Bà mẹ bị lẫn (Thấy và ngẫm)

Bà cụ Khả đã 87 tuổi, bị lẫn lung tung rồi, đôi khi con đẻ về mà cụ cũng không nhận ra. Có điều lạ, cụ rất sợ cô con gái đầu, cô lấy chồng đại gia bất động sản nên giàu có lắm, bởi thế Yến là người chu cấp chính cho mẹ. Có điều mỗi lần Yến về thăm mẹ là bà cụ cứ len lén chẳng dám nói gì. Hôm nay cũng vậy, mới đỗ sịch cái oto Satafe to như con trâu ngay trước nhà, vừa bước xuống là Yến đã hét:

- Sao mà mẹ luộm thuộm thế này, cái váy thì phải phơi sau nhà chứ trương chình ình ra cửa thế này à?

- Có sao đâu mà bà la rầy tôi dữ thế? Tôi thấy tiện bà ạ.

- Mà sao cái váy mới con tặng mẹ không mặc, cứ mặc cái cũ rích này để làm xấu mặt con cái thế?

- Cái váy này ông ấy nhà tôi vừa tặng tôi sinh nhật hôm qua mà?

- Bố nào nữa? Bố con chết 15 năm rồi! Mẹ mới kiếm ông khác nữa à?

chulaque3x-1644056506.jpg
Ảnh minh họa sưu tầm từ internet, người và cảnh trong ảnh không liên quan nội dung bài do tác giả cung cấp.

 

Bà thảng thốt:

- Ôi, ông ấy chết rồi à? Vừa mới tặng thơ cho tôi sáng nay mà? Sao không ai báo để tôi đi tang ông ấy thế?

- Lẩm cẩm nặng quá cụ ơi!

Vào đến nhà Yến lại quát:

- Sao mẹ lại dùng cái ấm cổ lỗ sỹ này để đun nước? Con đã vứt vào thùng rác rồi, mẹ lại lấy vào dùng hả? Lẩm cẩm quên, cháy nhà thì sao?

Cô nhanh tay vất luôn cái ấm đun nước bằng nhôm cũ kỹ vào thùng rác. Bà cụ kiên quyết giữ lại, mắt đã rớm lệ:

- Không được vứt đi! Đó là quà ông ấy đi Liên Xô về tặng tôi lúc nãy đấy bà ạ.

- Thế cái ấm siêu tốc con mua cho mẹ đâu?

- Tôi vất đi rồi, cái ấy không phải anh ấy tặng cho tôi, nên tôi vất!

- Trời ạ.

Từ đầu đến cuối là những tiếng quát nạt mẹ của Yến và lời biện hộ yếu ớt chẳng đâu vào đâu của bà cụ Khả.

Thế nhưng ném bịch mấy hộp sữa ngoại trên bàn, nhắn tin cho cô giúp việc đang đi chợ để dặn dò, rồi Yến lại nhoáng nhoàng ra xe lao vút đi công việc.

Chiều, cậu út Đăng mới đến, chưa chống xe bà cụ Khả đã chạy ra đon đả:

- Ôi anh! À… à… mẹ nhầm! Con trai của mẹ về đấy à?

Đăng lại tếu táo trêu mẹ:.

- Chào em yêu! Sao lại đái dầm ra thế này?

Cô giúp việc cuống cuồng đi lấy váy áo để thay cho bà, nhưng Đăng giành lấy việc giặt khăn lau người cho mẹ chu đáo rồi mới thay bộ mới vào. Cô giúp việc cằn nhằn:

- Bỉm cô Yến mua cho, bà nhất định không dùng, nên cứ một lúc lại phải thay quần hay váy.

- Không sao đâu chị ạ, bà cảm thấy thoải mái là được.

Vừa sạch sẽ thơm tho, bà Khả lại cười tươi kể chuyện huyên thuyên về lần đi chơi ăn kem ở Bờ Hồ, đi ăn bánh tôm ở Hồ Tây với người yêu, tức là bố của Đăng. Anh cứ lắng nghe, chốc chốc lại hỏi một chi tiết về câu chuyện mà chính anh đã thuộc lòng rồi, vì đã nghe đến hàng chục lần.

