Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (kỳ 4)

Tại Sài Gòn, sau cuộc gặp đầy xúc động với Diane Anson, Phạm Xuân Ẩn trở về nhà.
anh-1-1648690997.jpg
Phạm Xuân Ẩn cùng với bốn người con của ông: Hoàng Ân (tức Phạm Ân, con cả, bên phải), Hoàng Vũ bên phía tay phải ông Ẩn, Hoàng An bên phía tay trái, và Thanh Bình, con gái (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn)

 Đêm hôm đó, chờ cho đến khi các con đã đi ngủ, Phạm Xuân Ẩn đặt mấy hạt gạo và đổ một ít nước bên chiếc thìa rồi đưa lên lửa nấu cho đến khi gạo trở thành một chất hồ sền sệt. Bên cạnh ông, con chó Đức và bà Thu Nhàn vợ ông đứng nhìn. Phạm Xuân Ẩn nhúng ngòi bút vào thìa cháo đặc, rồi bắt đầu viết lên một tờ giấy gói thông thường.

Vài phút sau mực bay hơi biến mất, nhưng ông vẫn tiếp tục viết giống như ông đã từng làm cứ vài tuần một lần như vậy trong suốt một thập kỷ qua.

Bà Thu Nhàn làm việc tại một trung tâm sản xuất hàng thủ công Sài Gòn ở gần tiệm cà phê Givral, khi lần đầu tiên gặp ông Phạm Xuân Ẩn, bà kể:

- Lần đầu tiên gặp ông Phạm Xuân Ẩn, tôi nghĩ ông là người có học, trông rất trí thức và có phong cách lịch lãm. Ông ấy là người dễ gần và rất hay nói đùa.

Hai người yêu nhau được sáu tháng thì làm lễ cưới vào ngày 25/1/1962. Bà Thu Nhàn nhớ lại:

- Có rất nhiều, rất nhiều nhà báo đến dự lễ cưới của chúng tôi.

Sáu tháng sau, Phạm Xuân Ẩn nói với vợ rằng ông cũng làm việc cả cho cách mạng nữa. Điều này đã khiến con tim bà rạo rực hẳn lên. Bà Thu Nhàn kể:

- Khi còn ở bậc tiểu học, tôi rất thích học môn lịch sử, những bài giảng về những cuộc nổi dậy ở đất nước tôi chống giặc ngoại xâm… Trong máu tôi đã sẵn có tình yêu đất nước vì thế mà cho đến nay tôi vẫn còn nhớ những bài hát, bài thơ ca ngợi, đề cao chủ nghĩa yêu nước.

anh-2-1648691044.jpg
Bí thư Tỉnh uỷ Long An trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho bà Ba.

Bà Thu Nhàn luôn sẵn sàng làm tất cả mọi điều để ủng hộ sự nghiệp của chồng mình.

- Khi biết chồng tôi đang thực hiện những hoạt động bí mật cho cách mạng và gánh vác những nhiệm vụ rất nặng nề và nguy hiểm nhằm mang lại độc lập cho đất nước, tôi chấp nhận ngay sự nghiệp của chồng để công tác cùng với chồng, sao cho an toàn và hiệu quả nhất. Như chúng tôi thường nói, thuận vợ thuận chồng thì bể Đông tát cũng cạn.

Bà Thu Nhàn thường đi cùng với ông Phạm Xuân Ẩn để làm nhiệm vụ cảnh giới cho ông mỗi khi ông phải chuyển giao tài liệu. Những lúc cần thiết, bà còn thức gần như trắng đêm cùng với chồng để chụp ảnh các tài liệu bên dưới hai bóng phân tán tư tưởng bởi những việc liên quan đến con cái gia đình.

Bà Thu Nhàn nói với tôi rằng ông Phạm Xuân Ẩn đã giao hẹn với bà rằng nếu ông có bị bắt, bà không cần phải đi chạy vạy xin xỏ cho ông được thả ra, cũng không phải cậy nhờ ai giúp đỡ. Bởi vì ông không bao giờ phản bội lại các nguồn tin của mình, đồng thời sẵn sàng hy sinh. Bà Thu Nhàn cho biết ông Phạm Xuân Ẩn luôn mang bên mình một viên thuốc để khi cần có thể tự sát. Điều này khẳng định thêm lời mà ông Phạm Xuân Ẩn đã nói với tôi nhiều lần.

