Tuy nhiên, theo các chuyên gia, du lịch nội địa vẫn chưa được nhìn nhận xứng tầm và đã đến lúc Việt Nam cần đầu tư bài bản để phát triển hiệu quả thế mạnh này.
Đòn bẩy để phục hồi và phát triển du lịch
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Nhiều người vẫn coi làm du lịch nội địa rất đơn giản, không cần quan tâm đầu tư thì du lịch nội địa vẫn phát triển bình thường. Nhưng mỗi khi có khủng hoảng thì chúng ta lại quay lại du lịch nội địa.
Điển hình là năm 2009, khi mà khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra thì kinh tế tê liệt, chúng ta đã quay lại phát triển du lịch nội địa. Đó cũng là lần đầu tiên Chính phủ ủng hộ phát triển du lịch nội địa bằng cách là miễn visa cho khách quốc tế của một số thị trường, giảm VAT, miễn phí tham quan và nhiều ưu đãi khác. Do đó, chỉ trong 6 tháng du lịch đã phát triển trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa đã phát triển mạnh mẽ chính từ thời gian này.
Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, chúng ta mới thấy rằng có nhiều vấn đề đã thay đổi khiến những người làm du lịch phải thay đổi cả về nhận thức lẫn hành động. Về các loại hình du lịch thì chúng ta phải đánh giá lại tầm quan trọng, vai trò nền tảng của du lịch nội địa.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nội địa: Du lịch nội địa có vị trí, vai trò rất lớn đối với phát triển du lịch Việt Nam thời gian qua. Giai đoạn 2011 - 2019, khách nội địa tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào tổng thu của ngành du lịch. Nếu như năm 2011 khách nội địa mới chỉ đạt 30 triệu lượt thì đến năm 2019 con số này đã tăng lên 85 triệu lượt (gấp hơn 2,8 lần), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 15%/năm. Mốc tăng trưởng mạnh nhất của khách nội địa là năm 2015, với 57 triệu lượt khách, tăng 50% so với năm 2014 và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo.
Thời gian chuyến đi và mức chi tiêu bình quân/ngày của khách du lịch nội địa ngày càng có xu hướng tăng cao. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thời gian chuyến đi bình quân của một khách nội địa là 3,7 ngày. Chi tiêu bình quân của một khách nội địa khoảng từ 1 - 1,6 triệu đồng/ngày. Khách nội địa ngày càng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của các cơ sở lưu trú. Năm 2017, khách có sử dụng dịch vụ lưu trú đạt khoảng 35,7/73 triệu lượt khách, năm 2018 tăng lên 38,6/80 triệu lượt và năm 2019 tiếp tục tăng lên 48,3/85 triệu lượt.
Với sự tăng trưởng cao về lượng (số lượt khách), mức chi tiêu, thời gian chuyến đi và lưu trú, khách nội địa ngày càng có đóng góp tích cực vào tổng thu của ngành du lịch. Năm 2015, khách nội địa mới chỉ đóng góp 158.000 tỷ đồng vào tổng thu toàn ngành, đến năm 2019 tăng lên 334.000 tỷ đồng (tương đương 14,5 tỷ USD), tăng 2,1 lần, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20,5%/năm. Thu từ khách nội địa chiếm khoảng 41 - 44% trong cơ cấu tổng thu toàn ngành.
“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” (được Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2020, theo Quyết định số 147/QĐ-TTg) đã tiếp tục nhất quán khẳng định vị trí, vai trò của du lịch nội địa trong quan điểm, mục tiêu và định hướng, giải pháp. Chiến lược đã xác định mục tiêu đến năm 2021, phấn đấu đón được ít nhất 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách nội địa từ 6 - 7%/năm. Đến năm 2030, phấn đấu đón được ít nhất 160 triệu lượt khách nội địa; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách nội địa từ 5 - 6%/năm
Nếu duy trì được tỷ lệ 41-45% đóng góp thu từ khách du lịch nội địa trong cơ cấu tổng thu toàn ngành thì đến năm 2025, thu từ khách du lịch nội địa sẽ đạt khoảng 740.000-810.000 tỷ đồng và đến năm 2030 sẽ là 1.310-1.440 tỷ đồng. Điều này cho thấy du lịch nội địa đóng góp không hề nhỏ đối với sụ phát triển của ngành du lịch.