Trúng bữa cơm, tự tay Đăng vừa bón cho mẹ từng thìa, vừa nói chuyện ở công ty mình, nơi mà mẹ không hề biết, song cứ thấy mắt mẹ sáng trưng theo câu chuyện thì anh cứ kể mãi. Cô giúp việc bảo:

- Cậu Đăng rất khéo nên bà ăn ngon lành, ăn được nhiều chứ cô Yến đút là bà không ăn đâu, cứ phun ra phì phì.

Nhưng đó là một sai lầm, bởi nghe đến tên Yến là mắt bà thảng thốt rồi im bặt, không cười đùa với con trai nữa. Dù sao thì mẹ đã ăn xong rồi, nên Đăng yên tâm để về nhà, anh bảo:

- Con phải về để nghỉ một chút rồi còn đi làm ca đêm mẹ ạ!

- Thế à? Khổ con trai mẹ quá!

- Không có gì khổ đâu mẹ ơi, ai cũng phải lao động mới có tiền trang trải chứ!

- Cái bà Yến ấy không giúp cho con được gì à?

- Chị em kiến giả nhất phận, chị ấy giúp chúng con thế là nhiều rồi mẹ ạ.

Cả hai mẹ con cùng thở dài sườn sượt nhưng lý do và ý nghĩ hoàn toàn khác nhau. Bà mẹ thì thương con trai nghèo khổ, vất vả, còn anh thì cố giấu biến những vất vả của mình để mẹ khỏi lo. Đêm nay anh nhận làm tăng ca, để cốt có thêm tiền mua thuốc cho đứa con thứ hai. Hơn thế cúm Tàu (Covid-19) khiến các khách sạn đều đóng cửa, vợ anh nghỉ mất việc từ mấy tháng nay rồi.

Chào mẹ, Đăng cố cười đùa để mẹ vui, nhưng bà Khả lại buồn theo nghĩa khác, bà lại nhầm con trai là chồng mình, bảo:

- Anh đi chân cứng đá mềm nhé! Yên tâm, em sẽ cho bé Yến học hành tử tế, chăm cho cu Đăng hay ăn chóng lớn.

Ôm thân người mẹ chỉ còn bộ xương bọc da, Đăng phải vội quay đi để nước mắt khỏi rơi trước mặt mẹ.

Ngần ngừ một chút, Đăng bảo:

- Tuần sau con nghỉ phép để bố trí lại nhà cửa, rước mẹ về ở nhà con, nhé?

- Thật hả?

- Vâng ạ.

Cô giúp việc định bảo “Sao cậu không dọn về đây ở rộng rãi hơn mà lại tiện chăm bà?”, nhưng cô vội chặn lời mình lại, vì cô Yến đã có lần to tiếng về việc vợ chồng em trai về đây ở.

Ấy là vì căn nhà này vốn là gian nhà tập thể ông bà được phân phối. Thế nhưng dịp bố Đăng ốm, hai ông bà đã mang căn tập thể mới hoá giá này thế chấp lấy tiền chữa bệnh. Chính Yến thu xếp tiền trả ngân hàng để chuộc lại sổ đỏ ngôi nhà. Hơn nữa việc xây dựng lên thành nhà kiên cố hoàn toàn do cô bỏ tiền ra đầu tư. Việc ở đây thì phải rõ ràng về tiền bạc, mà vợ chồng Đăng thì không đủ khả năng trang trải.

Ở thế quá khó, nhưng Đăng đã quyết chí, vì mẹ chẳng còn sống được bao lâu nữa, anh sẽ cố sửa gian nhà tập thể 18 mét vuông của mình để kê được cái giường cho mẹ và người giúp việc.

Bà cụ Khả lại cười tươi, vẫy tay chào con trai:

- Anh đi nhé, nhớ biên thư về cho em!

- Vâng mẹ ạ.

Đăng vội tăng ga cái xe, để mẹ khỏi thấy mình rớm nước mặt. Đầu anh nghĩ miên man:

“Nhất định mình sẽ đưa mẹ về bên nhà mình để được kể chuyện với mẹ hàng ngày, bởi cơ hội được chăm mẹ không còn nhiều”.