Danh tích "Hải Triều" ở đâu ?

(Giải mã bài thơ HẢI TRIỀU HOÀI CỔ của Nguyễn Trung Ngạn)

b1vbluca-1698460799.jpg

Tác giả (ngoài cùng bên trái) cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà sử học Dương Trung Quốc và GS Trương Sĩ Hùng bên hành lang hội thảo khoa học lịch sử. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

HẢI TRIỀU HOÀI CỔ

Ca lâu vũ tạ bán hoang lương,

Tiền nhật phồn hoa nhất mộng trường.

Đình thảo phương xuân tùy ý lực,

Viện hoa vô chủ vị thùy hương.

Họa đường thiềm ảnh thùy hoàn vũ,

Tiêu tự chung thanh tống tịch dương.

Duy hữu điều canh phong vị tại,

Lão mai y cựu nhiễu nam tường.

Dịch nghĩa:

ĐẾN HẢI TRIỀU NHỚ CHUYỆN XƯA

Lầu ca đài múa một nửa đã hoang lạnh,

Cảnh phù hoa trước đây, nay đã thành một giấc mộng dài.

Cỏ trước sân đang tiết xuân cứ thỏa ý xanh tốt,

Hoa trong vườn không có chủ, vì ai mà thơm hương.

Dưới bóng mái hiên ngôi nhà chạm vẽ, mưa lạnh buông rơi,

Tiếng chuông chùa văng vẳng tiễn bóng chiều tà.

Duy chỉ có phong vị “điều canh” là còn,

Gốc mai già vẫn như xưa, bao quanh bức tường phía nam.

Dịch thơ:

Lầu ca đài múa hoang tàn,

Phù hoa như giấc mộng vàng huyễn hư.

Sân nhà cỏ biếc vô tư

Hoa thơm vô chủ, bây chừ cho ai?

Hiên nhà lạnh giọt mưa dai,

Chuông chiều tiễn ánh dương ngoài chân mây.

“Điều canh” còn đọng nơi đây,

Mai già vẫn đó, phủ đầy tường nam.

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Lầu ai đài múa, nửa hoang lương,

Ngày trước phồn hoa, nay gió sương.

Sân cỏ gặp xuân xanh rậm rạp,

Hoa vườn vô chủ, lạc mùi hương.

Dưới hiên nhà cũ mưa càng lạnh,

Tiễn bóng chiều đi, một tiếng chuông.

Riêng vị “điều canh” ta vẫn nhớ,

Mai già chốn cũ quấn ngang tường.

(TRẦN ĐĂNG THAO dịch)

Không có chú thích về xuất xứ của bài thơ, cho nên cũng không rõ cái di tích Hải Triều là ở bên Tàu hay bên ta. Các nhà nghiên cứu từ xưa tới nay, cũng chẳng thấy ai nói gì về danh tích Hải Triều. Không biết thì cứ lơ đi là xong.

Chỉ biết rằng đây là một di tích phủ đệ của một viên quan rất to nào đó, một vị quý tộc từng có quá khứ rất hiển vinh nào đó, không rõ là ở đời nào, nay đã trở thành hoang phế.

Thì đây:

Lầu ca, đài múa, bây giờ một nửa đã hoang lạnh,

Cảnh phù hoa trước đây, thành một giấc mộng dài.

Đấy là quang cảnh khái quát về cái phủ đệ nay đang trong cảnh hoang tàn, vắng vẻ, quạnh hiu. Cái cảnh lầu ca đài múa một thời phồn hoa sênh sang đài các, nay chỉ còn là một giấc mộng phù sinh, buồn bã. Thời thế đổi thay, chủ nhà xưa đâu tá?

Cảnh tiêu điều hoang lạnh ở ngôi đình xưa hoa lệ, giờ đã thêm hoang tàn, được chấm phá thêm ở vài ba chi tiết nữa. Ví như trước sân nhà, không có ai quét dọn, cho nên cỏ non cứ tha hồ vô tư mà xanh biếc lên trong tiết xuân ấm áp. Và kia, hoa trong vườn vẫn hồn nhiên, “tự nhiên nhi nhiên”, cứ việc vô tư mà nở, mà tươi cười với gió xuân thôi, chứ có vì chủ nhân, vì ai mà hoa đua nhau nở thắm đâu? Chỉ thấy dưới mái hiên ngôi nhà được chạm vẽ cầu kỳ, mưa lạnh lặng lẽ rơi từng giọt. Buồn ơi là buồn. Lại thêm tiếng chuông chùa bất chợt từ đâu vẳng tới, như để tiễn bóng chiều tà.

Tuy nhiên, vẫn còn có một chút hương xưa lưu lại nơi đây, đó chính là cái phong vị “điều canh” của chủ nhân ngôi nhà này. Và cả cái gốc mai già kia nữa, cành lá vẫn xanh um phủ lên bức tường phía nam.

“Điều canh” là gì vậy? Đấy chính là câu nói của vua Cao Tông nhà Thương (Ân) nói với Tể Tướng Phó Duyệt. Vua Cao Tông ca ngợi tài đức của Phó Duyệt, khi giao cho ông chức vụ Tể Tướng, quản trị và điều hành Chính phủ.

Cứ để tâm để trí ngẫm xem tình ý của bài thơ, đủ biết, Hải Triều thuộc Xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, nay là thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ở đây hiện có đền thờ Trần Quốc Chẩn, trên nền đất dinh thự cũ của quan Thái Tể Thượng Phụ Trần Quốc Chẩn.

Trần Quốc Chẩn là con thứ của vua Trần Nhân Tông, em trai vua Trần Anh Tông, cha vợ đồng thời là chú ruột vua Minh Tông Trần Mạnh.

Ở triều vua Trần Anh Tông, Trần Quốc Chẩn được phong chức “Nhập nội Bình chương sự”, tức Tể Tướng! Ông là danh tướng từng đem quân chinh phạt Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi phương Nam. Trần Quốc Chẩn từng nhận di chiếu của anh trai mình là vua Trần Anh Tông, giúp rập Minh Tông lên ngôi kế vị. Ông là trụ cột vững chắc của triều đình. Công lao của ông chẳng khác gì Chu Công Đán, Tể Tướng Phụ chính ở đời Chu Vũ Vương, rồi Chu Thành Vương.

Nhưng vụ án oan vô cùng thảm khốc, do đám “lợi ích nhóm” Trần Khắc Chung (Đỗ Khắc Chung) và Văn Hiến Hầu vì ham danh lợi bày đặt ra, khiến vua trẻ Trần Minh Tông vì quá nông nổi, đã quyết định bắt cha vợ mình là quan Thái Tể Thượng Phụ Trần Quốc Chẩn phải chết trong uất ức, không sao nhắm mắt được. Gia tộc Trần Quốc Chẩn, do vậy, cũng tan nát theo. Mãi 6 năm sau, vụ án oan thảm khốc kia mới được sáng tỏ.

Thời thế đã đổi thay, dinh thự của quan Tể Tướng giờ đã điêu tàn, hoang lạnh. Nhưng dấu ấn chính tích của ngài vẫn còn lưu lại tiếng thơm muôn thủa với nước non!

Âm điệu thơ trầm buồn, biểu hiện một nỗi buồn thăm thẳm.

Sách ẢNH HƯỞNG HÁN VĂN LÝ-TRẦN do GS Nguyễn Tài Cẩn biên soạn chú thích rằng “Hải Triều, ở huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, xưa thuộc Sơn Nam, nay thuộc Thái Bình”.

Chúng tôi cho rằng chú thích như vậy là không phù hợp với nội dung bài thơ của Nguyễn Trung Ngạn. Huyện Hưng Nhân (cũ) của Thái Bình, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cũng có địa danh Hải Triều, ở đoạn sông vào thời Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông sai tướng Trần Khát Chân đem quân mai phục bên sông, bắn phá chiến thuyền của Chế Bồng Nga, giết chết vua Chiêm ở đoạn sông này. Nhưng ở đây không có câu chuyện liên quan đến nhân vật trữ tình từng làm Tể Tướng như trong bài thơ HẢI TRIỀU HOÀI CỔ của Nguyễn Trung Ngạn.

V.B.L