Lễ hội truyền thống, một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính chất cộng đồng. Lễ hội mang đặc trưng của nền văn hóa dân gian, vừa độc đáo, vừa phong phú với các hình thức văn học (truyền thuyết, thần thoại, thần tích, thần phả, văn tế, văn bia, ca dao hò vè...); nghệ thuật biểu diễn (diễn xướng, sân khấu, dân ca, dân vũ, dân nhạc...); tôn giáo, phong tục và tín ngưỡng (nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn dân gian, tục lệ, thờ cúng, đức tin...).
Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa – Thái Nguyên
“Lồng tồng “ cũng thường gọi là xuống đồng, là một lễ hội của dân tộc Người Tày, cũng là nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc như: Nùng, Dao, Sán Chỉ.... Được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.
Trong không khí của ngày hội diễn ra các hoạt động nhộn nhịp, đặc sắc như : cắm trại, hát then của người Tày, ẩm thực độc đáo các loại bánh, các trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn...
Lễ hội Lồng Tồng là một hoạt động tín ngưỡng dân gian truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tại huyện ATK Định Hóa, đã thành truyền thống hằng năm cứ vào đầu tháng Giêng nhân dân các dân tộc trong và ngoài huyện lại hân hoan cùng nhau đi trẩy hội.
Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa đã trở thành một lễ hội truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, đa dạng và phong phú; là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân các dân tộc trong và ngoài huyện.
Nét đẹp bảo tồn và phát huy văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt
Cùng với các hoạt động lễ hội ngày đầu năm thì tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt cũng được tái hiện lại trong những ngày đầu xuân tại Định Hoá – Thái Nguyên.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian mang sắc thái nguyên thủy và có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Nói về nguồn gốc hình thành, một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ Thánh Mẫu có từ thời tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên kết hợp với tín ngưỡng thờ nữ thần rất phát triển trong xã hội mẫu hệ (gọi nữ thần là Mẹ - Mẫu). Qua quá trình tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng thờ mẹ thiên nhiên ban đầu đã hòa cùng các tôn giáo khác để trở thành một tín ngưỡng bản địa riêng có của Việt Nam. Việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người của Đạo Mẫu đã dễ dàng đi vào đời sống dân gian, bắt rễ sâu vào xã hội và đời sống tâm linh của mỗi con người. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.
Tín ngưỡng thờ Mẫu được xây dựng và bảo tồn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta bởi các câu truyện lịch sử cũng như truyền thuyết về các vị anh hùng dân tộc. Tinh thần yêu nước, thương dân ấy được sử sách ghi lại bởi những thần tích, để rồi nhân dân dựa vào đó mà sáng tạo nên các lễ hội, và hình thức diễn xướng “hầu đồng” (hay còn gọi là “hầu bóng”). Niềm tin bất diệt vào sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, niềm tôn kính vô bờ với các vị anh hùng dân tộc (khi sinh là tướng, khi khác hiển thần) đã khiến tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại lâu dài trong đời sống tinh thần của người dân đất Việt.
Lễ hội phản ánh những sinh hoạt, những khát vọng cùng tài năng của nhân dân về nhiều mặt của đời sống; đồng thời, thông qua lễ hội: trí tuệ, đạo lý, tình cảm, khuynh hướng thẩm mỹ của nhân dân được tỏa sáng.
Thiết kế & Concept: Bình An