Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cốt tử trong hoạt động báo chí và truyền thông

Sau đây là bài tham luận "Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cốt tử trong hoạt động báo chí và truyền thông" của Nhà báo Vũ Xuân Bân, Phó Tổng biên tập Thường trực Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn) tại Hội thảo "Đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và truyền thông" do  Ban truyền thông và phổ biến kiến thức của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 5/11.
vxb-hoi-thao2-1636124709.jpg
Nhà báo Vũ Xuân Bân phát biểu tham luận tại hội thảo.

 

Nghề nào cũng có đạo đức của nghề đó. “Thầy thuốc như mẹ hiền” là đạo đức của nghề y. “Kỹ sư tâm hồn” là đạo đức của nghề giáo. Đó là hai nghề đều được tôn vinh là “Thầy”: Thầy thuốc, Thầy giáo… Còn đối với nghề báo, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo: “Người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc!”. Đó chính là đạo đức cốt tử của nghề nghiệp báo chí.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có đội ngũ những người làm báo. Dù công nghệ là nhân tố rất quan trọng nhưng đó vẫn chỉ là phương tiện truyền tải nội dung. Linh hồn của các sản phẩm gồm tin, bài, hình ảnh đăng tải trên báo chí vẫn là nhận thức, tư tưởng và đạo đức mà người cầm bút muốn chuyển tải đến người đọc.

Có thể nói, chưa bao giờ phóng viên có những thuận lợi trong việc nắm bắt thông tin do sự phát triển của công nghệ cùng các tiện ích thông minh như hiện nay. Điều đó khiến việc tác nghiệp của nhà báo, phóng viên chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay.

Tuy nhiên, môi trường số cũng khiến cho cạnh tranh thông tin trên báo chí và các phương tiện truyền thông hết sức khốc liệt. Báo chí và các phương tiện truyền thông bao giờ cũng hướng tới tiêu chí “Nhanh – Đúng – Trúng- hấp dẫn” bạn đọc và công chúng. Nhanh trong thông tin bao giờ cũng là yếu tố hàng đầu của báo chí và truyền thông. Khi việc đăng tải thông tin nhanh nhất, nóng nhất được xác định là yếu tố sống còn của báo chí thì cũng là lúc xuất hiện không ít trường hợp phớt lờ những quy tắc đạo đức hành nghề để đưa tin một cách bất chấp, thiếu kiểm chứng, dẫn đến thông tin sai lệch, không đúng bản chất, thậm chí là bịa đặt.

Có rất nhiều ví dụ minh chứng cho dẫn luận nêu trên: Chắc nhiều người vẫn chưa quên vụ việc hàng loạt cơ quan báo chí đã phải chịu kỷ luật khi đưa tin thất thiệt về nước mắm truyền thống, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng trực tiếp tới thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Hoặc vụ một tờ báo (không tiện nêu tên) đưa sai tên một vị tướng trong một đám tang gần đây. Hay vừa qua là việc một tờ báo điện tử đưa tin, hình ảnh sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh… Đây là hệ quả tai hại đến từ lối làm việc chộp giật của một bộ phận người làm báo "xa-lông", xa rời thực tiễn, ngại đi cơ sở, thấy tin nóng là giật tít câu like, bỏ qua tác nghiệp hiện trường, không kiểm chứng, xác thực thông tin. Ðây là lý do khiến hiện tượng “sáng đưa, trưa gọi, chiều rút”, đăng bài rồi lại gỡ đã không còn là hy hữu. Lỗi này không chỉ là phóng viên (người viết) mà còn là trách nhiệm của cả biên tập, hiệu đính nhưng trách nhiệm cuối cùng trước pháp luật là Tổng biên tập, người đứng đầu tờ báo, tạp chí.

Cũng như các lĩnh việc khác, việc sai sót trong hoạt động báo chí, truyền thông là khó tránh khỏi, có thể coi như “chuyện thường ngày ở huyện”. Đáng chú ý là nếu như không may đưa tin sai hoặc bị tai nạn nghề nghiệp thì sự nhận thức và cách xử lý của người đứng đầu tờ báo, tạp chí đó như thế nào là hết sức trọng yếu. Tùy mức độ sai phạm mà xử lý nhưng đích cuối cùng là phải thấu lý đạt tình, “tâm phục khẩu phục” trên cơ sở pháp luật, tiếp tục giữ được uy tín của bản báo và tín nhiệm của bạn đọc và công chúng.

Có thể nói rằng, chưa bao giờ vấn đề đạo đức người làm báo được đặt ra nóng bỏng và gay gắt như hiện nay. Đạo đức là vấn đề cốt tử, sống còn đối với nghề nghiệp báo chí và truyền thông. Điều này đòi hỏi nhà báo càng phải coi trọng tu dưỡng về đạo đức nghề nghiệp. Cốt lõi của đạo đức báo chí là sự chính trực, trung thực, khách quan... Do vậy, khi nhà báo viết trên các ấn phẩm chính thức hay khi tham gia mạng xã hội, thì vẫn là con người đó, trái tim, khối óc đó, phải luôn luôn bảo vệ các giá trị tốt đẹp, vì lợi ích thiết thân của người dân, lợi ích tối cao của đất nước và dân tộc.

Nói cách khác, dù nhà báo sử dụng mạng xã hội như một “cư dân mạng” thì cộng đồng xã hội dễ hiểu đấy là quan điểm của nhà báo, và ít nhiều mang quan điểm của cơ quan báo chí nơi nhà báo đó đang làm việc. Điều này đòi hỏi nhà báo đưa thông tin, bày tỏ quan điểm riêng trên mạng xã hội cũng cần cẩn trọng, nghiêm túc, chuẩn mực giống như khi tác nghiệp báo chí.

Ngày 17/6/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Nhà báo ngoài tư cách công dân, còn là người dẫn dắt và định hướng dư luận nên cần phải nghiêm túc, chuẩn mực trong vấn đề này, cũng là căn cứ thể hiện đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và truyền thông.

Đối với Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (tiền thân là Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam) đã có “Quy định về hoạt động nghiệp vụ” xác định rõ những hành vi được làm, hành vi bị cấm, hành vi giới hạn và chế tài xử lý. Quy định đó căn cứ vào: Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn có liên quan; Quy định đạo đức nghề nghiệp của Người làm báo Việt Nam; Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển (cơ quan chủ quản của Tạp chí) để cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên thuộc Tạp chí thực hiện theo đúng đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và truyền thông.

Báo chí phát triển lành mạnh, trung thực, có uy tín, luôn nhận được sự tin cậy của bạn đọc là mục tiêu hướng tới của bất kỳ tờ báo chí, tạp chí nào. Lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí cần nêu cao trách nhiệm trong tổ chức, quản lý để bảo đảm tờ báo, tạp chí, trang tin hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và chịu trách nhiệm trước sai phạm, thì mỗi người làm báo cũng cần xác định rõ trách nhiệm của mình. Việc tu dưỡng, rèn luyện theo 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam mang tính quyết định để nhà báo luôn có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc!”. Đó là kim chỉ nam hành động, là đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và truyền thông hiện nay.

VXB