Tuy nhiên, vào thời kỳ đó những người Cộng sản Việt Nam hiểu biết rất ít về những chiến thuật đang được Mỹ vạch ra cho một cuộc "chiến tranh đặc biệt" kiểu mới. Việc đưa máy bay trực thăng của Mỹ vào hỗ trợ cho các cuộc hành quân càn quét đã gây ra thương vong rất nặng nề cho phía Việt Cộng. Nhiệm vụ của Phạm Xuân Ẩn là phân tích các chiến thuật mới để những nhà vạch kế hoạch quân sự Cộng sản đưa ra được những chiến thuật đối phó. Phạm Xuân Ẩn nói:
- Tôi được phía Việt Nam Cộng hoà tin cậy nên trao cho nhiều tài liệu, thậm chí cả ông Trần Kim Tuyến cũng vậy. Tôi đã đọc tất cả những tài liệu ấy, trao đổi với các cố vấn quân sự Mỹ và những người bạn Việt Nam của tôi vừa từ khoá huấn luyện ở Mỹ trở về. Sau đó, tôi viết báo cáo tình báo gửi đi, chỉ có thế thôi. Một khi tôi đã có tài liệu trong tay thì viết báo cáo rất dễ… Tôi chỉ phải làm mỗi việc là đọc tài liệu, dự các buổi thông báo tin tức, nghe mọi người xung quanh nói chuyện với nhau, cộng thêm sự phân tích của tôi nữa, thế là đã có thể gửi được báo cáo vào rừng. Sau đó, tôi chẳng biết điều gì đã xảy ra tiếp theo đó mãi cho đến nhiều năm sau.
Từ năm 1961 đến năm 1965, Phạm Xuân Ẩn đã gửi gần như tất cả mọi tài liệu quan trọng liên quan đến các kế hoạch hoạt động quân sự và dân sự ở miền Nam Việt Nam. Ông Mai Chí Thọ, người đã gom góp tiền cho Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học nói với tôi:
- Trận Ấp Bắc là do có thông tin về chiến thuật. Ông Phạm Xuân Ẩn đã cho chúng tôi biết về việc Mỹ vừa đưa ra những chiến thuật mới, nhờ đó mà chúng tôi có thể vạch ra chiến thuật đối phó. Một số người khác của chúng tôi thì vạch ra những kế hoạch mới để thực hiện những chiến thuật đó. Một số người khác nữa khi thực hiện đã chiến đấu rất dũng cảm tại trận Ấp Bắc. Nhưng những tin tức tình báo và những tài liệu mà ông Phạm Xuân Ẩn gửi về đã giúp cho chúng tôi làm được những điều đó.
Ông Phạm Xuân Ẩn cũng đã nói với tôi những điều tương tự như lời của ông Mai Chí Thọ khi ông cho tôi xem một cuốn sách của Saxe
"Phân tích chiến lược cũng cần phải có năng lực chiến thuật. Nhiệm vụ của tôi trong giai đoạn đó là phải giúp hiểu được phương thức mới chiến tranh đặc biệt của Mỹ để họ có thể vạch ra được những chiến thuật đối phó mới. Tôi đã gửi cho họ những phân tích của mình, người khác quyết định về phương thức và địa điểm để tổ chức trận đánh".
Tổng thống đắc cử John Fitzgerald Kennedy tin rằng Edward Lansdale là một trong số ít người Mỹ có đủ năng lực để cố vấn cho Tổng thống về chiến tranh không thông thường và vai trò của Mỹ ở Đông Dương.
