Dâng tiếng lòng, tre ơi

Nhà văn Trịnh Đình Nghi

15/12/2021 18:11

Theo dõi trên
luy-tre1-1639566458.jpg
Cây tre đã đi vào văn hóa Việt. Ảnh: Internet

 

Tôi sinh ra và lớn lên trong lũy tre làng. Làng tôi thuần nông, phía ngoài lũy là cánh đồng bao bọc. Trước đây xung quanh làng là lũy tre xanh bao bọc, đứng từ xa nhìn về làng chỉ thấy màu xanh của lũy tre chứ không thấy nhà cửa đâu. Trong lũy tre chứa đựng, trầm tích tất thảy cuộc sống, sinh hoạt, văn hoá... của bao đời.

Có lẽ rất hiếm có loại cây nào lại thân thuộc và phân bố đều khắp trên dải đất hình chữ S này như tre. Vùng đồng bằng thì làng quê nào cũng được bao bọc bởi lũy tre. Mở đầu bài thuyết minh cho phim “Cây tre Việt Nam” của điện ảnh Cu Ba, nhà văn Thép Mới đã viết: “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa...”.

Lũy tre làng gắn bó suốt thời thơ ấu của tôi. Hầu như mọi kỷ niệm vui buồn đều có bóng dáng của tre, từ việc quét lá tre, đi bóc những cái mo nang tre để đun nấu khi rạ rơm đã hết. Những cánh diều tuổi thơ cũng từ tre, trưa hè mắc võng bờ tre hay những nắm que tre đánh chuyền đánh chắt.... Những người sinh ra lớn lên từ làng thuộc thế hệ tôi trở về trước ít có ai lại không một lần chân dẫm gai tre. Gai tre lành, dẫm phải thì cúi xuống rút gai ra vứt vào bụi rồi đi tiếp nhưng mai là hết đau, chẳng nhiễm trùng sưng tấy gì.

Nói về cây tre Việt Nam chắc khó có ai viết hay, viết đầy đủ và nhiều cảm xúc như nhà văn Thép Mới. Đã có lúc tôi nghĩ, nếu ai đó có ý định viết về tre mà đọc bài “Cây tre” của ông thì rất có thể bỏ luôn ý định.

tre-oi-1639566458.jpg
Lũy tre làng gắn bó suốt thời thơ ấu của tôi. Ảnh: NVCC

Sinh ra từ làng, lớn lên sau lũy tre làng. Vậy mà tôi cũng chỉ biết có vài loại tre. Năm trước vào thăm khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” tôi được nhà thơ Văn Công Hùng giới thiệu cho biết có đến gần 200 trăm loại tre được hội tụ ở khu du lịch này. Có nhiều những loại tre tôi chưa từng nghe tên, chưa từng biết đến. Dù nhiều như thế, nhưng những loại tre phổ biến và thân thuộc với người Việt cũng chỉ vài ba loại như vẫn hiện diện ở các làng quê.

Tre gắn liền với cuộc sống con người Việt Nam như một phần tất yếu không thể thiếu, không thể tách rời. Từ việc dựng nhà dựng cửa, cho đến những công cụ lao động như bắp cày, tay bừa, cán cào cán cuốc... và tất cả những đồ sinh hoạt như: cối xay, thúng mủng dần sàng, nong nia, rổ rá... Suốt một đời người nông dân gắn bó với tre. Niềm vui con trẻ “chơi chuyền đánh chắt bằng những que tre”, tuổi già chiêm nghiệm suy tư “Với chiếc điếu cày tre là khoan khoái, nghĩ đến mùa trước nghĩ đến mùa sau hay nghĩ đến một ngày mai sẽ khác”. Đời người “Cất tiếng chào đời nằm trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay nằm trên chiếc giường tre...”

luy-tre-1639566458.jpg
“Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam / Bão táp, mưa sa đứng thẳng hàng”, thơ Viễn Phương. Ảnh: Internet

Với văn học nghệ thuật thì hình ảnh làng quê, hình ảnh lũy tre làng là một nguồn cảm hứng vô tận để cho ra đời những tác phẩm làm nên tên tuổi tác giả và giá trị nghệ thuật để đời. Thật thú vị khi trong nền âm nhạc Việt Nam có đến 3 nhạc sỹ nổi tiếng là Văn Cao, Hồ Bắc, Trung Quân cùng có tác phẩm bất hủ trùng tên là bài hát “Làng tôi” cả 3 bài đều mang hình ảnh làng quê với lũy tre.

