Dáng mẹ

Nó nghĩ học hành chỉ cần bình bình là được rồi không cần phải là thủ khoa hay là học sinh xuất sắc gì cả, cứ đi chơi thoải mái cho bõ những ngày tháng sinh viên đi đã, lo nghĩ mà làm gì nhiều, mọi việc tính sau…
1-dang-me-1632447277.jpg
 

Vừa về đến phòng trọ là nó lăn ra giường nằm nghỉ sau một chuyến đi chơi dài với chúng bạn ở Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu… đầy mệt mỏi, uể oải đến rã rời cả thân mình nhưng mà vui, náo nhiệt. Trong những chuyến đi chơi ấy nó là một hoa khôi của nhóm nên được nhiều vệ tinh vây quanh săn đón, chăm sóc trước ánh mắt ghen tị của mấy đứa bạn gái. Nó hiểu lợi thế của mình nên rất thích thú và lấy làm tự hào lắm. Nó đỏng đảnh, nũng nịu và còn làm cao nữa “Có việc cỏn con ấy mà cũng phải nhờ” rồi phủi tay trước những lời nhờ cậy của bạn bè.

Khi thấy các bạn ngoài giờ học còn phải đi làm thêm gia sư, phụ bàn, đạp xích lô, phụ hồ... để trang trải cuộc sống nhằm bớt đi phần nào những khó khăn trên đôi vai tảo tần của những bậc sinh thành thì nó bữu môi “trẻ không chơi đốt đời tuổi trẻ” rồi cuốn theo những chuyến đi chơi thâu đêm suốt sáng hơn là ngồi trên ghế giảng đường.

 Nó vừa ngắm nghía bộ trang điểm “xịn” mà bạn trai tặng trong một chuyến đi chơi vừa xem ti vi vừa cất tiếng hát nho nhỏ, thầm khen đứa bạn trai xứ hà thành ga lăng, tâm lí, chỉ cần nói ý bóng gió đã hiểu được mong muốn của bạn gái.

Nó nghĩ đi chơi vừa được tự do lại vừa có quà thiệt là sướng, vì thế trong tủ của nó chất đống những món quà đắt tiền mà nhìn vào bọn bạn nó cũng phải thèm muốn khát khao được như nó: này là bộ đầm hồng có viền trắng quanh cổ của Pháp, này là chiếc bóp trắng được làm bằng da cá sấu giá bạc triệu, này là đôi giầy đen chính gốc Italia…mà mỗi khi diện vào nó thấy mình thật sành điệu trước những cặp mắt ghen tị của lũ bạn.

Nó nghĩ học hành chỉ cần bình bình là được rồi không cần phải là thủ khoa hay là học sinh xuất sắc gì cả, cứ đi chơi thoải mái cho bõ những ngày tháng sinh viên đi đã, lo nghĩ mà làm gì nhiều, mọi việc tính sau…

Thời gian đầu nó còn rụt rè, e ngại và mắc cỡ trước lời mời mọc của đám bạn chốn thị thành. Bạn bè rủ rê riết khiến nó siêu lòng, sau thành quen. Dường như đi chơi là nhu cầu, là thú vui không thể thiếu đối với nó, đã ngấm vào máu thịt thành niềm đam mê đến nỗi suýt bị đình chỉ thi vì nợ nhiều môn.

Để phục vụ cho nhu cầu “giải trí”- như lời nó nói, nó thường xuyên gọi điện, gửi lời nhắn về bảo mẹ gửi tiền lên. Đôi lúc xoay không kịp, mẹ chưa thể gửi lên là nó gọi điện về thúc giục, giận dỗi khiến mẹ cuống cả lên…

***

Nó lơ đãng nhìn lên màn hình ti vi đang chiếu chương trình thời sự VTV1. Chợt nó giật sững người, một luồng khí lạnh toát chạy dọc sống lưng, tay buông rơi hộp trang điểm, dán mắt vào màn hình ti vi như thôi miên, không thể tin vào mắt mình, tiếng hát ngừng bặt, miệng lắp bắp thốt không thành tiếng “Ai như… mẹ mình, mẹ mình được lên ti vi…”. Nó dụi mắt xem có phải mình nhìn nhầm không? Nó ngạc nhiên đến sững sờ “ Đúng là mẹ rồi, cái dáng cao gầy trong bộ quần áo công nhân bạc màu nắng với gương mặt dài, lưỡng tuyền nhô cao cùng cái nốt ruồi đen giữa trán… thì không thể nhầm lẫn vào đâu được… Họ còn phỏng vấn mẹ nữa chứ… nhưng tai nó ù đi… Không biết tự lúc nào những giọt nước mắt lăn dài trên má…

