Hội làng truyền thống của hai xã Thượng Lâm và Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ba năm được tổ chức một lần và diễn ra ngày từ 11 - 13 tháng 2 (âm lịch). Đây là một lễ hội truyền thống đặc biệt.
Theo các bậc cao niên nơi đây kể lại, từ buổi đầu dựng nước Văn Lang, hai tướng Cao Sơn và Quý Minh về Trang Thượng Lâm xây dựng bản doanh tập hợp lực lượng, nhằm ứng phó với giặc bảo vệ đất Phong Châu, trai tráng trong vùng tề tựu theo hai ông đánh giặc đến cùng và lập nên những chiến công hiển hách, được dân thôn tôn làm Thành Hoàng. Đến những năm 40 sau công nguyên, nhân dân Trang Thượng Lâm lại hợp sức đứng dậy dưới cờ tướng soái của Hai Bà Trưng đánh giặc Hán bảo vệ đất Mê Linh. Sự kiện tiêu biểu là năm 42, nhân dân Thượng Lâm theo các nữ tướng Vĩnh Hoa, Chu Tước, Vân Mộng dấy quân lên Châu Trường Sa (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội) tế cờ xung trận đánh giặc Hán. Những dấu tích còn lại lưu truyền: Cửa Vua, Ao Quan, Trại Quan, Nhị Quan, Trũng Đồn, Rừng Huyện, Quán Trúc và các trống đồng Đông Sơn được phát hiện trên đất Thượng Lâm, nay được lưu ở Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam” – (theo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).
Xã Đồng Tâm vốn được thành lập năm 1953 từ việc tách thôn Hoành của xã Thượng Lâm nhập với thôn Đồng Mít của xã Phú Lâm. Hai xã Thượng Lâm và Đồng Tâm tuy hai mà một, tiếp nối truyền thống từ xa xưa lễ hội làng xưa từ đó luân phiên hai xã đăng cai tổ chức ba năm một lần từ ngày 11 – 13/2 âm lịch. Chính nét đẹp thủy chung trước sau như một, lối sống có tâm đức, có đạo lý, có tình nghĩa làm nên sự lớn lao của lễ hội truyền thống Thượng Lâm - Đồng Tâm.
Năm nay xã Thượng Lâm đăng cai tổ chức vẫn trên tinh thần ấy. Như trời đất vào xuân lòng người vào mùa lễ hội truyền thống. Vượt lên trên những toan tính cá nhân về đây con người cộng đồng lớn mạnh hơn tạo ra một nguồn năng lượng giao hòa với trời đất. Trong những ngày diễn ra lễ hội, tiếng trống hội xuân ở nơi đây thúc giục làm cho không khí nhộn nhịp vui tươi, mọi người đến lễ hội ai cũng phấn khởi. Những hình thức sinh hoạt văn hóa đã tạo cho ngày hội ở nơi đây thêm sống động, tạo nên tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng trong nhân dân.
Độc đáo nhất ở Hội làng Thượng Lâm là phần rước kiệu, cả hai xã có 13 kiệu trong đó có 8 kiệu có tượng. Người tham gia rước kiệu là nhũng trai tráng khoẻ mạnh được lựa chọn kỹ càng ở các thôn trong xã. Theo lịch trình của lễ hội, ngày 11 (âm lịch) nhân dân hai xã sẽ rước các vị thần được thờ ở đình làng đi vãn cảnh trên địa bàn của xã mình. Sang ngày 12 (âm lịch), toàn bộ kiệu của xã Thượng Lâm sẽ sang đón các vị thần xã Đồng Tâm sau đó quay về sân vận động xã Thượng Lâm ngự một đêm. Ngày 13 (âm lịch), sau khi Ban tổ chức lễ hội làm lễ bế mạc, các vị thần sẽ chia tay nhau, màn rước kiệu trong ngày cuối cùng luôn mang lại nhiều cảm xúc nhất trong lòng người dân địa phương và khách thập phương.
