Đăk Hà đánh thức tiềm năng để phát triển

HÀ TIẾN

08/02/2024 14:35

Theo dõi trên

Những năm qua, Huyện ủy - UBND huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã xác định và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, đồng bộ, phù hợp, đánh thức tiềm năng thế mạnh, tạo đột phá để thu hút các nhà đầu tư nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, du lịch, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, xây dựng và quảng bá hình ảnh văn hóa, con người năng động, hiếu khách, thân thiện trọng nghĩa, trọng tình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, mạnh về quốc phòng an ninh.

 

Tận dụng và phát huy tiềm năng

 

Huyện Đăk Hà nằm cách trung tâm TP. Kon Tum khoảng 20km về phía Bắc; phía Tây giáp huyện Sa Thầy; phía Bắc giáp huyện Đăk Tô, phía Đông giáp huyện Kon Rẫy. Đăk Hà được xem là "thủ phủ" của cây cà phê tại tỉnh Kon Tum, và là một trong các thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam trên thị trường cà phê quốc tế (cà phê Đăk Hà). Huyện nằm trong lưu vực sông Pô Kô, nơi có công trình thuỷ điện PleiKrông; có rừng đặc dụng Đăk Uy với diện tích 659,5 ha và nhiều hồ chứa nước ngọt là điều kiện để hình thành và phát triển du lịch sinh thái của địa phương. Huyện có 2 di tích lịch sử được Tỉnh công nhận là Khu căn cứ kháng chiến Đăk Ui-Đăk Pxi và Điểm cao 601.

1-dong-chi-ha-tien-chu-tich-huyen-dak-ha-tham-tang-qua-cho-ba-con-dia-phupowng-1707376697.jpg
Cán bộ huyện Đăk Hà thăm, tặng quà cho bà con địa phương

Tận dụng diện tích, chuyển đổi cây trồng vật nuôi nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một thửa đất, trong đó vẫn ưu tiên cây công nghiệp dài ngày như cà phê, sầu riêng, cao su, hồ tiêu, bời lời…cùng với đó huyện chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh hàng hóa, thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh nghề nông thôn, gắn với phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của cac hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng tạo nghề cho lao động nông thôn…Đây thực sự là những bước đi bền vững, là yếu tố hấp dẫn, thu hút hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các ngành, thành phần kinh tế - du lịch, là lợi thế quan trọng để phát triển giao thương, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.

3-nguoi-dan-dak-ha-thu-hoach-ca-phe-1707376738.jpg
Niềm vui của người dân Đăk Hà khi được mùa, được giá cà phê

Năm 2023, kinh tế - xã hội của huyện Đăk Hà tiếp tục ổn định và phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, thương mại và dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ: Tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt hơn là 6.000 tỷ đồng, đạt 100,5% so với kế hoạch; cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 52,4 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm xuống dưới 4,3%. Đến nay đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; xã Hà Mòn và xã Đăk Mar đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và đạt 2/3 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; 7/11 xã, thị trấn có 19 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCCOP; triển khai các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, phát triển sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm khép kín. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình chính sách được quan tâm, các đối tượng chính sách được hưởng trợ cấp kịp thời và đúng chế độ, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có đất ở đạt trên 99,8% và trên 98,7% số hộ có đất sản xuất. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện ổn định.

5-1707377368.JPG
Một góc thị trấn Đăk Hà hôm nay

Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, huyện Đăk Hà luôn đặt chỉ tiêu phát triển mới doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển ổn định. Vượt qua khó khăn, từ đầu năm đến nay huyện đã khuyến khíc thành lập các doanh nghiệp mới. Toàn huyện hiện có khoảng 150 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trong các lĩnh vực: xây dựng, nông-lâm nghiệp, chế biến. Các dự án đầu tư trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế lớn của địa phương như: nông-lâm- công  nghiệp, năng lượng, du lịch.

1-dh-ntm-1707376738.jpg
Niềm vui khi xã đạt chuẩn " Nông thôn mới"

Nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến, kêu gọi đầu tư UBND huyện đã cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi khảo sát, đề xuất dự án; giới thiệu quỹ đất, hỗ trợ thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng... tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật và quy định về ưu đãi đầu tư của tỉnh. Mặt khác, huyện chú trọng đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính; công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đấu thầu... để doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận. Tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo hướng phấn đấu giảm 30-70% thời gian thực hiện so với quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cũng như tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của cơ quan nhà nước.