Kí ức ngày thơ chợt ùa về trong tâm trí. Ngày ấy, dẫu cuộc sống còn khó khăn nhưng cha mẹ vẫn cố gắng tạo mọi điều kiện cho chị em nó đi học. Hằng ngày cha đi hớt tóc dạo khắp làng trên xóm dưới bất kể là nắng hay mưa. Những đường tông đơ, đường kéo “lụa” của cha đã tạo rất nhiều kiểu tóc đẹp, mới lạ góp phần tôn thêm vẻ đẹp của mỗi mái đầu, điều đó đã cuốn hút và tạo niềm tin tưởng nơi khách hàng, có người chỉ giao mái đầu mình cho cha hớt tóc chứ không hớt tóc ở nơi khác dù tóc có rậm đến cỡ nào “cái răng cái tóc là góc con người” ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm như thế cơ mà, vì thế mà họ chỉ tin ở những người đem lại vẻ đẹp cho bản thân mình. Cha là người được họ đặt trọn niềm tin mà người ta thường gọi là “mối ruột”, cha hớt tóc đẹp và giá cả lại phải chăng nên hôm nào cũng đến tối mịt mới về đến nhà, nhất là vào dịp tết. Rồi cha bị tai nạn phải nằm liệt giường trong một lần đi hớt tóc dạo, thiếu người trụ cột trong gia đình gánh nặng cuộc sống oằn đôi vai mẹ.

 Hằng ngày mẹ đi làm cỏ, gánh lúa thuê mỗi khi vào vụ mùa. Nhìn đống lúa chất đầy đôi quanh gánh nặng oằn vai đổ dài dưới cái nắng tháng sáu trên bờ vùng bờ thưở của mẹ khiến lòng nó thắt lại. Hết mùa cũng là tiết nông nhàn của người nông dân một nắng hai sương nhưng mẹ không ngơi nghỉ. Với đôi quang gánh của mình mẹ lại tất tả đi gánh gạch, gánh than thuê trên bến Tịnh Xuyên.

Chẳng lâu sau, bến Tịnh Xuyên bị giải toả để làm cầu, việc gánh than, gánh gạch không còn nữa, mẹ xoay sang đi buôn rau, quả, ở làng Đồng Thanh. Đôi quang gánh của mẹ lại rảo khắp đồng làng, vườn quê với tiếng rao lanh lảnh “ai bán rau, quả… ơ, ai bán rau, quả… ơ” để mua rau quả của bà con nông dân.

Để có được những gánh rau, quả đó mẹ phải quẩy quang gánh đi hái từ chiều ngày hôm trước rồi gánh về nhà phân thành từng mớ rau để sáng hôm sau gánh lên chợ huyện bán sớm. Thỉnh thoảng được mẹ cho đi mua rau quả cùng nó vui lắm bắt chước mẹ rướn cổ cất tiếng rao “ai bán rau, quả ...ơ” cái giọng rao của nó ngập ngừng, rụt rè như con chim chập chững học bay rơi tõm xuống mặt đường trước mặt chẳng vang được xa khiến nó muốn hụt hơi sau mỗi lần rao.

Khi đôi quang gánh đầy rau quả nó đòi gánh rau giúp mẹ để thử sức mình. Chiếc đòn gánh oằn cong khiến lưng nó cũng oằn theo một lúc mới thẳng đứng lên được. Về đến nhà, đặt gánh rau xuống sân vai, lưng nó ê ẩm đau, mỏi nhừ. Lúc đó nó mới hiểu nỗi cực nhọc, vất vả của mẹ.