Hình ảnh làng quê với lũy tre làng luôn ngự trị trong ký ức, tình cảm, tâm hồn mỗi con người, nói đến làng quê là nói đến lũy tre, nói đến tre xanh là nhớ đến làng. Cây tre có nghĩa có tình, thuỷ chung gắn bó “tre giữ làng giữ xóm, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín, tre hy sinh để bảo vệ con người”.

Nhà thơ Tế Hanh là người miền nam tập kết ra Bắc, khi nhớ về quê hương làng xóm của mình ông đã viết những câu thơ về hình ảnh cây tre, hình ảnh quê mình trong một nỗi lòng da diết nhớ: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre... Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu/Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy” (Nhớ con sông quê hương).

 Bài thơ “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy là một thi phẩm bất hủ trong thi ca Việt Nam. “Tre Việt Nam” đã khắc họa một cách cực kỳ tinh tế và đầy đủ về cây tre như là khắc họa về cuộc sống, về tính cách, phẩm chất... của con người Việt Nam, dáng vóc Việt Nam. “Thân gầy guộc lá mong manh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi”. Ngoài ý tứ về hình ảnh cây tre, hình ảnh lũy tre bao bọc xóm làng... còn là ý tứ sâu sa mang nặng nỗi niềm về một cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm “bi thương” trên quê hương Xứ Thanh của mình, đó là cuộc khởi nghĩa Ba Đình của lãnh binh Đinh Công Tráng. Với việc dựng thành đắp lũy bằng tre, trồng tre thành lũy xung quanh 3 ngôi làng để chống giặc.

Rất nhiều, rất nhiều những tác phẩm văn học nghệ thuật về tre được sáng tác qua biết bao thế hệ, khó có thể kể ra hết được. Trong thời đại công nghệ ngày nay, dù tre đã không còn “trọng yếu” với cuộc sống lao động, sinh hoạt của người Việt, dù những lũy tre làng đã dần mất đi, nhưng tre vẫn mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Gần đây, họa sỹ Trung Nghĩa và bạn bè đã có nhiều thể nghiệm sáng tạo nghệ thuật về tre và năm 2020 anh đã có cuộc triển lãm nghệ thuật sắp đặt tại Tp Hồ Chí Minh với chủ đề “Nát giỏ còn tre”. Cuộc triển lãm về tre độc đáo, mới lạ đã gây được sự chú ý rất nhiều của công chúng. Từ triển lãm, những tác phẩm nghệ thuật bằng tre đã được đưa ra ứng dụng vào các công trình du lịch, công trình xây dựng...

Trong kiến trúc xây dựng, rất nhiều kiến trúc sư đã chọn tre làm nguồn cảm hứng thiết kế những công trình xây dựng mang đậm chất nghệ thuật. Những công trình xây dựng bằng tre tiêu biểu mang dấu ấn kiến trúc bằng tre như: “Quán cà phê Gió & Nước” ở Bình Dương; Quán cà phê tre ở Tp Kon Tum; Nhà hàng Bamboo Wing ở khu nghỉ dưỡng Đại Lải, nhà tre ở Sài Gòn...

KTS. Võ Trọng Nghĩa là người tiên phong, cũng là người thiết kế nhiều công trình bằng tre nổi tiếng thế giới, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật như: công trình “những nấc thang tre” trưng bày tại Úc. Cùng hàng loạt các công trình xây dựng bằng tre trên khắp cả nước và nước ngoài. KTS. Võ Trọng Nghĩa là người giành được rất nhiều giải thưởng Quốc tế cho các công trình thiết kế xây dựng bằng tre Việt Nam.

Xã hội phát triển, công nghệ và vật vật liệu mới đã thỏa mãn nhu cầu cuộc sống của con người. Nhưng không vì thế mà tre mất đi giá trị và hữu ích đối với cuộc sống hiện đại, nhất là một môi trường sống xanh, sạch, an lành...

Và, dù những lũy tre làng có dần mất đi thì hình ảnh thân thuộc và đẹp đẽ, vóc dáng thanh cao, kiên cường, bất khuất, sức sống mãnh liệt... của cây tre Việt Nam vẫn luôn còn mãi. Viết về tre chẳng bao giờ hết được

Bạn đang đọc bài viết "Dâng tiếng lòng, tre ơi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn