Đọc bài thơ "Lời không ghi trong giáo án" nghĩ về nghề dạy học

Bài thơ "Lời không ghi trong giáo án", đã thể hiện được trách nhiệm thiêng liêng của người thầy đối với cuộc đời. Câu chuyện được kể ở đây là chuyện của một người thầy giáo dạy Văn phổ thông, rất yêu Văn và rất tâm huyết với nghề...
giao-vien-tot-1661999414.png
 

 

"Trời mưa bong bóng phập phồng

Mẹ đi lấy chồng con ở với ai? "

Trước mắt tôi một cơn mưa dài không dứt

Một người mẹ ru con tiếng chìm, tiếng nấc

Một cơn mưa nước mắt trong hồn

Tràn lên nỗi cô đơn và lòng thương con của chị.

Cả lớp lặng đi, một em bé nhất

Đôi vay gầy nức nở cứ rung lên

Tôi biết mình không thể giảng gì thêm...

Trong đời dạy học của tôi

Tôi đã nói nhiều về vinh quang của người ngã xuống

Tôi hết lời ngợi ca sự cao cả của người chờ đợi

Nhưng có lẽ chưa bao giờ

Tôi nói về nỗi cô đơn của đứa trẻ

Nỗi nhớ cha và lòng thương mẹ

Cứ chất đầy trên vai nhỏ dường kia.

Và từ phút đó trở đi

Thầm cất lên trong tôi lời gì thiêng liêng trang trọng lắm.

Lời không ghi trong giáo án

Còn cao hơn cả trách nhiệm người thầy...

                                 

                                              Đặng Hiển

                           (Báo Người giáo viên nhân dân, tháng 5/1990)

 

            Bài thơ "Lời không ghi trong giáo án" của thầy giáo Đặng Hiển được đăng trên báo Người giáo viên nhân dân, số ra tháng 5/1990. Bài thơ ra đời trong lúc cả hệ thống giáo dục nước nhà đang từng bước chuyển mình về mọi mặt, nhất là chuyển biến về nội dung, phương pháp dạy học nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Bài thơ "Lời không ghi trong giáo án", đã thể hiện được trách nhiệm thiêng liêng của người thầy đối với cuộc đời. Câu chuyện được kể ở đây là chuyện của một người thầy giáo dạy Văn phổ thông, rất yêu Văn và rất tâm huyết với nghề...

            " Trời mưa bong bóng phập phồng/Mẹ đi lấy chồng con ở với ai...?". Tiết học bắt đầu, thầy mở bài bằng hai câu ca dao quen thuộc nói về thân phận người phụ nữ...Lời thơ, lời bình của thầy mượt mà, lắng đọng, giọng văn của thầy hết sức truyền cảm nên không chỉ lôi cuốn các cô cậu học trò, mà còn giúp các em cảm thông và sẻ chia với cảnh ngộ của người mẹ bất hạnh, tội nghiệp trong câu chuyện. Từ bài giảng trên lớp, người thầy giáo đã tác động đến nhận thức, tình cảm của các em, giúp các em hiểu thêm về thân phận những người phụ nữ lỡ làng, rẻ rúng trong xã hội xưa...

Nếu như giờ dạy Văn hôm ấy chỉ dừng lại ở đó, thì người thầy giáo sẽ rất hạnh phúc, vì bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu sự chuẩn bị kỹ càng của mình đã được đền đáp. Nhưng rồi bất ngờ đã có một tình huống sư phạm  xẩy ra: "... Cả lớp lặng đi, một em bé nhất/Đôi vay gầy nức nở cứ rung lên". Nghe thầy đọc thơ, bình thơ, dưới lớp có một em học sinh đã bật khóc "nức nở". Có lẽ bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu tủi hờn, bao nhiêu nỗi cô đơn kìm nén bấy lâu, đến giờ phút này em mới "nức nở" thành lời. Bởi vì câu chuyện trong bài ca dao thầy giảng lại rất giống với hoàn cảnh đáng thương của chính cuộc đời em.

