NÓI CHUYỆN VỚI BỐ VỀ VÔ NGHĨA
"Thật đời vô nghĩa hả con?
Sắp trăm tuổi bố vẫn còn ngu ngơ"
Ngoài cửa sổ lất phất mưa
Hạt mau thì méo, hạt thưa thì tròn.
Mù mù mây xám chiều hôm
Vô vi Danh - Đạo, phi thường Đạo - Danh.
Luân hồi nghiệp kiếp vòng quanh
Vô thường.
Nào biết xa xanh chốn nào?
...
Cõi người hệt giấc chiêm bao
Trò đùa con tạo nháo nhào dở hay.
Sợi mưa xiên chéo ánh ngày
Khuya đêm ai biết mỏng dày.
Bố ơi!
Sớm cũng thôi, muộn cũng thôi
Mang mang mây nước
cuối trời
hư vô!
Lời bình – Nguyễn Văn Hòa
Nói chuyện với bố về vô nghĩa của Bùi Cửu Trường là một trong số những bài thơ hay về lẽ sống, về ý nghĩa của sự tồn tại của con người trong các mối quan hệ khác nhau của đời sống. Bởi khi con người ta đã “đốn ngộ” ra những điều căn cốt nhất ở cõi đời này có nghĩa là chính bản thân họ đã từng trải qua những va đập của cuộc sống và thời cuộc. Sự va đập ấy với ngổn ngang bao điều được - mất, có - không, vui - buồn lẫn lộn mà bản thân họ đã nếm trải. Những nghiệm sinh từ thực tế đã dần “mở mắt” cho chính nhà thơ sự hiện hữu của mỗi cá nhân trên cuộc đời này. Để rồi Bùi Cửu Trường sâu sắc nhận ra sự vô nghĩa đang hiện diện trong cuộc sống này.
Nói chuyện với bố về vô nghĩa, Bùi Cửu Trường đã khéo tạo ra cuộc trò chuyện với bố của mình để từ đó làm cơ sở cho việc giãi bày, cũng như nêu lên những quan điểm, cách nhìn riêng về thế sự, con người, cuộc đời trong các mối tương quan giữa Đời và Đạo.
Mở đầu bài thơ là câu hỏi của nhà văn hóa Bùi Hạnh Cẩn hỏi con gái của mình là nhà thơ Bùi Cửu Trường:
"Thật đời vô nghĩa hả con?
Sắp trăm tuổi bố vẫn còn ngu ngơ"
Cuộc trò chuyện giữa hai bố con đặt ra nhiều suy ngẫm về cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên mà Bùi Hạnh Cẩn lại hỏi đứa con gái yêu của mình câu hỏi ấy. Ông hỏi là để kiểm nghiệm và khẳng định lại chính bản thân mình. Một nhà văn hóa lớn như Bùi Hạnh Cẩn, người đã từng đi qua và chứng kiến biết bao thăng trầm thời cuộc nên ông đã “thừa” biết những ấm lạnh của cõi người và cả niềm tin, sự thiện lương trong chừng mực và điều kiện mà mình có thể thực hiện được.
Vì thế, câu hỏi của Bùi Hạnh Cẩn không đơn thuần là câu hỏi mà đó còn là sự thức tỉnh và cũng là lời căn dặn khéo léo của người cha dành cho con. Già như bố, đã gần trăm tuổi mà vẫn còn ngu ngơ thì qua tuổi thất thập như con chắc gì con đã không còn ngu ngơ như bố?
Chính sự thức nhận sâu sắc về lẽ thiện - ác, xem lợi danh chỉ như bóng mây và cả sự vô thường của kiếp người nên nhà thơ đã có quan niệm, sự nhìn nhận theo cách của riêng mình. Đó là biểu hiện rõ nét thái độ sống chan hòa, nhân ái, thuận theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên.
Khi con người ta biết đủ là đủ, biết dung hòa mọi thứ xung quanh, không quá tham lam những thứ không thuộc về mình hoặc cái cao xa không đủ tầm với... thì chắc chắn sẽ cảm thấy thanh thản và nhẹ lòng.
Thơ Bùi Cửu Trường bao giờ cũng gắn cảm xúc với tâm trạng, tạo nên chiều sâu của hình tượng, giàu sắc thái biểu đạt và mang ý nghĩa triết mỹ.
Ngoài cửa sổ lất phất mưa/ Hạt mau thì méo, hạt thưa thì tròn.// Mù mù mây xám chiều hôm/ Vô vi Danh - Đạo, phi thường Đạo - Danh.
Bằng phép đối lập và cách nói ẩn dụ, nhà thơ đã trải lòng mình trước những bản thể hữu hình của sự sống để cảm nhận một cách sâu sắc hơn về cuộc đời. Giờ đây, con người được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh, đặt trong nhiều mối quan hệ, khai thác ở nhiều góc độ khác nhau nên cũng đa sắc màu hơn. Bằng vốn sống, vốn hiểu biết của bản thân, Bùi Cửu Trường đã có sự thẩm định mang tính triết luận với độ lắng đọng, đau đáu, giàu tính nhân bản giữa cõi nhân gian rộng lớn này.
Cuộc đời con người vốn hữu hạn trước cái vô hạn của vũ trụ, đất trời. Cái vô thường bất chợt ập đến, biết đâu mà lường trước được điều gì.