Được gánh rau giúp mẹ nó vui lắm, vừa gánh rau vừa tíu tít kể chuyện trường lớp cho mẹ nghe để rồi tiếng cười rộn rã của hai mẹ con xua tan đi nỗi nhọc nhằn đang đe nặng trên vai trong ánh chiều vàng suộm. Nhưng những chuyến quẩy quang gánh đi với mẹ rất hiếm vì mẹ bắt nó tập trung vào việc học “Mỗi người, để cuộc sống của mình có ý nghĩa không có con đường nào khác là phải học thật giỏi con ạ. Chỉ có học thật giỏi con mới chiếm lĩnh được tri thức của nhân loại mà tri thức là chìa khoá vạn năng mở cánh cửa tương lai của con…”.

Nó ghi nhớ tạc lòng lời dặn dò của mẹ mà cố gắng vươn lên trong học tập để rồi năm nào nó cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc của trường từ những năm cấp một đến hết phổ thông trung học…

***

Mẹ nó đấy. Những bước chân vội vã của mẹ đang rảo bước gánh hàng thuê ở Chợ Long Biên hòng gánh được nhiều hàng hơn, gánh được nhiều hàng thì số tiền kiếm được cũng nhiều hơn và nó cũng sẽ nhận được nhiều tiền hơn để mà đáp ứng những cuộc vui của mình. Chợ Long Biên về khuya càng nhộn nhịp bước chân của những người gánh hàng thuê như mẹ nó. Họ xếp thành hàng đứng chờ trước các xe chở hàng để gánh hàng thuê. Giá nhân công mà mẹ nó được trả tuỳ vào khối lượng hàng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng, nhiều khi bị người ta ép giá trả rẻ mạt cũng phải gánh thuê, có người thuê là tốt rồi, rẻ còn hơn là không có người thuê.

Mẹ nó đấy. Mẹ nó cùng với mấy người cùng cảnh ngộ hùn nhau vào thuê một phòng trọ ở chung để tiết kiệm tiền trong xóm trọ nghèo. Bữa ăn hàng ngày của mẹ là cơm bụi vỉa hè chỉ tám ngàn đến mười ngàn đồng một phần, nhiều khi muốn ăn thêm hay ăn sang hơn một tí mẹ cũng không dám ăn vì còn phải để dành tiền gửi về quê và gửi cho nó ăn học. Vậy mà nó ở phòng trọ riêng, trong phòng có ti vi, máy nghe nhạc,… ăn thì ăn những món ngon, những món “tầm thường” nó chỉ chấm đũa cho qua…

Mẹ nó đấy. Mẹ nó với đôi quanh gánh đang ngồi dưới chân cầu Long Biên, lối đi vào chợ Long Biên chờ người thuê gánh. Bàn tay gầy rám nắng mân mê đòn gánh theo thời gian đã bóng màu nâu mỡ, đôi mắt thâm quầng, trũng sâu vì thiếu ngủ đang dõi theo những chuyến xe ô tô vào ra, dõi theo những người ra vào chợ và cất tiếng rao “ai thuê gánh…không?”. Tiếng rao mời khắc khoải…

Ống kính phóng viên quay những người phụ nữ xếp thành hàng dài chờ đến lượt mình gánh hàng, quay những đôi dép lào đang vội vã, tất tả gánh hàng dưới ánh đèn cao áp mờ đục. Nhìn cái dáng khắc khổ, bước chân vội vã, oằn vai vì gánh hàng nặng trên đôi vai gầy của mẹ, nó nấc lên từng tiếng nghẹn ngào.

Nó thương mẹ và ân hận lắm. Nó tự xỉ vả mình là một đứa con hư, một đứa con vô tâm, một đứa con ích kỉ trước tình yêu thương bao la và sự hy sinh vô bờ của  mẹ.

Nó ôm mặt khóc, suy nghĩ về những việc sai trái đã mắc phải mà ăn năn tội mình…

Mấy ngày hôm nay, khu nhà trọ sinh viên ai cũng ngạc nhiên khi thấy nó không còn xúng sính trong những bộ trang phục sành điệu, trang điểm phấn son loè loẹt nữa. Họ cũng chẳng thấy nó tụ tập đàn đúm vui chơi với những đứa bạn “thích đi chơi” hơn “đi học” nữa.

Thay vào đó là bộ trang phục gọn gàng, đi trên chiếc xe đạp mi ni màu mận chín đến quán Chiều Tím phụ bán cà phê, rửa bát thuê...