Lời "nức nở" của em học sinh tội nghiệp ấy đã kéo người thầy dạy Văn trở lại với thực tại cuộc đời: "Trong đời dạy học của tôi/Tôi đã nói nhiều về vinh quang của những ngưòi ngã xuống/Tôi hết lời ngợi ca sự cao cả của người chờ đợi/Nhưng có lẽ chưa bao giờ/Tôi nói về nỗi cô đơn của đứa trẻ". Vốn yêu nghề, tấm huyết với văn chương, ngày đêm người thầy ấy đã dồn gần như tất cả sức lực, trí tuệ và tình yêu cho từng trang giáo án. Và thầy cho đó là hạnh phúc, là thành công mỹ mãn.

Vì đâu, một thầy giáo dạy Văn đầy kinh nghiệm lại rơi vào một tình huống sư phạm thật "trớ trêu" như vậy? Bởi vì từ trước đến giờ, thầy vẫn vốn quen dạy Văn và bắt các em học sinh tư duy văn chương theo kiểu "một chiều" - thầy giảng, trò chép, đến khi kiểm tra, làm bài, thì trò chỉ việc chép lại những gì thầy đã "nhả ngọc phun châu", rồi trả lại cho thầy. Nếu như cái giờ Văn hôm ấy, sau khi đọc thơ và bình thơ, người thầy giáo cho học sinh phát biểu ý kiến, bày tỏ cảm xúc của mình, thì chắc rằng, có em sẽ phát hiện ra trong bài ca dao, ngoài nỗi đau của người mẹ lỡ làng, còn có một nỗi đau khác gấp bội phần, một thân phận khác rất đáng thương, đó là một đứa con xa mẹ, một đứa trẻ bơ vơ, tội nghiệp khi mẹ phải "đi bước nữa",  mà  trong bài giảng thầy đã bỏ quên.

Bởi vì trong dạy Văn nói riêng và dạy học nói chung, người thầy giáo không được phép áp đặt hoàn toàn những suy nghĩ, tư duy, hiểu biết của bản thân mình cho học sinh, mà phải thường xuyên quan tâm hơn và biết lắng nghe tiếng lòng, sự cảm nhận và suy nghĩ của các em, cũng như luôn động viên, khuyến khích các em tư duy, sáng tạo đa chiều, để cùng thầy phát hiện ra những điều lý thú của mỗi bài học. Dạy và học như thế mới thực sự đổi mới, hiệu quả và thành công mỹ mãn.

            "Và từ phút đó trở đi/ Thầm cất lên trong tôi lời gì thiêng liêng trang trọng lắm/Lời không ghi trong giáo án/Còn cao hơn cả trách nhiệm người thầy...". Vâng, nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ, dạy người cho cho học sinh, mà mỗi ngôi trường, mỗi lớp học còn là những tổ ấm thực sự để chở che, giúp đỡ các em  vươn lên trong cuộc đời. Trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, ngoài thiên chức "làm thầy", có lúc người thầy giáo còn là một người bố, người mẹ, người chị, người anh và người bạn tin cậy của các em. Ta phải biết quan tâm đến hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của từng em học sinh mà ta dạy dỗ, ta gắn bó hàng ngày. Đó là "lời không ghi trong giáo án" nhưng chính là điều thiêng liêng, cao cả nhất, mà những ai làm nghề dạy học phải luôn khắc ghi trong trái tim mình.

            Phải không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, phải thực sự lấy học sinh làm trung tâm; không chỉ làm tốt công việc dạy chữ, dạy người, người thầy giáo còn có một thiên chức khác thiêng liêng, cao cả hơn, đó là phải biết đồng cảm, sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn của các em học sinh trong cuộc sống.  

Những năm tháng ấy và cả cho đến bây giờ, khi nền giáo dục của nước nhà đang chấn hưng và đổi mới từng ngày, thì những lời tâm sự của người thầy giáo dạy Văn, nhà thơ Đặng Hiển vẫn còn có ý nghĩa là một tiếng chuông cảnh tỉnh, một lời tâm tình nghề nghiệp tác động mạnh vào nhận thức và tình cảm của những ai làm nghề dạy học, giúp mỗi người vượt qua những khó khăn trở ngại để vươn lêm làm tròn trách nhiệm thiêng liêng, cao cả của mình: làm nghề dạy học.