Những việc cần làm ngay
Theo nhiều chuyên gia du lịch, đại dịch COVID - 19 đã làm thay đổi hoàn toàn từ nhận thức, cơ cấu thị trường, hệ thống dịch vụ... của mảng du lịch nước ngoài. Du lịch là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng cũng là một trong những ngành có khả năng sớm phục hồi. Trong tình hình thị trường du lịch nước ngoài và khách quốc tế gần như không thể khai thác được, thị trường du lịch nội địa đang trở thành chủ lực trong phục hồi của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để du lịch nội địa thật sự trở thành trụ cột chính của ngành hiện nay và trong tương lai cần một kế hoạch tổng thể để lấy lại tốc độ phát triển trước đây trong giai đoạn “bình thường mới” như hiện nay.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ: Có rất nhiều vấn đề liên quan đến du lịch nội địa cần phải được khắc phục. Đầu tiên là tình trạng sản phẩm không phù hợp, không đủ điều kiện phục vụ khách quốc tế thì chuyển sang phục vụ nội địa. Thế nghĩa là chúng ta chưa có có suy nghĩ sâu sắc về phát triển du lịch nội địa nên cứ coi những sản phẩm không đáp ứng khách quốc tế thì chuyển sang nội địa, hoặc là có những cái dùng chung, chưa có đầu tư nghiêm túc cho phát triển du lịch nội địa.
Theo ông Vũ Thế Bình, đã đến lúc phải đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch nội địa một cách nghiêm túc, bài bản, đáp ứng nhu cầu, sở thích của người Việt Nam. Hiện chưa có tài liệu, chính sách nào về phát triển du lịch nội địa nên Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị cần đầu tư xây dựng, nghiên cứu sâu sắc hơn vấn đề này.
Tiếp đó là vấn đề nhân lực phục vụ du lịch nội địa. Tình trạng hiện nay là ai cũng có thể tham gia phục vụ du khách nội địa được, cho nên chất lượng không đảm bảo, rất nhiều nhân lực chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cũng như thái độ ứng xử. Thêm vào đó, tính mùa vụ của du lịch nội địa hiện nay là rất nặng nề, nhất là vào các thời điểm lễ hội, nghỉ lễ, Tết… Do đó, cần đặt ra vấn đề nghiêm túc giữa trung ương với địa phương, doanh nghiệp với cơ quan quản lý để có giải pháp với tình trạng này.
Một vấn đề nữa là xúc tiến, quảng bá du lịch nội địa còn bị xem nhẹ, vì vậy "khâu" này cần được thực hiện bản hơn, phải coi trọng du lịch nội địa như du lịch quốc tế thì chắc chắn chúng ta sẽ phát triển hơn nữa…
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Du lịch Vietravel cho biết: Ngành du lịch Việt Nam cần đánh giá và định vị lại chính sách thị trường du lịch nội địa trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó cần làm rõ vai trò và tầm quan trọng của thị trường khách du lịch trong nước đối vớí sự phát triển của du lịch. Bởi đại dịch COVID - 19 đã tạo ra sự thay đổi và tạo ra nhu cầu mới làm thay đổi hoàn toàn thị trường du lịch trong nước.
Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, dịch vụ mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu hơn 90 triệu dân trong nước. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các kết nối vùng liên kết du lịch; thành lập các cơ quan quản lý điểm đến để quản lý phát triển sản phẩm, xúc tiến du lịch cho vùng; đẩy mạnh công tác quảng bá trong nước. Việc quảng bá Năm du lịch quốc gia cần làm chung cho vùng thay vì từng địa phương như hiện nay để tạo hiệu ứng lan tỏa lớn kích cầu cho thị trường nội địa…
Đặc biệt, có một vấn đề mà các chuyên gia du lịch cho rằng cần phải thực hiện ngay từ giai đoạn này để đón đầu làn sóng du lịch sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát là phải tiêm vaccine cho những người làm trong ngành du lịch. Ông Vũ Thế Bình cho rằng phải coi những người này là những chiến sỹ tuyến đầu trên mặt trận kinh tế. Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị cần nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người lao động trong ngành du lịch, trang bị cho họ vũ khí để họ hoạt động và khách du lịch khi đến Việt Nam cũng an tâm vì được bảo vệ an toàn...