Lansdale rời Sài Gòn năm 1957 cùng thời gian với việc ông Phạm Xuân Ẩn rời Sài Gòn sang California học báo chí. Lansdale được mời về Mỹ để làm việc trong Văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ với chức vụ Phó Trợ lý Ngoại trưởng về các cuộc hành quân đặc biệt. Trong thời kỳ chuyển giao giữa hai tổng thống, Tổng thống đắc cử Kennedy đã phái Lansdale trở lại Nam Việt Nam để đánh giá toàn diện về phong trào nổi dậy. Chương trình chuyến thăm lần này của Lansdale dầy đặc những cuộc trao đổi cấp cao và đi thăm thực địa chiến trường. Trong chuyến thăm đó, Phạm Xuân Ẩn và Lansdale đã gặp nhau hai lần. Cuộc gặp đầu tiên thoả mái hơn. Hai người trò chuyện với nhau về thời kỳ hai năm Phạm Xuân Ẩn sống ở Hoa Kỳ. Sau khi hai người đã nói với nhau vế những phong cảnh đẹp của bờ biển California, Lansdale bảo Phạm Xuân Ẩn rằng sắp tới ông ta đi California, vậy có thể mua gì làm quà cho ông Ẩn được? ông Phạm Xuân Ẩn trả lời rằng nếu Lansdale có thể dừng bất kỳ chỗ nào trên đoạn đường 17-mile Drive qua Pacific Grove và Pebble Beach rồi mua mang về làm quà mấy viên tinh hoàn hải cẩu để ngâm rượu Black&White Scotch thì tuyệt. Phạm Xuân Ẩn giải thích với Lansdale rằng rượu tinh hoàn hải cẩu là một thứ thuốc kích dục mạnh nhất trong tất cả các thuốc kích dục. Sau đó, Lansdale về tay trắng, giải thích với Phạm Xuân Ẩn rằng ông ta không biết bằng cách nào giữ cho con hải cẩu đứng im để thực hiện cái nhiệm vụ mà ông Ẩn đã giao !!!
Cuộc nói chuyện thứ hai của Phạm Xuân Ẩn và Lansdale nghiêm túc hơn nhiều. Sau khi biết Phạm Xuân Ẩn làm việc cho bác sĩ Trần Kim Tuyến, Lansdale tỏ ra rất quan tâm những đánh giá của Phạm Xuân Ẩn về tình hình nổi dậy. Phạm Xuân Ẩn đã nói hết với Lansdale đúng như những gì ông đã nói với Trần Kim Tuyến.
- Chẳng có lý do gì mà tôi phải nói dối ông Lansdale về điều này, đặc biệt là từ khi tôi biết chắc Lansdale thế nào cũng sẽ nói với Trần Kim Tuyến, nên tôi cần phải liên tục và khách quan trong các phân tích của mình. Tôi đã quen biết Lansdale từ lâu. Ông ấy là bạn của tôi. Và việc chúng tôi nói chuyện với nhau về những vấn đề như vậy là chuyện tất nhiên. Tôi nói với Lansdale những điều tôi nghĩ, còn ông ấy chia sẻ với tôi những đánh giá của ông. Lansdale đã cung cấp cho tôi những thông tin quí báu. Ông ấy luôn dạy cho tôi và tôi luôn chú ý lắng nghe. Ông ấy khuyên tôi nên đọc cuốn Chiến tranh tâm lý của Paul Linebarger. Tôi học được rất nhiều từ Lansdale về Sherman Keng, về chống nổi dậy, về những cách khác nhau để chống lại những người Cộng sản.
Có một điều mà Lansdale không biết, đó là tất cả những gì Phạm Xuân Ẩn học được thì đều được gửi ra Hà Nội. Ông Mười Nho, một chỉ huy trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn thời gian đó, nhớ lại:
"Năm 1962, ông Hai Trung đã gửi cho chúng tôi hai mươi bốn cuộn phim về toàn bộ các kế hoạch liên quan đến chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ. Những tài liệu này bao gồm cả kế hoạch tổng thể về cuộc chiến tranh, những thông tin về sự gia tăng các lực lượng vũ trang, sự hỗ trợ của lính Mỹ, kế hoạch về xây dựng ấp chiến lược kế hoạch hành quân chiếm lại những vùng đã được giải phóng, và kế hoạch củng cố quân đội nguỵ cùng với những thiết bị quân sự Mỹ".
Chính ông Mười Nho là người trực tiếp rửa những cuộn phim đó. Tay ông run lên khi ông nhìn thấy toàn bộ nội dung văn bản các báo cáo của Stanley và Taylor. Ông Mười Nho nói:
- Có đến cả một tỷ USD chúng tôi cũng không thể mua được những tài liệu như vậy. Sự hiểu biết về kẻ thù mà những tài liệu này cung cấp đã giúp cho chúng tôi chuẩn bị các kế hoạch đối phó với chiến lược của kẻ thù… Sự thất bại hoàn toàn của địch trong trận Ấp Bắc đã buộc Mỹ phải từ bỏ Chiến tranh đặc biệt để đi tìm kiếm một chiến lược mới.
Khi tôi hỏi ông Mai Chí Thọ rằng sự đóng góp nào của Phạm Xuân Ẩn được coi là giá trị nhất? Ông Mai Chí Thọ đã khiến tôi rất ngạc nhiên khi ông trả lời:
- Ông Phạm Xuân Ẩn đã gửi cho chúng tôi chương trình bình định, ấp chiến lược để chúng tôi có thể vạch ra kế hoạch chống lại nhằm đánh bại đối phương.
Tôi hỏi ông Mai Chí Thọ :
- Thế sao ông Phạm Xuân Ẩn không nhận được huân chương về công trạng này?
Ông Mai Chí Thọ mỉm cười và nói:
- Ông Phạm Xuân Ẩn còn lập nhiều thành tích khác nữa và ông đã được thưởng huân chương, nhưng tôi coi đây là quan trọng nhất vì nó có tầm chiến lược.
Hơn hai mươi năm sau, Lansdale vẫn khó tin rằng Phạm Xuân Ẩn đã từng làm việc cho phía bên kia. Năm 1982, Bob Shaplen viết thư cho Lansdale về bài báo của Stanley Karnow xác định rõ ràng cuộc đời hai mặt của Phạm Xuân Ẩn. Lansdale viết thư trả lời nói:
"Tôi không biết cuộc nói chuyện của Karnow về Phạm Xuân Ẩn và (Phạm Ngọc) Thảo. Nhưng tôi sẽ nhận tất cả những gì về Việt Nam với một chút chua chát. Tôi tin rằng các ông đã biết hơn tôi".
Cuối tháng 1/1961, Lansdale trở lại Washington để gặp Tổng thống Kennedy và các cố vấn cao cấp nhất của Tổng thống. Sau khi báo cáo với Tổng thống John F. Kennedy rằng những người Cộng sản coi năm 1961 là năm thắng lợi của họ, Lansdale thúc giục Chính quyền Kennedy ủng hộ Ngô Đình Diệm, như lời ông ta mô tả thì đó là một "cuộc thuyết phục hữu nghị".
Tổng thống Kennedy chấp nhận hầu hết những khuyến nghị của Lansdale, cụ thể là ông duyệt ngay ngân sách 28,4 triệu USD để mở rộng lực lượng quân đội Diệm thêm lên khoảng hai vạn quân và một khoản ngân sách khác 12,5 triệu USD để cải thiện lực lượng phòng vệ dân sự. Bản kế hoạch Chống nổi dậy cho Việt Nam mà Tổng thống Kennedy phê chuẩn giống hệt như bản kế hoạch mà Phạm Xuân Ẩn đã có trong tay. Tháng 5, Phó tổng thống Lyndon Johnson sang thăm miền Nam Việt Nam trong 3 ngày. Ông Lyndon Johnson mô tả Ngô Đình Diệm như là Winston Churchill của Việt Nam, thậm chí có thể so sánh được với cả George Washington, Woodrow Wilson, Andrew Jackson, và Franklin D. Roosevelt. Sau này, nhà báo Stanley Karnow hỏi Lyndon Johnson rằng có đúng ngày đó ông đã nói như vậy không? Lyndon Johnson trả lời:
- Khỉ thật, Diệm là người duy nhất chúng ta có ở đó.
