Ngày 2/6/2023 tại Hà Nội, Tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam” phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hoá dân tộc, trang trọng tổ chức Lễ ký bản ghi nhớ thoả thuận hợp tác đôi bên Việt – Mỹ; tiếp nhận tượng trưng “Hồ sơ Di sản chiến tranh Việt Nam”, do Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas - Hoa Kỳ bàn giao; đồng thời, giới thiệu tập truyện ngắn “Đức Mẹ online” - Tác phẩm được xem như một loại “Hồ sơ Di sản văn hoá hoà bình” của tác giả Đặng Vương Hạnh.
Tới dự và chứng kiến sự kiện, có các Tướng lĩnh, Anh hùng LLVTND là đồng đội của các Liệt sĩ có di sản vật được trao trả và các Cựu chiến binh; đại diện của cả lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, những người đã trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước...
Sau khi "Trái tim Người lính" cho đăng thông tin một số "Hồ sơ Di sản vật" lên mạng xã hội facebook, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Dù thời gian đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn xác định được thông tin của nhiều thân nhân các gia đình liệt sĩ. Các gia đình đã gửi lại bằng chứng nhận "Tổ quốc ghi công" của liệt sĩ và cả ảnh thân nhân gia đình liệt sĩ.
Ông Trần Linh, công tác tại phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết: Khi đọc bài “Cần tìm thân nhân Liệt sĩ Chí, quê Phú Yên, có người thân từng công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội”; UBND huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo phòng LĐTBXH huyện phối hợp cùng UBND thị trấn La Hai và UBND xã Xuân Quang 3, tổ chức xác minh thân nhân liệt sĩ Lưu Văn Chí. Kết quả đã tìm thấy gia đình của liệt sĩ Lưu Văn Chí. Bà Lưu Thị Trơn, em gái liệt sĩ, đã qua đời; ông Nguyễn Văn Thị (ĐT: 0349174728) là con của bà Trơn đang thờ cúng liệt sĩ Lưu Văn Chí, hiện tại đang ở thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Ông Nguyễn Văn Tuyên - Huyện uỷ viên, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội; là cháu của Liệt sĩ Nguyễn Mộng Bẩy đã trực tiếp liên hệ, kết nối gia đình và gửi tư liệu xác minh cho Ban tổ chức sự kiện.
Được sự quan tâm của Đảng uỷ, chính quyền địa phương xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; trực tiếp Chủ tịch xã Hồ Chí Dũng sẽ cùng đại diện thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Cao Kỳ từ Quảng Nam ra Hà Nội tham dự dự kiện "Tiếp nhận Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam". Ban Tổ chức sự kiện đã mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn cho bà Nguyễn Thị Tần (sinh 1945), là em gái liệt sĩ Nguyễn Cao Kỳ... Nhưng do bị bệnh, nên gia đình xin huỷ vé chuyến bay, và đề nghị để người con trai của bà là anh Dương Ngọc Vân đi thay...
Ông Phùng Đình Hoà (ĐT: 0376 251 824) từ Hải Dương đã hồi âm và thông tin bài "Cần tìm liệt sĩ Phan Đình Điếu": Tên thật của liệt sĩ là Điều, hiện còn em trai là Phan Đình Đều, sinh 1959, trú tại làng Kiều, thôn Lâm Cầu, xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Gia đình xác nhận sẽ tham gia sự kiện tiếp nhận “Hồ sơ Di sản chiến tranh Việt Nam”, tại Hà Nội, 2/6/2023.
Đến nay, đã có thân nhân của 6 gia đình liệt sĩ đăng ký tham gia sự kiện tiếp nhận “Hồ sơ Di sản chiến tranh Việt Nam” đến từ nhiều vùng miền trên cả nước:
1- Các chị Đặng Phương Trâm, Đặng Hiền Trâm và Đặng Kim Trâm, là em gái của Anh hùng liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm (đến từ Hà Nội);
2- Ông Hồ Chí Dũng (Chủ tịch xã Bình Chánh) và anh Dương Ngọc Vân (đến từ xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là thân nhân gia đình Liệt sĩ Nguyễn Cao Kỳ;
3- Bà Nguyễn Thị Oanh và Thiếu tá Nguyễn Minh Dương (đến từ Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá) là thân nhân gia đình Liệt sĩ Nguyễn Minh Sơn, tức Nguyễn Hải Trường (Tác giả của nhật ký “Gửi lại mai sau” đã xuất bản). Bà Oanh là con gái của liệt sĩ, còn Thiếu tá Dương, đương nhiệm là Trưởng Công an xã, là cháu nội của liệt sĩ);
4-Ông Phan Đình Đều và ông Phùng Đình Hoà (đến từ huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) là thân nhân gia đình liệt sĩ Phan Đình Điều (tức Điếu);
5-Bà Vũ Thị Lưu Liên (đến từ Hà Đông, Hà Nội) là thân nhân Liệt sĩ Trần Minh Tiến, hi sinh tại mặt trận Khe Sanh tròn 55 năm trước (31/5/1968). Một phần Di sản vật của liệt sĩ đã được bà Liên và gia đình xuất bản thành 2 cuốn sách: Nhật ký trở về trong giấc mơ” và “Những lá thư tình đi qua chiến tranh”.
6- Bà Nguyễn Thị Nghĩa và bà Nguyễn Thị Chính là 2 con gái của liệt sĩ Nguyễn Mộng Bẩy (đến từ Gia Lâm, TP. Hà Nội);
Hồ sơ bàn giao lần đầu, gồm có 5 nhật ký và 30 lá thư được viết trong thời gian chiến tranh của các cá nhân (hầu hết là liệt sĩ), cụ thể như sau:
1- Nhật ký thời chiến của các Liệt sĩ: Nguyễn Cao Kỳ (Quảng Nam), Nguyễn Hải Trường (Thanh Hoá), Lưu Văn Chí (Phú Yên), Phan Đình Điều (Hải Dương) và Trần Minh Tiến (Hà Nội).
2- Thư thời chiến của các tác giả (hầu hết là liệt sĩ): Thanh Tâm, Bùi Văn Tray, Hồ Tấn Đại, Hồng Sơn, Lê Dương, Lê Minh Sơn, Lê Ứng Tiếp, Lê Văn Măng, Liên Minh, Mộng Bảy, Ngô Văn Lăng, Nguyễn Thanh Lễ, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Nhiên, Nguyễn Văn Trong, Phạm Sinh Nghiệp, Phạm Văn Kiệt, Tạ Quang Nhơn, Thanh Hà, Trần Hoanh, Trần Quang Vinh, Trần Văn Được (Hậu), Trần Văn Gác, và Trương Văn Xía…
Đại diện các gia đình liệt sĩ và những người chứng kiến sẽ rất xúc động, khi được tiếp nhận nhưng “Di sản vật”: Những nét chữ, di bút quen thuộc, thiêng liêng của người đã mất, cùng nội dung chứa đựng bên trong mỗi lá thư, hay những trang sổ tay nhật ký, ghi chép trong kháng chiến. Tất cả cùng rưng rưng, nghẹn ngào, chứng kiến một phần sự “trở về” của những người thân yêu, sau nhiều chục năm các anh hi sinh…
Hà Nội, 1/6/2023
Trái Tim Người Lính