Cuộc họp này do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo) đã chủ trì đã truyền đi thông điệp đáng mừng “thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát, một số địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp”.
Theo TTXVN, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; khoảng ngày 30/9/2021 chuyển sang trạng thái bình thường mới, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trên phạm vi cả nước, tình hình dịch vẫn đang tiếp tục được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội; một số địa phương có ổ dịch mới phát sinh song kiểm soát được ngay.
Vì vậy, thay mặt Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Thủ tướng cảm ơn sự tích cực ủng hộ và vào cuộc nhanh chóng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; biểu dương các địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ đã huy động được cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp vào cuộc phòng, chống dịch; biểu dương, ghi nhận công sức của các lực lượng tuyến đầu, Tổ COVID cộng đồng, các tổ chức, cá nhân tình nguyện đã phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, hy sinh vì sức khỏe người dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc…
Theo Thủ tướng, tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song công tác phòng, chống dịch COVID-19 những ngày qua vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Công tác tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu, chậm được khắc phục, nhất là ở cơ sở tại một số địa phương. Một số địa phương chưa chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế nên hiệu quả phòng, chống dịch có nơi chưa cao. Tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Việc khoanh vùng, dập dịch có nơi còn ở phong tỏa diện quá rộng, quá mức cần thiết. Công tác hỗ trợ an sinh xã hội cơ bản tốt nhưng có lúc, có nơi vẫn chưa bao quát đủ đối tượng…
Trên cơ sở phân tích, người đứng đầu Chính phủ chỉ ra một số bài học kinh nghiệm cần thấm nhuần như: Không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác, nhất là khi dịch chưa đến hoặc đã kiểm soát được tình hình, đồng thời tránh hoảng hốt, mất bình tĩnh khi dịch bùng phát, lân lan; Phải nhất quán, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo, song áp dụng linh hoạt vừa tập trung, vừa phân tán căn cứ đặc thù của từng địa phương, thời điểm; Việc phân cấp thực hiện phòng, chống dịch phải xuống tận cơ sở, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch; Tổ chức xét nghiêm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng dịch tốt, nhất là tại địa bàn, đối tượng có nguy cơ cao; thấm nhuần phương châm “một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể đến sức khỏe, tính mạng và nhiều mất mát khác”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, tình hình dịch đang cơ bản được kiểm soát, nên các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, theo các tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến; giao Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến, nhanh chóng hoàn thiện bộ tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”. Trong đó cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về những nhiệm vụ, giải pháp từ cấp Trung ương đến tận tổ, thôn, ấp, bản để các bộ, ngành, địa phương căn cứ áp dụng, thích ứng với dịch bệnh theo các nguyên tắc “y tế là trụ cột, trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu, khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Các bộ, ngành, địa phương thành lập ngay các Tổ Công tác về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội do người đứng đầu làm Tổ trưởng; đồng thời xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế -xã hội phù hợp với đặc điểm, tình hình.
Tiểu Ban Y tế của Ban Chỉ đạo phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, ban hành hướng dẫn quy cách, tiêu chuẩn tự xét nghiệm và huy động y tế tư nhân vào công tác phòng, chống dịch. Các bộ, ngành phối hợp soạn thảo, sớm ban hành quy định mới về công nhận hộ chiếu vaccine; rà soát quy định về xuất nhập cảnh, tạo điều kiện tối đa cho các chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh làm việc tại Việt Nam.
Về vấn đề vaccine, cùng với tổ chức tiêm chủng vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học, theo đối tượng ưu tiên, địa bàn ưu tiên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chủ động chuẩn bị vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch cho thời gian trước mắt và cả trong những năm tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chương trình “sóng và máy tính cho em”, tổ chức dạy và học linh hoạt, an toàn.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, tích hợp ứng dụng, nền tảng công nghệ (APP) sử dụng chung và các giải pháp khác để đảm bảo diện bao phủ trong phòng, chống dịch.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch đúng đối tượng; khen thưởng kịp thời, thỏa đáng đối với tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp và sáng kiến trong phòng, chống dịch; đồng thời phòng, chống, xử lý nghiêm theo pháp luật trước các hiện tượng, hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch…
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Số ca tử vong trong tuần giảm 12,1% so với tuần trước đó. Tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số mắc trong 7 ngày đây giảm 9,8% so với 7 ngày trước. Các địa phương khác tình hình cơ bản vẫn đang được kiểm soát.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, đợt dịch thứ 4 đến 24/9/2021, cả nước đã ghi nhận khoảng 734.000 ca mắc, 503.000 người đã khỏi bệnh (69%) và 18.000 ca tử vong. Trong 14 ngày qua, nước ta ghi nhận 152.215 trường hợp mắc mới (87.214 ca trong cộng đồng).
Trong tuần ghi nhận 40.000 ca mắc trong cộng đồng, chiếm 56,2 % tổng số ca mắc, giảm 11,7 % so với tuần trước đó. Trong đó, Hà Nội ghi nhận 11 ca, giảm 18 ca, TP. HCM 37.000 ca, giảm 4.000 ca, ở Bình Dương giảm 533 ca, Long An giảm 158 ca. Tất cả các địa phương cơ bản đã kiểm soát được dịch, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh đã kiểm soát con số tử vong. Trong ngày hôm qua con số tử vong thấp nhất trong nhiều ngày gần, giảm 10,5%.
Đây là nỗ lực của TP.HCM trong vấn đề kiểm soát tử vong cũng như là phòng chống dịch COVID-19. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, chúng ta đang trong giai đoạn dịch thoái lui, giai đoạn này rất nguy hiểm nếu không tiếp tục các biện pháp phòng chống sẽ có thể dẫn đến một đợt dịch thứ phát sau đợt dịch này.
Một trong những tỉnh có nguy cơ cao như tại tỉnh Kiên Giang đến nay tình hình dịch đã được kiểm soát, Tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới theo phương châm “sớm nhất - nhanh nhất - nhỏ nhất - triệt để nhất; sạch đến đâu khoanh vùng bảo vệ đến đó”. Riêng đối với thành phố Phú Quốc tỉnh sẽ quyết tâm kiểm soát dịch chậm nhất trước ngày 30/9.
Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, ngày 23/9 số ca mắc mới trong toàn tỉnh hiện còn 2 con số đó là 93, trong đó trong cộng đồng là 3 ca, thấp nhất trong 1 tháng 4 ngày qua. Có thể nói đây là một tín hiệu rất mừng, Kiên Giang đã triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua và ngay trong sáng nay, thành phố Phú Quốc thần tốc toàn lực để triển khai tầm soát cho 100% hộ dân Phú Quốc, tỉnh đã huy động trên 2.100 nhân viên để triển khai, phấn đấu sáng nay ra quân chiều nay sẽ có kết quả 100% hộ dân tại Phú Quốc.
Về tiêm chủng, tính đến hết ngày 24/9/2021, cả nước đã tiêm được 37,6 triệu liều vaccine, tỷ lệ sử dụng đạt 72% so với tổng số vaccine phân bổ, trong đó khoảng 22,3 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 7,3 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine (tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine là 41,1% dân số từ 18 tuổi trở lên). Còn khoảng 14 triệu liều đang tiếp tục tiêm, trong đó có khoảng 10,5 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 16/9/2021.
V.X