Đâu rồi những đụn rơm rạ quê tôi

Những nhà làm nông bao giờ cũng nuôi thêm trâu bò. Ngoài việc dắt trâu bò ra đồng ăn cỏ, hay cắt cỏ về cho chúng ăn, những người dân làng tôi thường tích trữ rơm rạ qua những đụn rơm. Không những làm thức ăn cho gia súc, đụn rơm còn giúp những bữa cơm gia đình phảng mùi khói bếp. Nay kinh tế khá giả hơn, ăn cơm bếp điện, chắc hẳn sẽ có những phút giây nhiều người nhớ lại những ngày cực khổ thuở cơ hàn.
dau-roi-nhung-dun-rom-1633754550.jpg
Đụn rơm quê ( Tranh: Thanh Lê Anh)

Lúa ngoài đồng sau khi gặt xong được đem về xếp đầy sân. Khi tôi lớn lên không thấy người dân còn đập kẹp nữa, nhưng những cối đá dùng đập kẹp vẫn còn dựng vào góc sân giếng để đựng nồi niêu. Ngày ấy, khi gặt lúa đem về, tôi còn nhỏ nên được ưu tiên đưa lúa. Lúa được bó thành đon to tầm gốc cau xếp gọn. Tôi chỉ việc cầm lấy đưa cho chị và mẹ tôi tuốt lúa. Máy tuốt đạp chân để quay những răng sắt chuốt những hạt lúa vàng nặng trĩu ra sân. Cầm lâu thấy mỏi tay, tôi chỉ muốn mẹ tuốt lúa nhanh để còn ngồi nghỉ. Ấy vậy mà khi tôi mỏi rời mẹ lại rất vui, mẹ bảo: Lúa năm nay được nhiều.

Những đon rạ được chẽ đôi, móc vào tường quanh nhà. Lúc này, tường rào trông rất đẹp, tựa như những mái ngố trước mặt của chị tôi vậy. Còn lại, dùng liềm cắt sợi buộc những đon rạ khác dãi đều khắp đường để phơi khô. Nếu được nắng, sợi rơm vàng óng đẹp sẽ trở thành những đống "rơm ngon". Muốn vậy thì giữa trưa vẫn phải ra gảy lật đều để khi khô còn lên đụn. Chỉ khổ những ngày mưa, cả đường rơm khô đẹp lại ướt, rồi thối lên bốc mùi khó thở. Rơm không ngon không thể cho trâu bò ăn, đem nấu thì khói mù cả bếp, nước mắt giàn giụa mới xong đuợc bữa cơm.

Thích nhất là khi lên đụn. Tôi nhỏ hơn được phân cổng "đẩn rơm". Tôi dùng gậy đẩy những đống rơm dồn thành đống. Chị dang tay dồn mấy đống lại cho vừa sải tay rồi đem vào góc vườn đầu cổng ném lên. Khi cao quá, chị lấy sợi thừng vòng buộc lại ném cho rơm đỡ rớt. Có khi phải dùng gậy đẩy để xây được đụn rơm cao. Mẹ đỡ rồi dàn ra giẫm đều cho chắc đụn. Rơm vàng óng, mượt như tơ nhưng làm xong lại thấy rất ngứa. Nhớ có những hôm mẹ vắng nhà, tôi cùng lũ bạn leo lên trên cây nấm khổng lồ ấy chơi trò trượt xuống, rất là thích. Tất nhiên không bị đau vì trước đó, chúng tôi đã phải rút rơm từ gốc đụn làm đệm; chơi xong còn phải ôm vào bếp nấu cơm hoặc nấu cám lợn.

Thường thì khi đến mùa mới đụn rơm cũng vừa hết. Nhà tôi chỉ nuôi mỗi con bò lấy sức kéo nên rơm cũng không tốn. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại ra đồng cắt thêm cỏ tươi về cho bò nên dù có dùng rơm để nấu vẫn đủ. Những ngày cuối, đụn rơm trông như cây nấm, trên cao còn nhiều mà gốc đã trơ thân cột. Ngày mưa, tôi rất thích chạy từ trong nhà ra trú dưới gốc đụn rơm chơi. Ấy vậy mà bố mẹ thường quát, bắt tôi vào, không cho ra đó.

Thời gian trôi, ruộng đất làng Thành Phú bị phân lô thành đất ở. Chính quyền quy hoạch cánh đồng thành khu đô thị. Người làng cũng thay đổi, người buôn bán, người đi làm công ty. Thế hệ sau lớn lên chỉ còn biết học hành. Hiện còn rất ít nhà làm ruộng phần đất chưa bị phân lô. Nhưng ngày nay, người nông dân làm đồng bằng máy móc nên nuôi trâu bò chỉ để bán thịt mà thôi. Nấu cơm đã có bếp ga, hoặc ít ra người ta mua củi về làm chất đốt. Rơm rạ phơi tạm giữa đồng, khô thì họ đem đốt thành tro, khói lan toả mịt mù. Chẳng ai còn đem rạ về để xây thành đụn rơm rạ như xưa.

Hình bóng đụn rơm vàng đã trôi vào cổ tích ở quê tôi...

Theo Chuyện làng quê