Đất nước và gia tộc viết về một gia tộc họ Võ ở Khương Mỹ, dòng họ đã có những đóng góp lớn lao cho phong trào yêu nước giành độc lập dân tộc của xứ Quảng. Với một giọng văn sinh động, sôi nổi, mạnh mẽ và chân thực, giàu cảm xúc, phong phú, tư liệu khả tín, Đất nước và gia tộc đã mang đến cho bạn đọc sự hấp dẫn, cảm thức rung động về một vùng quê và những con người gắn liền với chặng đường lịch sử bi hùng từ những năm 30 của thế kỷ trước cho đến kháng chiến chống Mỹ và nhiều năm sau chiến tranh. Cuốn truyện ký cũng đánh dấu một bước tiến mới, chứng tỏ độ chín trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của tác giả, đặc biệt trong thể loại bút ký.
Đất nước và gia tộc là câu chuyện mà mối quan hệ gia tộc và tổ quốc như cách người ta hay nói là mối quan hệ gắn bó máu thịt không thể tách rời. Sự xuất hiện của những “nhân vật nữ” là bà nội, mẹ, người vợ của gia tộc họ Võ có chồng hoạt động cách mạng hay đi tập kết làm mở đầu cho tập sách đã tạo được sự thu hút, chú ý của bạn đọc lần theo câu chuyện của người viết. Cuộc sống của họ trong những khu dồn luôn ngột ngạt bởi sự kềm kẹp, bố ráp, o ép cùng những âm mưu vô cùng thâm độc của kẻ địch, thật sự là một cuộc chiến đấu thầm lặng nhưng vô cùng khốc liệt. Gia tộc họ Võ vốn có truyền thống đấu tranh cách mạng. Hình ảnh tập trung nhất là bà Thơ, mẹ của Võ Để (Hải Để), là một nông dân nhưng rất lanh lẹ, thông minh, luôn có những kế hoạch đối phó với địch trong mọi tình huống gay go, nguy hiểm. Bà biết gia tộc, gia đình của mình bị địch xem là tầm ngắm, là mục tiêu “nguy hiểm” nhất mà địch thường xuyên theo sát để tìm cách hãm hại, bắt bớ, tù đày thậm chí có thể sát hại. Những phụ nữ ấy dù rất muốn “nhảy núi” thoát ly nhưng nhiệm vụ là phải ở lại để giữ lấy đứa cháu đích tôn, đứa con trai duy nhất còn lại của gia tộc họ Võ là cậu bé Hoàng mới mấy tuổi và những đứa cháu nội gái chị em chú bác ruột với Hoàng. Đặc biệt vào giai đoạn Luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm ra đời, địch càng tìm mọi cách theo dõi gia đình bà Thơ hơn bao giờ hết. Từ những cuộc nói chuyện của những người phụ nữ trong gia tộc làm khởi đầu truyện ký, Phạm Thông đã triệt để sử dụng chi tiết điển hình, cá biệt thông qua những đối thoại, lời nói làm điểm tựa dẫn dắt cho câu chuyện trong mối dây liên hệ giữa những người mẹ, người vợ có chồng con đang hoạt động cách mạng.
Bằng một ngôn ngữ sục sôi được sử dụng rất nhiều khẩu ngữ của người dân quê làm cho câu chuyện thêm sinh động đúng với khí chất của người Quảng Nam, khí khái, trung hậu, quyết liệt mà cũng yêu thương thủy chung với cách mạng. Bà nội Thơ là một điển hình cho người phụ nữ đất Quảng trong chiến tranh một lòng với chồng, con - những người đang thoát ly làm cách mạng. Những người phụ nữ ấy là nhân dân, bằng tất cả sự hy sinh, không hề mặc cả, từng chịu đựng suốt cả một cuộc chiến tranh dằng dặc đã làm rõ một chân lý “đối với những cán bộ tài giỏi, kinh nghiệm đến mấy nếu không có người dân che chở thì không làm gì được”, đó là bài học lớn mà cán bộ cách mạng phải thấm nhuần.
