Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 28)

04/06/2022 02:29

Theo dõi trên

Sau đó, câu chuyện của hai người chuyển sang đề tài chiêm tinh học và Phạm Xuân Ẩn phát hiện ra rằng cả ông và cô Alison Krupnick đều thuộc cung xử nữ.

xuan-an-25-1654283443.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

"Sau đó, tôi cho cô Alison Krupnick mượn cuốn thuật bói toán bằng tiếng Pháp của tôi. Tôi nói với cô ấy rằng tôi rất mê tín, sinh ra dưới sao chiếu mệnh cung xử nữ, và tôi cảm thấy một dấu hiệu tốt lành khi có một phụ nữ đến để kiểm tra tất cả những điều này. Tôi cảm thấy đây là dấu hiệu của việc mình được bảo vệ".

Krupnick khẳng định có một cuộc trao đổi như vậy đã diễn ra và cô còn nói thêm rằng :

- Vâng tôi là người mang mệnh xử nữ. Tôi vẫn thấy buồn cười mỗi khi nhớ lại một người đầy nhân cách như ông Phạm Xuân Ẩn có lần hỏi tôi có bị rối loạn tiêu hoá không bởi vì những người nào mang cung mệnh này rất hay bị rối loạn tiêu hoá. Hình như những cuộc chuyện trò chẳng đâu vào đâu như vậy thường thấy ở Việt Nam.

Krupnick cũng nói với ông Phạm Xuân Ẩn rằng cô đã sống ở Monterey thời kỳ học tiếng Việt tại Học viện quốc tế học Monterey và đã được nhận bằng cử nhân văn chương. Phạm Xuân Ẩn kể lại cho cô nghe chuyện ngày ông được mời dạy tiếng Việt cho một đoàn cố vấn Mỹ chuẩn bị sang Việt Nam và nghĩ một cách hài hước rằng, nếu ngày ấy ông nhận công việc đó chắc ông đã là thầy giáo dạy tiếng Việt cho cô rồi.

Giờ đây, Anson làm việc phối hợp chặt chẽ với bà Judith Ladinsky - người đã vạch ra kế hoạch rất chi tiết để giúp cháu Ân nhận được visa. Bà Judith Ladinsky còn sẵn sàng làm giúp mọi thủ tục giấy tờ giữa Hà Nội và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một khi xác nhận được ai là người bảo trợ cho cháu Ân.

Công việc của bà Ladinsky là một huyền thoại ở Việt Nam: Bà đã giúp đỡ Uỷ ban Hoa Kỳ về Hợp tác khoa học xây dựng một phòng khám đa khoa phát đạt thiết lập chương trình nghiên cứu hỗn hợp và chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu nhi khoa, giải phẫu, dinh dưỡng, HIV/AIDS và điều trị bệnh ung thư. Một phần nhiệm vụ của Uỷ ban Hoa Kỳ về Hợp tác khoa học là thúc đẩy cho sinh viên Việt Nam được sang Hoa Kỳ học tại các trường đại học. Chương trình trao đổi giáo dục Việt Nam của bà Judith Ladinsky tổ chức kiểm tra tiếng Anh TOEFL mỗi năm hai lần ở Việt Nam.

Phạm Xuân Ẩn nói với tôi:

- Con trai tôi chắc sẽ chẳng đi được nếu không có sự giúp đỡ của bà Judith Ladinsky.

Một trong những lời khuyên quan trọng nhất của bà Ladinsky là cần có một lá thư gửi cho ông Henry Dearman, Trưởng Khoa Đào tạo sau đại học, để đề nghị ông cho miễn giấy của người bảo lãnh để cháu Ân có thể được áp dụng mẫu nhập cư I-20 khi xin visa. Anson liền gợi ý tất cả các nhà báo bạn bè của ông Phạm Xuân Ẩn ký tên vào đơn, rồi chuyển cho Trường Đại học North Carolina. Trong danh sách đó có cả tên của Giám đốc CIA William Colby, bạn của ông Phạm Xuân Ẩn "vì biết chắc là chẳng ai kiểm tra điều đó".

Rất may, ông Trưởng khoa Dearman đã miễn mục yêu cầu về người bảo trợ, vì Chủ tịch Spangler của Trường UNC đã có quà riêng cho cháu Ân, hơn nữa gia đình Kyser có mối quan hệ tốt với Nhà trường UNC. Tôi hỏi bà Amanda Anson vì sao ông Chủ tịch Spangler lại giúp đỡ Ân nhiều như vậy? Bà đáp:

- Vì ông ấy là chủ tịch mới của Trường UNC và sống chỉ cách nhà mẹ tôi có hai toà nhà. Ông Spangler vừa được bổ nhiệm thay thế một vị chủ tịch rất được nhiều người yêu mến tên là Bill Friday. Đây là trường hợp một nhân vật mới trợ giúp một sự nghiệp chân chính. Thời gian về sau càng chứng tỏ rằng, ông ấy tin tưởng ở Ân rất nhiều, giống như bất kỳ ai khác. Sau này, ông Spangler đã đến thăm gia đình Phạm Xuân Ẩn ba lần tại Việt Nam và đó cũng là dịp để cha của cháu Ân bày tỏ lời cảm ơn.

