lạc, Nguyệt Tỉnh đi Genève, Thụy Sĩ về bảo với tôi vừa nhận được chỉ thị từ nhà, tôi phải đến ngay Luceme gần biên giới với nước Đức, gặp một nhà ngoại giao là Tùy viên Thương mại Đại sứ quán ta tại Pháp đang ở đấy, để nhận nhiệm vụ.

Đến Lucerne, điệp viên Diệp Sơn đã nhận được chỉ thị:

“Về nước; tìm một chỗ đứng vững chắc trong giới trí thức, học thuật Sài Gòn.”

Thời khắc bấy lâu chờ đợi đã đến. Tuy đã được chuẩn bị tâm lý song tôi vẫn cảm thấy đột ngột. Tôi và Nguyệt Tỉnh bàn đi tính lại, có nên tất cả cùng về?

- Nếu giả sử anh bị lộ - Tôi nói với nàng - em và con sẽ bị bắt làm con tin. Đó là một điều rất dễ xảy ra, một điều khủng khiếp.

Cuối cùng chúng tôi quyết định: chỉ mình tôi trở về, sau đó tùy tình hình thời cuộc biến chuyển sẽ tính tiếp.

Bắt đầu một thời kỳ mới của cuộc đời tôi.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc đời của nhà tình báo, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc: Đơn tuyến (kỳ 2)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Trinh

Trinh

18:47 01/09/2023

Những con người làm nên lịch sử vinh quang của dân tộc Việt Nam ❤