- Là một phụ nữ, tôi rất lo ngại và sợ. Lúc nào tôi cũng ở trong tình trạng sẵn sàng đối phó với trường hợp xấu nhất. Lúc nào tôi cũng cảm giác mình như cá nằm trên thớt.

Phạm Xuân Ẩn là người luôn tin ở sự may mắn và lần này Bob Anson đã gặp may bởi vì sáng hôm sau, ông Ẩn có hẹn gặp với bà Nguyễn Thị Ba, một người liên lạc lâu năm của ông. Năm 1976, bà Nguyễn Thị Ba được tuyên dương Anh hùng các lực lượng vũ trang.

Bí thư Tỉnh uỷ Long An trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho bà Ba.

Chính ông Phạm Xuân Ẩn đã lựa chọn bà Ba làm liên lạc cho mình, vì ông tin rằng chỉ có phụ nữ làm liên lạc thì mới dễ che mắt được đối phương. Bà Nguyễn Thị Ba lớn hơn ông Ẩn 12 tuổi, mồm luôn bỏm bẻm nhai trầu, nên không hề gây ra sự chú ý nào đối với người khác. Trước khi lựa chọn bà Ba làm liên lạc cho mình, Phạm Xuân Ẩn đã từ chối chín người khác. Bà Nguyễn Thị Ba kể cho tôi nghe:

- Trước khi được gặp ông Ẩn lần đầu tiên, tôi được mọi người cho biết ông này chẳng giống ai cả đâu, cho nên phải chuẩn bị tinh thần sẽ bị ông từ chối. Ông Phạm Xuân Ẩn là người rất đặc biệt và luôn đòi hỏi cao.

Nhớ lại buổi gặp gỡ đầu tiên, bà Ba kể rằng bà làm như người đang mang hoa đi lễ chùa. Theo qui định trước, ông Phạm Xuân Ẩn chào bà:

- Chào chị Bảy Ba.

Bà đáp lại bằng câu:

- Chào anh Ba Ẩn.

Nếu hai con số thứ tự trao đổi mà có tổng là 10, thì cả hai đều nhận nhau là người của cách mạng.

Suốt từ năm 1961 đến năm 1975, bà Ba là người liên lạc tình báo duy nhất của ông Phạm Xuân Ẩn. Bà Nguyễn Thị Ba mang bí số nữ tình báo B3 nhớ lại:

- Mỗi tháng tôi gặp ông Ẩn ba, bốn lần để nhận tài liệu. Tuy nhiên, trong tình hình khẩn cấp, mỗi tháng chúng tôi có thể gặp nhau từ năm đến sáu lần. Khi đi nhận tài liệu từ phía ông Ẩn, tôi thường trong vai một người bán hàng rong, khi thì bán rau xanh, lúc bán tạp hoá, cất để dễ trà trộn trong đám đông. Nếu tài liệu ông Ẩn trao mà ở dạng phim, ông thường cuộn lại rất nhỏ rồi giấu bên trong một bánh xà phòng hoặc bên trong những chiếc nem chua.

 Bà Nguyễn Thị Ba cố giải thích để cho tôi hiểu về chiếc nem chua, một món ăn được làm bằng thịt sống gói trong lá chuối là thứ mà ông Ẩn rất hay giấu những cuộn phim.

Anson đã may mắn thoát chết chỉ vì Hà Nội đang chờ báo cáo phân tích chi tiết của Phạm Xuân Ẩn về cuộc tấn công của Nixon vào Campuchia, cũng như những thông tin cập nhật về sự huấn luyện và tinh thần của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Phạm Xuân Ẩn quyết định chỉ gửi một bức điện với vài cuộn phim. Ông nêu yêu cầu cấp trên cung cấp cụ thể những thông tin về một nhà báo Mỹ, đồng nghiệp của ông làm việc cho Tạp chí Time, một người bạn của Việt Nam vừa bị bắt sống. Ông đề nghị rằng nếu Bob Anson chưa chết, cần phải trả lại tự do ngay cho anh ta, không cần hỏi lại ông giải thích rằng người Mỹ này đã cứu nhiều mạng sống của trẻ em Việt Nam ở Takeo.

Ông Phạm Xuân Ẩn làm điều này là rất mạo hiểm vì nếu chẳng may bà Ba hoặc bất kỳ thành viên nào trong tổ tình báo khi đang vận chuyển báo cáo của ông mà bị bắt, thì vỏ bọc của ông bị lộ tẩy ngay tức khắc.

Chỉ có Phạm Xuân Ẩn mới dám đưa ra đề nghị về Anson như vậy. Điều đó chứng tỏ những đánh giá cá nhân của ông với tư cách một sĩ quan tình báo được đánh giá rất cao. Trong thời gian cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cấp trên trực tiếp của ông là Tư Cang thông báo với Phạm Xuân Ẩn rằng ông đã được tặng thưởng Huân chương đặc biệt vì những đóng góp của ông dẫn đến chiến thắng Ấp Bắc năm 1963, cũng như vì những báo cáo của ông được cấp trên đánh giá cao. Ông Tư Cang được cử vào Sài Gòn để làm việc với Phạm Xuân Ẩn nhằm xác định những con đường thâm nhập vào thành phố. Chính ông Tư Cang là người đã viết báo cáo thành tích của ông Ẩn để ông được trao tặng Huân chương nói trên. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi:

- Ông biết không, đó là lần đầu tiên tôi được nghe về những nhận xét của họ đối với những báo cáo tình báo của tôi. Khi ông Tư Cang cho biết tôi đã được tặng Huân chương về vụ Ấp Bắc, tôi đã biết rằng tôi chẳng bao giờ có thể được đeo tấm Huân chương ấy cho đến khi chiến tranh kết thúc. Nhưng giờ đây tôi quyết định đeo tấm Huân chương đó.

Ngày hôm sau, Phạm Xuân Ẩn đi chợ chim, thú cùng với con chó Đức của ông luôn ở bên. Ông nổi tiếng khắp Sài Gòn là người nuôi chim cảnh và huấn luyện chó giỏi. Những con chim, thú cũng tạo cho ông một vỏ bọc tình báo tuyệt vời.

Phạm Xuân Ẩn còn huấn luyện được cả con chó cứ chạy đến tè vào những gốc cây mà ông sử dụng làm hộp thư chết cho những lần trao đổi tin tức tình báo. Ông có thể bất ngờ vắng mặt vài ngày vẫn không gây nghi ngờ. Mỗi lần thấy ông vắng mặt, mọi người lại cho rằng ông đang đi chợ chim, thú hoặc lại đang bận đi huấn luyện chó hay tìm mua bán chó.

Chợ chim, thú lúc nào cũng đông nghẹt người. Tại đây người ta bán đủ loại chim thú từ khỉ, vẹt, thỏ, chó, mèo, cá cảnh, và đủ loại chim. Phạm Xuân Ẩn xem kỹ những con chim cu gáy châu Phi, bồ câu Pháp, cú vọ vẹt chiền chiện, gà lôi đỏ, yến.

Phạm Xuân Ẩn và con chó King (tại Sài Gòn)

Biết bà Nguyễn Thị Ba sắp đến để liên lạc, Phạm Xuân Ẩn nấn ná chờ tại quầy bán dơi. Vài phút sau, bà Ba tới và ông Phạm Xuân Ẩn bắt chuyện. Hai người trao đổi về kinh nghiệm sử dụng tiết con dơi hoà với rượu gạo để làm thuốc cổ truyền chữa trị bệnh lao. Phạm Xuân Ẩn hướng dẫn tỉ mỉ cho người quen của mình cách cắt tiết con dơi như thế nào, pha chế thuốc ra sao. Trong lúc trò chuyện, thỉnh thoảng ông lại mời bà một chút đồ ăn. Có lẽ, bà Ba mang về để ăn sau, vì không thể nào ăn hết được tất cả những chiếc nem cuốn gói trong những tờ giấy trắng này. Bà Ba cám ơn ông Ẩn rồi trao lại cho ông một cái gì đó để toại lòng nhau. Sau đó, họ chia tay mỗi người đi một ngả. Phạm Xuân Ẩn trở về Văn phòng Tạp chí Time còn bà Nguyễn Thị Ba đi về hướng Củ Chi ngoại ô Sài Gòn. Tại đây, một mạng lưới hỗ trợ tinh vi đang chờ bà Ba chuyển giao những gói nem cuốn. Trong gói đó có cả những chỉ thị của ông Phạm Xuân Ẩn về thời gian, địa điểm cho những cuộc gặp gỡ tiếp theo. Bà Nguyễn Thị Ba kể với tôi:

- Mỗi tháng, chúng tôi đặt thời gian cho một cuộc gặp chính và hai cuộc gặp phụ. Mỗi cuộc cách nhau mười ngày. Mọi chuyện đều được đặt trước vào các ngày chẵn 10, 20, 30 hằng tháng.

Nhưng các ngày luôn thay đổi nên không có một khuôn mẫu nào. Trong trường hợp có việc rất khẩn cấp vì đã biết nơi các con ông Phạm Xuân Ẩn đang học nên tôi chỉ cần đến trước cổng trường chờ cho đến khi ông Ẩn chở các con tới trường. Chỉ cần để cho ông Ẩn nhìn thấy tôi là đủ, không cần nói với nhau câu gì. Như thế cũng đủ để ông ấy hiểu có yêu cầu cấp bách về tin tức và tự ông sẽ lên hệ với căn cứ.

Bà Nguyễn Thị Ba thường chỉ mang gói thư của ông Phạm Xuân Ẩn đến Hóc Môn nằm giữa chặng đường đến Củ Chi. Tại đây, bà chuyển tiếp gói thư đó cho một người liên lạc khác. Bản thân bà rất ít khi đi Củ Chi. Ngoài ra, giữa ông Phạm Xuân Ẩn và bà Nguyễn Thị Ba không hề có kiểu liên lạc gì khác: không điện thoại, không điện đài vô tuyến sóng ngắn, không thư tín. Ngày đó bà Ba chưa biết chữ. Bà cũng chẳng cần biết ông Phạm Xuân Ẩn sống ở đâu. Đây thực sự là một cặp tình báo viên thuộc loại cổ điển nhất và cũng là hiệu quả nhất trong lịch sử.

Chuyến đi đến Củ Chi, cách Sài Gòn khoảng ba mươi kilômét về phía tây bắc là chuyến đi nguy hiểm, vì khu vực này có rất nhiều lính Mỹ với những trạm kiểm soát dầy đặc. Dưới lòng đất Củ Chi là một mạng lưới địa đạo nhằng nhịt giống như mạng nhện. Vùng này là một dải đất trải dài từ Sài Gòn đến biên giới Campuchia. Hệ thống địa đạo lúc đầu được đào làm nơi ẩn náu của các du kích Việt Minh trong các trận đánh chống Pháp.

Từ giữa những năm 1960, Củ Chi đã trở thành một nơi tự ôm vào mình đủ thứ từ khu dân cư đến kho bãi, nhà máy đạn dược, bệnh viện, tổng hành dinh của tình báo quân sự. Tình báo Mỹ biết rõ tại đây có những đường địa đạo đang tồn tại nên Củ Chi là một trong những nơi phải hứng chịu nhiều nhất những trận bom, hoá chất làm rụng lá cây của Mỹ. Củ Chi cũng là một trong những quận bị tàn phá nhiều nhất trong chiến tranh. Bà Hà Thị Kiện (tức Tám Kiện), một nữ giao liên khác kể:

- Chẳng còn gì ở đấy cả. Khu vực này đã bị rải chất độc nhiều lần nên trông như một vùng đất chết.

Trên thực tế, toàn bộ dân Củ Chi từ lâu đã bị gom vào cái gọi là ấp chiến lược ngoại trừ những làng ở rừng Hố Bò vốn từng được biết đến như là những làng giải phóng và dưới sự kiểm soát của Việt Cộng. Phạm Xuân Ẩn ít khi đến các địa đạo vì sau năm 1969, Mỹ đã tăng cường rất nhiều nỗ lực nhằm xác định căn cứ của Việt Cộng ở Củ Chi. Nếu Phạm Xuân Ẩn đi tới đó sẽ rất nguy hiểm cho ông, biết đâu ông có thể bị bắt hoặc bị giết trong một trận tấn công của Mỹ.

Tại căn cứ ở Củ Chi, người ta chỉ cần một ít dung dịch i-ốt đổ lên tờ giấy gói là có thể đọc được những báo cáo tình báo của Phạm Xuân Ẩn. Bên dưới những lớp cuốn của chiếc nem chua là những cuộn phim và các thông tin chi tiết về thời gian, địa điểm, ngày tháng cho những những cuộc gặp gỡ tiếp theo. Phạm Xuân Ẩn luôn luôn là người chủ động đưa ra những chi tiết này. Những phần quan trọng nhất trong báo cáo tình báo của Phạm Xuân Ẩn thường được gửi qua đường vô tuyến điện đến tổng hành dinh Trung ương Cục miền Nam sau khi đã được mã hoá. Những cuộn phim và bản tóm tắt nội dung bản báo cáo của Phạm Xuân Ẩn sẽ được một đơn vị Việt Cộng có vũ trang chuyển đến Cục tình báo vùng, cuối cùng là được chuyển ra Hà Nội.

Phạm Xuân Ẩn nói với tôi:

- Nhiều người đã phải hy sinh để bảo vệ những báo cáo của tôi đấy. Họ là những người rất dũng cảm, thế mà tôi không hề biết gì về điều này, chỉ đến khi hết chiến tranh mới được biết.

Sau khi gửi cáo báo cáo đi, Phạm Xuân Ẩn không biết phải làm gì nữa ngoài chờ đợi tin tức về số phận của Bob Anson.

Sau nhiều tuần bị bắt giữ, một hôm vào lúc nửa đêm, Bob Anson được một trong những sĩ quan thẩm vấn đánh thức dậy, thông báo rằng việc anh là phóng viên của Tạp chí Time đang được xác minh, có thể có kết quả trong vài ngày tới nhưng anh sẽ sớm được trả lại tự do. Người sĩ quan thẩm vấn này muốn biết tại sao Anson không nói cho họ biết mọi điều trong các cuộc thẩm vấn. Nghe người sĩ quan thẩm vấn nói vậy, Anson nghĩ thầm mình chẳng giấu giếm điều gì.

Nhưng trước khi anh nói điều đó ra thì người sĩ quan thẩm vấn hỏi tiếp tại sao anh không nói điều gì về Takeo. Người sĩ quan nói:

- Ở Việt Nam chúng tôi có truyền thống rằng người nào chỉ cần cứu mạng sống của một trong số con em chúng tôi thôi thì đã được chúng tôi ghi nợ bằng máu. Mặt trận xin cám ơn anh. Anh được tự do… Từ nay anh là người của phía chúng tôi. Một người chiến sĩ cách mạng.

Bob Anson hết sức vui mừng, nhưng anh cũng bối rối. Anh đã không nghĩ đến việc phải tiết lộ chuyện xảy ra ở Takeo, đơn giản chỉ là vì kể về chuyện đó chẳng liên quan gì đến lời khai của anh. Thậm chí, anh đã gạt tất cả mọi chuyện sang một bên để chỉ nghĩ đến việc về với Diane và các con anh. Chín ngày sau, Anson được rời nơi tạm giam. Những người bạn chiến sĩ cách mạng của anh tặng cho anh món quà là một đôi dép Bác Hồ. Đế dép làm bằng mảnh lốp xe tải các quai dép làm bằng săm ôtô. Một chiến sĩ nói:

- Chúng tôi toàn dùng đồ tốt nhất đấy. Săm, lốp do Mỹ sản xuất nhé. Dầy bốn lớp!.

Mười bảy năm sau Bob Anson trở lại Việt Nam vì lý do cá nhân. Nửa đêm Anson đến thăm nhà Phạm Xuân Ẩn. Ông ra chào khách trong một bộ quân phục với hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên ngực đeo Huân chương.

- Lúc nào anh cũng mặc thế này à?,- Anson hỏi.

- Phải. Lúc nào cũng thế này. - ông Ẩn đáp và mỉm cười.

Sau này, Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng Anson hôm đó bị khoảng chục nhân viên an ninh đi theo. "Anson không hề biết ông ấy bị bám đuôi. Nhưng hôm sau, tôi được các nhân viên an ninh đến thăm. Tôi đã kể cho họ nghe câu chuyện ở Takeo, sau đó họ ra về".

Khi gặp lại Anson, câu đầu tiên Phạm Xuân Ẩn hỏi là:

- Thế nào, các cháu Christian và Sam có khoẻ không? và Diane có khoẻ không?.

Anson nghĩ "mười bảy năm đã trôi qua, thế mà ông Ẩn vẫn chưa quên một chi tiết nào. Mười bảy năm đã trôi qua, vậy mà ông vẫn còn biết cách làm vui lòng tôi. Kỹ năng này chắc đã khiến ông rất giỏi trong nghề của mình".

Sau một tiếng rưỡi đồng hồ trò chuyện một cách thân thiện, cuối cùng Anson hỏi bằng cách nào những người đã bắt giữ anh trước đây có thể biết được câu chuyện ở Takeo? Lần đầu tiên ông Ẩn thừa nhận với Anson rằng chính ông đã báo cho Mặt trận về việc người bạn của ông bị bắt giam và ông đã kể cho họ nghe những chi tiết về hành động anh hùng ở Takeo của người bạn ấy. Tuy nhiên, đêm hôm đó ông Ẩn chỉ nói cho Anson một phần của sự thật. Khi ấy ông đã bảo với Anson rằng một người của Mặt trận đến nhà ông ở Sài Gòn để xác minh lời khai của Anson về thời gian anh làm việc cho Tạp chí Time.

Trong cuốn Tin chiến trường của mình, Anson kể lại đoạn đối thoại giữa anh và ông Ẩn về chuyện này như sau:

- Nhưng tại sao? Tôi và ông, chúng ta là những người ở khác bên cơ mà.

Ông Ẩn nhìn vào tôi có vẻ suy nghĩ lắm, dường như ông rất thất vọng rằng sau tất cả những lời giảng giải của ông, tôi vẫn không nắm được bài học cơ bản nhất của ông rồi nói:

- Không. Chúng ta là bạn của nhau.

Còn một trang cuối cùng của câu chuyện này. Đó là khi ấy vào thời điểm năm 1988 ông Ẩn chưa sẵn sàng để chia sẻ với Anson toàn bộ sự thật. Vì vẫn còn quá nguy hiểm đối với ông nếu tiết lộ phương thức hoạt động của một điệp viên. Mười tám năm sau, ông Ẩn đã kể cho tôi nghe trên thực tế điều gì đã diễn ra. Đó là trên thực tế, đã chẳng có người nào của Mặt trận đến nhà riêng của ông. Vì như vậy, có thể khiến ông bị lộ. Ngoài ra, gần như chẳng có ai trong Mặt trận biết nhiệm vụ bí mật của ông, và nếu biết thì Mặt trận cũng không sẵn sàng đặt ông vào rủi ro để cứu một người Mỹ.

Bob Anson được thả là do một báo cáo bí mật của ông Phạm Xuân Ẩn nói về Takeo mà chính báo cáo này đã được bà Nguyễn Thị Ba và một nữ giao liên khác chuyển đến Củ Chi. Rất đơn giản. Anson thoát chết còn do may mắn vì trước đó ông Phạm Xuân Ẩn đã có cuộc hẹn gặp bí mật với bà Ba; vì anh đã kết bạn với ông Ẩn; vì chính anh đã từng dũng cảm cứu những đứa trẻ Việt Nam ở Takeo; và còn vì mạng lưới tình báo H.63 của ông Ẩn làm việc rất hiệu quả. Ông Ẩn nói với tôi:

- Anson không bắt buộc phải cố gắng giúp đỡ những đứa trẻ Việt Nam đó, thế mà anh ấy vẫn cố làm. Sau đó, anh ấy còn liên hệ với những đứa trẻ này để đảm bảo chắc chắn rằng chúng được an toàn và được chăm sóc tốt. Anh ấy là một người tốt và cũng là một người may mắn nữa.

(Còn nữa)

Trái Tim Người Lính