Trong giai đoạn này, những nỗ lực của Frank McCulloch trở nên đáng kể nhất, vì đúng vào lúc chính gia đình ông đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Con trai của Frank McCulloch ốm rất nặng và sắp qua đời, nên ông phải nghỉ việc để dành thời gian cho gia đình. Mười lăm năm sau, Phạm Xuân Ẩn nhờ tôi chuyển giúp vài lời ghi âm sau đây đến Frank McCulloch:

- Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với ông, vì đã giúp đỡ con trai tôi ở mức cao nhất mà ông có thể làm được, đặc biệt là trong hoàn cảnh rất khắc nghiệt đối với ông, vì ông chỉ có một đứa con trai, cháu làm luật sư, nhưng bị ốm nặng và không thể bình phục. Mọi người đều biết rằng cháu sắp từ bỏ ông mà đi vì không có thể sống được lâu… trong hoàn cảnh căng thẳng và đầy áp lực như vậy mà ông vẫn dành nhiều thời gian để quyên góp tiền cho con trai tôi. Tôi thực sự biết ơn và đánh giá ông rất cao.

Nhờ sự giúp đỡ của bà Judith Ladinsky, Phạm Ân đã ký vào đơn gửi Chương trình Trao đổi Giáo dục Việt Nam để xin đi học báo chí ở Hoa Kỳ. Bà Ladinsky nhớ lại cuộc chuyện trò của bà với Phạm Ân:

"Cháu là một thanh niên thú vị và dễ chịu, luôn biết đánh giá cao tất cả những gì mà cha cháu cũng như bạn bè của cha đã và đang làm cho cháu. Tôi đã hỏi Phạm Ân về vai trò của cha trong thời gian chiến tranh. Cháu cho biết, cha đã phải chịu áp lực rất lớn và cha đã biết ơn đến mức nào đối với những gì mà Tạp chí Time đã làm cho gia đình. Phạm Ân nói với tôi rằng cháu không thể hiểu nổi, vì sao cha có thể sống một cuộc sống đầy nguy hiểm như vậy trong một thời gian rất dài".

Trước đó gần 10 năm, Karsten Prager từng viết thư cho McCulloch, nói rằng:

- Tôi luôn thích Phạm Xuân Ẩn, nhưng chưa bao giờ tôi hoàn toàn tin cậy ông.

Sau này, Karsten Prager trở thành một mối liên lạc mới giữa Ân và Anson mỗi khi Frank đi vắng. Anson đã nói với Phó Phòng Lãnh sự Lay Woodruff tại Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok:

- Mỹ đã biết lai lịch của Phạm Xuân Ẩn trong thời kỳ chiến tranh và thấy về phía chúng ta không có sự rắc rối đặc biệt nào đối với cháu Ân. Woodruff trả lời rằng cháu Ân sẽ không gặp trục trặc nào trong việc nhận visa nhập cảnh Hoa Kỳ và bản thân ông đã cho điện về Washington đề nghị cho bánh xe quay theo hướng này.

Vào dịp lễ Tạ ơn năm 1990, mọi việc thẩm tra về an ninh đối với Phạm Ân đã được thông qua và cháu được cấp visa sinh viên hạng F-l. Những người bạn và đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn đã quyên góp đủ tiền chi phí cho học trong hai năm ở Trường Đại học North Carolina. Phạm Xuân Ẩn gửi toàn bộ tiền hưu trí của ông do Tạp chí Time trả cùng với 8.000 USD nữa để đóng góp vào quỹ này. Các nhà báo tham gia đóng góp với tư cách cá nhân gồm Neil Sheehan, Stanley Karnow, John Larsen, John Apple, Morley Safer, John Gnffm, Bill Plante, Don Moser, Stanley Cloud, Dan Brehs, Laura Palmer, Dick Swanson, Jason Shaplen, Dick Clurman, và một phần đóng góp của Tạp chí Time. Hầu hết, các đồng nghiệp đều chia sẻ những tình cảm mà Jack Laurence viết như sau:

"Tôi rất vui lòng tham gia chiến dịch gây quỹ… tôi biết ơn các bạn đã cho tôi biết có một việc làm chính nghĩa đang cần được giúp đỡ".

Mọi giấy tờ của Ân đang chờ ở Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok. Đến phút chót, một sự cố xảy ra. Trước hết, Ân phải bay ra Hà Nội để trực tiếp đến Đại sứ quán Thái Lan xin visa nhập cảnh Thái Lan.

- Cô Judith Ladinsky đã giúp đỡ cháu rất nhiều ở công đoạn này.- sau này cháu nói với tôi như vậy. Sau vài ngày ở Hà Nội, cháu lại phải trở về Thành phố Hồ Chí Minh trước khi bay sang Bangkok. Tại Bangkok, các nhân viên của Tạp chí Time đã giúp bố trí khách sạn và dẫn cháu đi mua một bộ complet mới. Hôm sau, cháu đến làm các thủ tục visa, qua một cuộc phỏng vấn ngắn gọn của Đại sứ quán Mỹ. Từ Bangkok, cháu bay thẳng sang New York, Anson ra sân bay John F. Kennedy đón cháu.