Thuật ngữ "Chiến tranh đặc biệt" có nghĩa là một cuộc chiến tranh kết hợp giữa các biện pháp và hoạt động quân sự trên bộ có sự hỗ trợ của lính dù và chỉ được áp dụng trong cuộc chiến tranh không thông thường, chống nổi dậy, và chiến tranh tâm lý. Như lời Tổng thống Kennedy thì :
"Để thắng được trong cuộc chiến tranh này, các sĩ quan và binh lính của chúng ta phải hiểu và biết kết hợp các biện pháp chính trị, kinh tế, và dân sự với nhau trong khi thực hiện các nỗ lực quân sự nhằm hoàn thành nhiệm vụ này".
Thực thi chiến lược chống nổi dậy, Mỹ phải cung cấp cho quân đội Diệm nhiều cố vấn hơn, nhiều máy bay trực thăng và xe bọc thép hơn để tăng khả năng cơ động trên chiến trường mỗi khi phải đối phó với chiến tranh du kích. Chống nổi dậy bao gồm cả việc coi trọng vai trò huấn luyện các lực lượng của chính quyền Sài Gòn về các chiến thuật mới. Các phần khác của chiến lược chống nổi dậy bao gồm Chương trình ấp chiến lược; Việc sử dụng hoá chất và chất làm rụng lá rải xuống các vùng du kích; Việc thành lập các trại lính đặc nhiệm với vai trò chính là huấn luyện cho lực lượng dặc nhiệm quân đội Sài Gòn.
Tin tưởng rằng những ý tưởng đó là rất cần thiết cho miền Nam Việt Nam, Tổng thống Kennedy đã cử sang Sài Gòn một phái đoàn khảo sát kinh tế do Tiến sĩ Eugene Stanley thuộc Viện nghiên cứu Stanford dẫn đầu. Báo cáo của phái đoàn nhấn mạnh sự tác động không thể tách rời của việc trợ giúp về kinh tế và trợ giúp quân sự đối với an ninh nội địa Nam Việt Nam. Báo cáo xác định Việt Cộng là một kẻ thù "thâm độc, thoắt ẩn thoắt hiện, và có lực lượng dồi dào". Do vậy, cần phải có một "sự huy động toàn diện các nguồn kinh tế, quân sự, tâm lý, và xã hội của miền Nam Việt Nam và sự giúp đỡ mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ".
Phái đoàn của Stanley vừa từ Sài Gòn trở về, Tổng thống Kennedy liền cử tướng Maxwell D. Taylor sang miền Nam Việt Nam với tư cách Đặc phái viên quân sự của Tổng thống. Cùng đi với Taylor có Walt W. Rostow, Chủ tịch Hội đồng Chính sách, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đoàn của Taylor đến Sài Gòn ngày 18/10 làm việc trong một tuần, tập trung vào những vấn đề triển khai quân đội Mỹ sang Việt Nam. "Vừa đến nơi, Taylor và Rostow đã nhận thấy tình hình tồi tệ đúng như họ đã chờ đợi".
Taylor tin rằng đó là "thời kỳ đen tối nhất kể từ đầu năm 1954… Không cần phải phóng đại thì cũng có thể nói được rằng toàn bộ miền Nam Việt Nam đang xấu đi vì tinh thần dân tộc bị suy sụp". Trước tình hình Việt Cộng thời gian qua liên tục giành thắng lợi trong các đợt tấn công, cũng như trong việc thâm nhập, Taylor và phái đoàn của ông nhận thấy cách duy nhất để cứu vãn Ngô Đình Diệm là đưa quân đội Mỹ vào Nam Việt Nam.
Báo cáo cuối cùng của Taylor-Rostow về một kế hoạch toàn diện Việt Nam hoá chiến tranh được trình lên Tổng thống Kennedy ngày 3/11. Mô tả một cuộc khủng hoảng kép về niềm tin trong cả các giải quyết của Mỹ và của Diệm, Taylor thúc đẩy để có một sự cam kết sâu hơn của Mỹ. Taylor kêu gọi triển khai tại đồng bằng sông Cửu Long tám nghìn quân trên bộ, chủ yếu là các kỹ sư và nhân viên hậu cần, cùng một số đơn vị lính chiến để lập căn cứ an ninh. Lực lượng tám nghìn quân này sẽ hoạt động dưới vai trò nguỵ trang là lực lượng cứu trợ bão lụt lớn ở vùng đồng bằng Bông Cửu Long. Tuy nhiên trên thực tế, nó hoạt động như một "biểu tượng có thể nhìn thấy được về sự nghiêm túc của Hoa Kỳ".
Taylor tin rằng những lực lượng quân đội này có thể "được gọi ra tham chiến để tự vệ hoặc để bảo vệ cho những đối tác làm việc của họ, và bảo vệ địa phương nơi họ đóng quân". Taylor dường như không cảm thấy day dứt gì về việc ông ta đang "liều lĩnh ủng hộ một cuộc chiến tranh lớn ở châu Á". Đó là "một món quà", nhưng "không ấn tượng".
Theo cách nhìn của phía Hà Nội, các chuyến thăm cấp cao này đã gây ra sự lo ngại lớn. Tại một ấn phẩm của Cộng sản xuất bản năm 1965 viết:
"Miền nam Việt Nam đã trở thành một bãi thử các chiến thuật chống du kích của quân đội Mỹ, một cuộc chiến tranh thí nghiệm chưa từng có của Hoa Kỳ".
Phạm Xuân Ẩn tiết lộ với tôi rằng tướng Võ Nguyên Giáp lo ngại đến mức, ông phải cử hai phái đoàn ra nước ngoài. Một đoàn sang Mátxcơva để trao đổi với các nhà vạch kế hoạch quân sự Liên Xô về cách chống lại cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ.
Nhưng người Nga chỉ biết mỗi chiến tranh thông thường. Tướng Võ Nguyên Giáp sau đó cử một phái đoàn thứ hai sang gặp các tướng lĩnh Trung Quốc từng có kinh nghiệm chống lại các lực lượng của Liên quân trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Nhưng người Trung Quốc cũng chẳng giúp được gì nhiều. Phạm Xuân Ẩn nói:
- Chính tôi là người đã giúp mọi người hiểu về cuộc chiến tranh kiểu mới của Mỹ. Vì thế mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng phấn khởi. Hai phái đoàn cử ra nước ngoài để thảo luận với các chuyên gia đều thất bại, đến lúc đó tôi mới lập ra chương trình giúp đối phó lại.
Ngày 28/12/1962, Sư đoàn 7 quân đội Việt Nam Cộng hoà đóng quân tại đồng bằng sông Cửu Long nhận được chỉ thị phải bắt giữ được một điện đài của các lực lượng vũ trang quân Giải phóng đang hoạt động gần làng Ấp Bắc. Đài này đang được một đơn vị du kích Việt Cộng khoảng 120 người canh gác bảo vệ đêm ngày. Cố vấn Mỹ cao cấp đang giúp đỡ Sư đoàn 7 quân đội Việt Nam Cộng hoà là John Paul Vann đã sang miền Nam Việt Nam được tám tháng, nhưng chưa chạm trán với đối phương lần nào. John Paul Vann là trung tá lục quân, sau này được coi là một trong những nhân vật huyền thoại trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngày 9/6/1972, John Paul Vann bị thiệt mạng trong một vụ máy bay trực thăng rơi.
Nguồn: “ Điệp viên hoàn hảo” của Giáo sư Larry Berman
Trái Tim người Lính