Với nỗi lòng thao thiết về ký ức chiến tranh ở quê hương, Phạm Thông từng ấp ủ nhiều năm, không chỉ muốn lật lại những ký sử dưới lớp bụi của thời gian mà xa hơn là khát khao, nung nấu viết về Gia tộc họ Võ ở Khương Mỹ với tất cả sự ngưỡng vọng của một nhà văn đối với vùng đất mà anh từng nặng nợ, gắn bó. Anh muốn đào sâu để làm sáng hơn, hiển lộ những con người mà vì nhiều lý do chưa được nhận diện giá trị một cách đích thực. Đó là cậu bé Hoàng đã lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc của bà nội, vẫn chưa nhớ rõ được hình hài của cha và phải chứng kiến cảnh mẹ theo sự sắp đặt của bà nội để “bảo toàn lực lượng”, cắn răng đi lấy chồng phía bên kia. Hai Hoàng được thoát ly lên núi, sau đó được ra Bắc học tập, tiếp tục sang Liên Xô học đại học cho đến sau ngày thống nhất đất nước trở về ngay chính trên quê hương làm việc. Con người của Hai Hoàng (Vũ Ngọc Hoàng) ngay từ khi trưởng thành đã sớm thể hiện một người nhân hậu đầy chí hướng, hết lòng với “việc nước việc dân” bằng sự khát khao cống hiến. Những năm sau hòa bình, dù buổi đầu làm việc ở cấp huyện, anh đã thể hiện tư tưởng đổi mới nhằm thay đổi hệ thống quản lý kinh tế, tăng năng suất lao động mang lại lợi ích cho bà con nông dân, nhất là chống những hiện tượng tiêu cực ở Hợp tác xã. Quan sát các mối quan hệ trong việc làm ăn, điều hành sản xuất, chính anh đã nhận định “tiêu cực đẻ ra từ quản lý tồi”. Đó là thái độ, suy nghĩ đúng đắn để sau này ở những cương vị khác anh vẫn đeo đuổi với một quan điểm làm việc dứt khoát như thế.
Đất nước và gia tộc là một câu chuyện lịch sử được lồng ghép giữa sự tiếp nối truyền thống gia tộc và quá trình tham gia hoạt động, chiến đấu trong phong trào cách mạng ở Quảng Nam trải dài từ thời kỳ những năm 30 của thế kỷ trước cho đến hơn mười năm hòa bình kể từ sau ngày 30/4/1975. Bằng một phương pháp cấu trúc của truyện ký lấy cuộc xung đột quyết liệt, mâu thuẫn cực độ làm trung tâm giữa một bên là chế độ, quân đội Sài Gòn một bên là phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc diễn biến qua từng thời kỳ được tác giả miêu tả sinh động, nóng hổi, khách quan trong bối cảnh ngột ngạt không khí chiến tranh. Chính trong cuộc chiến sinh tử ấy những con người của gia tộc họ Võ cùng với đồng chí đồng đội và nhân dân đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất với sự mưu lược trong tư thế một mất một còn với kẻ thù. Một Võ Ngọc Hải (Hải Để) cha của Hai Hoàng, trung kiên, quyết liệt trong đấu tranh nhưng sau chiến tranh cũng sẵn lòng tha thứ kẻ thù, đã tân tụy suốt đời với sự nghiệp cách mạng đến trước khi mất vẫn kịp dặn dò con trai những lời gan ruột, đầy xác tín về một “Phẩm chất đầu tiên của một cán bộ cách mạng là vì dân, có vì dân thì làm cái chi, nghĩ cái chi cũng sẽ đúng nhiều hơn sai”. Lời dặn dò mộc mạc, dân dã, bộc trực đã được đúc kết của một đời người, sống và chiến đấu giữa lòng dân.