Luân hồi nghiệp kiếp vòng quanh/ Vô thường./ Nào biết xa xanh chốn nào?
Đời người vèo qua nhanh lắm, nên sống thế nào cho phải đạo mới là điều quan trọng. Luân hồi nghiệp kiếp là có thật. Nhưng ở cõi người này lại có muôn màu muôn vẻ, bao mặt trái, bao cái xấu, cái ác vẫn cứ hiển nhiên tồn tại. Vậy bản thân mỗi chúng ta phải hành xử bằng cách nào?
Cõi người hệt giấc chiêm bao/ Trò đùa con tạo nháo nhào dở hay.
Bùi Cửu Trường ví von như vậy là cũng có cơ sở. Bởi sự thật của cuộc sống cõi người nó có nhiều điểm tương đồng với giấc chiêm bao. Nhiều khi cứ ngỡ đó chỉ có trong giấc chiêm bao, thế mà lại là sự thật. Sự thật rất đáng để suy ngẫm.
Nhà thơ giãi bày những dằn vặt của cá nhân, những lo âu về sự phức tạp khó lường của thế sự.
Sợi mưa xiên chéo ánh ngày/ Khuya đêm ai biết mỏng dày./ Bố ơi!
Hình ảnh sợi mưa xiên chéo ánh ngàylà hình ảnh độc đáo, tạo nên sự liên tưởng về kiếp người với bao nhiêu nỗi day dứt, trăn trở triền miên. Bùi Cửu Trường cũng rất tinh tế khi dùng các hình ảnh mang tính biểu tượng: mưa, mây, chiều, đêm, giấc chiêm bao... Đó là những biểu tượng trùng phức, đa nghĩa, có sức hấp dẫn, tạo nên sự ám ảnh đối với người đọc. Nhà thơ thảng thốt trong sự hoài nghi:
Sợi mưa xiên chéo ánh ngày/ Khuya đêm ai biết mỏng dày./ Bố ơi!
Bùi Cửu Trường nhận ra sự vô nghĩa trước chiều dài của thời gian, của sự tồn tại một kiếp người. Bởi tất cả cũng chỉ là hư vô. Tranh đấu, giành giật, hơn thua, vơ vét cho thỏa lòng tham... để rồi khi lìa đời cũng chỉ là “cát bụi”. Mà ai dám chắc mình sẽ trường thọ để an hưởng thú vui vĩnh cửu.
Nhưng ở đời có bao nhiêu người thấu rõ, bao nhiêu người sống theo lẽ thiện lương? Điều cốt lõi là phải thắng mình trước những cám dỗ ghê gớm của vật chất, lợi danh! Chiến thắng bản thân là niềm hạnh phúc lớn lao đối với mỗi số phận con người.
Sớm cũng thôi, muộn cũng thôi/ Mang mang mây nước/ cuối trời/ hư vô!
Xuyên suốt bài thơ với những câu thơ nhẹ nhàng, man mác như tiếng thở dài của lòng mình trước bước đi của thời gian. Sự sống, cái chết dưới đôi mắt của Bùi Cửu Trường thật bình thản vì nhà thơ hiểu sâu sắc rằng đó là điều tất yếu, không ai có thể cưỡng lại được.
Đọc bài thơ Nói chuyện với bố về vô nghĩa, người đọc nhận ra cái thâm thúy của những triết luận mà Bùi Cửu Trường nêu ra. Thể lục bát cách tân cùng với những hình ảnh, giọng điệu, ngôn ngữ... bình dị mà gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc./.
* Bùi Cửu Trường (hay Hạt Cát Diệu Sinh) sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn chương. Dòng họ chị với nhiều đời, nhiều tên tuổi nổi tiếng trong nền văn học nước nhà. Cha chị là nhà thơ, nhà báo, nhà văn hóa Bùi Hạnh Cẩn. Chính thừa hưởng từ cái gen di truyền của dòng họ và từ chính người cha của mình nên tố chất văn chương trong con người Bùi Cửu Trường thể hiện ngay từ bé. Tưởng rằng chị sẽ đi theo con đường thơ phú nhưng khi tốt nghiệp phổ thông, Bùi Cửu Trường lại chọn ngành y và theo nghiệp binh cho đến khi nghỉ hưu.
Điều lạ và đặc biệt ở Bùi Cửu Trường là yêu thơ và đến với thơ từ nhỏ nhưng về già (nghỉ hưu) mới lại làm thơ. Làm thơ như chơi và xem đó là một thú chơi tao nhã của đời mình sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm, cống hiến trí lực cho đất nước. Làm thơ, chơi thơ trên blog và facebook, rồi bạn bè tập hợp in 2 tập: Thơ Hạt Cát 1và Thơ Hạt Cát 2.
Trong khoảng thời gian từ khi nghỉ hưu đến nay chị đã làm đến mấy ngàn bài thơ. Ngày nào chị cũng viết, viết bất cứ lúc nào, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, cứ thích là viết. Chị cho hay: “Hình như có một cõi nào đó mách bảo và rỉ vào tai, tôi chỉ có việc chép chép ghi ghi. Do vậy khi đọc lại, có những bài tôi không nghĩ là mình viết. Nhiều câu chữ lạ được ra đời trong những lúc “lên đồng” như thế”.