Bob Anson kể:

- Tôi vẫn còn nhớ Ân đã vui thích như thế nào khi đến nhà tôi. Đón cháu tại sân bay, Ân vẫn còn mặc bộ complet mới mà Tạp chí Time đã mua cho ở Bangkok. Cháu giống như một đứa trẻ, rất vui thích khi được đến Disneyland.

Phạm Ân đã học hai năm ở Trường Đại học North Carolina, làm việc một nửa thời gian tại thư viện của nhà trường và có một kỳ thực tập ngắn tại một toà báo, giống hệt như cha cháu đã từng làm trước đó 30 năm tại báo Sacramento Bee. Trong một cử chỉ gợi cho tôi nhớ về cha cháu, Phạm Ân chạy đến một chiếc hộp ngăn kéo trong phòng đọc sách của gia đình, rồi rút ra những mẩu cắt báo những bài mà cháu đã viết.

Bài đầu tiên khiến tôi gần như không còn nghi ngờ gì về sự ảnh hưởng từ bóng dáng của cha cháu, nhưng đồng thời cháu cũng có những nét riêng. Bài báo xuất hiện trên tờ Chapel Hill Herald- Sun số ra ngày 29/5/1993, có tựa đề Nơi che chở động vật điều trị, phóng thích những con vịt bị thương được ký tên "Ân Phạm, phóng viên".

Như đã hứa, năm 1993, Phạm Ân đã trở lại Việt Nam để bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao. Năm 1999, cháu giành được học bổng Fulbright, được học một khoá tại khoa Luật, Trường Đại học Duke, Hoa Kỳ. Khi cháu cần sự giúp đỡ về tài chính để dự thêm một học kỳ mùa hè tại Trường Đại học Duke, Chủ tịch Trường Đại học North Carolina Spangler đã không ngần ngại giúp cháu.

Mặc dù trong suốt ba năm học luật tại Trường Đại học Duke phải ở Durham, nhưng lễ Giáng sinh nào, Ân cũng về với gia đình Kysers. Ngày 16/12/2000, trong một bưu ảnh Giáng sinh gửi cho bà Georgia Kyser, Phạm Xuân Ẩn viết:

"Vợ tôi và tôi rất biết ơn bà và mọi người đã coi cháu Phạm Ân là một thành viên trong gia đình mình. Đối với cháu, nhà bà chính là nơi ở thứ hai của cháu và cháu rất may mắn được trở lại bang North Carolina để được học thêm".

Tôi muốn kết thúc bằng một câu chuyện ngắn liên quan đến tôi của một người bạn tôi là Đại uý Mark Clodfelter thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Quốc gia - người từng đưa lớp học của mình sang Việt Nam mùa xuân năm 2006. Mark và các bạn của ông đã được dự một buổi tiếp của ông Lê Quốc Hùng, Vụ trưởng một vụ ở Bộ Ngoại giao và là sếp của cháu Ân. Khi đó, Phạm Ân cùng dự, trao đổi và nói vài lời nhận xét trong phần hỏi đáp.

"Ngày 8/5/2006, Phạm Ân gặp nhóm của chúng tôi gồm tám học viên (gồm cả không quân, bộ binh, hải quân, và thuỷ quân lục chiến, một người của Bộ Ngoại giao, một người của Bộ Không lực dân sự). Tất cả chúng tôi đều có ấn tượng sâu sắc bởi sự hiểu biết rất tinh tế của Phạm Ân về các mối quan hệ - đối ngoại của Hoa Kỳ, cũng như khả năng tiếng Anh lưu loát và cách diễn đạt của anh. Khi ra về, tất cả chúng tôi đều có ấn tượng mạnh trước sự hiểu biết tuyệt vời của anh Phạm Ân về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ".

Trong thời gian Tổng thống Mỹ George W. Bush thăm Việt Nam tháng 9/2006, Phạm Xuân Hoàng Ân được chọn làm phiên dịch cho cuộc trao đổi giữa Tổng thống Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Phạm Ân nói với tôi:

- Cháu ước gì ba cháu có mặt ở đây để chứng kiến những giây phút này. Giọng của cháu đôi lúc đã nghẹn lại trong quá trình phiên dịch cho Tổng thống và Chủ tịch nước, cháu đã cố kiềm chế những giọt nước mắt của mình vì quá xúc động.

Vâng, cha của cháu đã từng tự hào về con trai mình, nhưng tôi nghĩ chắc ông còn cảm thấy hạnh phúc hơn khi các mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên rất thân thiết và gần với trái tim ông.

Hết chương 7

Theo Trái tim người lính/Nguồn: “Điệp viên hoàn hảo” của giáo sư Larry Berman

Bạn đang đọc bài viết "Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 28)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn