Đến với bài thơ hay

Chiều đầu Đông, tôi về Khoái Châu, lan man đi ra bãi cát mé sông Hồng. Nơi mà công chúa Tiên Dung dừng chân để tắm. Ngơ ngác nhìn sông, nhìn bờ cây, ngọn cỏ, tôi đang thầm tự hỏi, nơi nào nàng Tiên Dung đã ngự, nơi nào Chử Đồng Tử đã vùi mình trong cát gặp may.
264455638-259904669566896-1747334647398472680-n-1638948574.jpg

Từ khi học phổ thông, tôi thích và mơ mộng về Hưng Yên qua bài hát “Mùa nhãn quê hương”:

“... Ở nơi ấy vườn cây uốn quanh ven bờ sông

Rộng mênh mông cánh đồng cò bay thẳng cánh

Ở nơi ấy có người bạn tôi mến thương

Mắt đen đen như hạt nhãn lồng...”.

Tôi thích thú và tò mò về vùng đất này qua tiểu thuyết “Nhãn đầu mùa” của đồng tác giả Xuân Tùng và Trần Thanh. Bối cảnh tiểu thuyết này, so với bây giờ, xa xưa lắm, tận những năm chống Pháp. Khi đất nước bước vào thời kỳ chống Mỹ thì “Nhãn đầu mùa” là tác phẩm bị cấm. Tình cảm, ủy mị với những từ như “nụ hôn”, tâm sự nơi chỗ vắng ít được sử dụng, bởi nó “nhạy cảm”, dễ làm “mềm lòng” con người khi đang trong thời kỳ nước sôi lửa bỏng, dồn sức cho đánh giặc...

“Hoa đầu mùa bao giờ cũng đẹp

Nắng đầu mùa bao giờ cũng say

Mối tình đầu bao giờ cũng vậy

Rất ngọt ngào nhưng cũng lắm đắng cay”

Mấy câu thơ này của ai, tôi không nhớ nữa. Nhưng nhìn mưa, ngắm những chùm nhãn hẹn hò, lòng tôi trẻ lại. Hưng Yên, Khoái Châu, Đan Hòa, Tân Châu... không chỉ có nhãn lồng, vải thiều, chuối sứ, hoa cải bạt ngàn ven sông. Mà còn có tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một chuyện tình bất hủ, mê mẩn lòng người. Vẫn còn đó đầm Dạ Trạch, bến Gia Hòa dấu ấn còn in rõ khi xưa đến tận ngày nay... Chiều đầu Đông, tôi về Khoái Châu, lan man đi ra bãi cát mé sông Hồng. Nơi mà công chúa Tiên Dung dừng chân để tắm. Ngơ ngác nhìn sông, nhìn bờ cây, ngọn cỏ, tôi đang thầm tự hỏi, nơi nào nàng Tiên Dung đã ngự, nơi nào Chử Đồng Tử đã vùi mình trong cát gặp may. Thì gặp một Bác cũng đang tản bộ bên sông, bác cũng như tìm kiếm điều gì trong không gian chiều đang xuống. Tôi bắt chuyện:

- Cháu chào Bác

- Chào cậu. Bác ấy trả lời.

- Bác đi dạo chơi hay đi tìm gì ạ?

- Tôi đi dạo chơi thôi, mà cũng đi tìm ký ức.

- Ôi, Bác nói như nhà văn. Bác có thể cho cháu biết Bác tìm ký ức gì không ạ?

- Được bạn trẻ, ký ức, kỷ niệm của tôi đâu có gì phải giấu.

- Ôi vui quá, Bác kể cháu nghe được không ạ...

Giờ nhìn kỹ, người lữ khách bên sông, thấy ông giống một thầy giáo mực thước, chiếc kính trắng, mái tóc điểm bạc, bộ áo vét nhã màu... nhìn ông thật đáng kính. Hai chúng tôi cùng ngồi xuống kè đá, hướng ra phía sông đang đổ ánh chiều hồng lóng lánh xuống sóng nước. Rồi ông nói:

- Quê tôi bên Thái Bình, nhưng tôi đã chọn nơi này để sống. Mà anh biết đấy, Thái Bình với Hưng Yên bồi đắp bởi phù sa Sông Hồng. Nên cả hai nơi này không có lấy ngọn núi, quả đồi nào. Nhưng được cái đất đai màu mỡ dễ trồng cấy, nên dân cư đông đúc, gắn bó lâu đời. Hồi tôi học bên Hà Nội, tôi thích về nhà bạn bên Hưng Yên này chơi khi những ngày nghỉ. Về bên này hoa quả mùa nào thức nấy, mà ngon tuyệt. Nhưng tôi thích về nhà bạn, không phải chỉ vì hoa trái, mà còn vì em gái của bạn.

- Ôi, chuyện Bác hay quá, Bác kể tiếp đi.

- Tôi yêu nơi này từ những ngày đấy. Em bạn tôi lúc đó mới tuổi cập kê, chênh lệch với tôi khá nhiều, vì tôi đã vào đại học được mấy năm. Nên cô ấy vô tư coi tôi như anh ruột. Chúng tôi thân thiết công việc trong nhà, ngoài đồng, và cả chuyện học hành, đi chơi. Khi em qua tuổi mười sáu, lần đó đi hội tháng Ba Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại đền Gia Hòa này. Tôi dúi vào tay cô ấy bài thơ tỏ tình. Mà đến bây giờ cảm giác vẫn còn hồi hộp cậu ạ. Tôi sợ bị từ chối thì quê chết mất, lấy đâu lỗ nẻ để chui...

Ông Bác nhoẻn cười, tôi dục:

- Bài thơ thế nào hả Bác, bác đọc cháu nghe với ạ.

- Ừ, tôi đọc cậu nghe nhé...

260107145-259904722900224-2208788329672933078-n-1638948574.jpg

Rồi với chất giọng ấm áp truyền cảm, Ông đọc tôi nghe:

ƯỚC

(Gửi em L.H)

“Thêm một mùa Đông

Thêm nữa mùa hoa cải trổ ngồng

Bến Tân Châu thêm một mùa đợi

Ai chờ ai đó bên sông...!

Anh nhớ mắt em như hạt nhãn lồng

Má ửng hồng, nụ cười duyên đến vậy

Để anh uống nhầm vào đôi mắt ấy

Đến bây chừ, cứ phải chờ trông!

Chử Đồng Tử xưa, vùi mình trong cát

Trốn nàng công chúa kiêu sa

Vận may, họ thành chồng vợ

Nên duyên giữa trời - nước giao hòa.

Anh cũng muốn mình là chàng Đồng Tử

Còn em là nàng Tiên Dung

Gặp nhau bên bờ cát

Chúng ta thành phận vợ chồng

Mình sẽ có chung em bé

Ngõ xưa, xóm lạ thành quen

Nhà xinh thoảng đưa hương bưởi

Vợ xinh chải tóc bên thềm.

Anh đưa em về quê nhé

Mình cùng thưa với mẹ cha

Bao giờ mình làm đám cưới

Hai đứa về chung một nhà...?”

- Ôi hay quá, thế bạn gái của Bác phản ứng sao ạ? - Tôi hỏi.

- Cô ấy đọc ngay khi tôi vừa đưa, giữa đông người má cô ấy ửng hồng, rồi tự nhiên ghì cổ tôi hôn “chụt” một cái vào má. Tôi bất ngờ, mà như phiêu liêu trên mây, chả bù cho mấy phút trước sợ cô ấy từ chối.

Nhưng cũng kể từ lúc đấy, cô ấy chẳng cầm tay tôi nữa, về tới nhà, là cứ lánh mặt.

- Sao vậy ạ?

- Cô ấy nói, yêu người ta, xấu hổ chết đi được, nên sợ mọi người biết...

- Thế sau thì sao ạ?

- Chúng tôi thành vợ chồng sau sáu năm kể từ khi tỏ tình hôm ấy. Mấy hôm nay nhà tôi sang chơi với cháu bên Hà Nội, rảnh rỗi tôi ghé lại đây, nhớ lại các khoảnh khắc khi xưa.

- Bác lãng mạn quá, hai bác chắc là rất hạnh phúc.

- Cảm ơn cậu, chúng tôi vẫn quý nhau như hồi mới cưới.

Chia tay Bác khi chiều đã buông, post bài thơ hay, về mối tình bên sông Hồng, về vùng quê Hưng Yên. Trở lại Hà Nội, trời đã bừng lên bởi ngàn vạn bóng đèn, và tôi thấy lấp lánh những tình yêu lãng mạn trong muôn ngàn tổ ấm trong đêm.

 

Theo Chuyện Làng quê