Cụ Trần Chí Lễ, Hội viên Hội cựu chiến binh Việt Nam ở xã Đồng Tâm khẳng định: “Lễ hội thể hiện lòng tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với các vị anh hùng dân tộc. Trong dịp lễ hội các con tôi dù ai có đi đâu làm gì về đến làng xã thì phát tâm công đức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, về đến gia đình thì ngồi bên nhau ăn bữa cơm xum họp đoàn viên. Việc tâm linh của quê hương là việc chung”.
Có lẽ vì tinh thần đó mà con người Việt Nam biết thương yêu đoàn kết gắn bó với nhau hơn. Khi tham gia vào không khí lễ hội, chiêm bái, chiêm nghiệm để biết mình đang hưởng nhận quả ngọt của lịch sử giữ gìn dựng xây đất nước. Và việc các thế hệ trước truyền dạy, tạo điều kiện và khuyến khích các thế hệ sau tham gia, chiêm bái, chiêm nghiệm cảm nhận lòng tự hào và lòng biết ơn là ta đang tiếp tục gieo nhân thiện lành viết tiếp những trang sử quê hương.
Theo ông Nguyễn Văn Tới, thành viên ban tổ chức lễ hội cho biết, những thành công mắt thấy tai nghe là lượng người tham dự lễ hội ngày càng đông, công đức rất nhiều. Các ban phục vụ lễ hội làm việc nghiêm túc, minh bạch, giàu kinh nghiệm giúp công việc từ chuẩn bị đến tiến hành đều thuận lợi. Thực hành các nghi lễ truyền thống trang trọng giữ gìn được bản sắc văn hóa. Người tham gia rước kiệu nghiêm cẩn mà bình an giữa các hiện tượng tâm linh “kiệu xoay”, “kiệu bay”, trong việc “rước kiệu có tượng”. Lễ hội truyền thống Thượng Lâm - Đồng Tâm cũng được biết đến là lễ hội rước nhiều kiệu thần nhất, điều này cũng tạo nên sức hút cho lễ hội.
Với các trò chơi dân gian lành mạnh và các buổi giao lưu văn nghệ thì hầu hết được các đơn vị cơ sở và bà con nhân dân tự biên tự diễn ngày càng chuyên nghiệp, có chất lượng và thẩm mỹ cao. Với sự chuẩn bị chu đáo, lễ hội truyền thống năm 2023 của hai xã Thượng Lâm, Đồng Tâm đã diễn ra trang trọng, ý nghĩa, thể hiện những nét đẹp trong văn hóa của người Việt, giúp mỗi người dân hướng về cội nguồn dân tộc, gắn chặt tình đoàn kết.
Anh Trần Văn Dung là thành viên trong đội múa rồng của thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm tự hào chia sẻ: Tôi đã phụ vụ lễ hội từ năm 18 tuổi, dù có lúc anh em làm việc ở gần khi lại đi làm xa nhưng đến mùa lễ hội đều về tụ họp lại để tập dượt chuẩn bị cho lễ hội. Về truyền thống lễ hội anh Dung cho biết: “trong gia đình cứ ông kể cho bố kể cho con nối tiếp nhau để hiểu và sẵn sàng tham gia bất kỳ công việc nào có thể để phục vụ lễ hội”.
Nhiều những đóng góp thầm lặng không lời nhưng khó có thể đong đếm hết của những người con ưu tú có tâm đức lớn của hai xã Thượng Lâm và Đồng Tâm thể hiện tầm vóc lớn lao của con người nơi đây. Đoàn kết thống nhất trong tinh thần chung nhưng có sự thi đua và phát huy tối đa sức sáng tạo trong các khâu thực hiện. Một thành công lớn chỉ có thể quan sát thấy bằng cảm nhận của tâm đó là sự lớn mạnh về tầm vóc con người tinh thần, con người tâm linh của lớp lớp các thế hệ nhân dân hai xã Thượng Lâm và Đồng Tâm.