Thu hút đầu tư, phát triển du lịch

Để cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đăk Hà lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh giai đoạn 2021-2025, trong đó có 2 mục tiêu đột phá là ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp và phát triển du lịch.

3dh-1707376738.jpg
Đoàn viên thanh niên Đăk Hà chung sức xây dựng NTM

Theo Quyết định số 2162/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, UBND huyện Đăk Hà đã có kế hoạch số 258/KH-UBND ngày 09/11/2022 về phát triển du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, công nhận thêm 01 Khu di tích lịch sử cấp tỉnh (Đập Mùa Xuân). Tập trung tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, trùng tu Di tích lịch sử cách mạng Điểm cao 601.

Tập trung nguồn lực và có cơ chế huy động nguồn lực để triển khai các dự án về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng điểm của huyện. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu Làng du lịch văn hóa cộng đồng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà. Phối hợp thu hút đầu tư kinh doanh Khu du lịch Rừng Đặc dụng Đăk Uy theo hướng cho thuê rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, safari và nghiên cứu khoa học rừng đặc dụng theo quy định. Thu hút doanh nghiệp đến khai thác, quản lý sử dụng diện tích đất khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông; xây dựng một số mô hình du lịch cộng đồng (homestay) gắn với khai thác các hoạt động giải trí tại lòng hồ thủy điện PleiKrông. Thu hút và giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho khoảng 500 lao động thường xuyên trong ngành du lịch.

1-dh-sr-1707376738.jpg
Hiệu quả từ mô hình sầu riêng, hướng đi mới ở Đăk Hà

Đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ cơ bản phục vụ khách du lịch (Du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu trải nghiệm, du lịch văn hóa lễ hội, ẩm thực dân gian…) với chất lượng và mạng lưới quy mô liên kết tốt hơn.Phấn đấu đón lượng khách nội, ngoại địa đến tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm du lịch tại địa phương đạt từ 20.000 - 30.000 khách/năm.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND huyện đề ra một số giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với việc phát triển du lịch của địa phương; rà soát lại công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên lĩnh vực du lịch; nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực du lịch; huy động các nguồn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ du lịch; nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch, ưu tiên sản phẩm du lịch đặc trưng, có bản sắc riêng.

3-1-1707377368.JPG
Đăk Hà luôn tôn tạo, sửa chữa, những khu di tích lịch sử, tượng đài, chứng tích chiến tranh để giáo dục thế hệ trẻ lòng biết ơn

Với phương châm “Phải bắt đầu từ việc dễ đến việc khó”, trong lúc chờ đợi các nhà đầu tư đến để góp phần xây dựng hạ tầng du lịch thì Đảng ủy – UBND huyện đã xác định nhiều giải pháp phù hợp nhằm phát huy được lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng, tôn tạo các di sản để tạo ra một điểm nhấn hấp dẫn có một không hai để thu hút khách. Khi khinh tế phát triển, du lịch hấp dẫn lượng khách tăng lên, thì chắc chăn các nhà đầu tư sẽ tìm đến với Đăk Hà ngày một nhiều hơn.

 

Có thể nói, những năm gần đây, nhờ tận dụng “ thiên thời địa lợi” với những chủ trương, giải pháp sát đúng, đầu tư phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch nông thôn, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, kết nối giữa ngành du lịch và giáo dục để đẩy mạnh du lịch trải nghiệm, tạo nguồn khách ổn định cho các điểm du lịch nông nghiệp, nên thu nhập của người dân nói chung, bà con đồng bào vùng dân tộc thiểu số nói riêng tăng đáng kể.

1-dulich-kon-tum-1707377368.jpg
Tiếng cồng chiêng luôn vang giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ

Một Đăk Hà ở cửa ngõ phía Bắc thành phố Kon Tum đang phát triển, xanh, sạch, đẹp, hấp dẫn và mời gọi…

 

      HÀ TIẾN - CHỦ TỊCH UBND HUYỆN ĐĂK HÀ

 

Bạn đang đọc bài viết "Đăk Hà đánh thức tiềm năng để phát triển" tại chuyên mục Đời sống và phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn