
Người dân ngồi đợi làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cừa huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.
Khái niệm văn hóa công vụ
Văn hóa là tập hợp các giá trị, niềm tin, chuẩn mực, truyền thống, nghệ thuật và các hình thức hành vi mà một cộng đồng hay xã hội hình thành và phát triển qua thời gian. Nó bao gồm:
Giá trị tinh thần: Những quan niệm, tín ngưỡng, niềm tin và đạo đức được cộng đồng chia sẻ và trân trọng.
Tập quán và truyền thống: Các phong tục, lễ hội, tập tục, cách ứng xử, lối sống được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nghệ thuật và tri thức: Các hình thức sáng tạo như âm nhạc, hội họa, văn học, kiến trúc cũng như các tri thức, phong cách sống đặc trưng của xã hội đó.
Công vụ là các hoạt động hành chính, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, cán bộ công chức, viên chức trong việc quản lý, điều hành, và thực hiện các chính sách của Nhà nước nhằm phục vụ lợi ích chung của xã hội và người dân. Cụ thể, công vụ bao gồm:
Quản lý hành chính: Thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức, điều hành công việc hành chính nhà nước.
Thực thi pháp luật: Áp dụng và thực hiện các quy định của pháp luật trong quá trình làm việc.
Dịch vụ công: Cung cấp các dịch vụ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Giám sát và kiểm soát: Đảm bảo hoạt động của bộ máy hành chính được tiến hành minh bạch, hiệu quả và đúng quy định pháp luật.
Do vậy, văn hóa công vụ là tập hợp các giá trị, chuẩn mực, quy tắc và hành vi ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước.
Văn hóa công vụ là hệ thống các giá trị, chuẩn mực của một nền công vụ, được cán bộ, công chức tôn trọng và chia sẻ, thực hành trong hoạt động công vụ, xác lập niềm tin, đạo đức, nếp sống, truyền thống, bản sắc của nền công vụ.
Văn hóa công vụ là văn hóa của tổ chức, cơ quan công quyền, dựa trên việc xác định các giá trị và chuẩn mực chung, được đội ngũ cán bộ, công chức chia sẻ và cùng thực hiện, tạo thành khuôn mẫu, thói quen, nếp sống, nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực thực thi công vụ, nhằm đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Văn hóa công vụ là sự thẩm thấu các giá trị văn hóa vào hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Văn hóa công vụ là sự tổng hợp nhuần nhuyễn của ba yếu tố: đạo đức công vụ, tri thức công vụ và hành vi công vụ. Nâng cao văn hóa công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức là một trong những vấn đề chính của cải cách hành chính nhà nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bản chất của văn hóa trong thực thi công vụ là thể hiện những chuẩn mực của con người trong các mối quan hệ liên quan đến hoạt động công vụ. Mục tiêu của hoạt động công vụ là phục vụ nhân dân. Công chức, viên chức là nguồn lực cơ bản của nền hành chính nhà nước, của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, cũng là lực lượng chủ yếu thực hiện hoạt động công vụ của Nhà nước ta. Do đó, trong quá trình phục vụ nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa mang tính chuẩn mực.
Văn hóa công vụ không chỉ phản ánh tiêu chuẩn đạo đức và trách nhiệm của người làm công vụ mà còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động hành chính, nhằm đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả, chuyên nghiệp và liêm chính trong phục vụ nhân dân. Một nền công vụ minh bạch, hiệu quả và liêm chính không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn xây dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.
Xây dựng văn hóa công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay

Văn hóa công vụ không chỉ phản ánh chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, việc nâng cao văn hóa công vụ trở thành yêu cầu cấp thiết.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta từ khi thành lập đến đến nay đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tạo cơ sở chính trị, pháp lý góp phần triển khai thực hiện xây dựng văn hóa công vụ trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước. Cụ thể:
Sắc lệnh 76/SL, ngày 20/5/1950, ban hành Quy chế công chức Việt Nam là văn bản đầu tiên có nội dung về văn hóa công vụ. Tại Lời nói đầu của Sắc lệnh đã nêu rõ: “Công chức Việt Nam phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc”. Tại Điều 2 cũng quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ”.
Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước ra đời đã quy định về trang phục, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, bài trí công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, đã nêu rõ “Quyết định này được ban hành với mục đích bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã nêu rõ “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.”.
Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, với mục tiêu là “Nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội.”.
Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, nhằm nâng cao đạo đức công vụ, nói không với tiêu cực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác để gắn bó với Nhân dân hơn, phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã chỉ ra: xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 cũng chỉ đạo rõ: “xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ nhân dân.”.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đi đôi với việc củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên”.
Những chủ trương, chính sách, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quan trọng này thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng văn hóa công vụ gắn liền với cải cách hành chính và phát triển bền vững đất nước. Việc nâng cao văn hóa công vụ không chỉ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy hành chính. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là chiến lược dài hạn, đòi hỏi sự chung tay của toàn hệ thống chính trị để xây dựng một nền hành chính công trong sạch, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
(Còn nửa)