Bút ký ngoài yêu cầu sự chân thực, trung thành với phản ánh hiện thực, còn phải phát hiện những chi tiết đắt, hấp dẫn tạo được ấn tượng và cảm xúc cho bạn đọc. Cuộc gặp gỡ tại căn cứ giữa Hải Để và đứa con trai Hai Hoàng cũng như khi gặp lại ở chiến khu với người vợ (bà Đoàn) đã từng chịu đau đớn để lấy chồng khác đã tạo một dấu ấn về nỗi lòng yêu thương, tha thiết và sự bao dung mang tính nhân văn đến cảm động. Khi nhắc đến Mười Chấp (Đỗ Thế Chấp), với tất cả lòng ngưỡng mộ về một cán bộ tài trí vô song vượt qua biết bao cuộc vây ráp ngặt nghèo của kẻ thù, tác giả đã dành một dung lượng khá lớn miêu tả thiên tình sử ngọt ngào cùng với hoàn cảnh éo le, trắc trở, mà chỉ nhờ vào trái tim dạt dào tình yêu nước, hết lòng với đại cuộc, sẵn sàng xã thân vì đất nước, hoàn thành một cách xuất sắc trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo chủ chốt, Mười Chấp đã biết vượt qua bằng cách xử lý hài hòa tình cảm riêng – chung trong tâm thế tất cả cho sự chọn lựa có tính chung thẩm lý tưởng của người hoạt động cách mạng.
Với lối kể chuyện rành mạch, khúc chiết hòa quyện giữa ngôn ngữ chính luận và tự sự, trữ tình khi viết về nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công (Võ Toàn), tác giả đã tạo cho người đọc vừa cảm thấy gần gũi hơn với Bác Năm Công, vừa làm nổi bật vai trò chỉ huy mặt trận, chiến dịch, những đóng góp lớn lao mang tầm chiến lược có tính quyết định đến thắng lợi của ông xuyên suốt các thời kỳ đấu tranh cách mạng trên vùng đất Quảng Nam và Liên khu 5. Ông là người con đáng tự hào của dòng họ Võ Tam Xuân, của dân tộc, là một nhân cách cao cả, liêm khiết, trong sáng hết lòng vì trách nhiệm mà hầu như với nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc… Bằng những tư liệu khả tín, phong phú, xác thực, cuốn truyện ký đã có những đóng góp đáng kể về mặt sử liệu đối với chân dung vị lãnh đạo tài ba, xuất sắc của đất nước vốn chưa thật sự được nhắc đến một cách đầy đủ, súc tích trong văn chương hiện đại.
Trung thành với lối viết mang tính sử thi, với bối cảnh hào hùng theo chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc trên vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng đã được ngợi ca, đi kèm với đó là biết bao sự kiện, nhân vật, những thời khắc lịch sử khác nhau, trùng nhau, xen lẫn nhau; những tình tiết đối nghịch nhau quyết liệt giữa hai chiến tuyến; sự trăn trở phức tạp mâu thuẩn trong tâm lý các nhân vật…đã làm cho tác giả không tránh khỏi lúng túng khi tổ chức xây dựng kết cấu cho cuốn truyện ký. Tác giả vượt qua những khó khăn đó thật là không dễ…
Vốn là người từng tham gia trực tiếp chiến đấu chống Mỹ trong khoảng thời gian từ những năm cuối thập kỷ 60 cùng với những mất mát đau thương của người thân và gia đình, Phạm Thông luôn xem chiến tranh như một ám ảnh dằn vặt không thể yên lòng trong suốt đời văn của mình, cầm bút trong một ý thức sâu thẳm của trách nhiệm, của ân nghĩa và niềm cảm hứng sáng tạo trong bi phẩn hào hùng của ký ức chiến tranh.
Đất nước, nhân dân đã sinh ra những dòng họ, sinh ra những anh hùng, thông qua câu chuyện về gia tộc của họ Võ ở Khương Mỹ, qua mỗi trang sách tác giả đã cho thấy hình ảnh của miền quê và con người xứ Quảng đã sống và chiến đấu trong một giai đoạn chiến tranh giữ nước thật khốc liệt bi hùng nhưng rất đổi tự hào.