Nằm ở xã Long Hải, huyện Phú Qúy nơi có dải đá nhô ra biển với chiều ngang có chỗ chỉ hơn 1m được người dân nơi đây gọi là “Đầu Rồng”, nơi có mộ Thầy Sài Nại đã nằm tại đây hàng trăm năm. Nói về Thầy Sài Nại thì có rất nhiều truyền thuyết về ông, và hiện tại chưa có tài liệu nào khẳng định một cách đầy đủ. Vì vậy, những gì mà chúng tôi nghe, ghi nhận cũng chỉ là truyền thuyết.
Theo chị Trà Thanh Xuân – chủ khách sạn Thanh Xuân, người tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi biết: Truyền thuyết mà người dân trên đảo truyền tai nhau nghe bao đời nay thì Thầy Sài Nại là một thầy địa lý kiêm thương gia. Trong một lần đoàn tàu buôn của Thầy ghé đảo để tránh bão, Thầy nhận ra đây là vùng đất “địa linh” nên có lời với các tùy tùng là thủy thủ trong đoàn: Sau khi Thầy mất mong muốn được đưa lại đây an nghỉ.
Trong thời gian lưu trú, tránh bão Thầy Sài Nại có kết nghĩa với Công chúa Bàn Tranh. Công chúa Bàn Tranh là Công chúa của Vương triều Chămpa, do bị vua cha kết tội phản nghịch nên đày ra đảo Phú Qúy, có cho theo một số tùy tùng để phục vụ nhưng mãi mãi không được quay về đất liền.
Khi ra đảo, Công chúa có mang theo nhiều loại cây lương thực, hoa màu và hướng dẫn người dân trên đảo Phú Quý khai khẩn đất đai làm ruộng vườn, chỉ dạy người dân trên đảo cách trồng trọt, hình thành các xóm làng như ở đất liền…
Để ghi nhớ công ơn của Bà, sau khi Công chúa mất người dân lập một ngôi đền thờ Công chúa Bàn Tranh, hay còn gọi là đền thờ Bà Chúa Xứ ở xã Long Hải.
Nói thêm một chút về Thầy Sài Nại, có một số giai thoại cho rằng sau khi lên đảo tránh bão, Thầy đã ở lại và hành nghề bốc thuốc chữa bệnh, nhưng cũng có giai thoại là sau khi qua cơn bão, Thầy có ở lại thêm một thời gian dài để bốc thuốc, chữa bệnh cho người dân rồi đoàn tàu của Thầy rời đi. Một ngày kia, người dân phát hiện thi thể Thầy được đặt trong một chiếc kiệu vàng, ngay tại nơi mộ Thầy bây giờ. Do ghi nhớ công ơn mà Thầy chữa bệnh cho mọi người trên đảo, nên người dân đã an táng Thầy, dùng đá san hô đắp quanh mộ Thầy.
Cũng theo chị Trà Thanh Xuân, Mộ Thầy Sài Nại rất hiển linh. Người dân trên đảo muốn làm gì, xây dựng gì đều đến đây khấn xin. Vào đầu năm mới, khi người dân đến khấn xin một điều gì đó, cuối năm họ sẽ quay lại dâng lễ để tạ ơn!
Người dân trên đảo rất quan trọng hai ngày lễ trong năm, đó là ngày giỗ Công chúa Bàn Tranh (Mồng 3 tháng Giêng âm lịch) và giỗ Thầy Sài Nại (Mồng 4 tháng Tư âm lịch).
Theo tập tục có từ lâu đời trên đảo, việc lưu giữ sắc phong, trông coi, thờ phụng và cúng tế Công chúa Bàn Tranh và Thầy Sài Nại được luân phiên mỗi làng thực hiện một năm. Mốc thời gian để chuyển giao sắc phong, thờ phụng Công chúa Bàn Tranh và Thầy Sài Nại từ làng này qua làng khác diễn ra vào ngày mùng 4 tháng tư âm lịch.
Đây là một nét riêng, mang đậm chất văn hóa, tín ngưỡng cũng như việc chia sẻ trách nhiệm cúng tế là một vinh dự của người dân mỗi làng trên đảo mà không phải nơi nào cũng có.
Nói về đảo Phú Qúy, phần lớn người dân chỉ biết đến 3 xã là Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải với tổng diện tích hơn 16km2. Nhưng ít ai biết Phú Qúy là một quần đảo, nếu tính cả các đảo nhỏ (đảo lẻ) thì diện tích của Phú Qúy là 32km2. Với chu vi đảo là 35km.
Phú Qúy có 3 ngọn núi chính là núi Cấm (cao 108m), núi Cao Cát (85m) và núi Ông Đụn (44,9m). Đối với Núi Cấm, nơi đây được xem là một phao tiêu cho các con tàu xác định phương hương trong các cuộc hải trình, và năm 1997 ngọn hải đăng cao 18m trên đỉnh Núi Cấm đi vào hoạt động sau một năm xây dựng.
Theo anh Phan Cảnh Bình, trưởng Trạm hải đăng trên đỉnh Núi Cấm cho biết: Thường thì đèn tín hiệu trên ngọn hải đăng được phát sáng vào lúc 6 giờ tối và kết thúc 6 giờ sáng hôm sau. Nhưng tùy vào thời tiết (nếu trời có mưa bão, giông gió) đèn tín hiệu có thể phát sớm và kết thúc muộn hơn.
Về độ phát sáng, đền có tầm chiếu xa ban đêm 25 hải lý.
Là một đảo tiền tiêu, Phú Qúy có một vị trí cực kỳ quan trọng về công tác quốc phòng, là cơ sở hậu cần cho các phương tiện đánh bắt biển xa cũng như quần đảo Trường Sa, nên công tác tuần tra, kiểm soát cũng như quản lý các công trình xây dựng trên đảo rất được chính quyền quan tâm, theo dõi.
Mặc dù thời gian gần đây, khi tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó, đảo Phú Qúy là địa điểm thu hút lượng lớn khách du trong nước và quốc tế. Dù lượng khách du lịch ngày càng tăng, nhưng Phú Qúy luôn làm tốt công tác phát triển du lịch, đảm bảo được an ninh, quốc phòng. Đặc biệt là bảo vệ tuyệt đối, không cho xây dựng các công trình có nguy cơ xâm hại những vị trí trọng yếu.
Đến với Phú Qúy ở thời điểm này, du khách sẽ ấn tượng với vẻ đẹp về một miền hoang sơ như trong tiểu thuyết, đi kèm với đó là những món ăn ngon đủ để níu chân quay lại lần sau.